Thứ Bảy, 14/09/2024, 08:42 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn
Không ngừng nâng cao năng lực công nghệ thông tin trong Quân đội là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì thế, cùng với đẩy mạnh các mặt công tác khác, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về tăng cường ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu đã bám sát thực tiễn, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị toàn quân thực hiện quyết liệt, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm đẩy mạnh công tác này trong các hoạt động quân sự, quốc phòng. Nhờ đó, ngành Công nghệ thông tin Quân đội đã có bước phát triển đột phá cả về bề rộng, chiều sâu và đạt được kết quả khá toàn diện. Nổi bật là, hệ thống văn bản pháp luật về công nghệ thông tin từng bước được bổ sung, hoàn thiện, chuẩn hóa, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, nhất là mạng máy tính quân sự tiếp tục được mở rộng, kết nối từ cơ quan chiến lược, chiến dịch đến các đơn vị trong toàn quân. Nhiều đề án, dự án công nghệ thông tin, nhất là phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung1 phục vụ quản lý, chỉ huy, điều hành được thiết kế và đưa vào sử dụng, tạo chuyển biến mới trong tư duy và hoạt động của từng cơ quan, đơn vị. Công tác tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin được chú trọng, nhất là việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức công nghệ mới cho các đối tượng. Đặc biệt, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng có nhiều chuyển biến tích cực, việc giám định, kiểm tra tiêu chuẩn an ninh, kỹ thuật các thiết bị, phương tiện chuyên ngành (phần cứng, phần mềm) được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình trước khi đưa vào sử dụng2, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống tự động hóa chỉ huy và các trang bị, thiết bị quân sự, v.v. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tích cực, chủ động ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, nắm bắt thông tin tình báo, huấn luyện, đào tạo, diễn tập, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu khoa học,… để không chỉ rút ngắn thời gian, thủ tục làm việc, tiết kiệm ngân sách, mà còn đạt hiệu suất công tác cao. Bước đầu đã nghiên cứu, chế tạo được một số sản phẩm công nghệ thông tin chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần nâng cao năng lực công nghệ thông tin của Quân đội, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, v.v. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế, đó là: nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, nhất là lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị về vai trò, vị trí của công nghệ thông tin chưa đầy đủ, việc quán triệt và thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng chưa sâu, hiệu quả còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này của cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị chậm đổi mới, thiếu quyết tâm. Tính chủ động cập nhật, ứng dụng các phiên bản công nghệ mới vào xây dựng, nâng cấp phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chưa kịp thời nên việc trao đổi thông tin, dữ liệu gặp nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin còn thiếu, nhất là các chuyên gia đầu ngành về phần mềm quản lý an toàn thông tin mạng. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin mặc dù đã được đầu tư, nhưng còn thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.
Thời gian tới, trước sự phát triển và tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư cùng các mối đe dọa về an toàn, an ninh trên không gian mạng, đòi hỏi Quân đội phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, cần vận dụng sáng tạo nhiều giải pháp phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của Quân đội; kết hợp tận dụng thành tựu do khoa học kỹ thuật mang lại với phát huy nội lực, thực hiện “đi tắt, đón đầu”, nhằm tăng cường tiềm lực, sức mạnh công nghệ thông tin quốc phòng; trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho ngành Công nghệ thông tin Quân đội phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả thiết thực. Để thực hiện tốt nội dung này, các cơ quan, đơn vị phải tổ chức quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về lĩnh vực này, trọng tâm là Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 01-7-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”; Chương trình hành động 506-CTr/QU của Quân ủy Trung ương và Quyết định 101/QĐ-BQP, ngày 11-01-2017 của Bộ Quốc phòng về ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị cụ thể hóa thành nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của cấp mình theo từng năm, giai đoạn, bảo đảm tính toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm và có tính khả thi cao. Trong đó, nội dung cần tập trung vào những vấn đề thực tiễn đặt ra, như: bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; phòng, chống chiến tranh thông tin, điện tử, mạng; nâng cấp các phần mềm cơ sở dữ liệu; ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực hoạt động quân sự, quốc phòng,… để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả. Quá trình thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy với phát huy vai trò trách nhiệm của người chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng phát huy vai trò trách nhiệm của hệ thống chỉ huy các cấp, nhất là cán bộ chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; gắn kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ này với kết quả ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động quân sự, quốc phòng. Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 36 và các chương trình, kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; đồng thời, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến, thành tích trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong Quân đội theo hướng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Thông qua giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công nghệ thông tin đối với hoạt động quân sự, quốc phòng, tính ưu việt, vượt trội về năng suất, hiệu quả công việc mà công nghệ mới mang lại so với các thế hệ công nghệ trước đây; đồng thời cũng chỉ rõ cả những tác động, mặt trái đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng để từ đó có nhận thức đầy đủ và nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hành ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong cơ quan, đơn vị.
Hai là, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ thông tin trong hoạt động quân sự, quốc phòng. Đây là vấn đề có tính quan trọng, có tính động lực để nâng cao năng lực công nghệ thông tin của Quân đội trong tình hình mới. Đó còn là cơ sở để các cơ quan, đơn vị hoạch định kiến trúc tổng thể, hệ thống, lộ trình, kế hoạch công nghệ thông tin trên cơ sở áp dụng những thành tựu công nghệ mới nhất, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Để công tác này đạt hiệu quả thiết thực, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn quân. Nội dung ứng dụng toàn diện, rộng rãi trong các lĩnh vực hoạt động quân sự, quốc phòng, trong đó tập trung ưu tiên những lĩnh vực quan trọng, đơn vị chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu trong các môi trường (bộ, không, biển, vũ trụ và không gian mạng). Đối với lĩnh vực chỉ huy - tham mưu tác chiến, huấn luyện, tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong các hệ thống chỉ huy, điều hành, quản lý lực lượng vũ trang; thu thập thông tin tình báo; tăng cường khả năng làm chủ hệ thống điều khiển vũ khí, trang bị, phương tiện hiện đại, lấy việc đánh thắng chiến tranh thông tin, điện tử và chiến tranh mạng của đối phương làm mục tiêu cao nhất để nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, xây dựng lực lượng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mô phỏng phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập để tiết kiệm thời gian, ngân sách, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đối với lĩnh vực kỹ thuật quân sự, chú trọng đầu tư, xây dựng, đưa vào ứng dụng các phần mềm dùng chung, chuyên ngành để phát huy năng lực hệ thống mạng máy tính quân sự. Tích cực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến, số hóa, thông minh hóa, hiện đại hóa vũ khí, trang bị, kỹ thuật quân sự; đi sâu nghiên cứu khai thác, làm chủ hệ thống điều khiển vũ khí, trang bị, kỹ thuật công nghệ cao. Coi trọng việc mở rộng, nâng cấp các trung tâm dữ liệu của Bộ Quốc phòng trên không gian mạng; xây dựng các dịch vụ công cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhất là bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin các giải pháp liên thông, trao đổi dữ liệu với các ban, bộ, ngành trong nước và quốc tế, thực hiện mục đích hiện đại hóa Quân đội, phát triển Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, cải cách hành chính, đối ngoại, hợp tác quốc phòng,… bảo đảm yêu cầu kịp thời và giữ được bí mật, an toàn thông tin. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực: công tác đảng, công tác chính trị, hậu cần, tài chính, công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu khoa học, v.v. Đồng thời, chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ công tác ngành Công nghệ thông tin, góp phần xây dựng, gìn giữ và thu hút nhân tài công nghệ thông tin phục vụ lâu dài trong Quân đội.
Ba là, chú trọng nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong Quân đội. Hiện nay, khả năng sử dụng, khai thác, làm chủ công nghệ thông tin ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Cùng với đó là sự chống phá mạnh mẽ của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là các thủ đoạn sử dụng kỹ thuật công nghệ cao để đánh cắp thông tin bí mật quân sự, bí mật quốc gia, tuyên truyền kích động, nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Trước tình hình trên, các cơ quan, đơn vị phải vừa nâng cao trình độ quản lý, sử dụng, khai thác, làm chủ các trang bị, phương tiện công nghệ thông tin cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng chuyên trách, vừa đẩy mạnh nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo mật an toàn thông tin cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp, chú trọng bảo đảm cho cấp chiến lược, chiến dịch. Trước mắt, cần tập trung mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng mạng nội bộ phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tăng cường tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố mạng máy tính quân sự, phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan tham gia diễn tập điều phối ứng cứu sự cố máy tính, mạng máy tính quốc gia. Đặc biệt là, chủ động xây dựng phương án, tổ chức diễn tập đối kháng thông tin, điện tử, mạng, nhằm nâng cao trình độ chỉ huy, xử lý tình huống công nghệ thông tin của hệ thống chỉ huy, cơ quan, đơn vị công nghệ thông tin toàn quân và khả năng phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng công nghệ thông tin chuyên trách với lực lượng sử dụng phương tiện, trang bị công nghệ thông tin trong toàn quân. Tiếp tục nghiên cứu, phát triển, vận dụng mọi biện pháp nghiệp vụ công nghệ thông tin bảo đảm cho hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều khiển hỏa lực, các trang bị, thiết bị, phương tiện, vũ khí hiện đại hoạt động an toàn, phát huy hiệu quả trong điều kiện địch kết hợp sử dụng vũ khí công nghệ cao với tiến hành chiến tranh thông tin, điện tử và chiến tranh mạng. Chú trọng duy trì nghiêm chế độ kiểm tra an ninh, an toàn cho các trang bị, thiết bị công nghệ thông tin trong cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ cơ mật, trọng yếu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội, nhằm kịp thời phát hiện những lỗ hổng bảo mật, phần mềm độc hại, v.v. Trên cơ sở đó, triển khai các biện pháp khắc phục. Tổ chức cung cấp chứng thư số và sử dụng chữ ký số trong trao đổi thông tin điện tử trên môi trường mạng của các cơ quan, đơn vị Quân đội.
Cùng với đó, Quân đội tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin quân sự theo hướng: “Toàn diện, tập trung, trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, vững chắc”, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, xử lý các tình huống, nhất là tình huống tác chiến của hệ thống lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân. Ưu tiên những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, cơ quan chiến lược trọng yếu, hệ thống cơ quan báo chí, tuyên truyền của Quân đội và các đơn vị tác chiến, đơn vị sẵn sàng chiến đấu tại những địa bàn chiến lược, quan trọng. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; phát triển mạng máy tính quân sự, mạng nội bộ tới các cơ quan, đơn vị, nhằm phục vụ tự động hóa chỉ huy và công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng ngân sách thực hiện các chương trình, mục tiêu tổng thể nâng cao tiềm lực, khả năng bảo đảm kỹ thuật công nghệ thông tin cho các nhiệm vụ quân sự đặc thù, nhất là hệ thống vệ tinh vinasat, thiết bị đầu cuối,… tạo cơ sở nền tảng để đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thượng tướng NGUYỄN PHƯƠNG NAM, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
_______________
1 - Năm 2017, triển khai ứng dụng dùng chung cho 17 đầu mối, 08 dự án, 13 nhiệm vụ công nghệ thông tin.
2 - Năm 2017, kiểm tra an ninh, an toàn thông tin cho 30.412 trang bị, hướng dẫn 89 cơ quan, đơn vị phòng ngừa, ngăn chặn sự tấn công của mã độc Wanna Cry, v.v.
công nghệ thông tin,Quân đội
Tuyên bố chung Việt Nam - Lào 13/09/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Cần tư duy mới, cách làm mới cho tương lai thế giới 13/09/2024
Thi đua Quyết thắng – Động lực to lớn để Binh đoàn 15 hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sản xuất, kinh doanh 13/09/2024
Khai mạc Hội nghị trao đổi ý kiến giữa Tạp chí Quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên trên địa bàn Quân khu 5 13/09/2024
Khai mạc Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11 13/09/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở tại Yên Bái 12/09/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão lũ tại Hà Giang 12/09/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ khai giảng tại Học viện Quốc phòng 12/09/2024
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 23 nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 12/09/2024
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang hội đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin 12/09/2024
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong Quân đội
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại tướng Phan Văn Giang kiểm tra, chúc mừng Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 12
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì Hội nghị giao ban Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tháng 8/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Bộ trưởng Phan Văn Giang làm việc với Bộ Tổng Tham mưu về một số nội dung quy hoạch
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến vào các văn kiện
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh