Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 15/04/2019, 09:16 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ

Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc Tổ quốc, có hơn 330 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), giữ vị trí chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ của Quân khu 1 và cả nước. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, lực lượng vũ trang Tỉnh luôn phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ; trong đó, cơ quan quân sự là trung tâm hiệp đồng với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương làm tham mưu và tổ chức thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, vận dụng các quy định, cơ chế một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn cụ thể, giúp cho việc xây dựng khu vực phòng thủ thu được nhiều kết quả tích cực. Các tiềm lực của khu vực phòng thủ được tăng cường, thế trận quân sự được xây dựng phù hợp với đặc điểm địa bàn, có chiều sâu ngày càng vững chắc; sự kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh ngày càng chặt chẽ. Cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được vận hành hiệu quả; lực lượng vũ trang địa phương được xây dựng vững mạnh, có chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, v.v.

Đại tá Hoàng Văn Hữu phát biểu khai mạc Đại hội Thi đua Quyết thắng

Để có được kết quả đó, cơ quan quân sự các cấp đã thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, trọng tâm là Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP, Nghị định 02/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, Bộ Chỉ huy Quân sự chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, đề án,... về công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Đồng thời, cụ thể hóa cơ chế, chế độ, chính sách, thực hiện Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Nghĩa vụ quân sự,... tạo cơ sở pháp lý để các địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thống nhất trong toàn Tỉnh. Đến nay, Tỉnh đã hoàn chỉnh Đề án xây dựng khu vực phòng thủ giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng - an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020; Quy hoạch các công trình phục vụ quốc phòng,... tạo cơ sở quan trọng để huy động các nguồn lực xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ.

Do nhân dân trong Tỉnh sống phân tán trên địa bàn rộng, đa phần là dân tộc thiểu số, dân trí không đồng đều, nhiều tập tục lạc hậu; để phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, lực lượng vũ trang tham mưu cho Tỉnh chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, tăng cường tiềm lực chính trị, tinh thần khu vực phòng thủ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVIII, Tỉnh chỉ đạo cấp ủy các cấp không để thôn, bản “trắng” đảng viên, thiếu chi bộ. Theo đó, một mặt, Tỉnh chỉ đạo thực hiện không thành lập chi bộ cơ quan xã ở một số địa phương mà đưa đảng viên về sinh hoạt tại thôn, bản; mặt khác, cơ quan quân sự, biên phòng tăng cường cán bộ tham gia cấp ủy, chính quyền cơ sở. Trong đó, ưu tiên củng cố hệ thống chính trị các xã biên giới, địa bàn trọng điểm; đồng thời, đẩy mạnh công tác phát triển, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đảng viên. Nhờ đó, 05 năm qua, 100% thôn, bản trong Tỉnh có chi bộ; hằng năm, có trên 90% chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh.

Công tác bồi dưỡng, giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và nhân dân được Bộ Chỉ huy Quân sự tham mưu cho Tỉnh triển khai thực hiện nền nếp, hiệu quả. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, các địa phương, đơn vị tích cực tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đặc biệt nhân các sự kiện chính trị của địa phương, dân tộc. Nội dung, phương pháp tuyên truyền được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với trình độ, tập quán của nhân dân, bảo đảm “cơ bản, thiết thực, hiệu quả”. Giai đoạn 2008 - 2018, Tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng cho hơn 37.000 cán bộ các cấp; xây dựng hơn 400 chuyên mục và hơn 6.500 tin, bài phản ánh hoạt động quốc phòng, quân sự địa phương, được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức cho các lực lượng và nhân dân về nhiệm vụ này. Ngoài ra, Tỉnh còn chỉ đạo các cấp giải quyết tốt chính sách cho các đối tượng, nhất là về dân tộc, tôn giáo; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hành tiết kiệm; tăng cường tiếp dân, thăm hỏi và tổ chức các lễ hội truyền thống,... tạo sự phấn khởi, đoàn kết trong nhân dân và nâng cao niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Huấn luyện thực hành cơ động cho lực lượng dự bị động viên

Cao Bằng là tỉnh có trên 90% diện tích núi cao, không có lợi thế đất đai, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Để tăng cường tiềm lực kinh tế gắn với xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ, lực lượng vũ trang Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân Tỉnh thực hiện kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội. Theo đó, Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở thế trận quốc phòng, an ninh; tập trung phát huy thế mạnh từ điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch, giao thương với nước bạn, khai khoáng, luyện thép, thủy điện, v.v. Trên cơ sở đó, nhiều cụm công nghiệp, nhà máy thủy điện được xây dựng; hệ thống dịch vụ vận tải, viễn thông, ngân hàng, chợ,... được củng cố, thúc đẩy giao thương trong Tỉnh và sang nước bạn; đẩy mạnh đầu tư, khai thác du lịch di tích Pác Pó, rừng Trần Hưng Đạo, tham quan Thác Bản Giốc, v.v. Đồng thời, củng cố mạng lưới y tế gắn với các chương trình quân - dân y; nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, từng bước phá thế độc đạo trong liên kết các vùng, huyện, v.v. Bên cạnh đó, Tỉnh tích cực rà phá bom mìn, vật liệu nổ, mở rộng đất canh tác, xây dựng thêm thôn, bản giáp biên; chỉ đạo các huyện phối hợp với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 799 thực hiện có hiệu quả các dự án kinh tế, quốc phòng trên địa bàn. Nhờ nỗ lực cao, kinh tế của Tỉnh phát triển khá, đúng hướng1, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới; nguồn nhân lực quân sự trên địa bàn được duy trì, giao thông ngày càng thuận lợi, v.v.

Để đáp ứng vai trò nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ, Tỉnh tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Theo đó, Tỉnh thường xuyên kiện toàn lực lượng thường trực, nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp; ưu tiên đủ cán bộ quân sự cho các huyện biên giới và cấp xã; tăng cường bồi dưỡng cán bộ, giáo dục chính trị, tư tưởng, huấn luyện chiến đấu, bảo đảm đủ sức tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, coi trọng chất lượng tuyển quân, làm tốt công tác tuyển sinh quân sự để tạo nguồn lâu dài và bù đắp sự thiếu hụt của đội ngũ cán bộ quân sự trong Tỉnh. Bên cạnh đó, Tỉnh thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ bảo đảm rộng khắp, ưu tiên cho các đơn vị làm nhiệm vụ khẩn cấp, ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao; thường xuyên khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn, sẵn sàng động viên công nghiệp khi có tình huống. Đến nay, Tỉnh đã sắp xếp quân nhân dự bị đạt 75%; dân quân tự vệ đạt 3,3% dân số, trong đó có 06 tiểu đội thường trực ở các xã, thị trấn biên giới; bảo đảm 100% biên chế công an chuyên trách cấp xã và công an viên cấp thôn. Cùng với đó, việc xây dựng thế trận quân sự luôn được Tỉnh quan tâm. Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức phân giới cắm mốc, bảo vệ đất quốc phòng và các địa hình tự nhiên có giá trị quân sự. Trên cơ sở đó, Tỉnh huy động nguồn lực xây dựng các công trình trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật; cải tạo đường giao thông ở các khu vực trọng điểm; tận dụng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hang động; củng cố đường tuần tra biên giới,... tạo nên thế trận quân sự liên hoàn, hiểm hóc.

Trên địa bàn và dọc theo tuyến biên giới của Tỉnh luôn tiềm ẩn và xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, như: xâm phạm biên giới, xâm canh, xâm cư, vượt biên, buôn lậu, lan truyền đạo lạ, v.v. Để bảo đảm tốt an ninh chính trị, nhất là an ninh biên giới, lực lượng vũ trang Tỉnh luôn thực hiện tốt quy chế phối hợp; nắm, dự báo đúng tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả tình huống về quốc phòng - an ninh, thiên tai, cháy rừng. Tích cực điều tra, lập hồ sơ quản lý địa bàn trọng điểm về an ninh; theo dõi, ngăn chặn việc truyền đạo bất hợp pháp; đẩy mạnh phong trào “Tự quản đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự xóm (bản) khu vực biên giới” gắn với các mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc; thường xuyên đưa lực lượng vũ trang cắm bản, giúp đỡ đồng bào; bảo vệ lễ hội gắn với tăng cường an ninh ở các địa bàn trọng điểm,... góp phần giữ vững chủ quyền biên giới, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra bất ngờ hoặc “điểm nóng” trên địa bàn2. Để thực hiện tốt công tác đối ngoại, giao lưu nhân dân trên tuyến biên giới, nhất là đối ngoại biên phòng, Tỉnh quán triệt và thực hiện tốt Nghị định 89/2009/NĐ-CP, ngày 19-10-2009 của Chính phủ về hoạt động đối ngoại biên phòng; thực hiện tốt thỏa thuận hợp tác biên phòng Việt Nam - Trung Quốc. Qua đó, thường xuyên trao đổi, thông báo tình hình, kịp thời giải quyết có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên tuyến biên giới hoặc liên quan đến hai nước. Rút kinh nghiệm qua 04 lần tham gia giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, năm 2018, Bộ Chỉ huy Quân sự là cơ quan chủ trì phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tham mưu cho Tỉnh tham gia tổ chức thành công Hội nghị giao lưu lần thứ 5, được Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Kết quả và kinh nghiệm xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh Cao Bằng những năm qua là nguồn cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đại tá HOÀNG VĂN HỮU, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

____________

1 - Năm 2018, tăng trưởng kinh tế 7,15%, thu nhập bình quân đạt gần 27 triệu/người, kim ngạnh xuất, nhập khẩu đạt gần 700 triệu USD, thu ngân sách vượt gần 38% so với kế hoạch, công nghiệp tăng 24%, dịch vụ tăng 5,3%.

2 - Từ năm 2008 đến nay, đã xử lý: 54 vụ và 448 đối tượng xâm phạm an ninh biên giới, hơn 4.200 vụ án hình sự, hơn 1.000 vụ án ma túy và hơn 200 vụ án về kinh tế, môi trường, v.v. Xây dựng 38 loại mô hình tự quản an ninh, thu hút hơn 2.300 tổ quần chúng tham gia.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.