Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Tư, 16/12/2015, 08:08 (GMT+7)
Nhà máy Z755 nâng cao hiệu quả kết hợp quốc phòng với kinh tế

Nhà máy Z755 (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin điện tử Z755) là doanh nghiệp quốc phòng thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc. Nhà máy có nhiệm vụ chủ yếu là sửa chữa, cải tiến các trang thiết bị thông tin và sản xuất các loại vật tư kỹ thuật, phụ tùng đồng bộ cho máy thông tin quân sự. Trước yêu cầu xây dựng Binh chủng hiện đại và kết hợp quốc phòng với kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nhiệm vụ của Nhà máy có sự phát triển.

Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương phát triển công nghiệp quốc phòng của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và Định hướng phát triển Công ty đến năm 2020 của Tư lệnh Binh chủng. Nhà máy xác định nhiệm vụ chính trị trung tâm là hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng; đồng thời, tận dụng nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh tế. Theo đó, Nhà máy triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc tái cơ cấu doanh nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực, đổi mới thiết bị, công nghệ, phát huy nội lực để thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhà máy thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động nhận thức đúng về quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, từ đó phát huy tinh thần tự lực, tự cường, từng bước vươn lên làm chủ công nghệ, sản xuất thiết bị thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu tác chiến của Quân đội trong môi trường chiến tranh công nghệ cao. Những năm gần đây, không những hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa theo kế hoạch tại Nhà máy, mà còn cùng với trên, cử hàng chục đoàn cán bộ, công nhân kỹ thuật cao đến các đơn vị biên giới, hải đảo, nhà giàn,… bảo dưỡng, sửa chữa tại chỗ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm thông tin liên lạc “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” trong mọi tình huống; được các đơn vị và Binh chủng đánh giá cao.

Trước thực trạng thiết bị, khí tài các đơn vị đưa về nhà máy sửa chữa nhiều cả về số lượng và chủng loại, lại phần lớn của nước ngoài, đã qua sử dụng nhiều năm nên tính năng kỹ thuật, chiến thuật giảm sút, không đồng bộ, nhiều nước đã dừng sản xuất. Tập thể cán bộ, kỹ sư Nhà máy đã tích cực nghiên cứu nâng cấp, cải tiến, thay thế bằng nguồn vật tư trong nước, như: bán dẫn hóa máy thông tin sóng cực ngắn PRC25 (khối lượng giảm một nửa nhưng cự ly liên lạc tăng lên hai lần); nâng cấp chất lượng máy P.158; mũ thông thoại cho bộ đội xe tăng; máy phát 91Z dùng trong môi trường biển, đảo, v.v. Các loại khí tài trên đã được kiểm nghiệm, sử dụng tại các đơn vị và đều có chất lượng tốt; các tính năng, chỉ tiêu kỹ thuật, chiến thuật đáp ứng tiêu chuẩn quân sự. Bên cạnh đó, Nhà máy còn phát huy thế mạnh về điện tử, cơ khí chính xác và ứng dụng công nghệ thông tin, liên kết với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu, thử nghiệm các loại thiết bị thông tin quân sự mới, nhất là các loại máy thu phát vô tuyến điện, tổng đài điện tử kỹ thuật số. Đây là sự khẳng định khả năng tự sản xuất các khí tài thông tin của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Nhà máy, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành Thông tin Quân sự và nhiệm vụ xây dựng Binh chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Cùng với đó, Nhà máy tận dụng tối đa mọi nguồn lực sản xuất hàng hóa, dịch vụ kỹ thuật phục vụ nhu cầu dân sinh.  Những năm gần đây, sản lượng hàng quốc phòng chỉ chiếm từ 30% - 40% giá trị sản lượng của Nhà máy. Nếu chỉ sản xuất hàng quốc phòng thì Đơn vị không thể đủ việc làm và đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên. Mặt khác, không thể tận dụng, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị máy móc cũng như các nguồn lực khác. Vì vậy, trên cơ sở phát huy thế mạnh về các lĩnh vực chuyên môn, trang bị kỹ thuật sẵn có, Nhà máy ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm, như: thiết bị điện tử dân dụng; thiết bị, dụng cụ y tế; thiết bị đo lường, v.v. Để đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường, Nhà máy đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu, các sản phẩm đều được quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO9001-2008. Hiện nay, các sản phẩm do Nhà máy sản xuất không những đứng vững trên thị trường trong nước, mà còn thâm nhập vào thị trường nước ngoài, như: Mỹ, Ốt-xtrây-lia, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, v.v.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, Nhà máy tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thiết bị công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường liên kết với các đơn vị sản xuất, nghiên cứu thị trường, tiếp thị để đưa ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, có chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, giá cả hợp lý. Một số sản phẩm của Nhà máy mang tính lưỡng dụng có hiệu quả cao, như: máy tĩnh điện ION, máy Ozone Z755, máy cuốn rơm tự động, v.v. Nhờ phát triển sản xuất, kinh doanh, Nhà máy đã phát huy tốt năng lực, hiệu quả của các trang, thiết bị; đồng thời, tạo nguồn lực đầu tư mua sắm hiện đại hóa trang bị, giữ vững, nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng.

Thực tiễn cho thấy, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, công nhân có trình độ tay nghề cao là nhân tố quyết định phát triển bền vững của Nhà máy, nhất là khi công nghệ, trang bị, thiết bị ngày càng hiện đại. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà máy đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, kết hợp giữa đào tạo phổ cập với đào tạo chuyên sâu; luân chuyển cán bộ. Trong đó, chú trọng lực lượng kỹ sư, thợ kỹ thuật trẻ làm công tác nghiên cứu và vận hành thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại. Nhà máy vừa coi trọng bồi dưỡng qua thực tiễn sản xuất, vừa khuyến khích người lao động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, tay nghề, vươn lên làm chủ công nghệ, kỹ thuật mới. Đồng thời, chủ động tham mưu cho cấp trên xây dựng cơ chế, chính sách và có kế hoạch thu hút, tuyển dụng lực lượng lao động chất lượng cao có đủ điều kiện vào Nhà máy. Để công tác này đạt hiệu quả cao, Nhà máy đã kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với chế độ chính sách đãi ngộ hợp lý, như: đảm bảo thu nhập, bố trí, sắp xếp, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên có trình độ phát huy được năng lực, sở trường, mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ có năng lực vào các vị trí quan trọng. Từ năm 2010 đến nay, hơn 50% công trình nghiên cứu, sáng kiến kỹ thuật của Nhà máy do đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật được đào tạo tại các cơ sở dân dụng mới được tuyển dụng đóng góp.

Cùng với sự quan tâm của cấp trên, Nhà máy đã tích cực huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang bị, phương tiện, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, đi tắt đón đầu; đột phá vào công nghệ sửa chữa, thay thế bằng các linh kiện sản xuất trong nước cho các loại máy thông tin liên lạc thế hệ mới, chế tạo các sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao, như: Card mạch điện tử tự động; tổng đài điện tử; quy chuẩn các loại máy đo lường ngành điện, điện tử, v.v. Nhà máy đẩy mạnh việc hợp tác liên kết tham gia đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh,... các cơ sở khoa học - công nghệ trên địa bàn; kịp thời nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật; nghiên cứu nâng cấp công nghệ. Từ năm 2009 đến nay, Nhà máy đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm các trang thiết bị công nghệ cao, nhất là cơ khí chính xác, lập trình tự động, v.v. Nhà máy được đánh giá là một trong những đơn vị có trang thiết bị hiện đại nhất trong lĩnh vực sửa chữa, nghiên cứu, sản xuất phụ tùng đồng bộ trang thiết bị thông tin trong và ngoài Quân đội hiện nay.

Cùng với các biện pháp trên, Nhà máy đẩy mạnh áp dụng phương thức quản trị tiên tiến; tập trung rà soát, sắp xếp lực lượng lao động theo hướng ưu tiên cho trực tiếp sản xuất, giảm lao động trung gian; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý. Trong đó, Nhà máy coi trọng kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, tăng cường và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong mọi hoạt động sản xuất quốc phòng, kinh tế. Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng; tăng cường quản lý an ninh nội bộ, bí mật quân sự, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, an toàn lao động, v.v.

 Kết hợp hiệu quả sản xuất quốc phòng với kinh tế đã giúp Nhà máy phát triển bền vững, đạt mức tăng trưởng cao. Hằng năm, Nhà máy đều hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất hàng quốc phòng; đồng thời, và tận dụng có hiệu quả năng lực dôi dư để sản xuất các sản phẩm kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động, thực hiện nghiêm các chỉ tiêu thu nộp tài chính đối với Quân đội và Nhà nước. Nhiều năm liền, Đảng bộ Nhà máy đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; các tổ chức quần chúng đạt vững mạnh xuất sắc, đơn vị vững mạnh toàn diện. Với những thành tích đó, Nhà máy đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Kết quả đó là tiền đề vững chắc để Nhà máy tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế; phấn đấu trở thành một trong những đơn vị bảo đảm kỹ thuật thiết bị thông tin liên lạc chiến lược hiện đại, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN NGỌC ANH, Chính ủy Nhà máy

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.