Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 22/01/2015, 10:30 (GMT+7)
Cần có cái nhìn đúng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân ở Việt Nam

Nhận thức đúng lịch sử, tư tưởng, chính trị, pháp lý và thực tiễn thực thi quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh các thế lực thù địch đang lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hiện nay.

Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Hiến pháp 2013. (Ảnh: VOV)

Về mặt lịch sử, quyền con người (QCN) là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị cao quý của các dân tộc. Nói về lịch sử QCN, cộng đồng quốc tế thường nhắc tới những văn kiện lớn, mang tính khai sáng, là: Luật về các quyền của Anh, năm 1689; Tuyên ngôn độc lập, năm 1776 và Hiến pháp bổ sung, năm 1787 của Mỹ; Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền, năm 1789 của Cách mạng Pháp. Tháng 6-1945, Liên hợp quốc (LHQ) ra đời và thông qua Hiến chương LHQ; trong đó, xem QCN là một trong ba mục tiêu, trụ cột. Ngày 10-12-1948, LHQ đã thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về QCN. Năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, được Đại hội đồng LHQ thông qua, trong đó quy định các QCN cơ bản. Ngày nay, cộng đồng quốc tế xem bản Tuyên ngôn thế giới về QCN và hai công ước nói trên là “Bộ luật nhân quyền” quốc tế.

Về mặt tư tưởng, chính trị, QCN luôn có sự khác biệt trong các hệ tư tưởng, nhất là giữa hệ tư tưởng tư sản và hệ tư tưởng vô sản. Vì vậy, QCN là một chủ đề của cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận giữa hai hệ thống xã hội: TBCN và XHCN. Các học giả tư sản, các chính khách ở các nước tư bản phát triển luôn đề cao, tuyệt đối hóa tính phổ quát của QCN. Hơn nữa, họ còn cho rằng: QCN ở các nước tư bản phát triển là chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế; còn QCN quy định trong pháp luật ở các chế độ chính trị khác, nhất là chế độ XHCN là không phù hợp, thậm chí là vi phạm nhân quyền. Chẳng hạn, hiện nay trên nhiều trang mạng người ta đòi Việt Nam phải hủy bỏ nhiều điều trong Bộ luật Hình sự, năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, trong đó có Điều 78 (tội phản bội Tổ quốc)1; Điều 258 (tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân)2, với lý do những điều này là vi phạm QCN(!)

Về mặt pháp lý, cộng đồng quốc tế đang tiếp cận khái niệm QCN dựa trên Luật tự nhiên (Natural law) và Luật thực định (Legal law). Luật tự nhiên dựa trên học thuyết tự nhiên, cho rằng: loài người vốn có khát vọng về tự do, bình đẳng, công bằng, nhân ái, v.v. Nói cách khác, đó là giá trị đạo đức chung của loài người. Theo đó, hầu hết các quốc gia phương Tây cho rằng: QCN là quyền tự nhiên vốn có của tất cả mọi người, nên QCN là “không có biên giới”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền”(!) Luật thực định cho rằng, luật pháp là do con người quy định, là ý chí của lực lượng lãnh đạo, cầm quyền nhà nước và xã hội, v.v. Cuộc đấu tranh quan điểm về QCN luôn gay gắt và đã kéo dài nhiều thập kỷ, đến Hội nghị quốc tế về nhân quyền ở Viên (Áo), năm 1993, cộng đồng quốc tế đi đến quan niệm chung về QCN, bao quát cả giá trị của Luật tự nhiên và Luật thực định: “Tất cả QCN đều mang tính phổ cập… Cộng đồng quốc tế phải xử lý các QCN… một cách công bằng và bình đẳng… Trong khi (thừa nhận tính phổ biến) phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực, bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo… Tất cả các quốc gia không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa có nghĩa vụ đề cao và bảo vệ tất cả các QCN và tự do cơ bản3. Như vậy, với tư cách giá trị đạo đức, QCN là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của các dân tộc, gồm: sự tôn trọng nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung và ý thức trách nhiệm của mỗi người với nhà nước và xã hội. Với tư cách giá trị pháp lý, QCN là quy định pháp luật (trong luật quốc gia và luật quốc tế) nhằm bảo vệ nhân phẩm, các nhu cầu về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người cùng với nghĩa vụ mà họ phải chịu trách nhiệm đối với nhà nước và xã hội. Khác với QCN, quyền công dân (QCD) được xác định bởi chế định quốc tịch, gắn liền với chế độ xã hội và nhà nước cụ thể. Trên thực tế, QCD là cốt lõi của QCN ở một quốc gia nhất định, thể hiện mối quan hệ giữa công dân với nhà nước được quy định trong hiến pháp và hệ thống pháp luật quốc gia. Như vậy, khái niệm QCN rộng hơn khái niệm QCD.

Lịch sử cho thấy, không một quốc gia TBCN nào “chia sẻ” các giá trị nhân quyền cho dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc thuộc địa khác. QCN và QCD ở Việt Nam do nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng lên đấu tranh giành lấy. Đó là thành quả trực tiếp của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong Tuyên ngôn độc lập (ngày 02-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng... quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”4; Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”5. Hơn nữa, Người còn khái quát và kết luận: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”6. Như vậy, với Hồ Chí Minh và Đảng ta, QCN ở một quốc gia, dân tộc phải dựa trên tiền đề, điều kiện cơ bản là: độc lập dân tộc, CNXH, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Bởi vậy, có thể nói: Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là Tuyên ngôn “kép” về quyền dân tộc tự quyết và QCN của dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa. Đây là cống hiến vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam về lý luận chính trị nói chung, về nhân quyền nói riêng trong thời đại ngày nay.

Trong gần 70 năm qua (1945 - 2014), QCN và QCD ở Việt Nam luôn được khẳng định, điều chỉnh và mở rộng phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn phát triển của đất nước. Hiện nay, ở Việt Nam, QCN, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định tại Chương II, Hiến pháp năm 2013. Văn kiện pháp luật quan trọng này đã tiếp thu những giá trị phổ quát về QCN của cộng đồng quốc tế; đồng thời, kế thừa, mở rộng QCD đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp trước đây của Nhà nước ta (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992), mà ở đó, lần đầu tiên QCN được đề cập một cách trực tiếp, tách bạch và không đồng nhất với QCD. Chương II, Hiến pháp năm 2013, đã thể hiện một cách khoa học những nội dung, các nguyên tắc của QCN, QCD, tương thích với các công ước quốc tế cơ bản về QCN. Trong đó, các quyền dân sự, chính trị được quy định đầy đủ, như: công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, v.v. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Nguyên tắc về QCN được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 gồm các nội dung lớn: xác định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân; nguyên tắc hạn chế quyền và nguyên tắc “suy luận vô tội”. Theo quan điểm của cộng đồng quốc tế, luật quốc tế về QCN điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và người dân. Trong đó, quyền thuộc về người dân cũng như tất cả mọi người; tôn trọng bảo vệ và bảo đảm quyền thuộc về nghĩa vụ của nhà nước (cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức). Điều 14, Hiến pháp năm 2013 ghi: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các QCN, QCD về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, nghĩa vụ của Nhà nước bao gồm: tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm (thực hiện) quyền của người dân. Theo đó, các cơ quan nhà nước (chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cấp chính quyền,...) không được phép ra các văn bản vi phạm các quyền và tự do của người dân đã được ghi trong Hiến pháp. Nhà nước có nghĩa vụ kịp thời ngăn chặn mọi hành vi vi phạm quyền của người dân, dưới bất cứ hình thức nào, khi nào và từ đâu, nhằm bảo vệ người dân; chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp, bảo đảm tính dễ tiếp cận và các dịch vụ sẵn có cho người dân, v.v. Như vậy, quan hệ theo kiểu “xin - cho” trước đây được thay bằng quan hệ “quyền - nghĩa vụ” (trong đó người dân là chủ thể của quyền, nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền). Tuy nhiên, công dân có nghĩa vụ với nhà nước, xã hội và tôn trọng Hiến pháp, pháp luật. Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đưa ra nguyên tắc “hạn chế quyền”. Tại Khoản 2, Điều 14 quy định: “QCN, QCD chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, QCD sẽ bị hạn chế bằng văn bản luật, chứ không phải bằng các mệnh lệnh hành chính hoặc văn bản dưới luật; vì “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác. Nhà nước ta đã ký “Công ước chống tra tấn, 1984”7 - một công ước quan trọng về QCN và được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 (tháng 10 - 2014) phê chuẩn, với nội dung: nhà nước bảo hộ quyền của tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh (kể cả đang trong tình trạng bị giam giữ hoặc đang thi hành án phạt tù...), đều được tôn trọng nhân phẩm, không bị tra tấn, hạ nhục và bảo đảm các điều kiện sống khác, v.v.

Ở Việt Nam, QCN, QCD không chỉ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật mà còn được thực thi trong thực tế. Trên lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hiện nay, Việt Nam có 812 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình; Ðài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ, qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới; hơn 90% hộ gia đình đã sử dụng sóng của Ðài Truyền hình Việt Nam. Đồng thời, người dân Việt Nam được tiếp xúc với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có các kênh nổi tiếng, như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg, v.v. Hiện nay, có 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Đặc biệt, in-tơ-nét đã được Nhà nước khuyến khích sử dụng và phát triển ấn tượng. Đến nay, Việt Nam có 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động; giá cả dịch vụ in-tơ-nét ở Việt Nam rẻ nhất khu vực, người dân có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, The Economist, Financial Times, v.v. Trên lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Việt Nam là một trong số ít các nước đã về đích sớm một số Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs); trong đó, có mục tiêu giảm 50% tỷ lệ người nghèo, v.v. Theo đó, tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 58,1% (năm 1993) xuống còn 10,7% (năm 2010); theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ (giai đoạn 2011 - 2015), tỷ lệ nghèo đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% (năm 2012). Cùng với đó, về mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, ở Việt Nam tỷ lệ nhập học đúng tuổi ở bậc tiểu học đạt 97,7%. Về mục tiêu bình đẳng giới, Việt Nam là một trong năm nước đang phát triển ở châu Á có tỷ lệ đại biểu nữ ở Quốc hội cao nhất. Về sức khỏe phụ nữ và trẻ em, tạo công ăn việc làm, chính sách xã hội,... Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: số người được trợ cấp ưu đãi thường xuyên trên 1,5 triệu người và hoàn thành việc xây mới, sửa chữa khoảng 48 nghìn căn “Nhà tình nghĩa” cho người có công (trong đó có 13.500 căn nhà từ nguồn xã hội hóa). Riêng 9 tháng đầu năm 2014, Nhà nước đã tạo thêm 1,18 triệu việc làm, đưa trên 83 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2013, ước cả năm đạt khoảng 1,58 - 1,6 triệu, v.v. Những thành tựu trên đây là hiện thực sống động bác bỏ mọi luận điệu cho rằng, ở Việt Nam, QCN, QCD bị nhà nước vi phạm!

Thời gian qua, một số người không hiểu, hoặc cố tình “không hiểu” cho rằng: quyền biểu tình, lập hội đã được quy định trong Hiến pháp năm 20138, nên ngang nhiên tổ chức “biểu tình”, hay “lập hội”. Họ tụ tập đông người, giương biểu ngữ; lợi dụng in-tơ-nét để khởi xướng, “ký tên” tham gia các “tổ chức”, như: “Phong trào con đường Việt Nam”; “Tuyên bố 258” (Tuyên bố của mạng lưới Blogger Việt Nam”; “Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự, Chính trị”; “Diễn đàn xã hội dân sự”…, gần đây là “Hội nhà báo độc lập”, “Ban vận động Văn đoàn độc lập”(!) Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hiện nay, Việt Nam chưa có luật về hội, nên việc thành lập và hoạt động của hội phải tuân thủ Nghị định 45/2010/NĐ-CP, ngày 21-4-2010 của Chính phủ “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội”. Vì vậy, có thể khẳng định ngay rằng, những hành động trên là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nhận thức đúng về tư tưởng, quyết tâm chính trị và hiện thực bảo đảm QCN và QCD của Đảng và Nhà nước ta là cơ sở quan trọng để phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, QCN, QCD trên đất nước Việt Nam đã được khẳng định trong thực tiễn và thế giới công nhận. Mọi mưu đồ xuyên tạc, đi ngược lại thực tế đó đều bị lên án, bác bỏ.

TS. CAO ĐỨC THÁI, Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu QCN
Học viện CTQG Hồ Chí Minh
____________________

1 - Điều 78, Tội phản bội Tổ quốc: 1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ XHCN và Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. 2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

2 - Điều 258, Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân: 1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3 - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, Trung tâm nghiên cứu quyền con người Học viện CTQG Hồ Chí Minh, H. 2002, tr. 44.

4, 5, 6 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 1.

7 - Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, năm 1984, Trung tâm nghiên cứu QCN, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, H. 2001, tr. 358.

8 - Điều 25, Hiến pháp 2013: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.