Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 10/04/2017, 08:26 (GMT+7)
Học viện Hậu cần thực hiện “Đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo”

Những năm qua, Học viện Hậu cần đã quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bằng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhiệm vụ của một cơ sở đào tạo chuyên ngành hậu cần quân sự. Nhờ đó, công tác giáo dục và đào tạo của Học viện có sự đổi mới khá toàn diện, nhất là về công tác quản lý, điều hành huấn luyện, chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy, học; chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt1; uy tín, vị thế của Học viện trong hệ thống nhà trường Quân đội tiếp tục được khẳng định.

Tuy nhiên, việc đổi mới công tác giáo dục và đào tạo của Học viện còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy, học chưa có sự đột phá rõ nét. Năng lực, trình độ, nhất là về công nghệ thông tin, kỹ năng sư phạm của một số giảng viên còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang bị, thiết bị bảo đảm cho đào tạo tuy được tăng cường nhưng chưa đáp ứng đầy đủ trước yêu cầu cao của việc đổi mới, chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo của Học viện, v.v.

Từ kết quả, kinh nghiệm đạt được, để “đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học…”2, Học viện chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị học viên quán triệt sâu sắc hơn nữa các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về đổi mới giáo dục và đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở đó, nhận thức đầy đủ sự cần thiết, tầm quan trọng của việc đổi mới giáo dục và đào tạo trong tình hình hiện nay; chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ đào tạo; làm tốt việc quán triệt nhiệm vụ, xây dựng động cơ, trách nhiệm cho các đối tượng, nhất là người dạy và người học. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa thực hiện đổi mới tất cả các khâu trong quá trình đào tạo, với phương châm “dạy thực chất, học thực chất, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học”. Để đạt hiệu quả cao, Học viện đã và đang triển khai toàn diện các mặt công tác, với những giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung làm tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

1. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, phù hợp với bậc học, ngành học, đối tượng đào tạo và đặc thù lĩnh vực hậu cần quân sự. Thời gian qua, việc điều chỉnh, bổ sung, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo đã được Học viện đẩy mạnh và bước đầu đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, do đối tượng đào tạo đa dạng (28 đối tượng), thuộc nhiều chuyên ngành, với nhiều bậc học từ trung cấp đến tiến sĩ, nên nội dung, chương trình đào tạo giữa các bậc học, cấp học của một số đối tượng và cấu trúc giữa các khối kiến thức vẫn chưa thật hợp lý, có nội dung chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Để tạo cơ sở cho đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Học viện tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo đảm bảo “cơ bản, chuyên sâu”, “tinh giản, hiện đại, thiết thực”, liên thông giữa các bậc học, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ hậu cần theo chức vụ, có học vấn tương ứng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Việc thực hiện được Học viện chỉ đạo tiến hành thận trọng, chặt chẽ, nghiêm túc; kiên quyết loại bỏ những nội dung trùng lặp, khắc phục sự mất cân đối của các khối kiến thức; điều chỉnh dành thời gian thích đáng cho kiến thức chuyên ngành; rút ngắn một cách hợp lý thời gian lên lớp, tăng thời gian học thực hành, tự học, tự nghiên cứu. Đặc biệt, Học viện tập trung đổi mới nội dung các môn học, cập nhật đưa vào nội dung đào tạo những vấn đề mới về đường lối, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sự phát triển của khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, thực tiễn công tác hậu cần và những kiến thức về quản lý kinh tế, tài chính trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế,… phù hợp với đối tượng, chuyên ngành đào tạo.

2. Xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục ngang tầm yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Trước thực trạng đội ngũ cán bộ, giảng viên một số chuyên ngành còn hẫng hụt, mất cân đối về lứa lớp (do có giai đoạn, công tác này chưa được quan tâm đúng mức), những năm qua, Học viện đã nỗ lực triển khai thực hiện Đề án kiện toàn, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và tạo bước đột phá trong vấn đề này3. Tuy nhiên, kết quả đó chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và sự phát triển nhiệm vụ của Học viện, cũng như xu hướng đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo trong Quân đội. Để đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Học viện tiếp tục đẩy mạnh rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành. Đồng thời, từng bước chuẩn hóa về chất lượng (học vấn, chức danh, trình độ tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm, kinh nghiệm thực tiễn, đạo đức nghề nghiệp) theo tiêu chuẩn của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng. Mục tiêu đến năm 2020, Học viện phấn đấu có đủ giảng viên để thực hiện giáo dục toàn diện, dạy học các môn học tích hợp, dạy học phân hóa; trên 85% giảng viên đạt trình độ sau đại học, trong đó có 25% - 30% tiến sĩ; trên 50% cán bộ, giảng viên qua thực tế đơn vị theo cương vị chức trách; giảng viên cử nhân có trình độ ngoại ngữ B1 (bậc 3/6 khung tham chiếu châu Âu); giảng viên sau đại học có trình độ ngoại ngữ B2 (bậc 4/6 khung tham chiếu châu Âu) hoặc chứng chỉ TOEFL, IELTS theo quy định và sử dụng tốt trong chuyên môn; 100% cán bộ cấp khoa, bộ môn có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; Học viện có 25 - 30 giáo sư, phó giáo sư, có Nhà giáo Nhân dân và 15 - 20 Nhà giáo Ưu tú. Để đạt được mục tiêu đó, Học viện tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp về tư tưởng, tổ chức, chính sách; tích cực tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên; tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, giảng viên giỏi, các nhà giáo có chức danh khoa học, giảng viên trẻ. Hiện nay, cùng với đẩy mạnh triển khai thực hiện các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, đi thực tế đơn vị, kết hợp khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm, Học viện hết sức chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nhân cách, lối sống,… cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, để họ thực sự là những tấm gương mẫu mực, mô phạm, “vừa hồng, vừa chuyên”. Đi liền với đó, Học viện quan tâm chăm lo, thực hiện tốt công tác chính sách, để cán bộ, giảng viên yên tâm công tác, phát huy khả năng, trí tuệ, cống hiến cho nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.

3. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học. Đây là một nội dung trọng tâm trong đổi mới giáo dục và đào tạo. Từ kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, Học viện tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng gắn với thực tiễn xã hội, thực tiễn xây dựng, chiến đấu của Quân đội, của ngành Hậu cần; thực hiện lấy người học làm trung tâm. Theo đó, Học viện duy trì các hoạt động phương pháp, trao đổi học thuật, tổ chức giảng mẫu, giảng rút kinh nghiệm ở các cấp. Đồng thời, chỉ đạo các khoa giáo viên nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với nội dung, chương trình, đối tượng đào tạo; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng trong giảng dạy; kết hợp linh hoạt các hình thức, phương pháp giảng dạy, chú trọng các phương pháp giảng dạy đặc thù bộ môn chuyên ngành, dạy học theo tính chất nghiên cứu khoa học, v.v. Đặc biệt, Học viện chỉ đạo tăng cường vận dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề, kiên quyết khắc phục tình trạng truyền đạt kiến thức một chiều, thụ động theo kiểu “thầy đọc, trò ghi”, cũng như biểu hiện hình thức trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Cùng với đổi mới phương pháp dạy, Học viện chú trọng đổi mới phương pháp học của học viên theo hướng kết hợp tiếp thu kiến thức trên lớp với tự học, tự nghiên cứu; tăng cường trao đổi, thảo luận và thực hành tập bài theo thực tiễn chuyên ngành đào tạo, làm cho học viên có khả năng tự học ngày càng cao, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; qua đó, phát triển năng lực tư duy, khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn chức trách, nhiệm vụ công tác.

4. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo. Đây là một khâu quan trọng, yếu tố trực tiếp thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo, đã và đang được Học viện tích cực thực hiện. Tuy nhiên, do đối tượng, loại hình đào tạo của Học viện đa dạng, nên công tác này có những khó khăn, đòi hỏi phải có phương pháp phù hợp. Thời gian tới, Học viện tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát toàn diện quá trình đào tạo, từ quy trình, chương trình, nội dung đến chất lượng giảng dạy trên lớp, tình hình khai thác, sử dụng thiết bị dạy học, v.v. Đồng thời, tiếp tục đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên, trọng tâm là nâng cao chất lượng đề thi, kiểm tra theo hướng đề cao năng lực thực hành, vận dụng lý luận vào thực tiễn; thực hiện đa dạng các hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả, phù hợp với từng môn học, đối tượng đào tạo. Học viện yêu cầu các khoa, bộ môn hằng năm phải đổi mới, bổ sung ít nhất 30% số lượng đề thi trong mỗi ngân hàng đề thi. Chỉ đạo Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo duy trì nghiêm việc tổ chức bốc đề thi, giám sát coi thi, chấm thi tập trung; tăng cường chấm thanh tra, phúc tra kết quả thi, kiểm tra, đảm bảo đánh giá khách quan, thực chất kết quả đào tạo, năng lực của người học.

5. Tích cực huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hiện nay, cùng với quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, Học viện tiếp tục huy động các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học theo hướng hiện

đại, đồng bộ. Trước mắt, tiếp tục đầu tư chuẩn hóa hệ thống giáo trình, tài liệu, đầu bài tập, phù hợp với sự phát triển của từng chuyên ngành; đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống giảng đường, khu huấn luyện thực hành, trường bắn, thao trường, bãi tập kỹ thuật, các phòng học chuyên dùng, phòng học đa năng, phòng thực hành, thí nghiệm của các chuyên ngành, sở chỉ huy diễn tập, thư viện số, thư viện điện tử, v.v. Học viện phấn đấu đến năm 2020, 100% phòng học phổ thông được thiết kế và trang bị các thiết bị giảng dạy hiện đại; 100% các bộ môn, khoa có phòng thí nghiệm, phòng học chuyên dùng đồng bộ, tiên tiến. Cùng với đó, Học viện đẩy mạnh xây dựng chính quy, xây dựng môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh, kỷ luật nghiêm, cảnh quan “xanh, sạch, đẹp”, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, để Học viện xứng đáng là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hậu cần hàng đầu của Quân đội.

Đại tá, PGS, TS. PHAN TÙNG SƠN, Trưởng phòng Đào tạo - Học viện Hậu cần
_________
______________

1 - Kết quả các khóa đào tạo gần đây, 77% học viên tốt nghiệp khá, giỏi. Qua khảo sát có 95,7% học viên đào tạo cấp trung đoàn, sư đoàn và 94,8% học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ra trường hoàn thành khá, tốt chức trách, nhiệm vụ.

2 - Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Quốc phòng.

3 - Hiện nay, 100% giảng viên của Học viện có trình độ đại học trở lên; trong đó, 69,5% trình độ sau đại học, có 01 giáo sư, 22 phó giáo sư, 62 tiến sĩ, 222 thạc sĩ, 20 giảng viên được công nhận là Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng.

Ý kiến bạn đọc (0)