Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 14/09/2020, 09:10 (GMT+7)
Kinh nghiệm quản lý, huấn luyện quân nhân dự bị ở Sư đoàn 390

Sư đoàn 390 (tiền thân là Sư đoàn 320B) thuộc Quân đoàn 1, có nhiệm vụ quản lý, huấn luyện quân nhân dự bị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và thực hiện một số nhiệm vụ khác. Những năm gần đây, Sư đoàn được chọn làm điểm về xây dựng đơn vị khung thường trực vững mạnh toàn diện cho Bộ Quốc phòng, nên được ưu tiên đầu tư nâng cấp doanh trại, thao trường, bãi tập,… tạo nhiều thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh thuận lợi là cơ bản, Sư đoàn gặp không ít khó khăn, như: nguồn nhân lực, vũ khí, trang bị, vật chất bảo đảm có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ tổ chức chỉ huy và huấn luyện của cán bộ khung B chưa ngang tầm nhiệm vụ. Đặc biệt, dưới tác động của cơ chế thị trường, nguồn quân nhân dự bị biến động, thiếu hụt, nhất là số nhân viên chuyên môn kỹ thuật, v.v. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý, huấn luyện quân nhân dự bị và trình độ, khả năng sẵn sàng huy động, chiến đấu của đơn vị.

Trước thực trạng đội ngũ cán bộ khung của Sư đoàn thường xuyên thiếu so với biên chế; nhận thức về nhiệm vụ của một số đồng chí chưa thật đầy đủ, cá biệt còn biểu hiện tư tưởng mặc cảm, lo lắng về hướng phát triển của bản thân nên trách nhiệm với nhiệm vụ chưa cao,... Sư đoàn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, cùng các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về xây dựng lực lượng dự bị động viên. Để đạt hiệu quả cao, Sư đoàn duy trì nghiêm túc chế độ học tập chính trị; phát huy vai trò của tổ chức đảng các cấp trong quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khoá XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, sắp xếp sử dụng cán bộ, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ phấn đấu và phát triển. Đối với quân nhân dự bị, Sư đoàn phối hợp chặt chẽ với địa phương giao nguồn tích cực tuyên truyền, giáo dục thông qua đa dạng hình thức; cử cán bộ đến từng gia đình để tuyên truyền, động viên, chia sẻ khó khăn trong mỗi kỳ phúc tra và trước mỗi đợt động viên; tăng cường giáo dục trong thời gian tập trung huấn luyện, v.v. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh, trước hết là về chính trị, tư tưởng, tạo nền tảng để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Quân nhân dự bị của Sư đoàn quản lý có số lượng lớn, phân bố trên địa bàn 07 huyện, thành phố, phần lớn trong số đó thường xuyên lao động ở xa, nguồn bổ sung khó khăn. Để huy động đủ số lượng và tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự cao, Sư đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng, quản lý nguồn. Cùng với định kỳ phúc tra nguồn dự bị động viên 02 lần/năm, Sư đoàn còn cử cán bộ định kỳ 03 tháng/lần phối hợp với địa phương theo dõi tình hình biến động nguồn, nhất là cán bộ khung B, đảm bảo sắp xếp nguồn dự bị động viên theo hướng “gần, gọn địa bàn”, ưu tiên đúng chuyên nghiệp quân sự, thuận tiện cho huy động huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ. Hằng năm, căn cứ chỉ tiêu huấn luyện dự bị động viên trên giao, Sư đoàn chú trọng tổ chức hội nghị hiệp đồng với cơ quan quân sự địa phương về huy động quân nhân dự bị, qua đó thống nhất nội dung, thời gian, số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn nguồn và những nội dung cần huấn luyện bổ sung chuyên nghiệp quân sự, v.v. Trong thời gian chuẩn bị giao quân, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình quân nhân dự bị để chủ động về mọi mặt; kiên quyết không vì số lượng mà tập trung những quân nhân không đủ điều kiện, nhất là sức khỏe. Nhờ đó, công tác nắm nguồn, sắp xếp quân nhân dự bị ngày càng tốt hơn. Năm 2020, quân nhân dự bị của Sư đoàn sắp xếp vào các đơn vị đạt trên 91% biên chế; tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt trên 65%, gần đúng là 25,5%; trong đó, đảng viên đạt gần 12%, tất cả các đơn vị động viên đủ điều kiện thành lập chi bộ lâm thời.

Cùng với đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các cấp, bảo đảm đủ năng lực quản lý, huấn luyện đơn vị theo phân cấp. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ được Sư đoàn duy trì nghiêm túc với cả cán bộ khung A và khung B. Với chỉ huy và cơ quan cấp trung đoàn, Sư đoàn nâng cao năng lực chỉ huy, tham mưu tác chiến, hiệp đồng chiến đấu với đơn vị bạn trong đội hình của cấp trên, nhất là công tác phối hợp với địa phương thực hành động viên. Với cán bộ phân đội, Sư đoàn chỉ đạo phải huấn luyện nâng cao trình độ, năng lực chỉ huy; nắm chắc quy trình phúc tra, nắm nguồn, thực hành tiếp nhận lực lượng dự bị; thuần thục phương pháp huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật binh chủng hợp thành,... bảo đảm biết vận dụng linh hoạt vào chỉ huy bộ đội thực hành chiến đấu.

Cấp phát quân trang cho quân nhân dự bị tại Trạm Tiếp nhận

Đối với cán bộ khung B, Sư đoàn chú trọng những nội dung còn yếu, thiếu, như: công tác chuẩn bị chiến đấu; cách chuẩn bị giáo án, làm kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện; tính năng kỹ, chiến thuật của một số loại vũ khí, trang bị mới, v.v. Cán bộ tiểu đội, khẩu đội, tập trung huấn luyện cách thức tổ chức bố trí ăn, ở dã ngoại; công tác bảo quản vũ khí, trang bị; kỹ thuật chiến đấu bộ binh; phương pháp điều hành tiểu đội luyện tập, v.v. Điểm đáng chú ý là, từ năm 2018, trước khi huấn luyện quân nhân dự bị 01 tuần, Sư đoàn yêu cầu cán bộ khung A trực tiếp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ khung B nắm vững nội dung, phương pháp quản lý quân nhân dự bị; thứ tự động tác khi nhận lệnh động viên và tổ chức huấn luyện theo chức trách; luyện tập thực hành những nội dung mới và nội dung còn yếu,... giúp cán bộ khung B hoàn thiện trình độ, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, 100% cán bộ khung A huấn luyện được theo phân cấp; có 90% cán bộ tiểu đoàn, 85% cán bộ đại đội, 80% cán bộ trung đội huấn luyện đạt khá, giỏi; cán bộ khung B tự tổ chức huấn luyện được theo phân cấp, có 55% - 60% khá, giỏi.

Đối với phân đội, Sư đoàn tổ chức tốt các khâu: báo động kiểm tra sẵn sàng động viên; cơ động đến khu tiếp nhận; tiếp nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật và huấn luyện đúng chương trình, kế hoạch. Do thời gian huấn luyện ngắn, đối tượng đa dạng, Sư đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng tiến trình biểu huấn luyện phải bảo đảm nội dung huấn luyện chung cho các đối tượng xếp gọn trong ngày; ưu tiên thời gian cho nội dung trọng điểm, khoa mục còn yếu. Trong đó, cân đối giữa lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chính; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; huấn luyện chiến thuật gắn với hậu cần, kỹ thuật và nâng cao khả năng cơ động,... bảo đảm trình độ kỹ thuật, chiến thuật của đơn vị động viên gần với trình độ của đơn vị thường trực. Bên cạnh đó, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị phân công cán bộ, chiến sĩ có trình độ tốt giúp đỡ người có trình độ yếu, tạo điều kiện và khuyến khích bộ đội ôn luyện thực hành ngoài giờ,... để đảm bảo chất lượng đồng đều trong đơn vị. Cùng với huấn luyện, luyện tập, Sư đoàn tổ chức nhiều đợt diễn tập cho đơn vị dự bị động viên từ cấp tiểu đội đến trung đoàn có sử dụng đạn hơi, thuốc nổ; sử dụng phương pháp phát tình huống theo từng giai đoạn chiến đấu, gắn hành động của bộ đội vào sát thực tế; tổ chức bắn kỹ thuật cho các loại súng hỏa lực. Ngoài ra, Sư đoàn thường xuyên tổ chức hội thi, hội thao; thực hiện kiểm tra thường xuyên và đột xuất để đánh giá thực chất kết quả huấn luyện.

Cùng với các nội dung trên, Sư đoàn chủ động làm tốt các mặt bảo đảm thao trường, bãi tập, doanh trại hậu cần đời sống và các chế độ, chính sách cho quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện; phối hợp với địa phương thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, tạo điều kiện để quân nhân dự bị yên tâm huấn luyện.

Bằng các giải pháp tích cực, đồng bộ, từ năm 2015 đến nay, Sư đoàn tiếp nhận, huấn luyện hơn 8.000 lượt quân nhân dự bị đạt 97,6% kế hoạch; 100% các nội dung kiểm tra đều đạt yêu cầu trở lên, tỷ lệ khá, giỏi đạt trên 58%; hoàn thành tốt 03 cuộc diễn tập huy động lực lượng, bắn đạn thật cấp tiểu đoàn dự bị động viên, được Bộ Quốc phòng và Quân đoàn đánh giá cao.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện dự bị động viên những năm qua, Sư đoàn rút ra một số kinh nghiệm: Một là, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác xây dựng, huấn luyện dự bị động viên cho cán bộ khung A và quân nhân dự bị. Hai là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự địa phương giao nguồn quản lý chắc số lượng, chất lượng quân nhân dự bị. Ba là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, lấy huấn luyện cán bộ là then chốt; chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện phù hợp với từng đối tượng quân nhân dự bị. Bốn là, làm tốt công tác bảo đảm phục vụ huấn luyện và chế độ, chính sách cho quân nhân dự bị trong quá trình huấn luyện.

Đại tá LÊ VĂN ĐÃNG, Sư đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.