Thứ Ba, 10/09/2024, 01:30 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Là đơn vị công binh của Quân đoàn 4, nhiệm vụ chính trị của Lữ đoàn 550 là xây dựng các công trình phòng thủ, rà phá bom mìn, phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất trên giao. Đặc điểm, tính chất hoạt động của Đơn vị là phức tạp, nguy hiểm, độc hại, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng. Do đó để hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã đề ra nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, toàn diện trên các mặt công tác; trong đó, xác định nâng cao chất lượng huấn luyện các chuyên ngành công binh là khâu đột phá.
Trước hết, Lữ đoàn xác định phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ huấn luyện. Theo đó, tập trung quán triệt sâu các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác huấn luyện; trọng tâm là Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 278-NQ/ĐUQĐ của Đảng ủy Quân đoàn về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân đoàn và các hướng dẫn của cơ quan chức năng. Đồng thời, ra nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện nghị quyết. Để thống nhất về nhận thức, Lữ đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững ý nghĩa, tầm quan trọng cùng với những khó khăn, thách thức khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện các chuyên ngành công binh; gắn công tác giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Cùng với đó, Lữ đoàn còn tổ chức tốt các phong trào thi đua, nhất là các đợt thi đua đột kích; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng xung kích hướng vào thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, đảm bảo cho nhiệm vụ này đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Kết quả là, 100% cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn có nhận thức đúng về nhiệm vụ huấn luyện, có quyết tâm, trách nhiệm cao trong thực hiện chủ trương, kế hoạch huấn luyện ở từng cấp.
Tiểu đoàn 25 đón nhận chiến sĩ mới năm 2017. (Ảnh: baobinhduong.vn)
Xác định đây là mặt công tác trọng tâm, khâu đột phá, Lữ đoàn luôn quan tâm làm tốt công tác chuẩn bị, cả con người và cơ sở vật chất. Hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, Lữ đoàn tổ chức rà soát, điều chỉnh, kiện toàn tổ chức biên chế, trang bị của các đơn vị, ưu tiên huấn luyện chiến sĩ mới, phân đội làm nhiệm vụ A2, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, nhân viên chuyên môn, nhất là cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện, cán bộ cấp đại đội, trung đội. Nội dung tập huấn cán bộ được xác định thông qua đề xuất của các cơ quan, đơn vị, tập trung vào những nội dung chưa thống nhất và những nội dung mới; đảm bảo đội ngũ cán bộ khi bước vào huấn luyện có đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đối với cán bộ khối cơ quan, Lữ đoàn tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chỉ huy tham mưu tác chiến, huấn luyện, nội dung, phương pháp tổ chức chỉ đạo, huấn luyện diễn tập chỉ huy - cơ quan trên bản đồ, ngoài thực địa, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp. Đối với cán bộ phân đội, Lữ đoàn chú trọng bồi dưỡng về kỹ thuật chuyên ngành; tổ chức, phương pháp huấn luyện, phương pháp soạn giáo án. Nội dung này, Lữ đoàn thực hiện theo phân cấp, phân nhóm đối tượng phù hợp với từng chuyên ngành; đồng thời, phân công cán bộ có kinh nghiệm bồi dưỡng, giúp đỡ cán bộ trẻ, cán bộ mới ra trường; khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ. Từ nhiều năm nay, Lữ đoàn đã chủ động liên hệ với Trường Sĩ quan Công binh, mời các giảng viên giàu kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành để bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ trong biên soạn giáo án điện tử, phương pháp sư phạm, xây dựng đội mẫu “Huấn luyện giỏi”. Bên cạnh đó, Lữ đoàn còn tích cực tham gia và tổ chức hội thi cán bộ huấn luyện giỏi các cấp, thi nâng bậc cho đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật để đánh giá trình độ, năng lực của các cá nhân, tập thể. Các hội thi được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, đánh giá chính xác, trung thực, tạo động lực thi đua và là biện pháp quan trọng để đội ngũ cán bộ vươn lên nâng cao trình độ mọi mặt. Nhờ thực hiện tích cực, đồng bộ các biện pháp trên, đến nay, 100% cán bộ của Lữ đoàn có kiến thức toàn diện, đủ khả năng huấn luyện theo phân cấp; trong đó, có trên 90% cán bộ tiểu đoàn và 80% cán bộ đại đội, trung đội huấn luyện khá, giỏi.
Cùng với chuẩn bị về con người, Lữ đoàn chú trọng phát huy nội lực, kết hợp với nguồn ngân sách trên cấp làm tốt công tác bảo đảm huấn luyện; đầu tư hàng tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để tu sửa, nâng cấp, làm mới hệ thống thao trường, bãi tập, mô hình học cụ. Đến nay, Dự án đầu tư xây dựng thao trường tổng hợp của Lữ đoàn đã hoàn thành, có đầy đủ các hạng mục: thao trường huấn luyện thể lực, phá nổ, vật cản, vượt sông, cầu cơ giới TMM-3M, lái xe xích, huấn luyện chiến thuật chiến đấu bộ binh. Đây là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện của Lữ đoàn.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Lữ đoàn luôn bám sát phương châm huấn luyện chuyên ngành công binh cấp chiến dịch: “Thiết thực, hiệu quả, thực tế”, coi trọng huấn luyện toàn diện, chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm; lấy huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở, chiến thuật làm trung tâm, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng lực lượng. Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan, đơn vị bám sát nội dung, chương trình quy định, xây dựng kế hoạch khoa học, phù hợp, tập trung huấn luyện để bộ đội khai thác, sử dụng thành thạo các loại trang bị kỹ thuật công binh có trong biên chế, biết sử dụng 02 đến 03 phương tiện khác và các trang bị mới. Chú trọng huấn luyện cả lý thuyết và thực hành, lấy thực hành trên vũ khí, trang bị khí tài là chính; bám sát các tiêu chuẩn huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành và tiêu chuẩn đơn vị công binh “Huấn luyện giỏi”. Trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn xác định hai yếu tố quan trọng phải đạt được là trình độ chuyên môn sâu và bản lĩnh của Bộ đội Công binh. Vì vậy, ngoài việc huấn luyện các nội dung về kỹ thuật chuyên ngành công binh, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn còn được rèn luyện tính kiên nhẫn, dũng cảm, bình tĩnh khi xử lý các tình huống. Thao trường, mô hình, học cụ và các bãi vật cản, mìn, vật liệu nổ được bố trí sát với thực tế và yêu cầu bộ đội, không chủ quan, làm tắt, không bỏ qua các bước theo quy trình chuẩn; thao tác tỉ mỉ, cẩn trọng như ngoài chiến trường. Với lực lượng xây dựng công trình, rà phá bom mìn, vật liệu nổ, Lữ đoàn chỉ đạo coi trọng huấn luyện ngay tại nơi thi công, lấy “công trường làm thao trường”; tổ chức huấn luyện theo ca, kíp, bố trí xoay vòng, đổi tập hợp lý. Với lực lượng bảo đảm vượt sông, Lữ đoàn chỉ đạo gắn huấn luyện chuyên ngành công binh vượt sông với thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Đồng thời, huấn luyện nâng cao trình độ hiệp đồng giữa các số, các tổ, triển khai lắp ghép phà nhanh, nâng cao khả năng cơ động, bảo đảm vượt sông trong các loại hình tác chiến, địa hình, thời tiết phức tạp. Đến nay, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn sử dụng, khai thác tốt các loại trang bị, khí tài chuyên dụng có trong biên chế, các trang bị mới; nắm vững kiến thức lý thuyết, thuần thục kỹ năng thực hành, nhất là kỹ thuật bắc cầu, phà; dò, gỡ bom mìn, vật liệu nổ.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môi trường tác chiến hiện đại, Lữ đoàn tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; tổ chức và tham gia diễn tập chỉ huy - tham mưu, diễn tập vòng tổng hợp và hiệp đồng quân - binh chủng; tập trung đột phá vào các nội dung mới, phức tạp, sát thực tế chiến đấu. Nhiều năm qua, Lữ đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm công binh cho Quân đoàn trong diễn tập, nhất là bảo đảm vượt sông cho lực lượng pháo binh, phòng không chiến dịch trong điều kiện ban đêm, v.v. Năm 2016, Lữ đoàn đã tổ chức và tham gia nhiều cuộc diễn tập gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo đảm vượt sông, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Điển hình là, tổ chức diễn tập vòng tổng hợp cấp tiểu đoàn công binh vượt sông, kết hợp bảo đảm vượt sông cho lực lượng bộ binh và binh khí kỹ thuật của các lực lượng binh chủng tăng - thiết giáp, pháo binh, phòng không của Quân đoàn; bảo đảm chống lầy cho xe tăng trong diễn tập, v.v. Những năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã tích cực rà phá, thu gom được hàng chục tấn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, bảo đảm an toàn tuyệt đối, góp phần cải biến hơn 6.000 ha (chủ yếu là những vùng đất “chết”) thành khu dân cư, canh tác trù phú, để lại tình cảm sâu đậm trong lòng nhân dân địa phương, làm sáng đẹp thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của người chiến sĩ Công binh.
Là đơn vị binh chủng kỹ thuật, Lữ đoàn được giao quản lý, khai thác số lượng lớn xe máy, khí tài, trang bị, song do sử dụng nhiều năm, nên tính đồng bộ, khả năng vận hành còn hạn chế. Trước thực tế đó, Lữ đoàn chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, kỹ thuật. Trước hết, tập trung quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật nêu cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, khai thác các trang bị kỹ thuật công binh; thường xuyên quan tâm kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, làm nòng cốt tiến hành công tác kỹ thuật ở đơn vị. Riêng đội ngũ lái xe, lái máy và thợ sửa chữa, hằng năm, Lữ đoàn phối hợp với cơ quan cấp trên tổ chức tập huấn, thi nâng bậc, bảo đảm mỗi người đều sử dụng thành thạo trang bị được giao, có khả năng khai thác sử dụng từ 02 đến 03 trang bị khác trong biên chế và trang bị mới. Cùng với đó, Lữ đoàn tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ, nền nếp công tác kỹ thuật, thực hiện chế độ bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất, sửa chữa, tăng hạn sử dụng khí tài, trang bị kỹ thuật công binh. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ phát huy sáng kiến, ứng dụng cải tiến kỹ thuật, phục vụ công tác huấn luyện. Đối với công tác hậu cần, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan phối hợp với các đơn vị thường xuyên duy trì, quản lý chặt chẽ lượng vật chất hậu cần dự trữ cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất trong mọi tình huống. Đẩy mạnh phong trào tăng gia, đầu tư xây dựng vườn rau chuyên canh, khu tăng gia và tiếp phẩm tập trung, cung cấp nhiều loại rau, thực phẩm tại chỗ có giá trị cho đơn vị. Công tác phòng dịch, rèn luyện thể lực, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội cũng được Lữ đoàn quan tâm chăm lo. Bởi vậy, tỷ lệ quân số khỏe của Lữ đoàn luôn đạt trên 98%; đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội được bảo đảm tốt, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, chiến đấu, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ.
Phát huy trí tuệ, bản lĩnh, truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 550 tiếp tục nỗ lực phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, năng lực thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá NGUYỄN HỒNG KHÁNH, Lữ đoàn trưởng
Lữ đoàn 550,chất lượng huấn luyện
Sư đoàn 4 xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 26/08/2024
Lữ đoàn Thông tin 134 huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao 22/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 198 phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 15/08/2024
“Ba nhất” ở Lữ đoàn Công binh 513 15/08/2024
Sư đoàn Phòng không 365 thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời 12/08/2024
Huyện Cần Giờ tăng cường giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ 25/07/2024
Quận Nam Từ Liêm đẩy mạnh thực hiện công tác quân sự, quốc phòng 22/07/2024
Sư đoàn bộ binh 9 tập trung đẩy mạnh công tác huấn luyện chiến đấu 18/07/2024
Lữ đoàn Pháo binh 382 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 15/07/2024
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nâng cao chất lượng công tác xuất bản quân sự 08/07/2024
“Ba nhất” ở Lữ đoàn Công binh 513
Sư đoàn Phòng không 365 thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời
Lữ đoàn Đặc công 198 phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu
Lữ đoàn Thông tin 134 huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao
Sư đoàn 4 xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”