Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 22/08/2016, 08:11 (GMT+7)
Trường Cao đẳng Nghề số 2 lãnh đạo nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

Đứng chân trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, Trường Cao đẳng nghề số 2 - Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, thanh niên các dân tộc, đối tượng chính sách và người lao động trên địa bàn 9 tỉnh thuộc Quân khu 2. Ngoài nhiệm vụ đào tạo, Nhà trường còn là Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề Quốc gia. Trong những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2; sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài Quân đội; sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân, Nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đào tạo nghề cho hàng chục nghìn bộ đội xuất ngũ, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng Tây Bắc và vùng núi phía Bắc Tổ quốc. Với những kết quả đạt được, Nhà trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tặng nhiều Cờ thưởng, Bằng khen, Giấy khen.

Có được kết quả trên là do Nhà trường luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trong đó, xác định lấy chất lượng đào tạo và việc làm cho bộ đội xuất ngũ sau đào tạo là mục tiêu hàng đầu. Trước hết, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác giáo dục và đào tạo; nhất là Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; Quyết định 121/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề”, v.v. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Nhà trường ra nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, với các biện pháp đồng bộ, phù hợp từng giai đoạn và xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Trong quá trình thực hiện, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên không dập khuôn máy móc, mà luôn chủ động, sáng tạo, tìm ra nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; làm tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình có cách làm hay, sáng tạo và chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt, kém hiệu quả. Nhờ đó, tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động của mọi cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh, sinh viên trong toàn Trường, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, Nhà trường coi trọng lãnh đạo đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo đi đôi với nâng cao chất lượng. Đồng thời, chủ động khảo sát, trao đổi với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trung tâm nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình của từng cấp học, ngành nghề học sát với thực tiễn của thị trường lao động. Đến nay, Nhà trường đã xây dựng được 7 bộ chương trình cao đẳng, 9 bộ chương trình trung cấp và 13 chương trình sơ cấp theo dạng mô-đun tích hợp. Trong quá trình dạy - học, Đảng ủy Nhà trường chỉ đạo các khoa giáo viên kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, tăng cường thời gian luyện tập thực hành, thực tế, giảm thời gian học lý thuyết; gắn thực hành, thực tập với sản xuất dịch vụ tại Trường và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trường; cắt giảm những môn học không còn phù hợp và bổ sung những môn học mới sát với yêu cầu ngành nghề của thị trường lao động. Nhà trường luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp giữa đào tạo trình độ, kỹ năng tay nghề với giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, để khi ra trường họ là những người lao động hội tụ cả đạo đức, nghề nghiệp kiến thức, kỹ năng nghề và ý thức trách nhiệm, kỷ luật lao động. Qua đó, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn, đưa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đi vào cuộc sống1.

Nhận thức rõ vai trò của đội ngũ cán bộ, giáo viên là lực lượng quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ giáo viên vững mạnh về mọi mặt. Do đối tượng đào tạo chủ yếu là con em các dân tộc ở vùng núi phía Bắc và Tây Bắc, trình độ học vấn chưa cao, để giúp học viên nắm vững kiến thức chuyên môn, tay nghề đáp ứng yêu cầu thực tiễn sau khi ra trường, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có trình độ tay nghề và phương pháp sư phạm phù hợp. Mặt khác, trong bối cảnh “bùng nổ” nhiều trường, nhiều trung tâm đào tạo nghề, trước yêu cầu đổi mới công tác đào tạo nghề của Nhà trường, trình độ, năng lực, kiến thức, tay nghề của một số giáo viên có mặt còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Để khắc phục tình trạng trên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên củng cố, kiện toàn đội ngũ giáo viên cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Thường xuyên làm tốt việc tuyển chọn, xây dựng Quy chế tuyển dụng giáo viên vào các ngành đạt chuẩn theo quy định, nhất là những cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn giỏi, thợ lành nghề có “bàn tay vàng”, những kỹ sư trẻ, sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ, khả năng sư phạm và có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút giáo viên ký kết hợp đồng, tham gia giảng dạy tại Trường. Đồng thời, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm; tổ chức tập huấn, hội thi, hội giảng; thực hiện nghiêm chế độ phê duyệt và thông qua giáo án trước khi lên lớp. Nhà trường luôn coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ giữa người dạy với người học, tạo môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy phong trào “dạy tốt, học tốt”, đưa mọi hoạt động của Nhà trường vào nền nếp. Nhờ đó, đội ngũ giáo viên của Nhà trường có sự phát triển về trình độ, tay nghề, năng động, sáng tạo trong tiếp thu kiến thức, công nghệ mới; có tinh thần trách nhiệm cao, yêu ngành, yêu nghề, hết lòng vì sự nghiệp đào tạo nghề, tâm huyết gắn bó với Nhà trường.

Cùng với đó, Nhà trường chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm tốt cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ đào tạo nghề. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến chất lượng đào tạo các ngành nghề của Nhà trường. Từ đòi hỏi của thị trường lao động, nên Nhà trường đã đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau, nhu cầu bảo đảm cần có nguồn kinh phí lớn; mặc dù đã được trên quan tâm đầu tư, song chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, kết hợp đầu tư kinh phí của trên với tự đầu tư, tự sản xuất, Nhà trường đã quan tâm đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học hiện đại; từng bước nâng cấp các trang thiết bị, phòng học chuyên dùng, nhà xưởng, cơ sở đào tạo, giảng đường, bãi tập, cơ sở vật chất, mô hình, học cụ và nơi ăn ở, sinh hoạt cho học sinh, sinh viên. Chỉ trong 2 năm (2014, 2015), Nhà trường đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng mới giảng đường, ký túc xá, cùng hàng chục nghìn mét vuông bãi tập theo đúng quy chuẩn ở tất cả các cơ sở đào tạo; tiếp nhận trang thiết bị dạy nghề hiện đại, trị giá trên 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Cộng hòa Áo. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm đầu tư và thực hiện có hiệu quả, đúng hướng, thu hút được đông đảo cán bộ, giáo viên tham gia. Hằng năm, Nhà trường đã chú trọng kiện toàn và nâng cao chất lượng Hội đồng khoa học, hoàn thiện Quy chế, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng; tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, nhà trường, đơn vị trong và ngoài Quân đội, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng, hiện đại hóa các trang thiết bị đào tạo nghề trước yêu cầu mới. Vì thế, công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng đề tài; nhiều công trình được ứng dụng hiệu quả trong công tác giảng dạy của Nhà trường.

Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường luôn được Đảng ủy Nhà trường quan tâm lãnh đạo. Hàng năm, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và đơn vị Quân đội tiến hành tư vấn học nghề, tuyển sinh, giới thiệu việc làm cho hàng nghìn lượt người, chủ yếu là bộ đội xuất ngũ; tư vấn cho họ nắm vững chính sách ưu tiên trong đào tạo nghề đối với các đối tượng. Đồng thời, chủ động tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu xã hội, tiếp cận nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để tiến hành ký kết cung ứng nguồn lao động chất lượng cho doanh nghiệp. Vì thế, học viên được đào tạo nghề ở Trường sau khi tốt nghiệp có hơn 80% đã tìm được việc làm, với thu nhập ổn định, được người sử dụng lao động đánh giá cao về năng lực, trình độ, tác phong làm việc và ý thức tổ chức kỷ luật. Nhiều đồng chí khi về địa phương trở thành chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thành đạt, mỗi năm thu nhập hằng trăm triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động hoặc được tuyển dụng vào làm việc ở các doanh nghiệp có “tên tuổi” ở nhiều địa phương trong cả nước. Từ năm 2010 đến nay, đã có gần 10 doanh nghiệp ký kết thỏa thuận với Nhà trường về tuyển dụng lao động. Tiêu biểu, như: Tổng công ty xây dựng 36 Bộ Quốc phòng tuyển dụng thợ kỹ thuật xây dựng, vận hành máy xúc, máy ủi; Công ty tiêu chuẩn Việt chuyên sản xuất hàng điện tử tại Khu công nghiệp Quang Minh (Vĩnh Phúc) “đặt hàng” đào tạo nghề điện tử, điện công nghiệp; các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty LILAMA3 tuyển dụng thợ hàn công nghệ cao. Đặc biệt, Công ty Honda Việt Nam đã ký kết phối hợp hỗ trợ trang, thiết bị sửa chữa, cam kết học viên tốt nghiệp đều được tuyển dụng làm việc tại Công ty và các đại lý trực thuộc trên toàn quốc, v.v.

Với những chủ trương, giải pháp trên đây, Trường Cao đẳng nghề số 2 - Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục phát triển, là địa chỉ tin cậy, chỗ dựa vững chắc trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ vùng Tây Bắc và vùng núi phía Bắc Tổ quốc, xứng đáng với vị trí của mình trong hệ thống nhà trường Quân đội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại tá ĐÀO VĂN MINH, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường

__________________

1 - Từ năm 2010 đến nay, Trường đã đào tạo nghề cho 28.750 người (trong đó 19.826 bộ đội xuất ngũ); tạo nguồn xuất khẩu lao động có thời hạn tại Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Trung Đông khác cho 621 bộ đội xuất ngũ; thi nâng giữ bậc lái xe quân sự cho 517 đồng chí, bổ túc lái xe tác chiến cho 736 đồng chí và đào tạo nâng hạng D lên hạng E cho 56 đồng chí, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.