Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 21/07/2016, 08:01 (GMT+7)
Nam Định thực hiện công tác chính sách hậu phương Quân đội

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định luôn quan tâm chăm lo công tác chính sách hậu phương Quân đội và thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng thụ hưởng chính sách, bồi đắp, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần khu vực phòng thủ.

Nam Định là địa phương giàu truyền thống cách mạng, có đóng góp to lớn cả sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Tỉnh có số lượng lớn đối tượng chính sách, người có công, với 3,6 vạn liệt sĩ, 1,5 vạn thương binh, 1,2 vạn người hưởng chế độ bệnh binh, 1 vạn người nhiễm chất độc da cam, hơn 2.300 Mẹ Việt Nam anh hùng. Thấm nhuần sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, lực lượng vũ trang Tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu, phối hợp với các ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền cơ sở và các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện công tác chính sách hậu phương Quân đội; chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, có sức lan tỏa sâu, rộng, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, nhân dân và đạt được kết quả tích cực.

Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh khám, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách ở xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy (tháng 5-2016). (Ảnh: baonamdinh.com.vn)

Để thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội và thương binh, liệt sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác chính sách, nhất là Chỉ thị 523-CT/QUTW, ngày 02-12-2011 của Quân ủy Trung ương. Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp đối với công tác chính sách hậu phương Quân đội và thương binh, gia đình liệt sĩ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương Quân đội, thương binh, liệt sĩ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ là trách nhiệm, mà còn là đạo lý của mỗi người với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh. Từ thống nhất về nhận thức, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã bám sát đặc điểm địa bàn, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác chính sách. Đặc biệt, Tỉnh đã xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan quân sự các cấp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương trong quá trình giải quyết chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công; về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, v.v. Song song với đó, lực lượng vũ trang Tỉnh phát huy vai trò nòng cốt thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo, giúp đỡ người có công, trọng tâm là phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; chăm lo bố, mẹ liệt sĩ neo đơn; tặng Nhà tình nghĩa, tặng Sổ tiết kiệm cho thương binh và gia đình liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam còn khó khăn; tạo điều kiện cho con em thương binh và gia đình liệt sĩ trong học tập, tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn tích cực tham mưu giúp Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chính sách; vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài Tỉnh, cán bộ và nhân dân trên địa bàn hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng quỹ và quy chế, quy định sử dụng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, chú trọng gắn phong trào đó với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các cuộc vận động lớn của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, v.v. Trong 05 năm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh tham gia đóng góp vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 01 tỷ đồng; xây dựng 25 Nhà tình nghĩa cho thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp với Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Đảng ủy Khối doanh nghiệp, Công ty Cổ phần lương thực Nam Định xây dựng, bàn giao 06 Nhà tình nghĩa cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, với tổng trị giá 500 triệu đồng. Hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, lực lượng vũ trang Tỉnh đã huy động, quyên góp được trên 200 triệu đồng và 31.000 ngày công tham gia tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, kiên cố kênh mương, vệ sinh môi trường; tuyên truyền, vận động 7.358 gia đình quân nhân, dân quân và quân nhân dự bị tự nguyện hiến 22.300 m2 đất xây dựng đường giao thông nông thôn.

Trong các dịp lễ, Tết, Tỉnh đều tổ chức hội nghị gặp mặt, tặng quà cho hàng nghìn lượt cán bộ cao cấp Quân đội nghỉ hưu qua các thời kỳ; thăm và tặng quà cho hàng trăm lượt gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, nhà dàn DK1, nơi biên giới, địa bàn đặc biệt khó khăn, với tổng số tiền trên 05 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cấp trên xét duyệt và tuyển dụng, giải quyết việc làm cho 11 trường hợp là con đẻ của thương binh nặng đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh theo Chỉ thị 97/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cùng với những việc làm đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các đơn vị tích cực tham gia giải quyết chính sách cho các đối tượng còn tồn đọng sau chiến tranh.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều chế độ, chính sách mới, nhằm giải quyết cơ bản các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, như: Quyết định 142/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Quyết định 1237/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo, v.v. Đây là những văn bản pháp lý tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện công tác quan trọng này. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo và ban hành các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Do số đối tượng thuộc diện hưởng chính sách của Tỉnh nhiều, đa phần tuổi đã cao, không lưu giữ được các loại giấy tờ cần thiết nên việc xét duyệt có nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, một mặt, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan chức năng cấp trên để thực hiện chặt chẽ, chính xác, không sai sót đối tượng; mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn về chế độ, chính sách bằng nhiều hình thức để nhân dân, đặc biệt là các đối tượng và gia đình thụ hưởng chính sách hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nắm chắc phạm vi, đối tượng được hưởng, quy trình, thủ tục tiến hành, v.v. Đồng thời, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tích cực tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách, từ Tỉnh đến xã về hệ thống văn bản, quy trình, thủ tục tiến hành và các nguyên tắc trong kiểm tra, đăng ký, tiếp nhận hồ sơ, v.v.

Trong từng đợt xét duyệt, giải quyết chế độ, chính sách, Tỉnh đều chỉ đạo thành lập hội đồng xét duyệt các cấp, bảo đảm xét duyệt công khai, dân chủ, đúng quy định, theo phương châm “quyết định tập thể, giám sát cộng đồng”. Đáng chú ý là, vừa qua, Tỉnh được Quân khu giao nhiệm vụ làm điểm trong triển khai Quyết định 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về chế độ chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Do diện đối tượng đa dạng, phần lớn không có hồ sơ lưu trữ, nhất là đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp; vì vậy, để đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng người, đúng chế độ, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chỉ đạo huyện Nam Trực làm điểm trước, từ đó rút ra Quy trình 14 bước và sơ đồ hóa để triển khai trên diện rộng, được cấp trên đánh giá cao. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm chắc tiến độ, dư luận của nhân dân, các đối tượng chính sách,… kịp thời phát hiện, điều chỉnh, khắc phục triệt để những hạn chế, thiếu sót. Bằng những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, đồng bộ, việc triển khai thực hiện chính sách hậu phương Quân đội trên địa bàn Tỉnh diễn ra chặt chẽ, công bằng, dân chủ, khách quan, đúng đối tượng, không có sai sót.

Từ năm 2010 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã thẩm định, báo cáo Quân khu ra quyết định hưởng chế độ thương binh và bàn giao 671 hồ sơ sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện chi trả và quản lý; tiếp nhận và đề nghị cấp trên báo tử 16 trường hợp liệt sĩ; tổ chức tiếp nhận, bàn giao 60 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào và Cam-pu-chia về an táng tại quê nhà; cung cấp thông tin ban đầu 956 trường hợp cho thân nhân của liệt sĩ, quân nhân từ trần, mất tin, trong đó có 18 thân nhân, gia đình liệt sĩ đã tìm thấy mộ. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tiếp nhận và hoàn chỉnh 482 hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, báo cáo cấp trên xét duyệt; báo cáo cấp trên 14 hồ sơ báo tử công nhận là liệt sĩ theo Thông tư 202 của Bộ Quốc phòng; đồng thời, tiếp nhận (đợt 1, 2, 3) và báo cáo Quân khu 520 hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, 07 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ theo Thông tư liên tịch 28 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về “Hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ”. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã xét duyệt, báo cáo Quân khu 60 hồ sơ tồn sót, với số tiền trên 52 triệu đồng theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng chưa hưởng chế độ chính sách; tổ chức chi trả trợ cấp một lần cho 50.989 đối tượng, với tổng số tiền trên 229 tỷ đồng, theo Quyết định 142 và 44.851 đối tượng, với tổng số tiền trên 183 tỷ đồng, theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ; bàn giao 60 hồ sơ hưởng trợ cấp hằng tháng sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tỉnh để thực hiện chi trả và quản lý.

Ghi nhận những nỗ lực đó, năm 2012, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen về thực hiện Quyết định 142; năm 2015, được tặng Bằng khen về thực hiện Quyết định 62, v.v.

Những kết quả Nam Định đạt được trong thực hiện công tác chính sách hậu phương Quân đội, thương binh, liệt sĩ, người có công có ý nghĩa về nhiều mặt. Trước hết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng chính sách và truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Thời gian tới, lực lượng vũ trang Tỉnh tiếp tục phát huy kết quả công tác chính sách hậu phương Quân đội, góp phần bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá TRẦN NGỌC THẠCH, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.