Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 04/08/2011, 01:22 (GMT+7)
Một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng huấn luyện của Lữ đoàn Pháo binh 204



Ảnh mang tính minh họa
Trung đoàn Pháo binh 204 thuộc Binh chủng Pháo binh được thành lập ngày 09-8-1978. Ngày 28-5-2003, Trung đoàn được nâng cấp thành Lữ đoàn, với nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Mặc dù "còn trẻ" so với nhiều đơn vị pháo binh trong Binh chủng, song qua hoạt động thực tiễn, Lữ đoàn đã sớm khẳng định sự trưởng thành cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Những năm gần đây, chất lượng huấn luyện và trình độ SSCĐ của Lữ đoàn luôn đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, trong 3 năm (2008-2010), Lữ đoàn liên tục đạt “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Năm 2010, 2011, Lữ đoàn vinh dự được Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng giao nhiệm vụ làm điểm về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; riêng năm 2010, Lữ đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua. Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, SSCĐ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và từ kết quả đạt được, Lữ đoàn xin nêu một số kinh nghiệm chính đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị trong thời gian qua.

Một là, thường xuyên làm tốt công tác chính trị, tư tưởng trong huấn luyện. Lữ đoàn xác định mục tiêu của công tác chính trị, tư tưởng trong huấn luyện là nhằm làm cho bộ đội nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, có "quyết tâm huấn luyện như quyết tâm chiến đấu"; đồng thời, đặt ra yêu cầu: tiến hành công tác tư tưởng trong huấn luyện là trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết là của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, trực tiếp là cán bộ huấn luyện. Thực hiện mục tiêu, yêu cầu này, trên cơ sở làm rõ đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị, Lữ đoàn đã chú ý tập trung quán triệt tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện; đối tượng tác chiến, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để cán bộ, chiến sĩ thấy được yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện. Đi vào từng mặt cụ thể, Lữ đoàn tập trung quán triệt Mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Binh chủng và các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác huấn luyện, SSCĐ gắn với thực hiện 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp và phương châm huấn luyện "Cơ bản, thiết thực, vững chắc". Riêng về phương châm huấn luyện, chỉ huy Lữ đoàn yêu cầu chỉ huy các đơn vị và cán bộ khi huấn luyện phải coi trọng công tác giáo dục, phân tích cho bộ đội thấy được: Thế nào là huấn luyện cơ bản? Thế nào là huấn luyện vững chắc? Vững chắc đến cấp nào? Thế nào là huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu? Có như vậy, bộ đội mới thấy được sự cần thiết phải tiến hành đồng bộ và làm tốt tất cả các khâu trong quy trình huấn luyện; đồng thời, cũng là để rèn luyện tính tỉ mỉ, tác phong khoa học trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.

Về phương pháp giáo dục: cấp Lữ đoàn thực hiện việc giáo dục, quán triệt thông qua hội nghị Đảng ủy và hội nghị quân chính; cấp tiểu đoàn và đại đội đi sâu quán triệt nhiệm vụ kế hoạch, chương trình, thời gian huấn luyện và những kinh nghiệm huấn luyện. Cán bộ ở tất cả các cấp phải phát huy đầy đủ trách nhiệm theo hệ thống chỉ huy. Riêng đội ngũ cán bộ tiểu đoàn, đại đội và trung đội phải vừa làm tốt nhiệm vụ quản lý đơn vị, trực tiếp tổ chức điều hành huấn luyện, vừa phải làm tốt công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, luyện tập SSCĐ. Cụ thể là, ngay trong một bài giảng, cán bộ huấn luyện phải biết làm tốt công tác cổ động thao trường, như: biểu dương, động viên những tập thể, cá nhân làm tốt, nhắc nhở, uốn nắn những biểu hiện thiếu  tập trung; kể chuyện chiến đấu, phổ biến kinh nghiệm chiến đấu; nêu âm mưu, thủ đoạn tác chiến của quân đội đế quốc trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và trong các cuộc chiến tranh gần đây để bộ đội xây dựng ý thức, trách nhiệm và có quyết tâm cao trong huấn luyện, SSCĐ.

Cùng với những việc làm trên, Lữ đoàn luôn duy trì có nền nếp chế độ nắm, phản ánh và đánh giá tình hình tư tưởng của bộ đội, kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề phát sinh. Trong các khâu này, Lữ đoàn chú ý chỉ đạo các đơn vị làm tốt việc phân loại tư tưởng, xác định rõ nguyên nhân tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ là do khả năng nhận thức, do thiếu trách nhiệm, hay do tác động từ các nguyên nhân khác; từ đó, đề ra biện pháp giáo dục, động viên, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ, tạo không khí dân chủ, đoàn kết, tin tưởng trong toàn đơn vị.

Hai là, thật sự coi trọng công tác huấn luyện cán bộ, nhất là cán bộ phân đội. Trong khi quán triệt huấn luyện toàn diện cả về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, Lữ đoàn luôn xác định huấn luyện cán bộ là nội dung huấn luyện hàng đầu và là khâu then chốt trong công tác huấn luyện. Thực hiện khâu then chốt này, hằng năm, các đơn vị, phân đội của Lữ đoàn đều có nghị quyết chuyên đề về huấn luyện cán bộ; trong đó, xác định rõ đối tượng huấn luyện, nội dung, phương thức và biện pháp thực hiện. Với số sĩ quan mới ra trường, tập trung huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật của loại pháo được trang bị tại đơn vị kết hợp bồi dưỡng về tổ chức phương pháp. Còn số cán bộ đã có kinh nghiệm thì nội dung huấn luyện tập trung vào các vấn đề khó và phức tạp, như huấn luyện đêm, luyện tập chuyển trạng thái SSCĐ và công tác chỉ huy, tham mưu, kế hoạch. Mỗi một đối tượng lại được chia ra làm hai nhóm: nhóm bồi dưỡng chung và nhóm huấn luyện chuyên sâu; khi bồi dưỡng từng nhóm lại thực hiện phương châm "Yếu gì, cần gì bồi dưỡng đó, lấy bồi dưỡng qua thực tiễn công tác là chủ yếu". Về phương thức, Lữ đoàn kết hợp việc tự bồi dưỡng và bồi dưỡng có tổ chức, nhưng kể cả việc tự bồi dưỡng thì từng cán bộ vẫn phải đăng ký chỉ tiêu để chỉ huy đơn vị nắm và theo dõi. Còn việc bồi dưỡng theo phân cấp, ngoài quy định chung là cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, Lữ đoàn còn tổ chức các lớp bồi dưỡng luân phiên, theo đó, cán bộ quân sự bồi dưỡng kỹ năng chỉ huy, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ chính trị; cán bộ chính trị bồi dưỡng phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, luyện tập SSCĐ cho cán bộ quân sự. Đặc biệt, để công tác huấn luyện cán bộ đạt hiệu quả cao, năm 2010, Lữ đoàn còn tổ chức Hội thi cán bộ trung đội. Khác với thi cán bộ trung đội giỏi (chỉ tập trung vào các bài bắn là chủ yếu), ở hình thức tổ chức hội thi này, Lữ đoàn đề ra nội dung thi một cách toàn diện, trong đó tập trung vào những chức trách chủ yếu và những nội dung huấn luyện cơ bản nhất mà cán bộ trung đội phải đảm nhiệm. Qua một năm tổ chức hội thi, đội ngũ cán bộ trung đội đã có bước chuyển biến rõ rệt về trình độ tổ chức và năng lực công tác. Mặc dù là thi cán bộ trung đội, nhưng khi tổ chức lại liên quan đến nhiều cấp và rèn luyện được nhiều cán bộ khác. Vì vậy, ngoài việc tổ chức Hội thi cán bộ trung đội, năm 2011, Lữ đoàn đã và đang triển khai mở rộng quy mô hội thi cán bộ ở cấp đại đội nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ phân đội.

Ba là, bám sát phương châm huấn luyện "Cơ bản, thiết thực, vững chắc". Hằng năm và trước mỗi giai đoạn huấn luyện, thậm chí trong suốt quá trình huấn luyện, Lữ đoàn luôn quán triệt bộ đội bám sát phương châm huấn luyện "Cơ bản, thiết thực, vững chắc" đã xác định. Tính (yêu cầu) cơ bản được xác định cả ở nội dung huấn luyện, phương pháp huấn luyện và phong cách chỉ huy; tính (yêu cầu) thiết thực thể hiện ở nội dung huấn luyện và đối tượng tác chiến của pháo binh, trực tiếp là thành phần phải chi viện hay phối thuộc và mục tiêu mà pháo binh Lữ đoàn phải đảm nhiệm. Theo đó, tính cơ bản, thiết thực được các cấp trong đơn vị tiến hành có nền nếp, từ việc xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị mô hình học cụ, chuẩn bị giáo viên, giáo án đến thực hành huấn luyện và kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện. Quán triệt phương châm gắn với những yêu cầu đó, lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn thực hiện nguyên tắc: huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm, coi trọng cả huấn luyện lý thuyết và thực hành, lấy thực hành là chính. Việc huấn luyện kỹ thuật được tiến hành tuần tự, phù hợp với khả năng tiếp thu của người học theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Huấn luyện chiến thuật được tiến hành từ chiến thuật khẩu đội, trung đội đến chiến thuật đại đội, tiểu đoàn và trên tiểu đoàn; từ hiệp đồng trong nội bộ pháo binh (giữa đài quan sát với sở chỉ huy và trận địa bắn) đến hiệp đồng giữa pháo binh với bộ binh, xe tăng, công binh, phòng không,v.v. Trong quá trình huấn luyện, cán bộ huấn luyện kết hợp truyền thụ những kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện với chỉ ra hậu quả của tính chủ quan hoặc biểu hiện làm tắt, làm ẩu; từ đó, giúp người học nhận thức đầy đủ hơn và thực hiện tốt hơn yêu cầu cơ bản trong huấn luyện.

Để bảo đảm không mâu thuẫn với yêu cầu huấn luyện cơ bản, vững chắc (các yêu cầu này đòi hỏi nhiều thời gian), trong khi quán triệt quan điểm toàn diện, tính cơ bản và tính vững chắc, Lữ đoàn luôn chú ý đến tính thiết thực, lựa chọn những nội dung huấn luyện sát thực tế chiến đấu, đúng đối tượng tác chiến, có trọng tâm, trọng điểm và sát với nội dung, tiêu chuẩn đơn vị huấn luyện giỏi. Theo đó, những nội dung không cần thiết được giảm thời gian; đồng thời, tăng thời gian huấn luyện các nội dung trọng tâm và dành lượng thời gian cần thiết để huấn luyện những nội dung mới liên quan đến vấn đề cơ động, ngụy trang, nghi binh, phòng chống vũ khí công nghệ cao và trinh sát điện tử của địch. Ngay trong diễn tập, luyện tập SSCĐ, Lữ đoàn cũng chủ yếu tập trung vào những khâu còn yếu, nhất là về cơ động, di chuyển và hiệp đồng giữa đài quan sát và trận địa bắn trong giai đoạn thực hành chiến đấu. Tính thiết thực còn được thể hiện ở chỗ xoay vòng huấn luyện hợp lý, tận dụng triệt để thao trường, bãi tập, xăng dầu, đảm bảo cho bộ đội huấn luyện đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm chi phí nhất trong mỗi khoa mục huấn luyện thực hành.

Trên đây là ba trong số nhiều kinh nghiệm được Lữ đoàn rút ra từ thực tiễn. Tuy không hẳn là những vấn đề mới, song, đối với Lữ đoàn Pháo binh 204, những kinh nghiệm đó đã trở thành những bài học bổ ích, bởi nhờ quán triệt các bài học đó mà Lữ đoàn đã thành công trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ. Tuy nhiên, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, Lữ đoàn đang tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm của chính mình đi đôi với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ để nâng cao chất lượng tổng hợp, trước hết là chất lượng chính trị và trình độ SSCĐ. Đó chính là điều cần và phải trở thành suy nghĩ, hành động thường xuyên của mọi cán bộ, chiến sĩ, góp phần tô thắm thêm truyền thống "Trưởng thành nhanh - xây dựng mạnh", đảm bảo cho Lữ đoàn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá NGUYỄN MINH TĂNG

Lữ đoàn trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.