QPTD -Thứ Hai, 06/03/2017, 16:01 (GMT+7)
Tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên

Trong những năm qua, công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên đã đạt được thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi phải tăng cường chỉ đạo công tác này theo đúng định hướng trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về Dự bị động viên do Bộ Quốc phòng tổ chức sáng 27-12-2016. (Ảnh: TTXVN)

Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”1. Luật Quốc phòng năm 2005 quy định Quân đội nhân dân “bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên”.

Thời gian qua, tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đứng trước cả thuận lợi và thách thức đan xen, các thế lực thù địch tăng cường chống phá, v.v. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình xây dựng đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tiềm lực kinh tế, uy tín, vị thế quốc tế của nước ta ngày càng cao. Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được nâng lên một bước; nhận thức và trách nhiệm của cán bộ ở các cấp, các ngành và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng có chuyển biến tích cực; chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang ngày càng được nâng cao; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân từng bước được tăng cường. Nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên được quan tâm và đạt được kết quả quan trọng. Đây là thành tựu hết sức to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự tham mưu sát, đúng của cơ quan quân sự các cấp, các cơ quan, đơn vị đã làm tốt việc tuyên truyền, quán triệt Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, vận dụng đúng đắn, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với nhiệm vụ này luôn chặt chẽ, đồng bộ; hiệu lực quản lý nhà nước về quốc phòng được tăng cường, nhận thức và vai trò, trách nhiệm của cán bộ các cấp, các ngành có chuyển biến tích cực, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và toàn dân, nên công tác quốc phòng, quân sự địa phương đạt được kết quả khá toàn diện; trong đó, có nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên. Việc triển khai, tổ chức thực hiện đăng ký, quản lý nắm chắc nguồn động viên ở các cấp, trọng tâm là cấp huyện, cấp xã; có nhiều biện pháp tạo nguồn; kế hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng dự bị động viên được xây dựng thống nhất ở các cấp. Đến nay, toàn quân đã sắp xếp đủ các đầu mối tổ chức đơn vị dự bị động viên; thực hiện chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên hằng năm đạt được yêu cầu đề ra và cơ bản bảo đảm chỉ tiêu được giao, góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, quá trình xây dựng lực lượng dự bị động viên ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn có mặt hạn chế cần khắc phục. Đó là, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên chưa được quan tâm đúng mức; triển khai đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật chưa hiệu quả; trách nhiệm quản lý lực lượng dự bị động viên của các địa phương giao nguồn và các đơn vị quân đội chưa thường xuyên; việc nắm tình hình biến động của quân nhân dự bị chưa kịp thời. Công tác phối hợp giữa địa phương cung cấp nguồn với đơn vị nhận nguồn trong đào tạo sĩ quan dự bị, hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế, chưa có kế hoạch tổng thể nhu cầu kết hợp chỉ tiêu đào tạo; cơ sở vật chất, trang bị, kinh phí bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ động viên còn thiếu, v.v.

Trong những năm tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đan xen cả thời cơ thuận lợi và thách thức. Vì thế, công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới đòi hỏi các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng lực lượng dự bị động viên. Trước hết, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp tiếp tục quán triệt tới các cấp, các ngành, các đối tượng và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên theo các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư (Chỉ thị 16-CT/TW, ngày 05-02-2002; Kết luận 41-KL/TW, ngày 31-3-2009) cùng các hướng dẫn, chương trình hành động của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới. Quá trình thực hiện cần nghiên cứu, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Qua tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Dự án Luật lực lượng dự bị động viên vào năm 2018.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị quân đội đối với nhiệm vụ quan trọng này. Trong đó, cần tiếp tục coi việc xây dựng lực lượng dự bị động viên là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể cùng toàn dân, với vai trò trung tâm tham mưu của cơ quan quân sự.

3. Thường xuyên làm tốt việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc nghị quyết của cấp mình về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự hằng năm. Trong lãnh đạo, điều hành chú trọng xây dựng hệ thống kế hoạch và thực hiện kế hoạch, kiểm tra, đánh giá kết quả, khắc phục kịp thời những thiếu sót, tồn tại. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; trong đó, cần tập trung chuẩn bị tốt mọi điều kiện để sẵn sàng huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên khi có lệnh. Tiếp tục tăng cường củng cố về tổ chức, xây dựng đơn vị khung thường trực vững mạnh toàn diện, phù hợp với tình hình mới, gắn với đề án tổ chức quân đội đến năm 2021 và những năm tiếp theo.

4. Tăng cường chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng các đơn vị dự bị động viên theo đúng Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, nhất là phải bảo đảm đủ chỉ tiêu quân nhân dự bị được giao; được quản lý, giáo dục, huấn luyện chặt chẽ, có trình độ chiến đấu cao; luôn sẵn sàng động viên tăng cường cho lực lượng thường trực của Quân đội với thời gian nhanh nhất, bảo đảm bí mật, an toàn. Xây dựng các đơn vị dự bị động viên phù hợp với Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, tác chiến theo từng hướng chiến trường, khu vực phòng thủ. Xây dựng lực lượng dự bị động viên phù hợp với số lượng, chất lượng nguồn và khả năng tạo nguồn động viên của các địa phương. Gắn nhiệm vụ xây dựng các đơn vị dự bị động viên với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc cũng như với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân.

5. Chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo sĩ quan dự bị, huấn luyện quân nhân dự bị và đơn vị dự bị động viên, trọng tâm là huấn luyện đội ngũ cán bộ khung B từ tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng và tương đương trở lên. Từng bước chuẩn hóa chương trình, nội dung huấn luyện cho các đối tượng theo hướng: “cơ bản, thiết thực, hiệu quả”. Ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư xây dựng doanh trại, thao trường huấn luyện cho các đơn vị khung thường trực, cơ quan quân sự cấp tỉnh, huyện và các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, huấn luyện dự bị động viên các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và Bộ đội Biên phòng. Tăng cường công tác kiểm tra sẵn sàng động viên, huấn luyện, diễn tập, huy động lực lượng dự bị động viên từ cấp tiểu đoàn đến cấp trung đoàn.

6. Lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chính trị, cán bộ chính trị thực hiện tốt nền nếp chế độ công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; kiện toàn tổ chức lãnh đạo, chỉ huy trong các đơn vị dự bị động viên; chăm lo xây dựng khung thường trực và các đơn vị dự bị động viên vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, thực sự là nòng cốt bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân trong mọi tình huống; làm tốt công tác chính sách hậu phương Quân đội. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm Quy chế giáo dục chính trị, triển khai có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; cấp ủy các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, phát huy tốt vai trò lãnh đạo; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt phù hợp với loại hình tổ chức đảng ở đơn vị khung thường trực; thực hiện phương châm: xây dựng đơn vị dự bị động viên cấp đại đội có chi bộ, cấp tiểu đoàn có đảng ủy. Trong huấn luyện tập trung, hằng năm các đơn vị dự bị động viên đều lâm thời thành lập các tổ chức đảng, đoàn, quần chúng để sinh hoạt, học tập theo đúng quy định. Kiện toàn, sắp xếp, quy hoạch cán bộ đúng quy trình (cả thường trực và dự bị) phù hợp tổ chức, biên chế và nhiệm vụ của đơn vị. Các đơn vị khung thường trực thường xuyên kiện toàn các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân; hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vai trò, vị trí, ý nghĩa công tác dân vận, công tác bảo vệ an ninh, công tác chính sách hậu phương Quân đội; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phòng, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.

7. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị quân đội thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần, quân y, tài chính; trong đó, hệ thống kế hoạch bảo đảm hậu cần cho xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng dự bị động viên phải thường xuyên được kiện toàn, bổ sung, hoàn thiện. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời, ngày càng tốt hơn các tiêu chuẩn hậu cần cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, nhất là bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn, quân trang; doanh trại, doanh cụ, điện, nước; quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng hạn mức xăng dầu; sử dụng phương tiện của đơn vị, kết hợp với huy động, thuê phương tiện vận chuyển lực lượng, vật chất hậu cần, bảo đảm cho xây dựng, kiểm tra, huấn luyện, diễn tập lực lượng dự bị động viên đúng quy định, an toàn. Thực hiện kiểm tra sức khỏe, khám sức khỏe cho quân nhân dự bị theo đúng quy định của pháp luật.

8. Tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật trong xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên. Trên cơ sở tổ chức, biên chế ngành kỹ thuật, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan kỹ thuật bảo đảm đáp ứng đầy đủ về số lượng, chất lượng và đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị, địa phương tổ chức huấn luyện, diễn tập đơn vị dự bị động viên. Duy trì thực hiện và chấp hành nghiêm chế độ, nền nếp công tác kỹ thuật, bảo đảm hệ số kỹ thuật của từng loại vũ khí, trang bị theo quy định; quản lý chặt chẽ vũ khí, trang bị kỹ thuật và đạn dược, tiếp nhận, cấp phát đúng quy định; bảo quản, bảo dưỡng đúng quy định; tăng cường kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập đơn vị dự bị động viên.

Trung tướng PHAN VĂN GIANG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

_______________

1 - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2014, tr. 31.

Ý kiến bạn đọc (0)

Khai mạc Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11
Sáng 13/9, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11 đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Diễn đàn và có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể 1 với chủ đề “Hợp tác an ninh và sự phồn vinh, ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.