Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:56 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Suốt 70 năm qua, từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới. Thành quả đó là do nhiều yếu tố; trong đó, nền ngoại giao Việt Nam mang đậm tư tưởng, phương châm, phong cách Hồ Chí Minh là một yếu tố quan trọng.
1. Kiên định mục tiêu, đậm đà bản sắc
Nhiệm vụ đầu tiên của ngoại giao Việt Nam là xác định trúng mục tiêu, đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với xu thế của thời đại. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta đã nêu khẩu hiệu “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”1 và đối với nước ta, lợi ích cao nhất là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; kiến thiết quốc gia và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Ba mục tiêu đó liên quan mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau; tùy tình hình và giai đoạn cụ thể, mục tiêu này hay mục tiêu khác được ưu tiên cao hơn. Trong hoàn cảnh cụ thể của Nhà nước ta từ khi ra đời (năm 1945) tới khi Hồ Chủ tịch qua đời (năm 1969), kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc và sự thống nhất của đất nước luôn được coi là ưu tiên hàng đầu. Suốt trong những năm tháng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên nêu cao, kiên trì theo đuổi mục tiêu này. Theo đó, tại Hội nghị Giơ-ne-vơ (năm 1954), chúng ta đã kiên trì đấu tranh đòi các cường quốc phải chính thức thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sau này, trong Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam (năm 1973), chúng ta cũng kiên trì đấu tranh đòi ghi rõ những quyền dân tộc cơ bản nói trên.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh còn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế. Đây là sự thể hiện tư duy đúng đắn, sáng tạo và tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh trong bối cảnh khu vực, quốc tế đầu những năm 50 của thế kỷ XX diễn biến rất phức tạp. Tư tưởng này của Người đã giúp cho nền ngoại giao Việt Nam xác định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, luôn nỗ lực đóng góp vào mục tiêu chung của các dân tộc là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và hợp tác bình đẳng cùng có lợi.
Đặc biệt, trong hoạt động ngoại giao, Hồ Chí Minh luôn là hiện thân của truyền thống hòa hiếu của dân tộc ta, biểu tượng của một nền ngoại giao thấm đậm tinh thần nhân văn. Trong bức thư gửi những người Pháp ở Đông Dương, “với tư cách một người bạn chân thật của những người Pháp thân thiện” chứ “không lấy danh nghĩa Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ”, Người nhấn mạnh: “Chúng tôi là một dân tộc ưa chuộng hòa bình, trọng quyền lợi và tự do của người khác”, “Chúng tôi không ghét không thù gì dân tộc Pháp… Sự chiến đấu của chúng tôi không nhằm đánh vào nước Pháp,… mà chỉ chống lại sự thống trị tàn bạo ở Đông Dương của chủ nghĩa thực dân Pháp”2. Trong thư gửi phụ nữ Mỹ (tháng 3-1964), Người viết: “Nhân dân hai nước chúng ta không hề có thù oán gì nhau. Chúng ta, nhất là chị em phụ nữ, đều muốn chung sống trong hòa bình và hữu nghị… Song nếu không chấm dứt ngay chiến tranh, thì nhân dân Mỹ, trước hết là chị em phụ nữ Mỹ sẽ bị thêm gánh nặng đau thương vì mất chồng, mất con! Vậy chị em phụ nữ Mỹ cũng cần đấu tranh kiên quyết để chặn tay Chính phủ hiếu chiến Mỹ!”3.
Hơn thế nữa, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, từ rất sớm đã coi trọng việc hợp tác rộng mở với bên ngoài. Trong lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc (năm 1946), Người viết: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”. Quán triệt và kiên trì thực hiện tư tưởng ngoại giao của Người, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, ngoại giao Việt Nam luôn theo đuổi phương châm: thêm bạn bớt thù; mở rộng đoàn kết quốc tế, đoàn kết ba nước Đông Dương; tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các nước anh em, bè bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Tạo sức mạnh tổng hợp
Để giành mục tiêu đề ra, “thế” và “lực” luôn có ý nghĩa quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tư tưởng này rất giản dị: “Phải trông vào thực lực. Thực lực mạnh thì ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”4. Vấn đề đặt ra là trong hoàn cảnh cách mạng mới thành công, lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đủ loại thù trong, giặc ngoài, luôn phải đối phó với những đối thủ mạnh gấp bội về lực lượng vật chất thì lấy đâu ra “thế” và “lực”? Quả thật, nếu chỉ nhìn vào “sức mạnh cứng” về kinh tế và quốc phòng thì cả “thế” lẫn “lực” của chúng ta hết sức hạn chế. Thế nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta một mặt ra sức tăng cường “sức mạnh cứng” là đẩy mạnh công cuộc kiến quốc, nhất là chống giặc đói, diệt giặc dốt, xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang nhân dân; mặt khác, đã tận dụng tối đa “sức mạnh mềm”, đó là tính chính nghĩa của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, là lòng yêu nước nồng nàn toàn dân tộc và khối “đại đoàn kết” toàn dân tộc, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân theo tinh thần: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”5.
Đi đôi với việc phát huy sức mạnh dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn kết chặt chẽ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta với các trào lưu tiến bộ trên thế giới. Trong Thông cáo về “Chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời” công bố ngày 03-10-1945 nêu rõ: “ Đưa nước nhà đến độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn, góp phần cùng các nước đồng minh chống phát-xít, trên cơ sở những nguyên tắc dân chủ được các liệt quốc thừa nhận xây đắp lại nền hòa bình thế giới”. Về chính sách đối tượng, Người chỉ rõ: “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”6. Trong chỉ đạo về chiến lược, mặt trận ngoại giao luôn được Người đặt trong mối liên hệ khăng khít với các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế. Điều đó được thể hiện rõ trong tư tưởng của Người về sự kết hợp hoạt động của ba “quân chủng” đối ngoại; đó là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và “ngoại giao nhân dân” - một ngôn từ, một khái niệm có từ những năm 40 của thế kỷ XX và được kế tục, phát triển cho tới tận nay.
Như vậy, phương châm “tạo sức mạnh tổng hợp” trong ngoại giao đã nảy sinh rất sớm trong tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Đảng và Nhà nước ta kiên trì thực hiện. Đó là kết hợp giữa “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm”; giữa các mặt trận đấu tranh khác nhau, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, tạo nên “thế” và “lực” đối ngoại ngày càng lớn mạnh.
Tư tưởng, phương châm ấy được Đảng, Nhà nước ta nhất quán vận dụng trong thời kỳ đổi mới và mở cửa, đem lại thắng lợi to lớn về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực ngoại giao.
3. Vững chắc về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược
Trong hoạt động ngoại giao, xác định mục tiêu đúng, bố trí lực lượng đầy đủ, kịp thời là điều kiện tối cần, song chưa đủ; muốn đạt được mục tiêu đề ra phải có sách lược đúng đắn, sáng tạo. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ khi Người căn dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng trước lúc sang Pháp (năm 1946). Đó chính là phương châm: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đại ý là lấy cái không thay đổi để ứng phó với cái luôn biến đổi. Theo Người, “cái bất biến” là những vấn đề nguyên tắc, mang tính chiến lược như là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc. Còn “cái vạn biến” là những vấn đề mang tính sách lược, thì cần phải mềm dẻo, linh hoạt, tùy tình hình mà vận dụng cho phù hợp. Tuy nhiên, trong ngoại giao, nhiều khi khó phân biệt rạch ròi đâu là chiến lược và sách lược; bởi lẽ chúng luôn hòa quyện, gắn kết với nhau; trong đó, sách lược luôn luôn phải thể hiện các nội dung của chiến lược và chiến lược chỉ có thể được thực hiện thông qua sách lược.
Thực tiễn cho thấy, các sách lược được Hồ Chí Minh vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo là: thêm bạn bớt thù, khai thác mâu thuẫn giữa các thế lực đối địch; nắm bắt và tận dụng thời cơ, giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn, v.v. Trong đó, thêm bạn bớt thù là sách lược nổi bật mà Người luôn theo đuổi và thực hiện triệt để. Tháng 9-1947, khi một nhà báo Mỹ hỏi về đại cương chính sách đối ngoại của Việt Nam (dựa theo tình hình quốc tế lúc bấy giờ), Người đã trả lời ngắn gọn: “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không thù hận với ai”7. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn Bộ Ngoại giao rằng: “…thuật ngoại giao phải làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết”. Ngày nay, phương châm thêm bạn bớt thù được thể hiện rõ nét trong chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa được thể hiện mạnh mẽ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991): “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996): “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011): “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Phát triển phương châm này trong hoàn cảnh mới, chúng ta cần có cái nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta, cần được hóa giải dưới hình thức thích hợp. Với cách tiếp cận như vậy, trong khi kết bạn rộng rãi, chúng ta thúc đẩy ở mức cao nhất những mặt có thể hợp tác; đồng thời, kiên quyết và khôn khéo đẩy lùi những toan tính, hành vi xâm hại lợi ích quốc gia - dân tộc của nhân dân ta.
Quán triệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo theo tư tưởng, phương châm và phương cách ngoại giao của Người, Ngoại giao Việt Nam đã không ngừng phát triển, có những đóng góp to lớn, quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta suốt 70 năm qua. Điển hình là việc phân hóa đối phương để tránh phải đối phó với nhiều lực lượng thù địch cùng một lúc sau Cách mạng Tháng Tám; bảo vệ chính quyền cách mạng, tranh thủ thời gian hòa hoãn để chuẩn bị kháng chiến; đẩy lùi thế cô lập, mở ra quan hệ quốc tế (đầu những năm 50), ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), giải phóng miền Bắc, ký Hiệp định Pa-ri (năm 1973) thực hiện mục tiêu làm cho “Mỹ cút” để rồi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1976, đấu tranh với những hành vi chống phá, bao vây, cô lập nước ta trong những năm 80 của thế kỷ XX; thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế rồi hội nhập quốc tế nói chung trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Hiện nay, thế và lực của Việt Nam đã khác hẳn trước. Về kinh tế, Việt Nam đã bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình tính theo đầu người; quốc phòng được củng cố, tăng cường và ngày càng vững mạnh; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ về cơ bản được giữ vững; Việt Nam có quan hệ quốc tế rộng rãi chưa từng có, vị thế quốc tế được nâng cao hơn bao giờ hết. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản đó, nước ta còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là trình độ phát triển kinh tế còn thấp, sức cạnh tranh chưa cao, những mối đe dọa từ bên ngoài vẫn còn đó.
Vì thế, tư tưởng và những bài học kinh nghiệm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là tiền đề, cơ sở dẫn dắt đất nước Việt Nam nói chung, ngành Ngoại giao nói riêng phấn đấu đạt nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VŨ KHOAN, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ ___________________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 26.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 75.
3 - Sđd, Tập 14, tr. 261.
4 - Sđd, Tập 4, tr. 147.
5 - Sđd, Tập 4, tr. 534.
6 - Sđd, Tập 5, tr. 163.
7 - Sđd, Tập 5, tr. 256.
Ngoại giao Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội