Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 26/10/2015, 08:13 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Quảng Bình phát huy vai trò nòng cốt trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương

Trao thưởng cho các tập thể tiêu biểu trong Diễn tập QB-14. 
(Ảnh: Báo Quảng Bình)

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ và là địa bàn hẹp nhất nước ta, lại án ngữ các trục giao thông quan trọng (cả đường bộ, đường sắt, đường không và đường biển) nên Quảng Bình có vị trí quan trọng về nhiều mặt, nhất là quốc phòng - an ninh đối với Quân khu 4 và cả nước. Là địa phương giàu truyền thống cách mạng; trong những năm gần đây, Tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh, v.v. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý, nên Tỉnh có không ít khó khăn, lại thường xuyên chịu hậu quả của thiên tai, bão lũ. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, lực lượng vũ trang Quảng Bình đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, phát huy vai trò nòng cốt cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Tỉnh thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Nổi bật là, cơ quan quân sự các cấp đã thực sự làm nòng cốt trong thực hiện chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Quân khu về xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân; trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 116-NĐ/CP của Chính phủ về giáo dục quốc phòng và an ninh, v.v. Trên cơ sở đó, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, đề án,... về công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Trong đó có Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng vũ trang Tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo; kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự các năm; Đề án 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo; v.v. Đó là những văn bản pháp lý quan trọng, đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong tình hình mới; bảo đảm cho công tác này tiến hành thống nhất, đúng định hướng, đạt hiệu quả thiết thực.

Cùng với đó, lực lượng vũ trang Tỉnh chủ động phối hợp với các ban, ngành địa phương, làm nòng cốt trong tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Đây là nội dung quan trọng, thường xuyên, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Trong điều kiện đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, các thế lực thù địch thường xuyên hoạt động, chống phá, nên làm tốt công tác này đối với Quảng Bình càng có ý nghĩa quan trọng. Với vị trí là cơ quan thường trực của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân nhân Tỉnh kiện toàn hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp để chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cũng như đôn đốc, kiểm tra,... công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân. Đồng thời, liên tục tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng1 đạt chất lượng tốt; trong đó, Trường Quân sự Tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tổ chức giảng dạy, không ngừng nâng cao chất lượng các khóa học. Cùng với đó, cơ quan quân sự còn tham mưu cho Tỉnh mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đến các chủ hộ tàu, thuyền, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc các tôn  giáo2. Đây là vấn đề rất khó, nhưng do có chủ trương đúng, cách làm khéo, cụ thể, nên bước đầu đạt hiệu quả thiết thực. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên cũng được quan tâm và thực hiện tốt3. Cơ quan quân sự các cấp đã phối hợp, giúp đỡ các trường trung học phổ thông, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn vừa thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh chính khóa, vừa tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, như: giao lưu, thi tìm hiểu truyền thống quê hương, hội thao, hội thi, v.v. Qua đó, trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức cơ bản về quân sự, quốc phòng và an ninh; bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc; đồng thời, xác định nghĩa vụ, trách nhiệm đối với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân được cơ quan quân sự các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rộng khắp, bằng nhiều hình thức, biện pháp (tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền miệng,...). Nhờ đó, đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà nước về quốc phòng, quân sự cho đội ngũ cán bộ các cấp, ngành địa phương; làm chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân; đưa Quảng Bình trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu của Quân khu 4 và cả nước về công tác này.

Lực lượng vũ trang Tỉnh còn phát huy tốt vai trò tham mưu về kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Cơ quan quân sự các cấp đã thực hiện tốt chức năng phối hợp thẩm định các dự án xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thẩm quyền quy định, tránh được hiện tượng chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần. Tiêu biểu như các dự án: Khu công nghiệp Đồng Hới; Khu công nghiệp Hòn La; Chương trình đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản và du lịch biển; Quy hoạch xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo đến năm 2030; Chương trình 327, 135, 661 (Dự án xây dựng khu kinh tế - quốc phòng của Binh đoàn 15 ở địa bàn phía Nam của Tỉnh), v.v. Do đặc điểm đường biên giới của Tỉnh kéo dài, khu vực biên giới địa hình phức tạp, hiểm trở, mật độ dân cư thấp, nên lực lượng vũ trang Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng một số cụm dân cư và tổ chức đưa dân ra sinh sống; đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khảo sát từng địa bàn, nghiên cứu thổ nhưỡng, nguồn nước và tiến hành rà, phá bom, mìn,... bảo đảm an toàn cho nhân dân lao động sản xuất, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Là địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh và thiên tai, nên lực lượng vũ trang Tỉnh luôn quan tâm thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách đối với người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh - liệt sĩ, bảo đảm các đối tượng được thụ hưởng chính sách, hạn chế tới mức thấp nhất việc sai sót. Đồng thời, phát huy tốt vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, ổn định đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang Tỉnh còn thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về công tác dân vận; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo ở những địa bàn còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới. Những việc làm đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường đoàn kết quân - dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, củng cố “thế trận lòng dân” của Tỉnh ngày càng vững chắc.

Tỉnh Quảng Bình có địa thế dài và hẹp, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp với bạn Lào, nên rất dễ bị chia cắt chiến lược khi có tình huống xảy ra. Vì thế, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ là nội dung rất quan trọng, không chỉ tạo ra sức mạnh phòng thủ bảo vệ địa bàn, mà còn tạo và phát huy khả năng độc lập, tại chỗ trong xử lý các tình huống quốc phòng - an ninh. Để thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ nói chung và xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ nói riêng, cơ quan quân sự các cấp đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức khảo sát, quy hoạch và triển khai xây dựng, thực hiện Đề án xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Bảo đảm xây dựng toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, có chất lượng, theo hướng: làm đến đâu chắc đến đó; trọng tâm là căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương và các công trình quân sự trên hướng trọng điểm. Đến nay, mặc dù ngân sách còn hạn hẹp, Tỉnh đã tập trung đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố, thị trấn; trong đó, có các công trình chiến đấu trên hướng biên giới, ven biển và cải tạo, quản lý gần 100 hang động thiên nhiên. Đây là sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các tổ chức, đơn vị trong Tỉnh; trong đó, lực lượng vũ trang luôn đóng vai trò nòng cốt, đưa Quảng Bình trở thành tỉnh tiêu biểu về xây dựng khu vực phòng thủ; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Lực lượng vũ trang Tỉnh còn thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong tổ chức các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu trị an, diễn tập động viên, v.v. Thông qua diễn tập, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và xử trí các tình huống về quốc phòng - an ninh.

Cùng với các nội dung trên, lực lượng quân sự còn thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong đó, trọng tâm là phối hợp trao đổi thông tin, nắm, dự báo tình hình, thống nhất kế hoạch, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, giải quyết có hiệu quả các vấn đề, vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra bất ngờ, nhất là trên tuyến biên giới, biển, đảo và các vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo. Hiện nay, ủy ban nhân dân các cấp thành lập Ban Chỉ đạo cơ sở; trong đó, lực lượng quân sự và Công an làm nòng cốt. Ban Chỉ đạo đã thường xuyên đổi mới cách thức chỉ đạo theo hướng sâu sát, cụ thể, thiết thực, hiệu quả; tập trung chỉ đạo các cơ sở khó khăn và giải quyết tốt vấn đề dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Đến nay, có 99,4% cơ sở đạt trong sạch vững mạnh, 100% cụm hoạt động khá, không có cơ sở yếu kém, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ngay từ cơ sở.

Thượng tá NGUYỄN VĂN MAN, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
___________________________________

1, 2, 3 - Từ năm 2014 đến nay, Tỉnh đã bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho hơn 90.000 lượt cán bộ thuộc các đối tượng; gần 1.000 chức sắc, chức việc các tôn giáo; 600.798 học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.