Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 07/01/2020, 10:34 (GMT+7)
Ngành Kỹ thuật Trường Sĩ quan Lục quân 2 phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện Cuộc vận động 50

Nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” (Cuộc vận động 50), những năm qua, ngành Kỹ thuật Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, bảo đảm cho Nhà trường hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động 50 của Nhà trường

Để Cuộc vận động được triển khai nghiêm túc, đúng hướng, mang lại kết quả cao, ngành Kỹ thuật Nhà trường đã tham mưu với cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động. Từ đó, Đảng ủy Nhà trường đã ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động, xác định: đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cơ quan, đơn vị. Hằng năm, Ban Chỉ đạo 50 các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ; duy trì chặt chẽ nền nếp, chế độ kiểm tra, đôn đốc, báo cáo, sơ kết, rút kinh nghiệm. Các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tốt cả 4 mục tiêu của Cuộc vận động. Trong quá trình thực hiện, ngành Kỹ thuật Nhà trường đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp gắn nội dung, chỉ tiêu của Cuộc vận động với thực hiện Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, phong trào Thi đua Quyết thắng và 05 nội dung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Nhờ đó, đã huy động được sự vào cuộc của cấp ủy, chỉ huy các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, đoàn thể, tạo phong trào hành động sôi nổi trong thực hiện công tác kỹ thuật.

Tổ chức bảo quản vũ khí sau giờ huấn luyện

Hiện nay, mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo của Nhà trường ngày càng cao, nhu cầu sử dụng và cường độ hoạt động của vũ khí, trang bị kỹ thuật lớn. Trong khi đó, vũ khí, trang bị kỹ thuật vẫn còn thiếu về số lượng, chủng loại, phần lớn đã qua nhiều năm sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, đồng bộ tăng, kinh phí hạn hẹp, v.v. Trước thực tế trên, Phòng Kỹ thuật đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị đẩy mạnh xây dựng chính quy về công tác kỹ thuậtgắn thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Cuộc vận động 50 với thực hiện ba khâu đột phá của Ngành: tập trung nâng cao năng lực công tác tham mưu kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật; nâng cao năng suất, chất lượng bảo đảm kỹ thuật ở các cấp; quản lý tốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối vũ khí, trang bị kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quản lý chặt chẽ vũ khí, trang bị theo phân cấp; gắn trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ với vũ khí, phương tiện được giao quản lý, sử dụng. Cán bộ, công nhân viên làm nhiệm vụ quản lý, tiếp xúc với vũ khí, khí tài đều được đào tạo qua trường và thường xuyên được huấn luyện quy trình công nghệ và có năng lực toàn diện, chuẩn hóa về trình độ, tay nghề. Ngành chú trọng xây dựng cán bộ, thợ kỹ thuật giỏi, làm nòng cốt, mũi nhọn ở các đơn vị và thợ sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới; đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên kỹ thuật; kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng tại chỗ với cử cán bộ, nhân viên đi đào tạo chuyên sâu; duy trì nghiêm nền nếp, chất lượng bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật theo phân cấp. Đội ngũ nhân viên kỹ thuật các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, hoàn chỉnh hệ thống sổ sách, mẫu biểu, hướng dẫn công tác quản lý, khai thác, đăng ký, thống kê, báo cáo vũ khí, trang bị kỹ thuật; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là phần mềm quản lý vũ khí, khí tài, vật tư kỹ thuật và quản lý cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Căn cứ vào tình trạng kỹ thuật và niên hạn bảo quản, niêm cất của vũ khí, trang bị kỹ thuật, Ngành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Nhà trường thực hiện nghiêm các quy tắc, quy trình công nghệ trong công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, trong xuất, nhập, điều chuyển, bắn kiểm tra, hiệu chỉnh vũ khí trang bị.

Thời gian qua, Ngành đã chủ động rà soát, đề nghị đưa ra khỏi biên chế các trang bị lạc hậu, không có nguồn vật tư thay thế, không có nhu cầu sử dụng và làm tốt công tác tiếp nhận, cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp hệ thống kho, khu kỹ thuật, trạm xưởng,… nâng cao năng lực cất giữ, bảo quản vũ khí, trang bị, vật tư. Bên cạnh đó, ngành Kỹ thuật Nhà trường còn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị duy trì nghiêm nền nếp, chế độ “Giờ kỹ thuật”, “Ngày kỹ thuật”; tập trung bảo quản, bảo dưỡng, duy trì vững chắc đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật. Vì vậy, vũ khí, trang bị kỹ thuật được quản lý chặt chẽ cả về số lượng, chất lượng, công tác bảo đảm kỹ thuật được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, hệ số bảo đảm trang bị trong các nhiệm vụ cụ thể = 1; hệ số kỹ thuật chung toàn Ngành = 0,9; vũ khí, trang bị kỹ thuật làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu có Kt = 1, đáp ứng nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Kiểm tra tình trạng niêm cất vũ khí

Trong huấn luyện, diễn tập, Nhà trường phải sử dụng số lượng lớn vũ khí, đạn, thuốc nổ, trang bị kỹ thuật, nên công tác bảo đảm an toàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi vậy, ngành Kỹ thuật đã thường xuyên chủ động chỉ đạo, hướng dẫn cho các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị thực hiện nghiêm quy tắc bảo đảm an toàn trong khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật. Trên cơ sở quán triệt và chấp hành nghiêm chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác bảo đảm an toàn, ngay từ đầu năm học, Ban Chỉ đạo 50 các cấp xây dựng nội dung, chương trình hoạt động; trong đó, tập trung làm tốt việc bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập và an toàn giao thông; các ngành nghiệp vụ thường xuyên hướng dẫn công tác an toàn sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật trong huấn luyện, vệ sinh an toàn, bảo hộ lao động. Các đơn vị duy trì nghiêm chế độ khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là công tác phòng, chống cháy nổ kho tàng, cách ly, xử lý đạn; kiểm tra chặt chẽ vũ khí, phương tiện trước khi sử dụng; thực hiện tốt công tác kiểm tra kỹ thuật, thử tỷ lệ nổ đạn dược, hỏa cụ bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện có sử dụng đạn thật, có biên bản xác nhận tình trạng kỹ thuật trước khi bàn giao cho giáo viên, học viên. Bên cạnh đó, Ngành còn tích cực huy động các nguồn kinh phí để mua sắm, củng cố trang thiết bị phòng, chống cháy nổ, chống dột, chống sập cho hệ thống kho, trạm xưởng, như: xây mới kho đạn cho Trường bắn Lam Sơn; xây dựng khu nhà để pháo tập trung; đắp ụ chống nổ lây kho đạn, tường bao và đường nội bộ kho đạn; sửa chữa hệ thống chống sét, v.v. Đồng thời, hiệp đồng với địa phương nơi đóng quân bảo vệ an toàn hệ thống kho; xây dựng, luyện tập các phương án phòng, chống cháy nổ, chống đột nhập; thực hiện nghiêm chế độ đăng ký, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa ra vào đơn vị, khu kỹ thuật; duy trì chặt chẽ chế độ tuần tra canh gác bảo đảm 24/24 giờ.

Nhằm hạn chế, ngăn ngừa tai nạn giao thông, ngành Kỹ thuật tham mưu cho Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, văn hóa giao thông, như: Luật Giao thông đường bộ, các nghị định của Chính phủ về công tác an toàn giao thông,... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho cán bộ, học viên, công nhân viên, chiến sĩ; coi việc chấp hành pháp luật, quy định khi tham gia giao thông là nhiệm vụ của mỗi cá nhân và của cơ quan, đơn vị. Hằng năm, 100% cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ tự nguyện viết bản cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ và các quy định về an toàn khi tham gia giao thông. Ngành Xe - Máy thường xuyên rà soát, tăng cường kiểm tra đội ngũ lái xe, kiểm tra phương tiện xe quân sự khi tham gia giao thông, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ cơ động, bảo đảm cho huấn luyện, diễn tập. Đồng thời, phát huy vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên, đẩy mạnh chương trình hành động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, với nhiều hoạt động thiết thực, như: tuyên truyền, hưởng ứng “Năm An toàn giao thông”, tháng cao điểm an toàn giao thông mà Chính phủ, Bộ Quốc phòng phát động; thực hiện khẩu hiệu “Quân nhân đã uống rượu bia thì không lái xe”; quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc đội mũ bảo hiểm đúng quy định và mang giấy tờ xe đầy đủ khi quân nhân ra khỏi cổng đơn vị tham gia giao thông, v.v.

Trong điều kiện kinh phí, vật tư hằng năm chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu, Ngành chủ động tham mưu cho Nhà trường những giải pháp thực hành tiết kiệm; trong đó, chú trọng giáo dục cho cán bộ, học viên, công nhân viên, chiến sĩ đề cao ý thức tiết kiệm trong quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật tư, xăng, dầu, điện, nước. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào giải quyết những yêu cầu cấp bách trong bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị; nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị được áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm được nhân lực, vật lực.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được, trong những năm tới, ngành Kỹ thuật Nhà trường tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, đưa Cuộc vận động 50 vào chiều sâu, đạt hiệu quả hơn nữa. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, tạo động lực cho Nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá, TS. HOÀNG TUẤN ANH, Phó Ban Chỉ đạo 50 - Trưởng phòng Kỹ thuật

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.