Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 25/10/2018, 09:03 (GMT+7)
Sư đoàn 370 tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, bảo đảm an toàn bay

Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được trang bị nhiều loại máy bay, vũ khí, khí tài hiện đại, sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, làm nhiệm vụ tác chiến trên không, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa từ vĩ tuyến 14 trở vào đến hết cực Nam của Tổ quốc. Cùng với đó, Sư đoàn còn làm nhiệm vụ đào tạo chuyển loại phi công phản lực, trực thăng; bay tìm kiếm cứu nạn; bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội thăm, kiểm tra các tỉnh phía Nam, Quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1; bay đổ quân, thả dù và đào tạo học viên quốc tế (Lào, Căm-pu-chia), v.v. Ngoài ra, Sư đoàn còn tích cực tham gia các cuộc diễn tập: tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng; khẩn nguy quốc gia; khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố,… và thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất khác. Nhận thức sâu sắc trọng trách được giao, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, bảo đảm an toàn bay và lấy đây làm khâu đột phá để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Đơn vị. Do vậy, Sư đoàn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, được Đảng, Nhà nước, Quân đội ghi nhận, đánh giá cao, góp phần cổ cũ, động viên bộ đội thi đua, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Có được kết quả trên là nhờ Sư đoàn đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, quản lý nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, trọng tâm là huấn luyện bay và bảo đảm an toàn bay. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm quân sự của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác huấn luyện, nhất là Nghị quyết 765/NQ-QUTW, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 558-NQ/ĐU, ngày 27-02-2013 của Đảng ủy Quân chủng về nâng cao chất lượng huấn luyện và trên cơ sở nhiệm vụ được giao, tình hình thực tế đơn vị, Đảng ủy Sư đoàn đã ban hành Nghị quyết 450/NQ-ĐU, ngày 08-4-2013 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo; nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện, đấu tranh phòng ngừa tai nạn bay, uy hiếp an toàn bay với mục tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Đồng thời, bám sát mục tiêu huấn luyện cho phi công, thành viên tổ bay, các thành phần là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối, trình độ kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ giỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh, hành động quyết đoán, xử trí tốt mọi tình huống để xác định quyết tâm chính trị thực hiện tốt công tác huấn luyện. Để lãnh đạo nhiệm vụ quan trọng này, Sư đoàn đã tập trung kiện toàn cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, trong đó ưu tiên các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, bảo đảm kỹ thuật hàng không, hậu cần, thông tin ra-đa, v.v. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cấp ủy viên các cấp; trọng tâm là nâng cao năng lực quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết huấn luyện, bảo đảm an toàn bay vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, trình độ nghiệp vụ, tác phong công tác, duy trì nền nếp chính quy cho cán bộ, nhân viên các chuyên ngành và công tác quản lý tư tưởng bộ đội, nhất là đội ngũ phi công, thành viên tổ bay. Đảng ủy Sư đoàn đã phân công trách nhiệm rõ ràng trong cấp ủy và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phương châm: “Đổi mới tác phong công tác, nâng cao chất lượng huấn luyện, siết chặt kỷ cương, hướng về cơ sở”. Tăng cường công tác kiểm tra, giúp đỡ các đơn vị thực hiện chế độ, nền nếp công tác đảng, công tác chính trị trong các giai đoạn bay; xác định đây là khâu quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo đối với nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, bảo đảm an toàn bay. Trong quá trình thực hiện, Sư đoàn luôn gắn nhiệm vụ này với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, công hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên; lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị làm cơ sở để đánh giá chất lượng, tiêu chí đề bạt, bổ nhiệm cán bộ các cấp. Cùng với đó, Sư đoàn đã phát huy tốt vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quân huấn trong xây dựng kế hoạch, quản lý, điều hành huấn luyện; giáo dục và chấp hành nghiêm nguyên tắc, chế độ huấn luyện, quy định của Điều lệ bay, Điều lệ An toàn bay, điều lệ công tác các chuyên ngành.

Để thực hiện tốt một trong ba khâu đột phá của Đảng ủy Quân chủng là nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, Sư đoàn tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác này. Những năm gần đây, do nhiệm vụ huấn luyện của Sư đoàn có nhiều phát triển, đáp ứng yêu cầu phù hợp với phương thức, thủ đoạn tác chiến mới của đối phương và máy bay, vũ khí, khí tài, trang bị hiện có, Sư đoàn chủ trương đổi mới toàn diện cả nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện. Về nội dung, đổi mới theo hướng tập trung vào khoa mục bay mới; các bài bay ứng dụng chiến đấu cơ động phức tạp trên đất liền, trên biển, chặn ép máy bay vi phạm, đội hình 4 chiếc cơ bản,… trong đó, hết sức coi trọng huấn luyện nâng cao kỹ năng xử lý tình huống bất trắc trong quá trình bay. Về phương pháp huấn luyện, đổi mới theo hướng: trực quan, sáng tạo, linh hoạt, không dập khuôn máy móc, lấy thực hành làm chính; bảo đảm yêu cầu sát với nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng tác chiến, v.v. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện bay của Sư đoàn đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ rõ nét qua từng năm. Năm 2015, lần đầu tiên Sư đoàn tổ chức thành công ném bom ban đêm cho phi công Su-30 chỉ với 06 lần chuyến bay. Những năm tiếp đó, Đơn vị tăng dần tần xuất bay bắn, ném bom ban đêm và từng bước đưa phi công Su-22, trực thăng vào thực hiện nội dụng này. Do vậy, tính đến thời điểm này của năm 2018, tổng số lần chuyến bắn, ném bom ban đêm của Sư đoàn tăng gấp ba lần so với năm 2015. Đặc biệt, năm 2018, Sư đoàn đã mạnh dạn đưa phi công phản lực vào bay những bài bay khó, như: bay bằng bắn, ném bom, phóng rốc-két ban đêm ở độ cao thấp và cực thấp, các bài cơ động chiến thuật bay thấp, kéo cao kết hợp bắn các loại đạn nhiễu nhiệt, nhiễu vô tuyến vượt hỏa lực phòng không địch, v.v. Qua kiểm tra các khoa mục, bài bay mới có sử dụng vũ khí, ném bom trong những năm gần đây, đều đạt khá, giỏi, đơn vị an toàn tuyệt đối. Để đảm bảo lực lượng sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn chú trọng công tác huấn luyện, đào tạo chuyển loại phi công1; thành lập các tổ trợ giáo để kèm cặp, giúp đỡ phi công trẻ, bố trí giáo viên có nhiều kinh nghiệm để bay kèm học viên; tổ chức các chuyến bay mẫu của giáo viên để thống nhất nội dung, phương pháp bay. Khi kết thúc chương trình đào tạo, tổ chức bay đề cao để đưa phi công vào làm nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, yêu cầu việc tổ chức huấn luyện phải từ lý thuyết đến thực hành, đơn giản đến phức tạp, thấp đến cao, cơ bản đến ứng dụng; không chủ quan, đơn giản, cắt xén nội dung, quy trình kỹ thuật.

Nhờ đó, những năm qua, Sư đoàn đã đào tạo được hàng trăm phi công, thành viên tổ bay. Với lực lượng có trình độ bay tốt, Sư đoàn thường xuyên hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị đứng chân khu vực phía Nam (Quân khu 7, 9; Quân đoàn 4; Tổng cục II; Binh chủng Đặc công; Vùng 2, 4, 5 Hải quân; các đơn vị phòng không) thực hành huấn luyện hiệp đồng và diễn tập chi viện hỏa lực, đổ quân chiến thuật trong các tình huống chiến đấu, chống bạo loạn lật đổ, khủng bố, chặn ép máy bay xâm phạm vùng trời,... nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trước đòi hỏi của tình hình nhiệm vụ bảo vệ vùng trời của Tổ quốc ngày càng cao, những năm tới, Sư đoàn tiếp tục huấn luyện bay biên đội 4 chiếc cơ bản và ứng dụng chiến đấu cho phi công Su-30, Su-22, bay củng cố kỹ thuật nhào lộn phức tạp độ cao thấp, kỹ thuật nhào lộn cao cấp, bay không chiến; huấn luyện sử dụng các loại bom, tên lửa có điều khiển và sẵn sàng thực hành bắn, ném bom trên biển ban đêm cho phi công, tổ bay trực thăng. Đồng thời, chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ giữ giãn cách bay, làm chủ các trang bị, vũ khí, khí tài mới và ứng dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, công nghệ cao vào hoạt động bay.

Cùng với đổi mới công tác huấn luyện, Sư đoàn chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn bay. Đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng, xuyên suốt trong hoạt động huấn luyện chiến đấu, yếu tố quyết định chất lượng huấn luyện, sức mạnh chiến đấu, xây dựng vững mạnh toàn diện của Sư đoàn. Với quan điểm: con người là trọng tâm; xây dựng kế hoạch, điều hành an toàn bay là quan trọng; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật hàng không là thiết yếu, Sư đoàn đã tập trung mọi nỗ lực để thực hiện thắng lợi công tác này. Về xây dựng con người, các cơ quan, đơn vị đã tích cực giáo dục, quán triệt cho bộ đội nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn bay, đặc biệt là nắm chắc diễn biến tư tưởng, tâm lý, sức khỏe bộ đội, nhất là đội ngũ phi công, thành viên tổ bay, v.v. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, niềm tin vào vũ khí, trang bị, khí tài được biên chế với tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, kiến thức bảo đảm an toàn bay cho đội ngũ phi công và cán bộ, nhân viên các chuyên ngành. Về công tác kế hoạch, điều hành an toàn bay, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình khí tượng, nhiệm vụ được giao, trình độ phi công, thực trạng công tác an toàn bay, máy bay, xe máy, đài trạm,... để xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn bay, phương án chỉ huy bay khoa học, phù hợp, triển khai cụ thể đến từng cấp, từng ngành; tổ chức điều hành bay chặt chẽ, hiệu quả và điều chỉnh kế hoạch bay kịp thời theo điều kiện thực tế. Về công tác hậu cần, kỹ thuật hàng không, Sư đoàn coi trọng việc bảo đảm trên ba mặt: số lượng, chất lượng, sự đồng bộ và trong ba giai đoạn bay, bốn giai đoạn chuẩn bị kỹ thuật. Do nhiệm vụ bay luôn đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật có độ chính xác, tin cậy cao, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm ngặt nội dung, quy trình kỹ thuật, đúng điều lệ công tác các chuyên ngành, kiểm tra chặt chẽ theo phân cấp. Hằng năm, Sư đoàn đều tổ chức hội thi “Máy bay, xe máy tốt, kho xưởng, đài trạm kiểu mẫu; doanh trại chính quy, điều lệnh giỏi” đạt hiệu quả thiết thực; thường xuyên chú trọng thực hiện tốt Cuộc vận động 50 và phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Không quân 370 đang nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, bảo đảm an toàn bay, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá PHẠM TRƯỜNG SƠN, Sư đoàn trưởng
____________

1 - Năm 2017, Sư đoàn đã huấn luyện, đào tạo chuyển loại được 67 phi công, nhân viên bay; trong đó có 22 phi công Su-30, 17 phi công Su-22 và 28 phi công trực thăng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.