Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 07/05/2020, 16:47 (GMT+7)
Vùng 2 Hải quân chung sức cùng nhân dân miền Tây Nam Bộ vượt qua cơn “khát”

Hạn hán, xâm nhập mặn chưa từng có trong lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân miền Tây Nam Bộ. Trước tình hình đó, cùng các lực lượng trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân đã chủ động, tích cực chung sức giúp nhân dân giảm bớt khó khăn vượt qua cơn “khát”.

Đồng bằng sông Cửu Long - Miền Tây Nam Bộ là vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn của cả nước. Với dòng sông Mê Kông­­­­ và hệ thống sông rạch phong phú đã cung cấp phù sa, nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt cho hơn 20 triệu người dân trên địa bàn. Thế nhưng, trước diễn biến ngày càng cực đoan của biến đổi khí hậu cùng các hoạt động kiểm soát nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, vùng đất trù phú này đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn thường xuyên và ngày càng khốc liệt. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra 12/13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ở một số nơi, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền từ 80 đến hơn 130 km, với độ mặn cao nhất từ trước đến nay. Theo các tài liệu khoa học, khi độ mặn của nước vượt quá 01% là không thể sử dụng được cho sinh hoạt, còn nếu vượt quá 04%, cây không sinh trưởng được và chết. Thực tế, có thời điểm ở một số địa phương, độ mặn đã lên 08% đến 09%, thậm chí, có nơi 14%. Tình hình thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là ở các tỉnh ven biển. Ruộng, đồng xơ xác, ao hồ, kênh rạch trơ đáy, nứt nẻ, v.v. Nhiều vùng, người dân không thể sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và các hoạt động quân sự, quốc phòng địa phương.

Tình hình đó đã được dự báo sớm, Đảng, Nhà nước, chính quyền và Nhân dân các địa phương rất nỗ lực triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, mặn. Nhiều địa phương chủ động thích ứng thay đổi thời vụ để “né hạn”, sử dụng giống cây ngắn ngày, chuyển đổi cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi sang các loại cây trồng, vật nuôi ít sử dụng nước hơn, hoặc các giống chịu được hạn mặn. Phát huy các công trình, dự án phòng, chống hạn, mặn, như: Dự án Cống Âu Thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu); Hệ thống thủy lợi Trạm bơm Xuân Hòa (Tiền Giang); 18 cống dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, v.v. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của khí hậu, thủy văn, nguồn lực có hạn, cùng lúc phải căng mình để chống đại dịch Covid-19, nên Nhân dân miền Tây Nam Bộ phải chịu những thiệt hại nặng nề. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 3 đã có hơn 100.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn về nước ngọt, riêng Bến Tre là 20.000 hộ. Đầu tháng 3, đã có 05 tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn.

Lữ đoàn 125 (Vùng 2 Hải quân) cấp nước ngọt cho nhân dân 

Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân về việc tham gia giúp nhân dân khắc phục thiên tai, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã kịp thời đưa nhiệm vụ giúp dân khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn vào nghị quyết năm 2020 và xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trên cơ sở đó, Vùng thành lập Ban Chỉ đạo khắc phục thiên tai do một đồng chí Thường vụ Đảng ủy Vùng phụ trách. Ban Chỉ đạo đã tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy Vùng xây dựng hệ thống các văn bản, kế hoạch phối hợp, hiệp đồng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh trên địa bàn trong thực hiện cung cấp nước cho các địa phương. Trước mắt, thực hiện cung cấp nước ngọt cho Bến Tre và Tiền Giang là hai tỉnh thiếu nước sinh hoạt nặng nề nhất. Vùng đã khẩn trương chuẩn bị phương tiện, con người và mọi biện pháp đảm bảo khác, nhất là đảm bảo kỹ thuật và hải đồ khi đi vào luồng lạch không có phao dẫn, nhiều cù lao, bãi cạn, đăng cá của người dân, độ sâu luồng thấp hơn so với mớn nước của tàu. Bên cạnh đó, Đảng ủy Vùng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường giáo dục, quán triệt làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công điện 60 và 63 của Bộ Tổng Tham mưu, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Hải quân về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị trong giai đoạn hiện nay. Thấy rõ tính chất khó khăn, phức tạp, những thiệt hại to lớn do hạn, mặn gây ra cùng nỗi khó khăn, vất vả của đồng bào từng ngày, từng giờ đang thiếu nước sinh hoạt, nhất là trong điều kiện đang đối phó với dịch bệnh Covid-19; đồng thời, hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của Quân đội, tình quân - dân trong những lúc hoạn nạn để nêu cao quyết tâm, ý chí khắc phục khó khăn, gian khổ cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức quần chúng phát động phong trào thi đua tiết kiệm điện, nước để dành cho đồng bào miền Tây đang chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Để thực hiện nhiệm vụ cấp nước thuận tiện, đúng đối tượng, Vùng chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương chuẩn bị các điểm cung cấp nước tại các đồn Biên phòng ven biển có vị trí thuận lợi; cơ quan quân sự, chính quyền địa phương tổ chức huy động lực lượng, phương tiện tham gia vận chuyển và cung cấp nước đến tận tay bà con, đúng đối tượng. Trong đó, ưu tiên những hộ gia đình thực sự khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Ngay trước Tết Nguyên Đán năm 2020, những chuyến tàu đầu tiên cung cấp nước ngọt của Vùng 2 Hải quân đã đến xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trong niềm vui, phấn khởi của nhân dân. Đến nay, sau hơn bốn tháng vận chuyển, ba tàu chở nước chuyên dùng đã vượt hàng nghìn hải lý an toàn, vận chuyển được hơn 05 triệu lít nước ngọt cung cấp cho tám huyện của hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Với tinh thần “ Vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân quên mình”, đồng cam, cộng khổ với nhân dân, nhiều cán bộ, chiến sĩ trong biên đội tàu đã phục vụ liên tục, không nghỉ lễ, Tết. Nhiều điểm cung cấp nước không có bến để cập tàu, phải cập vào xà lan cách xa bờ 50m đến 100m. Đường ống cấp nước xa khu vực cấp, các chiến sĩ phải bơi đưa đường ống vào chạy đua với từng con nước. Không những cấp nước tập trung, mà cán bộ, chiến sĩ còn không quản vất vả cấp cho cả những can, thùng nhỏ, để ai cũng có nước. Nhìn những can nước ngọt “quý như vàng” mà bà con đã xếp hàng chờ hàng giờ để nhận, cán bộ, chiến sĩ càng thấy thêm trách nhiệm, đồng cảm hơn với nỗi vất vả, khó khăn của nhân dân. Thủy thủ đoàn đã dè sẻn, tiết kiệm tối đa nước sinh hoạt của mình và lượng dữ trữ trong hành trình để đóng góp, chia sẻ thêm từng lít nước quý giá với bà con.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng cung cấp nước của Vùng đã kết hợp làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm và quản lý chặt chẽ nguồn nước sạch. Vùng đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre cùng các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức “Chương trình phát động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống ứng phó xâm nhập mặn năm 2020”; phổ biến, hướng dẫn, nhân rộng những sáng kiến hay trong việc tạo nguồn và sử dụng tiết kiệm nước. Qua hành động thiết thực của Vùng, làm cho nhân dân trên địa bàn luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương; phát huy tinh thần tự lực tự cường, nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Cùng với đó, Vùng đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà hảo tâm, mạnh thường quân chung tay cùng nhân dân miền Tây vượt qua cơn “khát”. Qua vận động, Vùng cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh trao số tiền hỗ trợ 01 tỉ đồng từ Quỹ “Cứu trợ” mua tặng 1.000 bồn chứa nước cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn tại tỉnh Bến Tre. Bằng sự vận động quyên góp của cán bộ, chiến sĩ, Vùng trao tặng nhiều phần quà cho đồng bào huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trong dịp Tết cổ truyền và 20 bồn chứa nước loại 500 lít cho các gia đình chính sách, hộ nghèo tại các địa phương nơi cấp nước để bà con có dụng cụ dự trữ nước sinh hoạt.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, không thể chủ quan, lơ là, Vùng chủ động thông báo về tình hình dịch bệnh, vận động nhân dân tự giác tuân thủ các quy định của Nhà nước, địa phương và biện pháp phòng, chống, nhất là khai báo y tế, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu nhiễm dịch và thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tại địa phương, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: phát hàng ngàn tờ rơi hướng dẫn cách phòng, chống dịch, cấp phát miễn phí khẩu trang, dung dịch sát khuẩn kết hợp hướng dẫn người dân cách đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách, v.v. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong phòng, chống dịch Covid-19 cho nhân dân địa phương.

Với ý thức, trách nhiệm chính trị cao và tinh thần: sát cánh đồng hành cùng nhân dân miền Tây vượt qua cơn “khát”, Vùng 2 Hải quân bước đầu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp nhân dân các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang vượt qua “cơn khát”, được chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao, góp phần làm lan tỏa hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”. Từ những kết quả trên, Vùng 2 Hải quân tích cực chuẩn bị mọi phương án để tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng cung cấp nước cho vùng hạn mặn của các tỉnh khác khi có yêu cầu. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhân dân miền Tây có truyền thống đoàn kết, kiên cường nhất định sẽ chiến thắng “giặc” hạn hán, xâm nhập mặn.

Đại tá ĐẶNG MẠNH HÙNG, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.