QPTD -Thứ Tư, 27/02/2013, 09:21 (GMT+7)
Đa đảng không hẳn là ưu việt
Điều 4 Hiến pháp năm 1992 là một trong số ít điều được dư luận quan tâm. Không chỉ người Việt Nam ở trong và ngoài nước quan tâm, mà nhiều người mang quốc tịch các nước cũng rất quan tâm đến Điều 4 Hiến pháp năm 1992.

Tại sao? Xét đến cùng, Điều 4 Hiếp pháp 1992 thể hiện đầy đủ nhất, ngắn gọn nhất bản chất chính trị của thể chế chính trị Việt Nam hiện nay. Thông thường, khi đã đụng đến chính trị, thể chế chính trị thì sẽ nhiều ý kiến khác nhau. Chính vì thế đây là dịp hiếm có để cơ quan soạn thảo Hiến pháp; đặc biệt là Đảng ta nghe được hết lý lẽ từ mọi chiều cạnh nhằm hoàn thiện ngày một tốt hơn vai trò của Đảng cầm quyền. Với trách nhiệm công dân, tôi xin có một số ý kiến liên quan đến Điều 4 Hiến pháp 1992.

1. Khoản 2, theo tôi cần sửa lại như sau: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và dân tộc Việt Nam về kết quả lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.  Lý do là vì Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, do đó Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và dân tộc Việt Nam về kết quả lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặt vấn đề như vậy mới đúng, mới tương xứng với trọng trách của Đảng trước dân tộc, trước lịch sử. Nếu Đảng chỉ “chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” thì không tương xứng với trọng trách của Đảng được nhân dân, dân tộc giao phó. Nhân dân Việt Nam giao cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội với niềm tin và hy vọng là đất nước sẽ phát triển, nhanh chóng sánh vai với các cường quốc, chí ít cũng không thua kém các nước phát triển trung bình trong khu vực, qua đó đời sống không ngừng được nâng cao. Nhân dân giao cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội tức là giao cho Đảng trách nhiệm cao cả là huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Do đó, Đảng phải đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân thể hiện ở kết quả lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

2. Khoản 3 “Các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Dự thảo). Đặt vấn đề như vậy theo tôi là chưa thật phù hợp vì đảng viên trước hết là công dân, mà đã là công dân thì dù là đảng viên hay không phải là đảng viên, là một tổ chức thì dù là tổ chức của Đảng hay các tổ chức khác đều phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Điều này đương nhiên đã được quy định trong Hiến pháp.  

Vì thế tôi đề nghị sửa lại khoản 3, Điều 4 như sau: “3. Trong hoạt động, mọi tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương, cơ sở và mọi đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật”. Đúng như Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội XI thông qua tháng 1-2011) đã xác định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam…”; “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong… đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân, chấp hành nghiêm chỉnh cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước?” Đảng là đội tiên phong, đảng viên là những người ưu tú, do đó trong hoạt động, tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương, cơ sở và mọi đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật.

3. Vấn đề để lại Điều 4 (có sửa đổi)

Đã có một số ý kiến đề nghị bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 1992. Lập luận, lý giải thì dài, nhưng nói tóm tắt lại một ý chung của các ý kiến đó cho là nếu một Đảng duy nhất lãnh đạo thì không khắc phục được quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tha hóa và như vậy thì đất nước chậm phát triển, thậm chí không phát triển được. Và họ cho rằng, bỏ Điều 4 để mở đường cho hình thành và phát triển đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tạo điều kiện cho đất nước phát triển nhanh... 

 Tôi sẽ không tranh luận khía cạnh chính trị mà chỉ xin tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác, chủ yếu từ thực tiễn.

Vào năm 1960, trên những tiêu chí cơ bản, trình độ phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ cũng ở cùng một cấp độ (cận trên, cận dưới của một cấp độ phát triển). Hơn 50 năm sau, vào năm 2012 Trung Quốc đã vượt xa Ấn Độ. Điều này ai cũng biết, về tổng GDP, về GDP bình quân, về sức mạnh quân sự, về khoa học công nghệ… Tại sao? Ở đây có nhiều nguyên nhân (nhân chủng học, tôn giáo, lịch sử, điều kiện tự nhiên, tài nguyên…), nhưng chắc chắn trong đó có nguyên nhân thuộc về thể chế chính trị. Ấn Độ thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tam quyền phân lập… Trung Quốc lựa chọn thể chế chính trị nhất nguyên do Đảng Cộng sản Trung Quốc - lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Cũng xin lưu ý thêm, những giai đoạn phát triển nhanh, rực rỡ nhất của Hàn Quốc, Đài Loan đều do một đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội... 

Do đó, nếu đổ mọi lỗi lầm, tai họa cho một đảng duy nhất lãnh đạo thì khó tìm ra lời giải có sức thuyết phục cho các trường hợp nêu trên.

Một đảng lãnh đạo chưa phải là sai lầm và đa đảng không hẳn là ưu việt.

Theo tôi, vấn đề nằm ở câu nói bất hủ của Lê Lợi:“Đất nước thịnh vượng tất cả ở việc cử hiền/ Người làm vua thiên hạ phải lo việc đó trước tiên”. 

Câu nói của Lê Lợi đúng với mọi chế độ chính trị và đúng ở mọi thời đại, từ xưa tới nay và từ nay về sau.

Để cho lòng dân, ý Đảng gặp nhau (cơ sở để khẳng định Điều 4), tôi đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực hiện được 3 việc sau: 

Một là, mọi đảng viên, nhất là các đảng viên giữ trọng trách trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cấp cao, phải thực hiện nghiêm chỉnh những vấn đề đã nêu ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI: “Trong tư tưởng cũng như trong hành động, phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi. Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa?... Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền tự ban phát cho mình những đặc quyền, đặc lợi” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - tr.139 - 140). 

Hai là, Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải xây dựng cơ chế, quy chế cụ thể rõ ràng để “Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia việc giám sát cán bộ, công chức và cơ quan công quyền”; “Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”; “Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”; “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ” (Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, tr 129; 126; 127; 135). 

Ba là, Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải xây dựng cơ chế, quy chế cụ thể để trọng dụng nhân tài và kịp thời ngăn chặn những kẻ cơ hội chui vào bộ máy lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, nhất là ở cấp cao.

Nhân đây tôi cũng xin có ý kiến, những người có trọng trách với đất nước cần suy nghĩ nghiêm túc câu nói của V.Nezvan (Nhà triết học Tiệp Khắc, cũ): “Sự lãng phí lớn nhất là lãng phí nhân tài/ Sự cạnh tranh lớn nhất cũng là cạnh tranh nhân tài”.

Đại đa số người dân không muốn có thay đổi chính trị, nhưng nhân dân muốn Đảng ta phải không ngừng đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục cho được những hạn chế yếu kém như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã nghiêm khắc chỉ ra. Đó là mong muốn chính đáng và cấp thiết của nhân dân Việt Nam hiện nay.

Thiếu tướng LÊ VĂN CƯƠNG

(Nguồn qdnd.vn)
 
 
Ý kiến bạn đọc (0)

Những điểm mới nổi bật trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý Dự thảo và ngày 2-1-2013, đã công bố lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới.