Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 23/01/2017, 08:16 (GMT+7)
Quân chủng Hải quân thực hiện tốt công tác chính sách đặc thù quân sự

Hải quân là một trong những lực lượng được Đảng, Nhà nước xác định xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Theo đó, Quân chủng Hải quân đã phát triển mạnh về tổ chức biên chế, lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật; nhiều đơn vị mới được thành lập, một số đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt, môi trường độc hại, nguy hiểm, v.v. Bên cạnh đó, sự chống phá hết sức quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, mà mục tiêu trước hết của chúng là “phi chính trị hóa” quân đội; mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường,… đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý của một số cán bộ, chiến sĩ. Để hoàn thành trọng trách được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã tiến hành đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đặc thù quân sự là một trọng tâm.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm1, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác chính sách và Chỉ thị 152-CT/QUTW, ngày 02-12-2011 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội; trong đó, đặc biệt chú trọng việc tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đặc thù quân sự; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính sách trong toàn Quân chủng.

Nắm chắc phương hướng phát triển lực lượng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt chủ trương đột phá của ngành: “chủ động, chu đáo, hiệu quả, nghĩa tình”. Tập trung nghiên cứu, tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản quy định về chế độ, chính sách đặc thù quân sự đối với các lực lượng mới, đặc thù, như: cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; lực lượng tàu ngầm cấp chiến dịch, lực lượng không quân Hải quân, lực lượng làm nhiệm vụ tại căn cứ quân sự Cam Ranh…; chế độ, chính sách huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp đặc thù quân sự cho một số đối tượng khác trong Quân chủng; tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách.

Các cơ quan chức năng của Quân chủng đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất giúp Bộ Tư lệnh Quân chủng hướng dẫn, triển khai và thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho các đối tượng theo quy định hiện hành; trong đó, tập trung giải quyết chế độ, chính sách đặc thù cho các đối tượng theo Quyết định 15/2009/QĐ-TTg, Quyết định 41/2010/QĐ-TTg, Quyết định 42/2010/QĐ-TTg, Quyết định 57/2012/QĐ-TTg,… của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình áp dụng, triển khai các quyết định trên cho thấy các chế độ, chính sách đã đáp ứng đúng, kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, tạo được sự đồng thuận cao trong Quân chủng và xã hội, nhất là với những cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng mới. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng yên tâm, phấn khởi, gắn bó với đơn vị, hăng say học tập và rèn luyện, vươn lên làm chủ các phương tiện, vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.

Quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù quân sự, Hội đồng xét duyệt, thẩm định chức danh các cấp trong Quân chủng luôn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, bám sát cơ quan nghiệp vụ cấp trên; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền tổ chức xét duyệt, thẩm định chặt chẽ, báo cáo thẩm tra theo quy định trước khi thực hiện, bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, đúng chế độ, đúng đối tượng. Các cơ quan chức năng của Quân chủng thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong kiểm tra, rà soát việc chi trả; đồng thời, hướng dẫn nghiệp vụ và giải đáp thỏa đáng vướng mắc nảy sinh. Khi phát hiện những tồn tại, bất cập, đã kịp thời báo cáo về cơ quan nghiệp vụ cấp trên để có hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp. Từ năm 2009 đến nay, thực hiện Quyết định 15/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù quân sự đối với một số đối tượng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, toàn Quân chủng đã chi trả hơn 700 tỷ đồng cho hàng nghìn chức danh thuộc 16 nhóm đối tượng với hơn 65 nghìn lượt người được thụ hưởng chế độ phụ cấp đặc thù quân sự. Thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-TTg của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, từ năm 2010 đến nay, Quân chủng đã chi trả hơn 715 tỷ đồng cho hơn 142 nghìn lượt người, bảo đảm đúng đối tượng được thụ hưởng.

Thông qua việc quán triệt, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đặc thù quân sự trong Quân chủng khẳng định: đây chính là chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước để bù đắp một phần cho sự cống hiến, những hy sinh, mất mát,… của các cán bộ, chiến sĩ; khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, hướng đến mục tiêu bảo đảm sự công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa trách nhiệm và quyền lợi. Nhờ đó góp phần quan trọng bồi đắp tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tạo động lực cho bộ đội yên tâm công tác, sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, tác động tích cực đến hậu phương gia đình của các đối tượng “đặc biệt, đặc thù” Hải quân, tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ trong Quân chủng, góp phần ổn định tổ chức biên chế, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Bộ đội Hải quân.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững trao chứng nhận Cán bộ chính sách giỏi
cho các thí sinh tại Hội thi cán bộ chính sách giỏi năm 2016.
(Ảnh: baohaiquanvietnam.vn)

Tuy nhiên, việc tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù quân sự trong Quân chủng cũng còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là: một số chế độ phụ cấp không quy chuẩn theo hệ số lương cơ sở, do vậy giá trị thực tế đã bị suy giảm dần theo thời gian; có đối tượng rơi vào nhóm căn cứ chưa đủ thuyết phục khi đối chiếu giữa chức trách, nhiệm vụ đảm nhiệm với tiêu chí để xét thụ hưởng; mức thụ hưởng ở một số nhóm chức danh, nhóm ngành đặc thù còn thấp, chưa thực sự tương xứng; một số ngành nghề mới, chức danh mới phát sinh trong thực tế phát triển lực lượng nhưng chưa được xét thụ hưởng vì chưa có văn bản pháp quy đề cập, do vậy không có cơ sở để thực hiện.

Những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường trên Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nhiệm vụ của Bộ đội Hải quân rất nặng nề, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu để thực sự là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Cùng với triển khai đồng bộ các mặt công tác khác, việc tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt các chế độ chính sách đặc thù quân sự thời gian tới là một yêu cầu cấp thiết. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp và cơ quan chức năng trong toàn Quân chủng cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:

Một là, cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Chỉ thị 368-CT/QUTW, ngày 12-6-2016 của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết 328-NQ/ĐU, ngày 31-8-2016 của Đảng ủy Quân chủng về lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội trong Quân chủng Hải quân giai đoạn 2016 - 2020. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chính sách. Thường xuyên bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn ở cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đặc thù quân sự, theo phương châm “Chủ động, chu đáo, kịp thời, bảo đảm lực lượng đến đâu, chính sách phải đi trước một bước và đáp ứng được ngay”, bảo đảm đầy đủ, công bằng, hợp lý, đúng đối tượng thụ hưởng; linh hoạt, dễ thực hiện, kiên quyết không bỏ sót đối tượng.

Hai là, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với trên sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh mức hưởng, đối tượng hưởng phụ cấp đặc thù theo Quyết định 15/2009/QĐ-TTg, Quyết định 41/2010/QĐ-TTg và Quyết định 42/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành mới một số chế độ chính sách cho các lực lượng, đơn vị đặc thù, phù hợp với sự phát triển của Hải quân theo hướng hiện đại. Đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ ban hành một số chế độ, chính sách nhằm thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ, chất lượng cao vào phục vụ trong Quân đội và Quân chủng Hải quân.

Ba là, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo, đúng chế độ, chính sách đặc thù quân sự gắn với triển khai đồng bộ các chế độ, chính sách chung trong toàn Quân chủng và giải quyết tốt các vấn đề vướng mắc phát sinh, không để xảy ra tiêu cực. Trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách, cần có sự ưu tiên đối với những đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù ở các cơ quan, đơn vị, đồng thời kết hợp chăm lo thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương tham gia thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách hậu phương Quân đội, trong đó chú trọng hỗ trợ gia đình các đối tượng làm nhiệm vụ đặc biệt, khó khăn, gian khổ, v.v.

Bốn là, kết hợp đồng bộ giữa thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù quân sự với làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng cả trong và ngoài Quân đội, Quân chủng,… nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về việc ban hành, thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù quân sự. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác cho cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách ở các cấp. Phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức tham gia tuyên truyền, giáo dục và tổ chức thực hiện công tác chính sách.

Năm là, cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, đồng thời duy trì tốt chế độ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong thực hiện công tác chính sách nói chung và các chế độ, chính sách đặc thù quân sự trong Quân chủng Hải quân.

Công tác chính sách luôn giữ vai trò quan trọng, cùng với các mặt công tác khác tạo nên sức mạnh tổng hợp trong huy động các nguồn lực xây dựng Quân chủng Hải quân vững mạnh, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao. Do đó, cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp trong Quân chủng cần tiếp tục chăm lo xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, chính sách nói chung, chế độ, chính sách đặc thù quân sự nói riêng, nhằm góp phần tạo động lực, cổ vũ, động viên, khơi dậy tinh thần cống hiến, sức sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc PHẠM VĂN VỮNG, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng

_____________         

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 483.

Ý kiến bạn đọc (0)