Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 12/09/2013, 16:17 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội ở Trung đoàn 9

Công tác tư tưởng (CTTT) là một nội dung trọng tâm của công tác đảng, công tác chính trị - lĩnh vực trọng yếu để xây dựng nền tảng chính trị - tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ (CB,CS). Thực hiện tốt CTTT là giải pháp cơ bản để quản lý bộ đội, ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bảo đảm cho mọi CB,CS luôn thống nhất về tư tưởng, hành động, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của đơn vị. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng đối với Trung đoàn 9 (Sư đoàn 8, Quân khu 9) – đơn vị chủ lực, cơ động, làm nhiệm vụ trên địa bàn gần thành phố, bến cảng, khu công nghiệp, những nơi tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, các tệ nạn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp; đồng thời, mặt trái của kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch thường xuyên tác động đến đời sống, tâm lý của bộ đội. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ chủ trì của Trung đoàn luôn biến động; trình độ, năng lực, kinh nghiệm của cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm CTTT chưa đồng đều; đời sống gia đình quân nhân còn gặp nhiều khó khăn đã tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của CB,CS và gây ra những phức tạp nhất định đối với CTTT trong quản lý bộ đội. Nhận thức đúng đắn vấn đề trên, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy (ĐU,CH) Trung đoàn đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành CTTT phù hợp. Nhờ đó, tình hình tư tưởng trong đơn vị luôn ổn định, góp phần quyết định nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao của Trung đoàn.

Trên cơ sở quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trên về CTTT, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Trung đoàn đã đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của CTTT cho các đối tượng. Đồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Hằng năm và trong từng giai đoạn, ĐU,CH Trung đoàn đều chỉ đạo các cấp đẩy mạnh công tác giáo dục, định hướng, quản lý, dự báo tư tưởng; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ phản ánh, báo cáo theo phân cấp để kịp thời giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong đơn vị. Trong nghị quyết hằng quý, hằng tháng, cấp ủy các cấp đều đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTTT trong quản lý bộ đội; xác định chỉ tiêu, biện pháp, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cá nhân. Trong quá trình triển khai thực hiện CTTT, Trung đoàn chỉ đạo cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, xác định rõ đối tượng, nội dung, thời gian và yêu cầu tổ chức thực hiện; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan với đơn vị để tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình tư tưởng của bộ đội. Đồng thời, chỉ đạo các cấp làm tốt công tác sơ kết, rút kinh nghiệm ngày, tuần về CTTT, kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp.

 Để nâng cao hiệu quả CTTT trong quản lý bộ đội, ĐU,CH Trung đoàn hết sức chú ý đổi mới hình thức, phương pháp công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị; coi đây là một nội dung quan trọng để xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho CB,CS; là cơ sở để thống nhất nhận thức trong toàn đơn vị. Các đơn vị đã phát huy có hiệu quả các hình thức, phương pháp giáo dục tổng hợp, như: giáo dục chính trị cơ bản gắn với học tập, sinh hoạt chuyên đề; giáo dục bằng nêu gương của cán bộ, đảng viên; kết hợp chặt chẽ giáo dục chính trị với giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống; giáo dục thông qua quá trình làm công tác dân vận, huấn luyện quân sự, chuyên môn kỹ thuật. Các đơn vị đã chú trọng phương pháp giáo dục riêng theo đối tượng, hoàn cảnh; kết hợp giữa đơn vị với chính quyền địa phương và gia đình trong việc nắm, quản lý tình hình tư tưởng quân nhân; qua đó, động viên CB,CS tích cực tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ và hình thành những phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ". Để công tác giáo dục chính trị đi vào nền nếp và mang lại hiệu quả thiết thực, Trung đoàn đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính trị, báo cáo viên, tuyên truyền viên trong việc giáo dục, định hướng tư tưởng cho bộ đội; chủ động đầu tư và có nhiều sáng kiến ứng dụng cho công tác giáo dục ở đơn vị, như: sử dụng mô hình, sơ đồ, bảng kẻ phục vụ các bài giảng chính trị; tổ chức các hình thức “Vòng quay trí tuệ”, “Vòng quay thao trường”, Phiếu liên lạc, Thư báo công… Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, như: Thư viện, Phòng Hồ Chí Minh, Nhà truyền thống, Câu lạc bộ thể thao, Công viên Quân nhân,... tạo sân chơi lành mạnh cho CB,CS, nhất là trong 2 ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ, Tết.

Trong tiến hành CTTT, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị luôn chú trọng vận dụng linh hoạt các hình thức nắm, quản lý, dự báo và giải quyết tư tưởng theo đúng nguyên tắc, quy trình, bảo đảm sự phân cấp, đúng đối tượng, chặt chẽ, khách quan, toàn diện. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp chú trọng nắm toàn diện cả về nhận thức, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ xã hội và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng quân nhân; nhất là những đồng chí công tác tại các bộ phận trọng yếu, cơ mật. Căn cứ vào từng loại hình đơn vị, từng thời điểm, trước những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cơ động làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện diễn tập bắn đạn thật; các thời điểm nhạy cảm, như: ngày lễ, Tết, tiếp nhận chiến sĩ mới, chuẩn bị bàn giao chiến sĩ ra quân,... lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, nắm tình hình tư tưởng của bộ đội để dự báo và có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, không để nảy sinh tư tưởng phức tạp. Khi tiếp nhận chiến sĩ mới, ngoài việc phối hợp cùng địa phương lựa chọn, nắm chắc hồ sơ, lý lịch, lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn chú ý nắm về trình độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, sức khoẻ, sở trường và các mối quan hệ của quân nhân qua phần nhận xét đánh giá của gia đình, địa phương. Đồng thời, đối chiếu với “Phiếu tự thuật” để có biện pháp quản lý chặt chẽ tư tưởng của mỗi chiến sĩ ngay từ buổi đầu về đơn vị. Các đơn vị đã phân công cụ thể từng đồng chí cấp ủy viên và ủy viên Ban Chấp hành Đoàn có trách nhiệm bám sát các hoạt động công tác, sinh hoạt, học tập hằng ngày của bộ đội để nắm, động viên, giúp đỡ, định hướng và giải quyết tư tưởng. Nội dung nắm và quản lý được tiến hành toàn diện, nhưng tập trung vào những vấn đề liên quan đến nhận thức, tình cảm, trách nhiệm của CB,CS, như: xu hướng, sở thích, năng khiếu, thái độ, động cơ phấn đấu, rèn luyện; ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, lối sống... Từ đó, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo, chỉ huy các nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành CTTT trong quản lý bộ đội sát, đúng, trúng và hiệu quả. Các đơn vị đã duy trì tốt việc nắm, quản lý tình hình tư tưởng thường xuyên và đột xuất thông qua sinh hoạt của tổ tư vấn pháp luật, tổ 3 người, chiến sĩ dân vận, chiến sĩ bảo vệ, tổ (đội) thanh niên xung kích; bằng các mối quan hệ đồng chí, đồng đội, cấp trên với cấp dưới; thông qua gia đình, xã hội, chiến sĩ cũ và chiến sĩ mới... Trong giao ban, hội ý hằng ngày, cán bộ các cấp từ tiểu đội tới đại đội đều phản ánh, báo cáo tình hình tư tưởng, kỷ luật trong đơn vị mình; nếu có vấn đề nảy sinh thì huy động tất cả các tổ chức, các lực lượng vào cuộc để nắm, phân tích, thống nhất biện pháp giải quyết tình hình phù hợp. Trên cơ sở nhận thức rõ CTTT phải đi trước một bước, nên trước khi thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị đã làm tốt công tác quán triệt, giáo dục, định hướng tư tưởng; những vấn đề vướng mắc đều được giải quyết kịp thời. Đảng ủy Trung đoàn yêu cầu, cán bộ phải như người anh, người chị, sâu sát, gần gũi, quan tâm đến chiến sĩ; khắc phục những biểu hiện gia trưởng, độc đoán, quân phiệt, vô cảm trước những hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với thực hiện đồng bộ 5 khâu cơ bản của quy trình CTTT trong quản lý bộ đội ở đơn vị, ĐU,CH Trung đoàn hết sức coi trọng duy trì nền nếp chính quy, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh và thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của CB,CS. Đi đôi với công tác giáo dục, thuyết phục là chính, các cấp tăng cường các biện pháp quản lý, nhất là việc quân nhân ra vào đơn vị trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; duy trì nghiêm nền nếp học tập, công tác và các chế độ ngày, tuần, trực sẵn sàng chiến đấu, lễ tiết, tác phong quân nhân. Đồng thời, thông qua hoạt động Ngày Chính trị - văn hoá - tinh thần, Ngày Pháp luật, các đơn vị tổ chức đối thoại dân chủ, trao đổi cởi mở giữa lãnh đạo, chỉ huy với CB,CS, cấp trên với cấp dưới; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong đơn vị. Việc làm đó đã góp phần tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong đơn vị, làm cho tình cảm giữa cán bộ với chiến sĩ ngày càng được củng cố, gắn bó; giúp cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp có cơ sở để nhận định, đánh giá, dự báo và xử lý những vấn đề tư tưởng phát sinh. Các đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh”, thực hiện ứng xử có văn hóa, trong đó chú trọng tới văn hóa lãnh đạo, chỉ huy và việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mọi hoạt động. Theo định kỳ, Trung đoàn đều tổ chức gặp gỡ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và gia đình quân nhân để thông báo kết quả học tập, rèn luyện của chiến sĩ và nghe địa phương thông báo tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, những chính sách đối với gia đình quân nhân tại ngũ và quân nhân khi xuất ngũ trở về địa phương. Việc phối hợp này đã trở thành nền nếp, đem lại hiệu quả kép: một mặt, vừa giúp đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, rèn luyện bộ đội; mặt khác, giúp cho địa phương và gia đình chiến sĩ hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Đối với những quân nhân cá biệt, chỉ huy đơn vị đã gặp gỡ từng gia đình, bàn cách phối hợp động viên, giúp họ vượt qua khó khăn để rèn luyện tiến bộ. Ngoài ra, Trung đoàn luôn quan tâm chăm lo sức khỏe, bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho bộ đội; chủ động quan hệ với địa phương khắc phục khó khăn về nhà ở, đất ở cho đội ngũ cán bộ các cấp; giải quyết tốt các chính sách hậu phương quân đội, tạo điều kiện cho CB,CS yên tâm xây dựng đơn vị. Việc xét, đề bạt quân hàm, nâng lương, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật được Đảng ủy Trung đoàn và cấp ủy các cấp tiến hành đúng quy chế, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai trong đơn vị. Vào các dịp lễ, Tết, các cấp thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; tổ chức thăm hỏi, tặng quà đối với gia đình CB,CS có hoàn cảnh khó khăn… Khi gia đình quân nhân gặp hoạn nạn, bệnh hiểm nghèo, có tang, đơn vị đều tổ chức động viên, thăm hỏi, giúp đỡ hoặc quyên góp ủng hộ.

Nhờ tiến hành đồng bộ các biện pháp trên, chất lượng CTTT trong quản lý bộ đội ở Trung đoàn 9 đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Trước mọi biến động phức tạp của tình hình, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch và yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ, CB,CS Trung đoàn luôn xác định đúng đắn nhiệm vụ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; tinh thần đoàn kết, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Hiệu quả từ CTTT đã thiết thực góp phần xây dựng Đảng bộ Trung đoàn 03 năm liền (2010 - 2012) đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; năm 2012, Trung đoàn được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng”.  

Phát huy kết quả đã đạt được, ĐU,CH Trung đoàn 9 tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hơn nữa chất lượng CTTT trong quản lý bộ đội, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu trước yêu cầu mới.

Trung tá HUỲNH MINH TRIẾT
Chính ủy Trung đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.