Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 24/06/2016, 07:21 (GMT+7)
Lữ đoàn Công binh 229 tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện

Lữ đoàn Công binh 229 là đơn vị công binh công trình dự bị chiến lược của Bộ. Cùng với nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn còn được giao nhiệm vụ xây dựng các công trình phòng thủ; làm đường tuần tra biên giới, rà phá bom mìn, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả sập đổ công trình và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất. Vì vậy, dù trong thời bình, nhưng các đơn vị trong Lữ đoàn thường xuyên phân tán, cơ động, thực hiện nhiệm vụ nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tính chất công việc nguy hiểm, độc hại, thậm chí phải đối mặt với mất mát, hy sinh, v.v. Ý thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn coi trọng và có nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác huấn luyện, xác định đây vừa là nhiệm vụ, vừa là biện pháp để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu, năng lực thực hiện nhiệm vụ của Đơn vị.

Trước hết, Lữ đoàn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp đối với công tác huấn luyện. Lữ đoàn luôn quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác huấn luyện, nhất là Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tổng Tham mưu trưởng, Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Binh chủng, cùng hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Lữ đoàn xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo “Nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật”; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cấp ủy, người chỉ huy, phù hợp với đặc điểm, tổ chức biên chế và chức năng, nhiệm vụ được giao.

Để thống nhất về nhận thức làm cơ sở chỉ đạo hành động, Lữ đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ huấn luyện bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, nhằm xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn cho bộ đội trong thực hiện. Đáng chú ý là, sau khi Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết 765-NQ/QUTW về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết cho các đối tượng; làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp thống nhất nhận thức: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên của đơn vị, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp và nâng cao chất lượng huấn luyện là trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ. Từ đó, xây dựng cho bộ đội có ý chí, quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu, yêu cầu đề ra. Song song với đó, Lữ đoàn chú trọng phát huy vai trò trách nhiệm của người chỉ huy các cấp và cơ quan trong kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, tham mưu đề xuất, giúp Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện sát thực tế, phù hợp với từng đối tượng, nhiệm vụ. Do các đơn vị làm nhiệm vụ phân tán, việc huấn luyện được thực hiện ngay tại công trình. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác huấn luyện, Lữ đoàn đặc biệt coi trọng công tác kế hoạch, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ phân đội, cũng như công tác kiểm tra của cơ quan và chỉ huy Lữ đoàn, công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm qua mỗi giai đoạn, nhiệm vụ, đánh giá đúng thực chất, chỉ rõ nguyên nhân mạnh, yếu và có giải pháp khắc phục triệt để khâu yếu, mặt yếu.

Đặc thù của Đơn vị có nhiều lực lượng, chuyên ngành khác nhau; trang bị nhiều loại phương tiện, khí tài đặc chủng; vừa huấn luyện, vừa thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, phức tạp, nguy cơ xảy ra mất an toàn cao, v.v. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị huấn luyện toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; lấy huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở, chiến thuật làm trung tâm và huấn luyện cán bộ làm then chốt. Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị bám sát nội dung, chương trình quy định, tập trung huấn luyện để bộ đội khai thác, sử dụng thành thạo các loại trang bị kỹ thuật công binh có trong biên chế; biết sử dụng 01 đến 02 trang bị khác và các trang bị mới. Thực hiện nội dung này, Lữ đoàn tập trung làm tốt công tác chuẩn bị, từ con người đến xây dựng kế hoạch, bảo đảm cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập, v.v. Hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiện toàn tổ chức, biên chế; ưu tiên cho các đơn vị làm nhiệm vụ A2, huấn luyện chiến sĩ mới và thực binh trong diễn tập chỉ huy - cơ quan. Kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện tuần, tháng thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ, nhất là các đơn vị thi công công trình phòng thủ, làm đường tuần tra biên giới, rà phá bom mìn, vật nổ. Trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn coi trọng cả huấn luyện lý thuyết và thực hành, lấy thực hành trên xe máy, khí tài là chính, nâng cao trình độ tổ chức hiệp đồng, bảo đảm nhịp nhàng, ăn khớp giữa nhân lực và xe máy, rút ngắn thời gian bảo đảm công binh trên các địa hình.

Từ năm 2010 đến nay, Lữ đoàn thường xuyên tổ chức từ 03 đến 05 bộ phận tham gia xây dựng công trình phòng thủ, làm đường tuần tra biên giới, rà phá bom mìn, vật nổ. Lữ đoàn chỉ đạo các phân đội này gắn huấn luyện với thi công. Theo đó, các nội dung về lý thuyết được đơn vị tổ chức huấn luyện vào buổi tối, ngày chờ thi công...; các khoa, mục chuyên ngành công binh tổ chức huấn luyện ngay tại công trình theo ca, kíp. Đối với các phân đội thực hiện nhiệm vụ A2, phân đội kiêm nhiệm tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sập đổ công trình, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện tập trung theo đúng quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Cùng với đó, Lữ đoàn chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện chiến sĩ mới. Những năm gần đây, sau thời gian 03 tháng huấn luyện tân binh, Lữ đoàn thực hiện biên chế và tổ chức huấn luyện kỹ thuật công binh theo chuyên ngành hẹp, như: đào, bạt, xây, trát, ốp, lát, khoan, nổ, v.v. Nhờ đó, chỉ sau 01 tháng huấn luyện, bộ đội bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ được ngay.

Cán bộ là nhân tố quan trọng, trực tiếp quyết định chất lượng huấn luyện, năng lực thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Với nhận thức đó, cùng với tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ có động cơ đúng đắn, ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, Lữ đoàn chú trọng nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng cán bộ hằng tuần, tháng và trước mỗi giai đoạn huấn luyện; nhất là số cán bộ mới ra trường, cán bộ chuyển đổi vị trí và mới được bổ nhiệm. Nội dung đi sâu vào những điểm còn yếu, những hạn chế trong huấn luyện của cán bộ các cấp, nội dung mới, sửa đổi. Đối với chỉ huy - cơ quan, Lữ đoàn tập trung huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ chỉ huy tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện, nội dung, phương pháp tổ chức chỉ đạo, huấn luyện diễn tập chỉ huy - cơ quan trên bản đồ, ngoài thực địa, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp cấp đại đội, tiểu đoàn công binh, v.v. Đối với cán bộ phân đội, Lữ đoàn chú trọng bồi dưỡng về kỹ thuật chuyên ngành công binh công trình; tổ chức, phương pháp huấn luyện, phương pháp soạn thảo giáo án, tổ chức thông qua giáo án và giảng thử, v.v. Về phương pháp, Lữ đoàn thực hiện theo phân cấp, phân nhóm đối tượng phù hợp với từng chuyên ngành; duy trì có hiệu quả việc trao đổi, truyền thụ kinh nghiệm trong huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ giữa các cá nhân, phân đội sau mỗi ngày huấn luyện, nhất là đối với các vấn đề khó, khoa mục dễ mất an toàn. Song song với đó, Lữ đoàn thực hiện nghiêm túc chế độ luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị bảo đảm sở chỉ huy - trận địa với đơn vị xây dựng công trình - vật cản, bảo đảm đường cơ động, ngụy trang; đồng thời, lấy diễn tập, thực hành nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố sập đổ công trình1,… để huấn luyện. Qua đó, trực tiếp rèn luyện, nâng cao trình độ, bản lĩnh, tác phong, phương pháp công tác của cán bộ; phát hiện những hạn chế, điểm yếu để huấn luyện bổ sung, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Cùng với các biện pháp trên, Lữ đoàn tăng cường hội thi, hội thao2 ở các cấp; gắn huấn luyện với thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng. Với cách làm đó, hằng năm, Lữ đoàn thực hiện 100% nội dung chương trình, thời gian huấn luyện theo quy định; quân số thường xuyên đạt trên 98%, chất lượng được nâng lên. Qua kiểm tra, 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp; trong đó có 100% cán bộ cấp tiểu đoàn và trên 80% cán bộ cấp trung đội, đại đội huấn luyện khá, giỏi; thực hành bắc cầu TMM 3 nhịp trong thời gian 32 phút (rút ngắn gần một nửa so với thời gian tiêu chuẩn). Năm 2015, Lữ đoàn có 100% đại đội, 100% tiểu đoàn đạt “Đơn vị huấn luyện Giỏi”; Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện Giỏi”.

Là đơn vị thuộc binh chủng kỹ thuật, được giao quản lý, khai thác, sử dụng khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật, trong đó có nhiều trang bị, khí tài mới, hiện đại, đặc chủng. Vì vậy, để nâng cao chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn đặc biệt coi trọng công tác quản lý, huấn luyện kỹ thuật và công tác bảo đảm an toàn. Lữ đoàn luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật nêu cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, khai thác các trang bị kỹ thuật công binh; thường xuyên quan tâm kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng tốt, làm nòng cốt tiến hành công tác kỹ thuật ở đơn vị. Riêng đội ngũ lái xe, lái máy và thợ sửa chữa, cùng với huấn luyện, bồi dưỡng tại đơn vị, hằng năm, Lữ đoàn phối hợp với cơ quan cấp trên tổ chức tập huấn, thi nâng bậc, bảo đảm mỗi người đều sử dụng thành thạo trang bị được giao, có khả năng khai thác sử dụng từ 02 đến 03 trang bị khác trong biên chế và trang bị mới. Cùng với đó, Lữ đoàn tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ, nền nếp công tác kỹ thuật, thực hiện nghiêm túc chế độ bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất, sửa chữa, tăng hạn sử dụng khí tài, trang bị kỹ thuật công binh. Lữ đoàn đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ phát huy sáng kiến, ứng dụng cải tiến kỹ thuật, phục vụ công tác huấn luyện và thi công. Qua thực tiễn huấn luyện, thi công, Lữ đoàn có nhiều sáng kiến được áp dụng có hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động, tiêu biểu như: “Giá máy khoan đường hầm”, “Giá nâng hàng trên xe FCY-50”, “Máy làm nút mìn ĐĐ-2013”, v.v.

Cùng với huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ, Lữ đoàn chú trọng huấn luyện về công tác bảo đảm an toàn trong tất cả các khoa mục, nội dung huấn luyện; duy trì nghiêm chế độ bảo đảm an toàn, như: trực ban công trường, kiểm tra công trình trước khi thi công và mang mặc thiết bị an toàn, v.v. Vì vậy, nhiều năm liền Lữ đoàn đảm bảo an toàn tuyệt đối cả trong huấn luyện, thi công công trình và tham gia giao thông.

Bằng các biện pháp tích cực, đồng bộ trên, chất lượng huấn luyện của Lữ đoàn có chuyển biến tiến bộ, vững chắc, kết quả năm sau cao hơn năm trước, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, năng lực thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN VĂN CỐC, Lữ đoàn trưởng

______________

1 - Thời gian qua, Lữ đoàn đã tham gia Diễn tập Ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo ARDEX-13 (năm 2013); bảo đảm công sự, trận địa cho Diễn tập Phòng không PK-14 (năm 2014); bảo đảm sở chi huy cho Diễn tập 1 bên, 3 cấp trên bản đồ, có một phần thực binh của Binh chủng (năm 2015) và tham gia Diễn tập Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc FTX-16 (năm 2016), được Bộ Tư lệnh Binh chủng và Bộ Tổng Tham mưu đánh giá cao.

2 - Năm 2013, Tham gia Hội thi chỉ huy trưởng, chính ủy giỏi cấp Binh chủng, Lữ đoàn đạt giải Nhất; năm 2014, tham gia Hội thi huấn luyện điều lệnh cấp Binh chủng, Lữ đoàn đạt giải Nhì; năm 2016, tham gia Hội thao Công binh toàn quân, Lữ đoàn đạt giải Nhất khối các đơn vị Công binh dự bị.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.