Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 22/12/2016, 13:00 (GMT+7)
Kết quả sau 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng ở tỉnh Hòa Bình

Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Văn Quang trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng. (Ảnh: baohoabinh.com.vn)

Luật Quốc phòng có tầm quan trọng đặc biệt đối với mọi hoạt động trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, hơn 10 năm qua, kể từ khi Luật được ban hành, có hiệu lực đến nay, tỉnh Hòa Bình đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để triển khai thực hiện Luật Quốc phòng ở địa phương đạt hiệu quả cao, trước hết, Tỉnh chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật. Trọng tâm là tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật, để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm vững, thấy rõ tầm quan trọng của Luật Quốc phòng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mọi công dân và tổ chức trong thực hiện Luật.

Ngay sau khi Luật Quốc phòng có hiệu lực, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ và xác định đây là dịp tốt để giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức quốc phòng cho toàn dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tham mưu cho Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp giúp ủy ban nhân dân tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều nhiều hình thức phong phú, như: hội nghị chuyên đề, tập huấn, lồng ghép trong các hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, chuyên san, chuyên mục pháp luật và đời sống, bản tin, ngày pháp luật,... tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, công tác này còn được gắn kết chặt chẽ với công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và chức sắc, chức việc tôn giáo. Nhờ đó, công tác tuyên truyền về Luật Quốc phòng đạt kết quả rất tốt, tạo tiền đề cho việc tổ chức thực hiện Luật trên địa bàn Tỉnh đạt hiệu quả cao, được thể hiện tập trung ở kết quả các mặt công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Trước hết, tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang địa phương đóng vai trò nòng cốt. Để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, mà cốt lõi là lực lượng và thế trận, Tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, bảo đảm sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Nội dung xây dựng tập trung vào xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chú trọng giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Lực lượng thường trực được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; cơ quan quân sự các cấp được xây dựng vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có tổ chức, biên chế theo đúng quy định. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, đạt tỷ lệ 1,9% so với dân số; trong đó tỷ lệ đảng viên 19,3%, đoàn viên 69,1%. Các đơn vị dự bị động viên được xây dựng vững mạnh về chính trị; tổ chức biên chế, sắp xếp nguồn dự bị vào các đơn vị được thực hiện theo phương châm “gần, gọn địa bàn, quân đâu, cán đó”, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 70%, gần đúng đạt 18%. Công tác huấn luyện luôn quán triệt và thực hiện đúng phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” đối với lực lượng thường trực, “cơ bản, thiết thực, chất lượng” đối với dân quân tự vệ, “cơ bản, thiết thực, hiệu quả” đối với lực lượng dự bị động viên, bảo đảm 100% đầu mối đơn vị, quân số đạt 100%; kết quả các nội dung huấn luyện: 100% đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá giỏi trên 85%; tham gia hội thi, hội thao các cấp đạt nhiều thành tích cao; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh và huyện (thành phố), diễn tập chiến đấu phòng thủ xã (phường, thị trấn) đạt 100% kế hoạch. Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp đã làm tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; hằng năm tổ chức giao nhận quân bảo đảm đủ 100% chỉ tiêu được giao, trong đó sức khỏe loại 1 đạt 53,4%, trình độ văn hóa trung học phổ thông đạt 60,5%, tỷ lệ đảng viên đạt 10,4%; không có quân nhân đào ngũ, bỏ ngũ hoặc phải trả về địa phương.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, nhất là “thế trận lòng dân” được Tỉnh triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm địa bàn và khả năng, điều kiện của Tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Diễn tập khu vực phòng thủ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch bố trí quốc phòng giai đoạn 2011 - 2015”; Đề án “Củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh ở 02 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu”; Đề án “Làng, bản văn hóa - quốc phòng và an ninh” ở địa bàn đặc biệt khó khăn trong khu vực phòng thủ Tỉnh; cụm đoàn kết quân dân, cụm an ninh nhân dân và các mô hình dân vận khác,... bước đầu thu được kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn. Khu vực phòng thủ Tỉnh được xây dựng toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ thời bình và tác chiến khi có chiến tranh, tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc trong thế trận phòng thủ của Quân khu 3.

Về xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, Tỉnh đã thường xuyên chăm lo củng cố, kiện toàn, đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, nhất là cấp cơ sở. Các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ. Đến nay, hầu hết cán bộ các cấp đã qua đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan, tổ chức luôn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, tôn giáo, các mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, chính sách hậu phương Quân đội, trong đó nổi bật là các chế độ chính sách theo Quyết định 47, 290, 142, 62 của Thủ trướng Chính phủ cho 37.456 đối tượng, với trên 136 tỷ đồng; xây mới, nâng cấp, tu sửa hàng trăm căn nhà cho người có công với cách mạng; tặng hàng nghìn sổ tiết kiệm, trị giá hàng tỷ đồng cho hộ gia đình chính sách, v.v. Cơ quan quân sự, công an phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng quy chế phối hợp với các địa phương tiếp giáp, hình thành các cụm an toàn, an ninh, cụm đoàn kết quân dân, tạo vành đai an toàn trong xây dựng thế trận ngay từ cơ sở.

Trong xây dựng tiềm lực kinh tế, những năm trước đây, nhìn chung việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên phạm vi toàn Tỉnh, từng ngành và ở từng địa phương, cơ sở còn nhiều bất cập; nhiều công trình quốc phòng chưa được quản lý tốt nên bị lấn chiếm, ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng. Chính vì vậy, sau khi Luật Quốc phòng ra đời, Tỉnh đã chỉ đạo chặt chẽ việc gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Theo đó, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đều có sự thẩm định, tham gia góp ý của các bộ, ngành Trung ương, bảo đảm các yếu tố không ảnh hưởng, tác động đến quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Đến hết năm 2015, trên địa bàn Tỉnh có 421 dự án, trong đó có 31 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký là 468 triệu USD và 389 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 50 nghìn tỷ đồng. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh đạt khá (bình quân 10,48%), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 18 triệu đồng/năm. Mạng lưới hạ tầng viễn thông được đầu tư phát triển mạnh, rộng khắp, 100% huyện, thành phố có mạng cáp quang; đã phủ sóng phát thanh 99,5% và sóng truyền hình 87,9% diện tích toàn Tỉnh; tỷ lệ máy điện thoại đạt gần 80 máy/100 dân; số xã có dịch vụ in-tơ-net băng thông rộng ADSL đạt tỷ lệ 90%, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt khi tác chiến xảy ra. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được triển khai sâu rộng, tỷ lệ bác sỹ đạt 7,73% và 23 giường bệnh/01 vạn dân; hoạt động của các trạm y tế quân - dân y đã góp phần giải quyết nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong khu vực phòng thủ. Trong định hướng đến năm 2020, Tỉnh đã chỉ đạo quy hoạch 84 khu vực, với tổng diện tích trên 5.762 ha, trong đó có 2.000 ha đất dành cho 08 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho nhân dân, đồng thời có khả năng chuyển đổi phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng.

Xây dựng tiềm lực quân sự, an ninh là nội dung cốt yếu của nền quốc phòng toàn dân, được cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức chú trọng. Công tác huấn luyện, diễn tập có nhiều đổi mới, chất lượng ngày càng cao. Lực lượng Quân đội và Công an thường xuyên phối hợp chặt chẽ theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, bảo vệ bí mật quân sự và quản lý chặt chẽ các công trình quốc phòng, khu quân sự. Ban hậu cần nhân dân, hậu cần địa phương các cấp đã phát huy tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, huy động tiềm lực, vật chất, kinh phí, lực lượng, phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng kịp thời cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.

Cùng với đó, Tỉnh luôn chú trọng công tác phòng thủ dân sự với quy mô, cơ cấu hợp lý, thành phần phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, có khả năng ứng phó nhanh, hiệu quả với các tình huống xảy ra. Trong đó, lấy lực lượng chuyên môn được đào tạo cơ bản, các đơn vị lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ làm nòng cốt, được tổ chức và hoạt động theo kế hoạch phòng thủ dân sự từ Tỉnh đến cấp xã. Đến nay, Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cấp phương tiện, trang bị kỹ thuật bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương của lực lượng vũ trang Tỉnh giai đoạn 2011 - 2015”; xây dựng các công trình có tính lưỡng dụng cao, vừa đảm bảo mục tiêu phòng thủ dân sự, vừa phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; hoàn thành quy hoạch thế trận quân sự, xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, các kho, trạm cất giấu, bảo toàn lực lượng, phương tiện, nhằm duy trì khả năng phòng thủ gắn với xây dựng hạ tầng trong khu vực phòng thủ. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố khảo sát địa bàn, thống kê báo cáo công tác quản lý các hang động có giá trị phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong thời bình và thời chiến.

Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng là tiền đề quan trọng để Hòa Bình tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn trong những năm tiếp theo.

Đại tá HÀ TẤT ĐẠT, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.