Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 26/03/2012, 14:25 (GMT+7)
Một số kinh nghiệm tổ chức huấn luyện lực lượng dự bị động viên của Sư đoàn 320

Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên nói chung và công tác huấn luyện dự bị động viên nói riêng, những năm qua, cùng với xây dựng lực lượng thường trực, Sư đoàn 320 đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng tổ chức huấn luyện, diễn tập các đơn vị dự bị động viên. Theo đó, Sư đoàn đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, làm cơ sở để phát huy trong thời gian tới.

alt
Sư đoàn 320 đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng.
 

Sư đoàn 320 là đơn vị có bề dày truyền thống trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sư đoàn tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, như: chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và làm công tác dân vận... Từ năm 1992, Sư đoàn được giao nhiệm vụ phối hợp với các địa phương theo sự phân công của trên để xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV), sẵn sàng tiếp nhận quân nhân dự bị bổ sung vào lực lượng thường trực khi cần thiết. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hằng năm của Sư đoàn là tổ chức huấn luyện cho quân nhân dự bị đã được sắp xếp, biên chế vào các đầu mối đơn vị thuộc Sư đoàn. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, Sư đoàn đã đẩy mạnh giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ tầm quan trọng của lực lượng DBĐV đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp trong tổ chức thực hiện, khắc phục tình trạng coi nhẹ hoặc thiếu nhiệt tình, trách nhiệm khi thực hiện công tác huấn luyện lực lượng DBĐV. Vì vậy, chất lượng huấn luyện, diễn tập của Sư đoàn ngày càng được nâng cao. Năm 2011, quân số tham gia kiểm tra sẵn sàng động viên (SSĐV) đạt 93,1%, kiểm tra SSĐV phương tiện đạt 96,9%; các đơn vị đã hoàn thành 100% khoa mục huấn luyện với kết quả kiểm tra có 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 70% khá, giỏi. Qua thực tế huy động cho thấy, lực lượng DBĐV đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, cứu nạn, phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Trong quá trình tổ chức huấn luyện, diễn tập lực lượng DBĐV, Sư đoàn rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Trước hết, cần tập trung xây dựng khung thường trực huấn luyện DBĐV vững mạnh. Thực tiễn cho thấy, việc lựa chọn cán bộ khung trực tiếp đảm nhận công tác huấn luyện lực lượng DBĐV có ý nghĩa quyết định chất lượng huấn luyện. Cùng với năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, yêu cầu hàng đầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ thường trực là phải có nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ được giao, nhiệt tình, trách nhiệm cao. Vì vậy, trong quá trình xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Sư đoàn luôn quan tâm tổ chức, xây dựng khung thường trực vững mạnh; thường xuyên coi trọng giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tập huấn nâng cao trình độ tổ chức huấn luyện cho đội ngũ cán bộ khung, nhằm tạo điều kiện cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện lực lượng DBĐV theo cương vị, chức trách. Hằng năm, theo kế hoạch huấn luyện DBĐV, Sư đoàn luôn chủ động làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ huấn luyện. Trước hết là, bổ sung cán bộ, thành lập khung cán bộ huấn luyện DBĐV; tiếp đó, Sư đoàn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp, chuẩn bị nơi ăn, ở, sinh hoạt cho quân nhân dự bị, thao trường, bãi tập, vật chất bảo đảm cho huấn luyện, diễn tập, giáo dục chính trị…

Hai là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với địa phương bám sát địa bàn, nắm chắc số lượng, chất lượng nguồn DBĐV, tổ chức huấn luyện đạt hiệu quả cao. Trước tình hình các địa phương giao nguồn ở xa đơn vị (chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ngãi), địa bàn rộng, trong khi đó tỷ lệ quân nhân DBĐV đúng chuyên nghiệp quân sự không cao, Sư đoàn chủ động phối hợp với địa phương để nắm chắc số lượng, chất lượng nguồn; qua đó, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện. Để bảo đảm quân số huấn luyện cao nhất, Sư đoàn chủ động xây dựng kế hoạch từ đầu năm; trong đó, chú trọng xác định thời điểm huấn luyện phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp và mùa đánh bắt hải sản (thường lựa chọn thời điểm từ tháng 6 đến tháng 8). Nhờ vậy, hằng năm quân số tập trung SSĐV và tập trung huấn luyện thường xuyên đạt trên 98% (động viên 1 tiểu đoàn và giữ lại huấn luyện 1 đại đội). Năm 2011, các đơn vị tổ chức phúc tra nguồn trong tháng 6; tháng 7 tổ chức huấn luyện cho các đối tượng; quân số tập trung huấn luyện đạt 98,8%. Để nắm chắc chất lượng nguồn, tạo thuận lợi cho việc tổ chức huấn luyện phù hợp, theo định kỳ, các đơn vị của Sư đoàn phối hợp với cơ quan quân sự địa phương tổ chức phúc tra, rà soát, nắm tình hình số lượng, chất lượng, số hết hạn tuổi quy định, số vắng mặt tại địa phương; đồng thời, làm rõ số lượng chuyên ngành còn thiếu cần huấn luyện bổ sung trong thời gian tới... Từ đó, điều chỉnh, sắp xếp nguồn DBĐV mới được bổ sung vào đơn vị phù hợp với chuyên môn quân sự, làm cơ sở xây dựng kế hoạch, nội dung phù hợp, sát với đối tượng huấn luyện.

 Hiện nay, Sư đoàn và cơ quan quân sự địa phương đang tích cực thực hiện phương châm: gần, gọn địa bàn; tuy nhiên, cũng nảy sinh không ít khó khăn, như: nếu đạt được gần, gọn, thì tỷ lệ chuyên nghiệp quân sự sẽ không cao. Vì vậy, trên cơ sở nguyên tắc xếp đúng chuyên nghiệp quân sự và thu hẹp địa bàn một cách hợp lý, Sư đoàn và địa phương thống nhất vận dụng gọn địa bàn đối với các đơn vị bộ binh; còn các đơn vị binh chủng thì tổ chức trong cụm xã và trong huyện, từng bước nâng cao tỷ lệ đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự; đồng thời, tăng cường huấn luyện chuyển loại binh chủng để nâng cao trình độ chuyên môn của quân nhân DBĐV. Với những biện pháp đó, chất lượng nguồn DBĐV của đơn vị ngày càng cao, tạo điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức huấn luyện; số lượng quân nhân được gọi tập trung huấn luyện, kiểm tra SSĐV luôn bảo đảm đủ. Năm 2011, Sư đoàn đã tổ chức huấn luyện chuyển loại quân sự cho 295 quân nhân DBĐV trong thời gian 30 ngày, đạt kết quả tốt, góp phần nâng tỷ lệ đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự của sĩ quan là: 91,7%; hạ sĩ quan, chiến sĩ là: 90,6%.

Thực tế cho thấy, năng lực tổ chức chỉ huy và thực hành huấn luyện của nhiều cán bộ DBĐV (khung B) còn hạn chế; vì vậy, Sư đoàn đặc biệt coi trọng công tác tập huấn, huấn luyện cán bộ DBĐV, bảo đảm thời gian tập huấn cho cán bộ từ khẩu, tiểu đội trưởng đến tiểu đoàn trưởng là 10 ngày. Cùng với huấn luyện các nội dung về kỹ thuật, chiến thuật, Sư đoàn còn coi trọng các nội dung về phương pháp tổ chức chỉ huy huấn luyện theo chức trách, nhiệm vụ được giao; kể cả nội dung về tiếp nhận, phương pháp quản lý, giáo dục quân nhân DBĐV.

Ba là, trong huấn luyện phải bảo đảm cân đối nội dung lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chính. Là đơn vị nằm trong đội hình của binh đoàn chủ lực cơ động, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu luôn đặt ra những yêu cầu cao, đòi hỏi công tác huấn luyện phải bảo đảm cho mỗi cá nhân, phân đội DBĐV có trình độ kỹ thuật, chiến thuật tốt, tiếp cận với trình độ của bộ đội thường trực. Do đó, Sư đoàn luôn quan tâm kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, huấn luyện chiến thuật với nâng cao khả năng cơ động chiến đấu của bộ đội. Đặc biệt, các đơn vị luôn chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chính. Vì thời gian tập huấn, huấn luyện ngắn (mỗi đợt từ 10 đến 15 ngày); hơn nữa, địa điểm huấn luyện xa doanh trại, nên các đơn vị luôn chú trọng bảo đảm đủ vũ khí, trang bị, học cụ huấn luyện để tăng thời gian, số lượt thực hành; đồng thời, tạo điều kiện và khuyến khích bộ đội ôn luyện thực hành ngoài giờ hành chính. Mặt khác, do tuổi đời, nhận thức, trình độ chuyên môn của quân nhân DBĐV không đồng đều, nên các đơn vị còn chú trọng phân công cán bộ hoặc chiến sĩ có trình độ giỏi kèm cặp, giúp đỡ người có trình độ chuyên môn còn yếu, nhất là số mới được huấn luyện chuyển loại. Do phải huấn luyện nhiều đối tượng với thời gian không giống nhau (như: cán bộ, chuyển loại, bộ binh, binh chủng…), nên việc xây dựng kế hoạch huấn luyện cũng phải tính toán bảo đảm phù hợp, xác định rõ nội dung còn yếu, thiết thực, phù hợp để ưu tiên, dành thời gian thích đáng. Trong huấn luyện chiến thuật, các đơn vị tập trung làm chắc, gọn từng nội dung, xây dựng các tình huống sát với thực tế chiến đấu và đặc điểm địa bàn tác chiến; thông qua các cuộc diễn tập bắn đạn thật cuối đợt huấn luyện để rèn luyện, nâng cao khả năng thực hành cơ động, chiến đấu của bộ đội.

Trong quá trình tập trung huấn luyện, Sư đoàn luôn duy trì nghiêm các chế độ quy định, gắn kết chặt chẽ công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị với xây dựng nền nếp chính quy; quan tâm thực hiện tốt công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện; chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Ngãi, của đơn vị và của Quân đội anh hùng. Bên cạnh đó, các đơn vị còn thực hiện tốt việc phát động các phong trào thi đua trong huấn luyện, gắn các chỉ tiêu thi đua với công tác kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện của từng cá nhân và đơn vị qua từng ngày, từng khoa mục. Nhờ đó, luôn tạo được không khí thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập.

Bốn là, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời mọi chế độ, chính sách trong thời gian tập trung huấn luyện. Hiện nay, các chế độ, chính sách bảo đảm cho lực lượng DBĐV đã được quy định rõ trong Pháp lệnh và các thông tư, hướng dẫn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc vận dụng chi trả ở các địa phương, đơn vị cũng chưa thống nhất. Rút kinh nghiệm từ thực tế, Sư đoàn luôn chủ động thống nhất với địa phương về thực hiện chế độ, chính sách theo quy định; trong đó, chú trọng bảo đảm đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra SSĐV theo các quy định trong Thông tư liên tịch số 123/1998/TTLT-BQP-BLĐTB&XH-BTC. Trên cơ sở kế hoạch tập trung huấn luyện đã xác định, đơn vị luôn chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, xăng dầu, vũ khí, đạn cho công tác huấn luyện, diễn tập, kiểm tra SSĐV. 

Các đơn vị còn thường xuyên quan tâm chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, sức khoẻ của cán bộ, chiến sĩ DBĐV trong quá trình tổ chức huấn luyện, diễn tập. Trong đó, coi trọng việc phát huy vai trò của bộ phận hậu cần trong việc khắc phục khó khăn, bảo đảm tốt nhất cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, ăn, ở; bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, điều trị, chăm sóc sức khoẻ cho quân nhân DBĐV. Nhờ vậy, quân số khoẻ trong huấn luyện, diễn tập của Sư đoàn luôn đạt trên 99%, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập của các đơn vị DBĐV.

Đại tá NGUYỄN TRUNG HÁN

Sư đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.