Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 05/12/2014, 14:57 (GMT+7)
Một số kinh nghiệm qua 15 năm thực hiện nhiệm vụ của Cục Kỹ thuật binh chủng
Băn kiểm tra tổ hợp tên lửa chống tăng B.72 trên xe BMP-1.

Cục Kỹ thuật Binh chủng thành lập ngày 10-12-1999, theo Quyết định 2447/1999/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cục có chức năng làm tham mưu cho Đảng ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật và là cơ quan kỹ thuật đầu ngành chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kỹ thuật (CTKT) đối với lực lượng Tăng - thiết giáp (TTG), Tên lửa - khí tài đặc chủng (TL-KTĐC) trong toàn quân. Sau khi thành lập, Cục đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao; ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn về CTKT và triển khai thực hiện có nền nếp, hiệu quả các đề án, dự án, hạng mục công trình, v.v. Qua đó, các mặt CTKT được duy trì chính quy, thống nhất, thường xuyên bảo đảm tốt hệ số trang bị, hệ số kỹ thuật và tính đồng bộ cho vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT). Hệ thống kho tàng, nhà xe được củng cố, xây mới khang trang, hiện đại, đủ điều kiện cất giữ lâu dài, an toàn; các trạm, xưởng sửa chữa được đầu tư cơ bản, nâng cao khả năng sửa chữa theo phân cấp VKTBKT hiện có. Nhờ tính năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, nên hằng năm Cục đều hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ; các tổ chức cơ sở đảng đều đạt trong sạch, vững mạnh; Đảng ủy Cục 15 năm liên tục đạt trong sạch vững mạnh, v.v. Với thành tích trên, Cục Kỹ thuật Binh chủng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba; đồng thời, được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật trao tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Để có được kết quả trên, yếu tố quan trọng hàng đầu là Cục đã tham mưu đúng, trúng về CTKT phù hợp với từng giai đoạn. Thời kỳ đầu thành lập, các cơ sở bảo đảm kỹ thuật của Ngành chưa đủ điều kiện cất giữ vật tư, trang bị; VKTBKT đã qua nhiều năm sử dụng, xuống cấp và mất đồng bộ, vật tư thay thế khan hiếm do không còn nguồn viện trợ; các đơn vị cơ sở từ Binh chủng TTG và Binh chủng Pháo binh chuyển về trực thuộc Cục nên có nhiều khác biệt trong lề lối làm việc, tác phong công tác, v.v. Do vậy, Đảng ủy, Chỉ huy Cục đã tham mưu và phối hợp với cơ quan chức năng của Tổng cục tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức theo hướng rút gọn, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng đơn vị. Cùng với đó, Cục chú trọng xây dựng hệ thống văn bản quy định công tác quản lý, chỉ đạo, mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động. Đáng chú ý là, Cục đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện các kế hoạch CTKT trung hạn và dài hạn, như: Quy hoạch trang bị, Quy hoạch hệ thống kho tàng, trạm xưởng theo chiến lược của Bộ, làm cơ sở để xây dựng, củng cố vững chắc tiềm lực của Ngành. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện kế hoạch đảm bảo đồng bộ VKTBKT theo từng chủng loại và từng đơn vị, tập trung vào các đơn vị TTG và TL-KTĐC làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, trên địa bàn trọng điểm, làm nhiệm vụ huấn luyện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Cục đã chỉ đạo các đơn vị tranh thủ mọi nguồn lực để củng cố, nâng cấp cơ sở kỹ thuật, tích cực sửa chữa VKTBKT hiện có; chủ động khai thác tạo nguồn vật tư kỹ thuật kể cả trong nước và ngoài nước để dự trữ cho sẵn sàng chiến đấu. Giai đoạn sau này và hiện nay, Cục chú trọng tham mưu các nội dung cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT phù hợp với yêu cầu tác chiến trong tình hình mới. Cùng với đó, Cục tích cực tham mưu cho Tổng cục và Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện kỹ thuật ngành TTG và TL-KTĐC sát với tình hình, nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và các đơn vị tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng bậc cho thợ, nhân viên kỹ thuật, lái xe các loại, bảo đảm cho lực lượng chuyên môn kỹ thuật có trình độ chuyên môn tương xứng, đủ khả năng làm chủ VKTBKT mới, hiện đại, v.v. Ngoài ra, Cục còn chủ động liên kết với các trường trong Quân đội để đào tạo nhân viên kỹ thuật ngành TL-KTĐC; định kỳ tổ chức hội nghị Ngành (2,5 năm/lần), hằng năm tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ ngành và hướng dẫn sử dụng VKTBKT mới; qua đó, nâng cao nhận thức, trình độ quản lý, khai thác VKTBKT cho các đơn vị trong toàn quân.

Những năm qua, Cục đã bám sát công tác bảo đảm kỹ thuật ở các cơ quan, đơn vị để chỉ đạo toàn diện, chặt chẽ. Đây vừa là kết quả, vừa là bài học kinh nghiệm sâu sắc mà Cục đã rút ra. Để làm được điều đó, hằng năm, Cục tổ chức kiểm tra CTKT 100% đầu mối các đơn vị TTG, TL-KTĐC toàn quân để nắm chắc thực trạng VKTBKT, tình hình đơn vị; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, sai sót trong thực hiện CTKT và điều chỉnh các kế hoạch cho phù hợp. Trong đó, Cục chú trọng chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất VKTBKT, vật tư kỹ thuật đúng quy trình, quy định theo hướng dẫn đã ban hành và đúng với tiến độ xác lập trong kế hoạch, bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu hằng năm từ 10% đến 15%. Trong thời điểm quan trọng, Cục cử người trực tiếp theo dõi, hướng dẫn các đơn vị về quy trình niêm, mở cất dài hạn, nhất là đối với những VKTBKT được bảo quản, niêm cất trong hang hầm. Để nâng cao chất lượng sửa chữa và sản xuất các sản phẩm quốc phòng, Cục yêu cầu các cơ sở sửa chữa kiểm tra chặt chẽ, nghiêm túc chất lượng VKTBKT trước khi vào sửa chữa và sau sửa chữa; thanh quyết toán kịp thời cho các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sau khi đã nghiệm thu sản phẩm. Đồng thời, tăng cường lực lượng sửa chữa cơ động cho các đơn vị trong toàn quân, ưu tiên các đơn vị đóng quân ở biên giới, hải đảo. Trong quá trình thực hiện những nội dung mới, Cục chỉ đạo tiến hành làm điểm trước, sau đó mới nhân rộng, triển khai đồng loạt. Với cách làm như vậy, Cục đã chỉ đạo đạt hiệu quả cao việc đồng bộ VKTBKT theo Chương trình thực hiện Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương). Trong 5 năm, Cục đã chỉ đạo đồng bộ được hơn 600 xe các loại của ngành TTG, gần 800 trang thiết bị của ngành TL-KTĐC,… bảo đảm khôi phục tình trạng kỹ thuật và tình trạng đồng bộ cho VKTBKT, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị. Hiện nay, cách làm này tiếp tục được Cục áp dụng vào chỉ đạo Diesel hóa hàng trăm xe thiết giáp BTR-152 cho đơn vị TTG của Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh (thành phố). Đồng thời, tích cực chỉ đạo các đơn vị từng bước hoàn thành xây dựng chính quy theo quy định của Ngành.

Ra đời ngay sau khi Cuộc vận động 50 vừa được phát động sâu rộng trong toàn quân, nên Cục đã tiếp cận ngay và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Cuộc vận động bằng nhiều giải pháp thiết thực. Trong quá trình thực hiện Cuộc vận động, hình thức, nội dung tiến hành liên tục được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, được các đơn vị toàn quân tích cực hưởng ứng. Đặc biệt là, các hội thi, hội thao đều được nghiên cứu, trao đổi kỹ về mục đích, ý nghĩa, nội dung tiến hành; tổ chức chu đáo, chặt chẽ với nội dung cụ thể, thiết thực, đối tượng đa dạng, hình thức hợp lý, không phô trương hình thức,  tốn kém. Với tinh thần đó, 15 năm qua, Cục đã duy trì đều đặn các hội thi, mỗi nội dung 5 năm tổ chức 1 lần. Đối tượng dự thi gồm cả khối chủ lực và khối địa phương (các đơn vị TTG tỉnh, thành phố); cả con người (cán bộ, nhân viên kỹ thuật) và VKTBKT, cơ sở kỹ thuật. Nhìn chung, việc làm này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; tạo bước đột phá trong thực hiện CTKT của Ngành tại các đơn vị, nâng cao tính đồng bộ, tình trạng kỹ thuật tốt cho VKTBKT; đồng thời, làm thay đổi diện mạo các cơ sở kỹ thuật, nhiều nhà kho, xưởng “Kiểu mẫu” đã được xây dựng. Quan trọng hơn, hội thi đã thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và huy động được cao nhất sức người, sức của cho CTKT của Ngành. Để làm phong phú thêm các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động 50, Cục thường xuyên phát động phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Câu lạc bộ kỹ thuật”, v.v. Các đề tài, sáng kiến cải tiến đã tập trung giải quyết những yêu cầu cấp thiết trong CTKT, như: khôi phục tính năng kỹ, chiến thuật của VKTBKT, cải tiến, chế tạo vật tư kỹ thuật thay thế nhập ngoại. Đây có thể coi là một sáng kiến thúc đẩy Cuộc vận động 50 phát triển; sân chơi bổ ích cho cán bộ, chiến sĩ giao lưu văn hóa, văn nghệ, làm sáng tỏ thêm kiến thức về CTKT, về thực hiện chức trách, nhiệm vụ, v.v.

Cùng với nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm, Đảng ủy, chỉ huy Cục thường xuyên quan tâm xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo Ngành vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Đảng ủy Cục luôn coi trọng công tác xây dựng đội ngũ đảng viên, nâng cao tỷ lệ lãnh đạo trong các đơn vị trực thuộc; gắn xây dựng đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cấp ủy với xây dựng cán bộ chủ trì; thực hiện nghiêm túc các nhóm giải pháp về xây dựng Đảng gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Kết quả đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm, Đảng bộ có trên 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ; 100% tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Năm 2014, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Thường vụ Quân ủy Trung ương phát động được Đảng ủy Cục triển khai nghiêm túc, với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Các nội dung thực hiện Cuộc vận động hướng vào việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, thái độ, động cơ cho người quân nhân trong thực hiện nhiệm vụ.

Những ngày đầu mới thành lập, doanh trại chưa được củng cố, nâng cấp; địa bàn đóng quân phân tán, đời sống khó khăn, nên Cục đã chỉ đạo các đơn vị huy động hàng ngàn ngày công sửa chữa doanh trại, xây dựng cảnh quan môi trường “Xanh, sạch, đẹp”; tích cực tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Tinh thần đó tiếp tục được duy trì, phát huy cho đến ngày nay. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, các đơn vị đã trồng được 108.950 cây ăn quả, cây cảnh, cây bóng mát và cây lấy gỗ các loại; hoạt động tăng gia sản xuất đã tạo thu nhập cho đơn vị hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Quỹ vốn đó được dùng để củng cố đơn vị, đưa thêm vào bữa ăn và bảo đảm thu nhập ngoài lương từ 1,5 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, các đơn vị tích cực giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục, thể thao và làm công tác dân vận trên địa bàn đóng quân. Nhiều đơn vị đã tổ chức tốt chương trình quân - dân y kết hợp, khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào; quyên góp ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xoá đói giảm nghèo”, “Trẻ em tàn tật, mồ côi”; giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, v.v. Những hoạt động đó, vừa mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, vừa tạo môi trường rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác cho cán bộ, chiến sĩ của Ngành. Đồng thời, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, củng cố và phát triển mối quan hệ máu thịt quân - dân, góp phần xây dựng địa bàn an toàn, vành đai chính trị an toàn.

Kết quả và những bài học kinh nghiệm trên sẽ là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Cục Kỹ thuật Binh chủng tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thu được thành tích to lớn hơn, xây dựng ngành Kỹ thuật vững mạnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thiếu tướng LÊ XUÂN PHƯƠNG, Cục trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.