Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 08/03/2021, 08:34 (GMT+7)
Nhà máy Z176 thực hiện chủ trương lưỡng dụng trong sản xuất

Nhà máy Z1761 (Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên 76) trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp khí tài nghi binh, nghi trang cho Quân đội và các sản phẩm kinh tế phục vụ dân sinh, xuất khẩu, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành đúng đắn, linh hoạt, phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, với ý chí vươn lên mạnh mẽ. Nhờ đó, Nhà máy luôn là lá cờ đầu của Tổng cục về sản xuất kinh tế xuất khẩu, đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nhiều sản phẩm mới về quốc phòng và kinh tế; sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tốt, hiệu quả. Giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân đạt 9,5%/năm; doanh thu tăng trưởng đạt 7,5%/năm; giá trị tăng thêm tăng trưởng đạt 8,0%/năm; thu nhập bình quân tăng trưởng 5,0%/năm. Riêng năm 2020, doanh thu xuất khẩu đạt 1.460 tỷ đồng; việc làm của cán bộ, công nhân viên, người lao động ổn định, đời sống không ngừng được nâng cao2, môi trường làm việc luôn được cải thiện. Năm năm qua, Nhà máy được tặng 02 Cờ Thi đua của Bộ Quốc phòng, 03 Cờ Thi đua của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống, Nhà máy được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Kiểm tra chất lượng bộ quần áo bảo hộ phòng dịch xuất khẩu

Có được kết quả đó, trước hết, Nhà máy luôn quán triệt và vận dụng đúng, linh hoạt, sáng tạo quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, sản xuất quốc phòng và phát triển kinh tế. Trực tiếp là: Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25/9/2012 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”, trong điều kiện sản phẩm quốc phòng nhóm I được giao hằng năm chiếm tỷ trọng rất thấp, song Nhà máy luôn xác định: sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trung tâm, sản xuất kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm kinh tế xuất khẩu. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, với định hướng đúng, Ban Giám đốc Nhà máy đã bám sát nhu cầu trang bị của Quân đội, chủ động tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, không trông chờ, ỷ lại; tích cực khai thác các đơn hàng quốc phòng thuộc nhóm II, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, bảo đảm về tiến độ, ổn định sản phẩm, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, được các đơn vị đưa vào sử dụng đánh giá cao. Đồng thời, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng mặt bằng nhà xưởng, phát triển nhà cung cấp, sản phẩm, thị trường, bạn hàng mới; đẩy mạnh thương mại điện tử và đề án tối ưu hóa sản xuất, v.v. Doanh thu xuất khẩu hằng năm của Nhà máy năm sau cao hơn năm trước, dẫn đầu Tổng cục về giá trị xuất khẩu; nhiều năm liền được Bộ Công thương xếp hạng “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”; tập đoàn Ikea (Thụy Điển) xếp hạng “Nhà cung cấp ưu tiên”; tập đoàn Decathlon (Pháp) xếp hạng A, v.v. Điều đó khẳng định chủ trương kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng của Nhà máy là đúng.

Chất lượng nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, cùng với tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, Nhà máy đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện nghiêm quyết định của Bộ Tổng Tham mưu về tổ chức, Nhà máy tiến hành rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tổ chức, biên chế, sáp nhập, điều chuyển công việc một số bộ phận bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và mô hình hoạt động. Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, chủ động kiện toàn, bổ sung cán bộ, nhất là cán bộ kỹ thuật, tăng cường cán bộ cho những nhiệm vụ mới và khó; mạnh dạn giao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ, thu hút cán bộ có kinh nghiệm về Nhà máy công tác. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyển dụng, tuyển chọn lao động có chất lượng cao; bổ sung, điều chuyển lao động giữa các bộ phận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bố trí, sử dụng lao động phù hợp, theo hướng: tăng lao động trực tiếp, giảm tỷ lệ lao động gián tiếp. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, như: cử cán bộ, công nhân viên đi đào tạo ở các trường trong và ngoài Quân đội; khuyến khích tự học tập nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn, luyện tạy nghề, thi nâng bậc, thi chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức các đoàn cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số doanh nghiệp tiêu biểu, v.v. Chú trọng bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, ý thức tự giác trong chấp hành các quy định, kỷ luật lao động, quy trình công nghệ, quy tắc an toàn trong sản xuất. Ban hành Quy chế trả lương theo đơn giá trực tiếp, thực hiện trả lương gắn với hiệu quả công việc (KPIs), đánh giá chất lượng công việc hằng tháng gắn với cơ chế trả lương, v.v. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên, người lao động của Nhà máy có phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức khoa học, kỹ thuật tốt, phương thức quản lý chuyên nghiệp, trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững của Nhà máy.

Những năm gần đây, nhiệm vụ quốc phòng của Nhà máy được giao chỉ đạt khoảng 05% doanh thu, gần bằng 10% công suất của dây chuyền. Vì vậy, để duy trì năng lực sản xuất và giải quyết việc làm cho cán bộ, công nhân, người lao động, phát huy tính lưỡng dụng của dây chuyền quốc phòng, Nhà máy xác định tăng cường mở rộng thị trường, lựa chọn chính xác và đầu tư có chiều sâu cho mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm. Thực hiện chủ trương đó, trong sản xuất quốc phòng, phát huy thế mạnh là đơn vị nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm nghi binh, nghi trang phục vụ cho chiến tranh công nghệ cao, Nhà máy đã triển khai nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất thành công nhiều sản phẩm mới, có hàm lượng kỹ thuật cao, nhiều sản phẩm quốc phòng được thiết kế dựa trên các sản phẩm xuất khẩu được các đơn vị sử dụng đánh giá tốt và đạt giải trong các cuộc thi, như: Giải A tại Hội thi đồ dùng huấn luyện toàn quân năm 2016, giải Nhì tuổi trẻ sáng tạo năm 2018; nhiều sản phẩm nghi binh, nghi trang khác qua thử nghiệm trong diễn tập đã đáp ứng yêu cầu trong tác chiến hiện đại. Các sản phẩm quốc phòng do Nhà máy sản xuất có tính ứng dụng thực tiễn, chống được trinh sát ra đa, hồng ngoại, giữ được bí mật quân sự, được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và các đơn vị đưa vào sử dụng ghi nhận về chất lượng sản phẩm.

Trong sản xuất kinh tế, xuất khẩu, với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Nhà máy tập trung đột phá vào tối ưu hóa, hợp lý hóa sản xuất và phát triển sản phẩm, thị trường, bạn hàng mới. Trong 05 năm qua, Nhà máy đã phát triển được trên 100 sản phẩm các loại, nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, bảo đảm đẹp, bền, rẻ, tiện dụng, thân thiện với môi trường. Hiện nay, sản phẩm của Nhà máy đã có mặt và khẳng định vị trí vững chắc trên thị trường tại 31 quốc gia, kể cả thị trường khó tính, như:  EU, Mỹ,... tạo được uy tín với khách hàng. Tích cực mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng để tiêu thụ sản phẩm, Nhà máy đã phát triển thêm nhiều khách hàng tiềm năng, như: Tập đoàn Decathlon (Pháp), Bikezac (Đan Mạch), Polyconcept, Triwin, Amazone (Mỹ),... bảo đảm doanh thu xuất khẩu hằng năm tăng trưởng bình quân đạt 17%/năm. Năm 2020, do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu khó khăn, Nhà máy đã nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm phòng, chống dịch, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, do đó giữ được việc làm và thu nhập cho người lao động. Khi đơn hàng tăng trở lại, Nhà máy huy động mọi nguồn lực cho sản xuất, đáp ứng sản lượng giao hàng đã ký, xuất khẩu được trên 83 triệu sản phẩm các loại, doanh thu kinh tế xuất khẩu đạt trên 1.400 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Trong bối cảnh thị trường mở và cạnh tranh gay gắt, yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là chất lượng sản phẩm. Do đó, Nhà máy chú trọng đổi mới phương pháp quản lý, điều hành; đầu tư mọi nguồn lực cho phát triển toàn diện cả về quy mô và tiềm lực. Bên cạnh khai thác các thiết bị hiện có, Nhà máy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp giữ vững ổn định trong sản xuất, đầu tư thiết bị phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, thực hiện tự động hóa, cơ khí hóa, sắp xếp hợp lý, khoa học, tối ưu hóa nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất. Tham gia các hiệp hội ngành nghề, như: Hiệp hội dệt may Việt Nam, Hiệp hội nhựa,... đẩy mạnh thương mại điện tử, xây dựng logo thương hiệu, phát triển website, tham gia các sàn giao dịch điện tử, góp phần đưa sản phẩm, thương hiệu của Nhà máy phát triển rộng ra thị trường thế giới. Thường xuyên rà soát, bổ sung, ban hành hệ thống quy chế, nội quy, quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, áp dụng phương pháp quản trị doanh nghiệp hiện đại, như: phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP; phương pháp trả lương 3P; đề án sản xuất tinh gọn Lean; chương trình 5S, Kaizen; đánh giá hiệu quả công việc KPI; hệ thống an ninh chuỗi cung ứng C-TPAT; các hệ thống tiêu chuẩn IWAY, QWAY, HRP; hệ thống quản lý chất lượng: ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 13485:2016,… loại bỏ lãng phí, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động tăng bình quân trên 15%. Nhà máy đã tự thiết kế, chế tạo nhiều thiết bị tự động có giá trị cao, như: máy may 3 đường có năng suất gấp từ 3 - 5 lần, máy dán túi bằng công nghệ siêu âm có năng suất tăng cao so với công nghệ may, v.v. Cùng với đó, Nhà máy đầu tư mở rộng mặt bằng sản xuất, xây mới và cải tạo hàng chục nghìn m2 nhà xưởng, nhà kho; đầu tư hàng chục tỉ đồng để chống nóng, chống dột, chống ồn; trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, an toàn, phòng, chống cháy nổ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Tự hào với truyền thống đơn vị Anh hùng Lao động, Nhà máy Z176 tiếp tục nắm bắt, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả chủ trương lưỡng dụng dây chuyền quốc phòng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, kinh tế xuất khẩu, giữ vững vị thế tiên phong của thương hiệu, xuất khẩu, xây dựng và phát triển bền vững.

Đại tá, ThS. PHẠM ANH TUẤN, Giám đốc Nhà máy
____________________

1 - Nhà máy Z176 thành lập ngày 09/3/1971, tiền thân là Xí nghiệp T606 trực thuộc Cục Vật tư­ nhiên liệu, Tổng cục Hậu cần. Theo yêu cầu nhiệm vụ, tháng 7/1976, Xí nghiệp 147 và Xí nghiệp 177 được sáp nhập vào Xí nghiệp T606 và đổi tên thành Nhà máy Z176.

2 - Thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/tháng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.