Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 13/10/2016, 13:34 (GMT+7)
Một số kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ của Lữ đoàn Công binh 131

Lữ đoàn 131 (Quân chủng Hải quân) là một trong số ít đơn vị Công binh chuyên đảm nhiệm xây dựng công trình quân sự, quốc phòng trên các đảo và khu vực ven biển. Do yêu cầu nhiệm vụ, lực lượng của Lữ đoàn thường xuyên phân tán trên khắp tuyến biển, đảo và các vùng, miền, xa sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của chỉ huy Lữ đoàn. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trong môi trường, điều kiện làm việc khắc nghiệt, sóng to, gió lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao; phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí tượng, thủy văn. Mặt khác, các loại phương tiện, xe máy, trang bị chuyên dụng của Đơn vị còn ít, phần lớn đã qua sử dụng nhiều năm, thiếu đồng bộ, dễ xảy ra hỏng hóc; vật tư, phụ tùng đảm bảo cho sửa chữa, thay thế khan hiếm; điều kiện ăn ở, sinh hoạt của bộ đội trên các công trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, v.v. Mặc dù vậy, nhưng với ý chí, quyết tâm cao, tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, Lữ đoàn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần quan trọng vào xây dựng thế trận quốc phòng trên tuyến biển, đảo ngày càng vững chắc. Với những thành tích đạt được, Lữ đoàn đã 2 lần được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều năm liền, Đảng bộ Lữ đoàn đạt trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Từ năm 2012 - 2014, Lữ đoàn được Quân chủng Hải quân tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc” trong phong trào thi đua; năm 2015, được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng” và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, Lữ đoàn rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên coi trọng và làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ đúng đắn, tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Xuất phát từ đặc thù nhiệm vụ của Lữ đoàn, nên đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho mọi cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực hiện vấn đề này, Lữ đoàn tăng cường công tác giáo dục, quán triệt để bộ đội nhận thức sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của trên, mà trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân về xây dựng công trình quân sự, quốc phòng; về tính chất đặc thù, yêu cầu, nhiệm vụ, cũng như những thuận lợi, khó khăn của Đơn vị. Lữ đoàn coi trọng giáo dục để bộ đội nhận thức rõ mỗi công trình trên biển, đảo là một cột mốc chủ quyền, là tấm “áo giáp” giúp cho những người lính đảo thêm chắc tay súng, vững niềm tin để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Từ đó, khơi dậy niềm vinh dự, nêu cao tinh thần trách nhiệm khi được tham gia thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Do đóng quân phân tán, Lữ đoàn vận dụng nhiều hình thức giáo dục, tuyên truyền để bảo đảm nội dung, chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng; kết hợp giáo dục chính trị với giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh, tâm lý vững vàng, động cơ phấn đấu đúng đắn cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là ở các bộ phận làm nhiệm vụ trên đảo. Lữ đoàn còn phối hợp với cơ quan chức năng của Quân chủng kịp thời thông tin, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững tình hình và cách thức xử lý các tình huống trên biển, đảo theo đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước ta và phương châm “8K” của Quân chủng1. Cùng với đó, Lữ đoàn chỉ đạo các cấp tăng cường công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật. Cán bộ, chỉ huy các cấp sâu sát, nắm, quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng bộ đội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những dấu hiệu vi phạm và giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong đơn vị. Mặt khác, Lữ đoàn đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và quan tâm đến công tác chính sách, hậu phương Quân đội. Bằng các biện pháp tổng hợp đó, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, với công trình biển, đảo.

Hai là, chú trọng thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch; linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng có liên quan. Xây dựng các công trình trên đảo đòi hỏi phải huy động nhiều máy móc, phương tiện và khối lượng vật liệu lớn; quá trình thi công lại phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, thủy văn. Bởi vậy, để bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng, thì công tác kế hoạch, sự chỉ đạo, điều hành, công tác phối hợp, hiệp đồng có ý nghĩa rất quan trọng. Từ kinh nghiệm thực tiễn, hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Lữ đoàn xây dựng kế hoạch cả năm và kế hoạch cụ thể đối với từng công trình. Trong đó, xác định rõ nội dung công việc, mốc thời gian, khối lượng thi công, vận chuyển, tiến độ thực hiện từng hạng mục, công tác phối hợp, hiệp đồng với cơ quan chức năng của Quân chủng, đơn vị bạn,… báo cáo Quân chủng phê duyệt. Trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt, Đảng ủy Lữ đoàn ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng công trình, phân công cán bộ Lữ đoàn phụ trách, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công trường hoặc cụm công trường; thành lập khung xây dựng công trình, ưu tiên quân số, phương tiện, nhất là số nhân viên chuyên môn kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao cho các công trình trọng điểm. Trong điều kiện xa sự quản lý, giám sát của chỉ huy Lữ đoàn, để nâng cao hiệu quả công việc, Lữ đoàn tăng cường phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm của cán bộ trực tiếp chỉ huy thi công. Đây là sự đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, phát huy được sự năng động của đội ngũ cán bộ các cấp.

Trong quá trình thi công, Lữ đoàn nghiên cứu kỹ bảng thủy triều ở từng đảo, nắm quy luật, thời gian biển động, thường xuyên quan sát những hiện tượng bất thường của thời tiết để linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành công việc, bố trí tăng cường lực lượng, đẩy nhanh tiến độ. Việc làm này còn giúp người chỉ huy có các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận chuyển, bốc xếp, thi công. Lữ đoàn yêu cầu việc tổ chức thi công phải đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, thực hiện đúng 3 yêu cầu trong chuyển tải, 5 yêu cầu trong thi công2 và phương châm “an toàn mới thi công, thi công phải bảo đảm an toàn”, “làm đến đâu chắc đến đó”. Hằng ngày, các khung xây dựng công trình tổ chức giao ban tại công trường; hằng tuần, điện báo tình hình tại công trình về Lữ đoàn. Bên cạnh đó, chỉ huy Lữ đoàn tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện, kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý trong quá trình tổ chức thi công nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình. Do vậy, các công trình do Lữ đoàn thi công đều bảo đảm tiến độ với năng suất, chất lượng cao3, mỹ quan. Từ năm 2010 đến nay, Lữ đoàn đã thi công hàng trăm hạng mục công trình trên các đảo, đường hầm, đường tuần tra biên giới. Qua nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, được Bộ Quốc phòng, Quân chủng, đơn vị bạn đánh giá cao.

          Huấn luyện tư thế mang vác bộc phá trong chiến đấu tiến công
cho chiến sĩ mới. (Ảnh: baohaiquanvietnam.vn)

Ba là, tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây là yếu tố then chốt, quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đơn vị cả trước mắt và lâu dài. Từ nhận thức đó, hằng năm, bên cạnh việc cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Quân chủng và Binh chủng Công binh tổ chức, Lữ đoàn đẩy mạnh công tác huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng theo quy định. Do đối tượng huấn luyện đa dạng, phân tán, vừa huấn luyện vừa thực hiện nhiệm vụ nên Lữ đoàn chú trọng chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, điều hành huấn luyện ở các cấp; đổi mới hình thức, phương pháp huấn luyện; thực hiện huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát yêu cầu, nhiệm vụ của từng đối tượng. Lữ đoàn đi sâu huấn luyện nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ các cấp theo yêu cầu: thuần thục cấp dưới, giỏi cấp mình, biết cấp trên; chú trọng bồi dưỡng cán bộ mới ra trường, mới được bổ nhiệm. Đối với nhân viên chuyên môn kỹ thuật, Lữ đoàn yêu cầu các đơn vị căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại công trình, tập trung huấn luyện nâng cao trình độ tay nghề; khai thác, sử dụng thành thạo, có hiệu quả máy móc, trang thiết bị hiện có và mới, phấn đấu một người có thể đảm nhiệm được 2 hoặc 3 vị trí khác nhau. Cùng với huấn luyện tập trung, Lữ đoàn đặc biệt chú trọng huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề cho cán bộ, chiến sĩ thông qua thi công công trình có độ phức tạp, chính xác cao, phân công thợ có kinh nghiệm, tay nghề tốt kèm cặp, hướng dẫn nhân viên mới ngay trong quá trình thi công. Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Lữ đoàn đã huấn luyện khai thác, sử dụng các loại xe, máy, phương tiện hiện có cho trên 100 lượt cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; huấn luyện chuyên ngành Công binh cho 290 lượt chiến sĩ, kết quả đạt khá.

Bốn là, thực hiện tốt công tác bảo đảm, nhất là bảo đảm kỹ thuật, hậu cần. Do yêu cầu nhiệm vụ nên các phương tiện phải làm việc với cường độ cao, hơn nữa luôn tiếp xúc môi trường biển dễ dẫn tới hỏng hóc. Vì vậy, Lữ đoàn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, toàn diện công tác bảo đảm kỹ thuật; duy trì nghiêm nền nếp chế độ công tác kỹ thuật, nâng cao chất lượng “Ngày Kỹ thuật”. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, phát huy tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt việc bảo quản, bảo dưỡng tại đơn vị và trên các công trường. Do yêu cầu thi công những công trình phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, nên Lữ đoàn phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng sáng kiến, động viên đội ngũ kỹ sư, nhân viên chuyên môn kỹ thuật tích cực phát huy sáng kiến, nghiên cứu cải hoán các trang bị hiện có phục vụ cho thi công. Đồng thời, bố trí những thợ kỹ thuật có tay nghề cao để chủ động khắc phục, sửa chữa hỏng hóc ngay tại công trường, phục vụ cho thi công. Vì vậy, hệ số kỹ thuật của phương tiện, xe máy, trang bị luôn đạt và vượt chỉ tiêu từ 3% - 5%.

Công tác bảo đảm hậu cần cho các bộ phận làm nhiệm vụ trên đảo và các công trường được Lữ đoàn chú trọng, đảm bảo đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn cho bộ đội, đẩy mạnh tăng gia, sản xuất tại chỗ, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội. Lữ đoàn tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe cho 100% cán bộ, chiến sĩ trước khi đi làm nhiệm vụ; thường xuyên thực hiện tốt công tác vệ sinh, phòng dịch, v.v. Vì vậy, tỷ lệ quân số khỏe của Lữ đoàn thường xuyên đạt trên 98,7%.

Những kinh nghiệm trên đã và đang được Lữ đoàn Công binh 131 đẩy mạnh thực hiện, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm truyền thống “Anh dũng sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, góp phần cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá PHẠM HUY HỒNG, Lữ đoàn trưởng
________________________

1 - 8K: Kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, kìm chế, không để nước ngoài lấn chiếm, không để xảy ra xung đột.

2 - 3 yêu cầu trong chuyển tải: 1. Hiệp đồng tàu, đảo; 2. Bảo đảm an toàn; 3. Chất lượng, hiệu quả. 5 yêu cầu trong thi công: 1. Chất lượng, mỹ quan; 2. An toàn, bí mật; 3. Đúng yêu cầu kỹ thuật, chiến thuật; 4. Năng suất, tiến độ; 5. Tiết kiệm, hiệu quả.

3 - Năm 2015, năng suất bình quân các công trình trên đảo đạt 135%, công trình bờ đạt 105%.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.