Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 07/03/2019, 08:15 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Đắk Lắk phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác quân sự, quốc phòng

Tỉnh Đắk Lắk là một địa bàn trọng điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội, nằm ở trung tâm của vùng Tây Nguyên, có 73km đường biên giới giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Cam-pu-chia); giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của Quân khu 5 và cả nước. Đây cũng là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch tập trung hoạt động, chống phá, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, không thể xem nhẹ. Nổi lên là, chúng lợi dụng các vấn đề “dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền” để tập hợp lực lượng, dựng ngọn cờ, phát triển cơ sở phản động ngầm, kích động, lôi kéo một bộ phận quần chúng nhân dân biểu tình, bạo loạn, đòi ly khai thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị”, v.v. Nhận thức rõ tính chất phức tạp và trên cơ sở quán triệt, nắm vững nhiệm vụ, những năm qua, lực lượng vũ trang Đắk Lắk đã tích cực, chủ động phát huy vai trò nòng cốt cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong Tỉnh tổ chức thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để Tỉnh phát triển kinh tế - xã hội.

Đại tá Lê Mỹ Danh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh  tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ năm 2019

Theo đó, lực lượng vũ trang Tỉnh đã chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự phù hợp đặc điểm, điều kiện của Tỉnh. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, lực lượng vũ trang Tỉnh, trước hết là Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Từ tham mưu của cơ quan quân sự, thời gian qua, Tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động 43-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI); Kế hoạch 3151/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Tỉnh về xây dựng tỉnh Đắk Lắk thành khu vực phòng thủ vững chắc; Đề án bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Tỉnh về Quy hoạch, xây dựng căn cứ hậu cần, kỹ thuật khu vực phòng thủ Tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, cùng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh, v.v. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các luật, văn bản dưới luật về công tác quốc phòng, quân sự, đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu, nguyên nhân và xác định biện pháp khắc phục kịp thời. Đặc biệt, Bộ Chỉ huy Quân sự đã phối hợp, tham mưu cho Tỉnh duy trì nền nếp, chất lượng Hội nghị giao ban quốc phòng, an ninh với các cơ quan, sở, ngành vào ngày thứ sáu hằng tuần. Nhờ đó, công tác quốc phòng luôn được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất; nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn ngày càng vững chắc. Tiềm lực, thế trận quân sự của khu vực phòng thủ được tăng cường, nhất là trên các địa bàn trọng yếu, tuyến biên giới. Đến nay, Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch thế trận quân sự cấp tỉnh, cấp huyện và đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình trọng điểm trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, sở chỉ huy; hoàn thành xây dựng các cụm điểm tựa trọng điểm biên giới, chốt dân quân của 4 xã biên giới và nhiều công trình phòng thủ khác, hình thành thế trận liên hoàn giữa các cấp. Thời gian tới, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tiếp tục rà soát, tham mưu cho Tỉnh điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, phù hợp với tình hình thực tiễn; chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm định các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, đặc biệt là dự án có vốn đầu tư nước ngoài, trên các địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Qua đó, đảm bảo cho Tỉnh luôn kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo cơ sở để đẩy mạnh xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, bảo đảm kịp thời ứng phó với mọi tình huống, giữ vững địa bàn.

Đắk Lắk là địa phương đa dân tộc và tôn giáo (hiện nay Tỉnh có 47 dân tộc cùng sinh sống, số lượng tín đồ tôn giáo chiếm trên 22% dân số), trình độ dân trí không đồng đều, một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi công tác quốc phòng, quân sự. Phát huy vai trò là Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh và cơ quan quân sự các địa phương đã tích cực tham mưu cho ủy ban nhân dân cùng cấp thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, đưa công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh của Tỉnh đi vào chiều sâu. Để đạt hiệu quả, lực lượng vũ trang Tỉnh đã tham mưu cho địa phương tích cực đổi mới nội dung, vận dụng đa dạng hình thức; mở rộng đối tượng giáo dục, phổ biến, chú trọng thế hệ trẻ, vùng đồng bào dân tộc, địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Trong 10 năm (2008 - 2018), Tỉnh đã cử 451 cán bộ đối tượng 1, 2 tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh do cấp trên tổ chức; đồng thời, tổ chức bồi dưỡng cho 3.674 cán bộ đối tượng 3, 38.914 cán bộ đối tượng 4, 697 chức sắc, chức việc tôn giáo, 6.520 người (thuộc các đối tượng khác) và 675.000 học sinh, sinh viên. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân được các đơn vị lực lượng vũ trang Tỉnh phối hợp cùng các ban, ngành địa phương đẩy mạnh, bằng nhiều biện pháp và hình thức phong phú. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; nêu cao tinh thần cảnh giác, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Cùng với đó, lực lượng vũ trang Tỉnh luôn đi đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chủ động nắm tình hình, chuẩn bị tốt phương án và lực lượng, sẵn sàng xử trí hiệu quả các tình huống. Trên cơ sở quán triệt và nhận thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng vũ trang Tỉnh duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tăng cường luyện tập, diễn tập theo kế hoạch, phương án tác chiến khu vực phòng thủ, kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, chủ động phối hợp với Công an và Bộ đội Biên phòng Tỉnh theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ để nắm chắc và dự báo sát đúng tình hình, xây dựng các phương án tác chiến, phương án phòng, chống bạo loạn, gây rối, khủng bố; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh, vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở, giữ vững chủ quyền biên giới, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ. Để bảo đảm luôn chủ động về lực lượng, kịp thời tham gia xử lý hiệu quả các tình huống, cơ quan quân sự các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng vũ trang địa phương theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng và điều kiện, đặc điểm địa bàn. Theo đó, lực lượng thường trực được đẩy mạnh xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; cơ quan quân sự các cấp, nhất là cấp xã và đơn vị chiến đấu của 2 huyện biên giới thường xuyên được củng cố, kiện toàn về tổ chức biên chế, tăng cường huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng lực tham mưu và khả năng cơ động sẵn sàng chiến đấu trên mọi địa hình. Lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ được xây dựng, quản lý chặt chẽ, huấn luyện nghiêm túc. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh bố trí ngân sách tăng cường đào tạo, chuyển loại chuyên nghiệp quân nhân dự bị, cán bộ quân sự ban chỉ huy quân sự cấp xã đạt kết quả tích cực. Nhờ vậy, lực lượng dự bị động viên của Tỉnh sắp xếp biên chế đủ cho 100% các đơn vị nhận nguồn, chất lượng đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự đạt trên 94%; phương tiện kỹ thuật sắp xếp đủ cho 75/75 đầu mối. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp” với 184 cơ sở dân quân và 211 cơ sở tự vệ; trong đó, tỉ lệ đoàn viên chiếm 60,91%, đảng viên chiếm 21,75%. Đáng chú ý là, Tỉnh xây dựng và duy trì có hiệu quả hoạt động của 16 tiểu đội dân quân thường trực ở các xã biên giới, trọng điểm về quốc phòng, an ninh, được Quân khu đánh giá cao.

Vai trò của lực lượng vũ trang Tỉnh còn được thể hiện và khẳng định thông qua thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”. Những năm qua, lực lượng vũ trang Tỉnh luôn phát huy vai trò xung kích, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; thực hiện các phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, giúp dân “xóa đói giảm nghèo”, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Qua đó, góp phần quan trọng vào xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân trên địa bàn Tỉnh ngày càng vững mạnh.

Những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được là cơ sở quan trọng để lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy, khẳng định vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn.

Đại tá LÊ MỸ DANH, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.