Thứ Bảy, 21/09/2024, 09:45 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Phát huy kết quả đã đạt được, toàn quân, trong đó nòng cốt là ngành Hậu cần tiếp tục nắm vững tình hình, chủ động triển khai đồng bộ các nội dung, biện pháp, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2017.
Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự nỗ lực của toàn quân, công tác hậu cần quân đội tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng ngành Hậu cần đã bám sát phương hướng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước, chủ động tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác hậu cần, đáp ứng kịp thời cho các nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác hậu cần đều hoàn thành đạt và vượt mức kế hoạch đề ra, chất lượng nâng lên; đời sống bộ đội được giữ vững và có mặt cải thiện, v.v. Đây là tiền đề để toàn quân tiếp tục thực hiện tốt công tác hậu cần trong thời gian tới.
Năm 2017, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới có sự phát triển, yêu cầu cao hơn. Công tác hậu cần phải thực hiện nhiều mục tiêu, nội dung lớn. Trong khi đó, khả năng nguồn lực còn có hạn; tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ, dịch bệnh,… diễn ra gay gắt, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ không thể xem nhẹ, tác động trực tiếp đến công tác hậu cần. Trong bối cảnh đó, toàn quân, mà nòng cốt là ngành Hậu cần tiếp tục nêu cao tinh thần “tự lực tự cường”, “chủ động thấy trước, lo trước”, triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác hậu cần; trong đó, tập trung làm tốt những vấn đề chủ yếu sau:
Trước hết, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp, nhất là cấp chiến lược về công tác hậu cần. Cơ quan hậu cần các cấp quán triệt sâu sắc hơn nữa nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; đồng thời, chủ động nắm vững tình hình, làm cơ sở đề xuất, tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy về công tác hậu cần. Trong đó, chú trọng tham mưu xây dựng các chủ trương, biện pháp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới. Trọng tâm là, xây dựng, kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng hậu cần các cấp, đảm bảo chỉ huy, chỉ đạo tập trung, thống nhất, phù hợp với quy hoạch tổ chức lực lượng và tiến trình hiện đại hóa Quân đội; hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần; nâng cao hiệu quả công tác tạo nguồn; xây dựng hệ thống quy chế, quy định về quản lý, bảo đảm hậu cần trong điều kiện nền kinh tế thị trường, v.v. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị, trước hết là các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần, hậu cần các quân khu, cơ quan quân sự địa phương tăng cường nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để tham mưu với Bộ Quốc phòng và các địa phương đẩy mạnh xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP, Nghị định 02/2016/NĐ-CP của Chính phủ1, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng - an ninh và quy hoạch xây dựng thế trận hậu cần chiến dịch, chiến lược, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và những diễn biến phức tạp của tình hình, toàn quân chuẩn bị chu đáo mọi mặt về hậu cần, tập trung bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ đột xuất; trong đó, ưu tiên đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới và ở địa bàn trọng điểm, khó khăn. Các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần bám sát sự điều chỉnh Chỉ lệnh 82/CL-BQP của Bộ Quốc phòng để đề xuất với Tổng cục tham mưu cho Bộ và chỉ đạo các đơn vị cân đối, điều chỉnh, bổ sung vật chất hậu cần dự trữ sẵn sàng chiến đấu theo hướng giảm tối đa lượng dự trữ các loại vật chất thông thường, có sẵn trên thị trường, dễ khai thác tại chỗ; tổ chức dự trữ hợp lý đối với những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được và dự trữ “đồng bộ, có chiều sâu” đối với các đơn vị làm nhiệm vụ ở khu vực khó khăn, dễ bị chia cắt, v.v. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ vật chất hậu cần dự trữ sẵn sàng chiến đấu, dự trữ quốc gia cho quốc phòng; chủ động chuẩn bị vật chất, phương tiện sẵn sàng bảo đảm cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu từng bước hiện đại hóa Quân đội, Tổng cục chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, mua sắm trang bị, phương tiện hậu cần đồng bộ với vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, v.v. Cơ quan hậu cần các cấp tích cực rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn kiện hậu cần tác chiến, trọng tâm là kế hoạch bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ A, kế hoạch B và chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; đồng thời, duy trì nghiêm các chế độ hậu cần sẵn sàng chiến đấu; tăng cường huấn luyện, luyện tập, diễn tập bảo đảm hậu cần, nhằm hoàn thiện các phương án, nâng cao khả năng cơ động và bảo đảm của cơ quan, phân đội hậu cần, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống, v.v.
Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, toàn quân tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần thường xuyên, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu công tác hậu cần năm 2017. Theo đó, ngành Hậu cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, thực hiện phân cấp hợp lý cho đơn vị kết hợp tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, mở rộng đấu thầu trong mua sắm, tạo nguồn; đồng thời, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác hậu cần.
Đối với công tác quân nhu, chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng bảo đảm ăn, mặc của bộ đội. Cục Quân nhu đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tiêu chuẩn quân nhu cho các lực lượng đặc thù, mới thành lập và cải tiến mang mặc của bộ đội. Tiếp tục chỉ đạo bổ sung, thay thế đồng bộ trang bị nhà ăn, nhà bếp, quân nhu dã ngoại; bảo trì, bảo dưỡng hệ thống bếp lò hơi cơ khí ở các đơn vị,... đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng bộ đội. Cùng với đó, tích cực tạo nguồn, bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn quân trang cho các đối tượng. Các đơn vị cần chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm ổn định, vững chắc; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát bảo đảm ăn uống, nhất là quản lý tiền ăn của bộ đội và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm chế biến tập trung,... để cải thiện đời sống bộ đội. Toàn quân tiếp tục củng cố, xây dựng các mô hình tăng gia sản xuất ở 3 cấp theo hướng bền vững, hiệu quả. Trong đó, chú trọng phát triển tăng gia sản xuất ở cấp tiểu đoàn; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, v.v. Các đơn vị đóng quân ở những khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, cần có giải pháp chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng,... chủ động ứng phó, thích nghi. Năm 2017, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình khu tăng gia tập trung ứng dụng công nghệ cao ở phía Bắc để rút kinh nghiệm, nhân rộng.
Thực hiện định hướng của Bộ, công tác doanh trại ưu tiên đầu tư cho các công trình chuyển tiếp, hoàn thành dứt điểm trong năm 2017, 2018; công trình nước sạch sinh hoạt; các đơn vị đóng quân ở địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo, đơn vị mới thành lập, nhà công vụ cho các đơn vị có vũ khí, trang bị mới. Các đơn vị chấp hành nghiêm quy chế, quy trình trong đầu tư xây dựng cơ bản; tích cực triển khai các công trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường quản lý, giám sát tiến độ, chất lượng xây dựng, chống thất thoát, lãng phí, khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Toàn quân tiếp tục phát huy nội lực, làm tốt công tác sửa chữa, nâng cấp doanh trại. Trong đó, ưu tiên xóa nhà cấp 4 hết niên hạn sử dụng, xuống cấp nặng; nâng cấp hệ thống điện hạ thế, sân, đường nội bộ; chống rét, chống gió lùa,... nâng cao điều kiện sinh hoạt của bộ đội. Cơ quan hậu cần các cấp cần chủ động bảo đảm đủ tiêu chuẩn điện, nước, doanh cụ cho bộ đội, ưu tiên đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới. Tích cực phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ hợp thức và tăng cường biện pháp quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Tổng cục chỉ đạo hoàn chỉnh phương án sắp xếp, xử lý nhà đất trong Quân đội theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, đẩy mạnh triển khai bảo đảm nhà ở công vụ cho cán bộ theo Nghị định 76/2016/NĐ-CP.
Công tác xăng dầu, vận tải tiến hành trong điều kiện chịu tác động của nhiều yếu tố phức tạp. Vì vậy, ngành Xăng dầu và các đơn vị cần nắm vững tình hình thị trường, chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bảo đảm đầy đủ, kịp thời xăng dầu và khí tài xăng dầu cho các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên. Các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai hạn mức, định mức xăng dầu bảo đảm cho từng ngành, đơn vị trực thuộc; lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng, thanh quyết toán xăng dầu, thực hiện tiết kiệm 10% hạn mức được phân bổ theo quy định, tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ ở các cấp, v.v. Để hoàn thành các chỉ tiêu công tác vận tải, các đơn vị thực hiện tốt việc phân cấp, điều hành vận tải; tổ chức tốt bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì hệ số kỹ thuật của phương tiện ở mức cao; chú trọng sử dụng có hiệu quả phương tiện vận tải hiện có, gắn với phát huy thế mạnh của nền kinh tế thị trường kết hợp xã hội hóa vận chuyển những mặt hàng thông dụng, v.v. Tổng cục tiếp tục thực hiện các dự án mua sắm, đổi mới phương tiện vận tải, trang bị, khí tài xăng dầu; cải tạo, nâng cấp hệ thống kho xăng dầu trong toàn quân, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Cùng với đó, coi trọng xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh toàn diện, đủ khả năng làm nòng cốt tiến hành công tác hậu cần. Các đơn vị tích cực kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan, phân đội hậu cần các cấp; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần, gắn với quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Năm 2017, Tổng cục tiếp tục chỉ đạo kiện toàn hệ thống tổ chức Ngành từ cấp chiến lược đến đơn vị cơ sở và sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp hậu cần theo chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đồng thời, tập trung chỉ đạo làm chuyển biến toàn diện công tác hậu cần; trong đó, đột phá vào chỉ đạo, xây dựng và hoạt động hậu cần khu vực phòng thủ; khắc phục tồn tại, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức bảo đảm vật chất hậu cần và nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng chính quy ngành Hậu cần. Các chuyên ngành, đơn vị tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tập huấn, huấn luyện hậu cần; chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng cơ động, bảo đảm hậu cần theo các phương án, tình huống tác chiến bảo vệ Tổ quốc; nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng hậu cần dự bị động viên, v.v. Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào thi đua ‘‘Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy’’; tổ chức tốt các hội thi, hội thao theo kế hoạch, nhất là sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 623 và sơ kết 5 năm lần thứ ba phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”. Qua đó, kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm, làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác hậu cần năm 2017 và những năm tiếp theo.
Trung tướng DƯƠNG VĂN RÃ, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
___________
1 - Nghị định 02/2016/NĐ-CP, ngày 05-01-2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2007/NĐ-CP, ngày 10-10-2007 về xây dựng khu vực phòng thủ.
công tác hậu cần,đáp ứng nhiệm vụ,quân sự quốc phòng
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024
Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật quân sự 09/09/2024
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong Quân đội 05/09/2024
Toàn quân tăng cường xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật 12/08/2024
Xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp trong Quân đội thời kỳ mới 08/08/2024
Để đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm, tình cảm từ trái tim của các thế hệ người Việt Nam 29/07/2024
Toàn quân đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong tình hình mới 27/07/2024
Nâng cao chất lượng diễn tập tác chiến chiến dịch, chiến lược, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc 08/07/2024
Đại tướng Phan Văn Giang chủ trì Hội nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương 26/06/2024
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh nhuệ về chính trị trong tình hình mới 26/06/2024
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong Quân đội
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật quân sự