Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 11/05/2017, 07:46 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội

Tuyển sinh quân sự là khâu đầu tiên trong quy trình đào tạo của các học viện, nhà trường quân đội, có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, xây dựng Quân đội cả trước mắt và lâu dài.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, công tác tuyển sinh quân sự luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát sao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự hướng dẫn thực hiện thống nhất của các cơ quan chức năng và sự vào cuộc của các đơn vị, nhà trường quân đội, cũng như các bộ, ngành, địa phương có liên quan, v.v. Nhờ đó, “khâu đầu tiên” quan trọng này luôn được thực hiện đúng định hướng, nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, dân chủ, theo quy chế, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục, đào tạo và trước yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, công tác tuyển sinh quân sự đã có nhiều đổi mới, phù hợp với đặc thù quân sự, hòa nhập với hệ thống giáo dục quốc dân; chất lượng “đầu vào” ngày càng được nâng cao. Hầu hết các trường quân đội có điểm chuẩn trúng tuyển ổn định ở mức cao, tương đương với các trường khoảng giữa, khoảng đầu của cả nước. Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng chủ động cân đối chỉ tiêu tuyển sinh theo 2 khu vực (phía Bắc và phía Nam), góp phần thực hiện tốt việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng, v.v.

Kết quả đạt được trong công tác tuyển sinh quân sự những năm qua rất đáng khích lệ, góp phần tích cực vào công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế, nhất là trong tuyên truyền, hướng nghiệp quân sự, tổ chức sơ tuyển ở các địa phương, đơn vị. Việc tuyên truyền, hướng nghiệp quân sự ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn ít; nội dung, hình thức chưa phong phú, đa dạng. Công tác sơ tuyển có nơi tiến hành chưa kỹ, dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung hồ sơ nhiều lần. Tình trạng thí sinh đủ điểm trúng tuyển nhưng bị loại do không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe chưa được khắc phục triệt để, v.v.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra những yêu cầu cao đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật - lực lượng rường cột của Quân đội nói riêng. Để góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, với vị trí là khâu đầu tiên giúp tuyển chọn nguồn “đầu vào”, công tác tuyển sinh quân sự phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, đảm bảo ngày càng chính quy, chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Trước hết, chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự phối hợp, hiệp đồng của các cơ quan, địa phương, đơn vị trong thực hiện công tác tuyển sinh quân sự. Xuất phát từ vai trò của công tác tuyển sinh quân sự đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, cấp ủy, người chỉ huy các đơn vị trong toàn quân cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với công tác quan trọng này. Về nhận thức, phải xác định rõ đây là một nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nội dung trọng tâm trong công tác quân sự, quốc phòng hằng năm ở địa phương. Trên cơ sở đó, chủ động xây dựng kế hoạch, phân công thực hiện; trong đó, coi trọng kiện toàn, phát huy vai trò của ban tuyển sinh quân sự các cấp trong việc tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Cục Nhà trường - Cơ quan Thường trực của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, đẩy mạnh nghiên cứu, rà soát để tham mưu với Bộ sửa đổi, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về công tác tuyển sinh quân sự phù hợp với đặc thù Quân đội và những thay đổi về quy chế, quy định của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh quân sự. Các quân khu, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban tuyển sinh quân sự các cấp trực thuộc, nhất là ban tuyển sinh quân sự cấp huyện, đơn vị cấp trung đoàn và ở các nhà trường thực hiện nghiêm các quy định, thông tư, hướng dẫn về công tác tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng. Công tác tuyển sinh quân sự liên quan đến nhiều cấp, nhiều đối tượng, trên phạm vi cả nước; vì vậy, quá trình thực hiện, cần làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng, đảm bảo thống nhất, chặt chẽ; huy động sự chung tay vào cuộc của hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, cơ sở, nhất là trong tuyên truyền, giáo dục và tham gia các bước của quy trình tuyển sinh quân sự.

Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng tư vấn cho học sinh
Trường Trung học phổ thông Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: qdnd.vn)

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp quân sự để thu hút tài năng trẻ vào học tại các học viện, nhà trường quân đội. Như đã đề cập ở trên, đây vẫn là khâu yếu của những năm gần đây. Để thực hiện tốt vấn đề này, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng nghiệp quân sự bằng đa dạng hình thức, biện pháp, phù hợp với đặc điểm địa bàn. Qua đó, giúp thí sinh, gia đình và xã hội nắm được thông tin liên quan đến tuyển sinh vào các trường quân đội, tạo sự đồng thuận và hỗ trợ của dư luận trong quá trình tổ chức thực hiện. Ban tuyển sinh quân sự cấp huyện tiếp tục thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, cử cán bộ về các trường trung học phổ thông để thông tin, tư vấn cho học sinh. Đối với các học viện, nhà trường, tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyên truyền, làm đĩa hình, phim tài liệu giới thiệu về trường, ngành nghề đào tạo, chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước và Quân đội trong đào tạo, sử dụng cán bộ khi tốt nghiệp ra trường,... gửi ban tuyển sinh quân sự các đơn vị, địa phương để phối hợp tuyên truyền. Mặt khác, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác tuyển sinh trên trang điện tử, website của trường, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố, Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng; có kế hoạch tham gia “Ngày hội tư vấn tuyển sinh” hằng năm, nhằm tuyên truyền, quảng bá thương hiệu của trường, thu hút thí sinh đăng ký sơ tuyển, xét tuyển. Đặc biệt, để tạo đột phá trong xây dựng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao, các nhà trường hết sức coi trọng tuyên truyền, thu hút số thí sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, học sinh tài năng ở các trường trung học phổ thông, có đủ điều kiện về chính trị, sức khỏe tham gia đăng ký xét tuyển hoặc tuyển thẳng vào đào tạo. Về lâu dài, Bộ Quốc phòng cần chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng nội dung, chương trình tổng thể về tuyên truyền, hướng nghiệp quân sự; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa nội dung hướng nghiệp quân sự vào nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong các nhà trường, để việc tuyên truyền đi vào chiều sâu, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh quân sự.

Ba là, làm tốt công tác sơ tuyển, xét tuyển, kiên quyết không để lọt những thí sinh không đủ tiêu chuẩn theo quy định vào Quân đội. Đây là nội dung quan trọng, quyết định đến kết quả và chất lượng tuyển sinh. Do tính chất đặc thù của lĩnh vực quân sự, các thí sinh bắt buộc phải qua bước sơ tuyển. Theo nhiệm vụ được phân công, ban tuyển sinh quân sự cấp huyện, đơn vị cấp trung đoàn và các học viện, nhà trường cần phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt công tác sơ tuyển, xét duyệt hồ sơ theo quy định. Quá trình thực hiện phải đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, tránh xem nhẹ, hình thức, nhất là việc khám tuyển sức khỏe, xác minh lý lịch thí sinh, kiên quyết không để các trường hợp không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, lý lịch chính trị dự tuyển vào các trường quân đội. Thực tiễn tuyển sinh quân sự thời gian qua cho thấy, các trường hợp thí sinh đủ điểm trúng tuyển nhưng khi nhập học bị loại chủ yếu do không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quân sự cấp huyện cần chủ động phối hợp với địa phương tổ chức khám tuyển sức khỏe chặt chẽ, theo đúng các thông tư của liên Bộ Y tế - Quốc phòng; trong đó, chú trọng làm tốt việc tập huấn chuyên môn, ưu tiên nhân lực, trang bị, thiết bị y tế, nhằm phục vụ tốt nhất công tác khám sức khỏe tuyển sinh quân sự. Các học viện, nhà trường quân đội chỉ tiếp nhận hồ sơ xét tuyển đối với những thí sinh đã qua sơ tuyển và có đủ tiêu chuẩn.

Hiện nay, các nhà trường quân đội đều sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển. Để nâng cao chất lượng tuyển sinh, đảm bảo yêu cầu tuyển chọn theo địa chỉ sử dụng, đào tạo gắn với quy hoạch đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng cần chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ khâu xét tuyển, xác định điểm chuẩn đầu vào của các trường quân đội. Mọi thông tin về tiêu chí xét tuyển, điểm chuẩn đầu vào của các học viện, nhà trường phải được công khai, tạo điều kiện cho thí sinh và cộng đồng xã hội tham gia giám sát, không để xảy ra sai sót hoặc nảy sinh tiêu cực. Các học viện, nhà trường cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng có hiệu quả phần mềm tuyển sinh quân sự, nâng cao tính chính xác, kịp thời trong xét tuyển, hạn chế tỷ lệ đăng ký dự tuyển ảo, đảm bảo chất lượng tuyển sinh cũng như quyền lợi chính đáng của thí sinh. Bên cạnh đó, các nhà trường, đơn vị, địa phương cần phối hợp thực hiện tốt chế độ cử tuyển, xét tuyển thẳng, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định. Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, có chính sách phù hợp nhằm thu hút, tuyển thẳng tài năng trẻ vào đào tạo và ưu tiên trong xét tuyển, cử tuyển đối với thí sinh thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh quân sự. Xuất phát từ yêu cầu cao và tính chất phức tạp, nhạy cảm của công tác tuyển sinh quân sự, hơn bao giờ hết, phải chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình tuyển sinh, từ sơ tuyển, xét duyệt hồ sơ đăng ký dự thi, đến xét tuyển, gọi thí sinh nhập học,... đảm bảo tất cả các khâu, bước trong quy trình tuyển sinh được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất, đúng quy chế, quy định. Đặc biệt, sau kỳ tuyển sinh, các học viện, nhà trường quân đội phải tổ chức tốt công tác hậu kiểm kết quả tuyển sinh của thí sinh đã trúng tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của Bộ Quốc phòng, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Thời gian tới, cùng với tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng và Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, các học viện, nhà trường cần phát huy hơn nữa vai trò trong việc tự thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Bộ Quốc phòng về chất lượng tuyển sinh của trường mình. Đi liền với đó, tiếp tục đẩy mạnh dân chủ, công khai trong tuyển sinh quân sự, tạo cơ sở phát huy vai trò của xã hội trong việc tham gia giám sát, góp phần nâng cao chất lượng công tác quan trọng này, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng PHẠM HỒNG HƯƠNG, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước