Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 27/11/2017, 15:33 (GMT+7)
Quân đoàn 2 chủ động chuẩn bị về hậu cần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cơ động tác chiến

Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác hậu cần đối với việc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu và quán triệt sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của một binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược, những năm qua, cùng với thường xuyên coi trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng vững mạnh về chính trị và đẩy mạnh công tác huấn luyện, diễn tập nhằm nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội,… Quân đoàn 2 luôn chủ động chuẩn bị toàn diện, chu đáo về hậu cần, sẵn sàng bảo đảm cho Quân đoàn cơ động thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Với vai trò là lực lượng cơ động chiến lược của Bộ, khi chiến tranh xảy ra, Quân đoàn sẽ làm nòng cốt thực hiện các chiến dịch hoặc chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Theo đó, nhiệm vụ bảo đảm hậu cần của Quân đoàn rất nặng nề, nhu cầu bảo đảm lớn, yêu cầu khẩn trương, nhất là cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật, bảo đảm vật chất, cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh, tiến hành trong điều kiện tác chiến ác liệt, nhịp độ cao, chuyển hóa linh hoạt, v.v. Để hoàn thành nhiệm vụ công tác hậu cần, Quân đoàn chỉ đạo ngành Hậu cần và các đơn vị, một mặt tập trung làm tốt công tác bảo đảm hậu cần thường xuyên, phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất; mặt khác, chủ động, tích cực, từng bước chuẩn bị về hậu cần cho nhiệm vụ tác chiến, sát với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp. Thực hiện chỉ đạo của Quân đoàn và quán triệt quan điểm “chủ động, thấy trước, lo trước”, Cục Hậu cần Quân đoàn đã tích cực nghiên cứu, triển khai công tác chuẩn bị hậu cần bảo đảm cho nhiệm vụ tác chiến. Với phương châm toàn diện, chu đáo, lấy bảo đảm cho Quân đoàn chiến đấu thắng lợi làm mục tiêu cao nhất, ngành hậu cần Quân đoàn đã chủ động chuẩn bị mọi mặt, từ con người, phương tiện, vật chất hậu cần, đến các kế hoạch, phương án bảo đảm và từng bước xây dựng thế trận hậu cần trên các hướng, địa bàn tác chiến của Quân đoàn,… bước đầu đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ, trước hết, Cục Hậu cần đã tham mưu và trực tiếp chỉ đạo xây dựng hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến phù hợp với nhiệm vụ, quyết tâm, kế hoạch tác chiến của Tư lệnh Quân đoàn và khả năng của hậu cần Quân đoàn. Trong đó, trọng tâm là kế hoạch bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ A, bảo đảm hậu cần cho phòng tránh, đánh trả địch tiến công hỏa lực, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; kế hoạch hiệp đồng hậu cần cho các phương án tác chiến. Đây là những văn kiện hết sức quan trọng, cơ sở để Quân đoàn chỉ đạo các ngành, hậu cần đơn vị xây dựng kế hoạch bảo đảm của ngành, đơn vị theo phân cấp; cơ sở để triển khai công tác chuẩn bị lực lượng, vật chất, phương tiện, chuẩn bị trước chiến trường về mặt hậu cần. Trong các kế hoạch bảo đảm, Quân đoàn xác định rõ phương án tổ chức, sử dụng lực lượng, bố trí hậu cần; dự kiến các mặt bảo đảm, phương pháp tiến hành; quy định về chỉ huy, bảo vệ hậu cần trong tác chiến và đặc biệt là dự kiến các tình huống về hậu cần và biện pháp xử lý, v.v. Định kỳ, rà soát, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các kế hoạch, phương án bảo đảm hậu cần phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là sự phát triển yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đoàn.

Khi thực hành tác chiến, Quân đoàn thực hiện các trận đánh hiệp đồng quân chủng, binh chủng trong thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và quân khu. Do vậy, để bảo đảm tốt hậu cần, phải có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa hậu cần Quân đoàn, các quân chủng, binh chủng với lực lượng hậu cần tại chỗ. Cục Hậu cần đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn phối hợp chặt chẽ với các quân chủng, binh chủng, quân khu và lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn, xây dựng, hoàn chỉnh phương án, kế hoạch hiệp đồng bảo đảm hậu cần cho từng kế hoạch tác chiến, tạo điều kiện chi viện, hỗ trợ lẫn nhau, đáp ứng yêu cầu bảo đảm hậu cần trong mọi tình huống. Cùng với xây dựng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến, Quân đoàn tích cực đẩy mạnh tạo nguồn, tổ chức dự trữ, quản lý chặt chẽ vật chất hậu cần sẵn sàng chiến đấu. Cục Hậu cần Quân đoàn đã bám sát sự điều chỉnh Chỉ lệnh 82/CL-BQP của Bộ Quốc phòng, đề xuất Bộ Tư lệnh Quân đoàn và chỉ đạo các đơn vị cân đối, điều chỉnh vật chất hậu cần dự trữ sẵn sàng chiến đấu phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, khả năng quản lý, bảo quản của từng cấp và điều kiện kinh tế thị trường.

Về chuẩn bị lực lượng hậu cần, Quân đoàn đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế ngành Hậu cần, nhất là cơ quan, đơn vị hậu cần cấp Quân đoàn, hậu cần các sư đoàn bộ binh đủ quân, lữ đoàn binh chủng. Đồng thời, tăng cường tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập hậu cần, hướng vào bảo đảm cho nhiệm vụ tác chiến. Theo đó, Quân đoàn chỉ đạo cơ quan, đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng công tác huấn luyện hậu cần, quan tâm đúng mức đến huấn luyện hậu cần chiến đấu. Ngành Hậu cần Quân đoàn đã tích cực đổi mới huấn luyện hậu cần, coi trọng huấn luyện nâng cao năng lực tham mưu, chỉ huy hậu cần của cán bộ cơ quan hậu cần cấp trung đoàn, lữ đoàn trở lên; năng lực bảo đảm hậu cần của các phân đội hậu cần. Thời gian qua, Quân đoàn tăng cường huấn luyện lý luận chỉ huy, tham mưu hậu cần cấp chiến dịch, lý luận tổ chức bảo đảm hậu cần trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao cho cán bộ cơ quan hậu cần các cấp. Chú trọng huấn luyện, tổ chức luyện tập theo các phương án, kế hoạch đảm bảo hậu cần trong tác chiến; huấn luyện hành động của chỉ huy cơ quan, cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp trong chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cơ động, phối hợp, hiệp đồng với hậu cần các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ. Quá trình tiến hành, Hậu cần Quân đoàn luôn kết hợp huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ với giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng tâm thế cho cán bộ, nhân viên hậu cần đối với nhiệm vụ bảo đảm hậu cần trong tác chiến; gắn huấn luyện nâng cao khả năng cơ động bảo đảm với ngụy trang, nghi binh, phòng tránh, bảo vệ hậu cần trong chiến đấu. Huấn luyện các kỹ năng xử trí tình huống hậu cần trong cơ động bảo đảm.

Nhằm nâng cao khả năng cơ động của lực lượng hậu cần, Quân đoàn tập trung huấn luyện nâng cao năng lực của lực lượng vận tải chiến dịch, chiến thuật. Quân đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ huấn luyện cho đội ngũ lái xe; phân công cán bộ kèm cặp chặt chẽ; tận dụng thời gian đưa xe ra, vào hằng ngày, các đợt công tác để nâng cao tay lái. Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng hậu cần tích cực tổ chức luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cơ động bảo đảm tác chiến theo các phương án, quyết tâm tác chiến của Quân đoàn; luyện tập cơ động lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp, cơ động ban đêm, v.v. Đồng thời, hằng năm, lồng ghép luyện tập, diễn tập hậu cần với diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật của đơn vị bộ binh ở các cấp. Trong đó, lực lượng hậu cần thực hiện đầy đủ các khâu, các bước: xây dựng kế hoạch bảo đảm, kế hoạch hiệp đồng với hậu cần các quân chủng, binh chủng, nhất là với hậu cần các địa phương; phân công cán bộ, nhân viên phụ trách từng mặt công tác một cách chặt chẽ; duy trì sức cơ động của lực lượng vận tải. Quân đoàn còn tích cực phối hợp với các địa phương xây dựng lực lượng dự bị động viên hậu cần, đảm bảo số lượng, chất lượng, thành phần, chú trọng động viên phương tiện cơ động, sẵn sàng huy động bổ sung biên chế khi có tình huống. Với các biện pháp phù hợp, trình độ, khả năng bảo đảm hậu cần trong tác chiến của hậu cần Quân đoàn được nâng lên. Năm 2012, tham gia diễn tập hậu cần HC12, Hậu cần Quân đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Cùng với đó, Quân đoàn chủ động nắm chắc khả năng hậu cần tại chỗ, hậu cần khu vực phòng thủ; từng bước chuẩn bị thế trận hậu cần, theo yêu cầu, nhiệm vụ. Để đáp ứng yêu cầu tác chiến của binh đoàn chủ lực cơ động, hậu cần Quân đoàn phải bảo đảm khối lượng vật chất rất lớn, nhất là đạn, xăng dầu, lương thực, thuốc, trong điều kiện thời gian chuẩn bị ngắn, cơ động bảo đảm liên tục trên phạm vi rộng. Trong khi đó, lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; đòi hỏi Quân đoàn phải xây dựng tiềm lực hậu cần mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm tại chỗ với bảo đảm cơ động. Nhận thức rõ điều đó, cùng với tổ chức tốt dự trữ vật chất sẵn sàng chiến đấu và duy trì lượng dự trữ gối đầu thường xuyên ở các cấp, Quân đoàn chỉ đạo cơ quan, đơn vị dự kiến cụ thể khối lượng vật chất hậu cần bảo đảm cho từng phương án, quyết tâm tác chiến của Quân đoàn theo từng địa bàn đã xác định. Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương khảo sát nắm vững tiềm lực hậu cần tại chỗ, khả năng khai thác, huy động vật chất, lực lượng, phương tiện, khả năng thu dung, cứu chữa của các cơ sở y tế trong khu vực phòng thủ, cũng như nắm khả năng phối hợp, hiệp đồng bảo đảm hậu cần của các quân chủng, binh chủng cùng tham gia tác chiến. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch bổ sung vật chất, hiệp đồng khai thác, huy động theo từng giai đoạn, nhiệm vụ tác chiến của Quân đoàn.

Để bảo đảm hậu cần vững chắc trong tác chiến, Quân đoàn chủ động chuẩn bị, xây dựng thế trận hậu cần. Trọng tâm là phối hợp với các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, quân khu để xác định vị trí bố trí căn cứ hậu cần, hệ thống các kho, trạm, mạng đường vận tải phù hợp với từng phương án tác chiến. Theo đó, với mỗi phương án, quyết tâm tác chiến của Quân đoàn, Cục Hậu cần đều dự kiến phương án tổ chức, bố trí lực lượng hậu cần, gồm: vị trí chính thức, vị trí dự bị. Khu vực lựa chọn bố trí hậu cần được Quân đoàn nghiên cứu kỹ trên bản đồ và thực địa; đảm bảo gắn kết chặt chẽ với hậu cần chiến lược, quân khu, khu vực phòng thủ và hậu cần các đơn vị, tạo thế liên hoàn, vững chắc. Trên cơ sở dự kiến bố trí, định kỳ Quân đoàn tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, Quân đoàn tích cực tham mưu cho các địa phương liên quan củng cố, xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ, tạo nền tảng cho Quân đoàn phối hợp triển khai khi bước vào tác chiến. Trong đó, Quân đoàn chú trọng tham mưu cho địa phương xây dựng, củng cố hệ thống đường, cầu, cống, bến vượt sông, quản lý chặt chẽ các khu vực địa hình có giá trị chiến thuật, v.v. Trước mắt, Quân đoàn chỉ đạo hậu cần các cấp phối hợp với các địa phương, chủ động chuẩn bị tốt khu vực bố trí hậu cần ở khu vực sơ tán, tập trung bí mật và các phương án phòng tránh, đánh trả, sẵn sàng đáp ứng yêu cần, nhiệm vụ cơ động tác chiến trong mọi tình huống, xứng đáng với vai trò là lực lượng chủ lực cơ động chiến lược, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá BÙI QUANG KHẢI, Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.