Thứ Ba, 10/09/2024, 01:58 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Học viện Hải quân là trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Quân đội và Quân chủng Hải quân; thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ, sĩ quan Hải quân có trình độ đại học, sau đại học, lực lượng nòng cốt xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nhận rõ trọng trách được giao, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xác định: nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, quyết định sự phát triển của Học viện cả trước mắt và lâu dài. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã và đang thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020”; Nghị quyết chuyên đề “Về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân chủng và hội nhập quốc tế”; Đề án “Kiện toàn phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo”; Dự án “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện Hải quân”,… với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn; trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cao cho cán bộ, giảng viên và học viên. Đây là giải pháp quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng tổ chức và mỗi cá nhân. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác này nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao; bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống và nhân cách quân nhân, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”. Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực, tác phong công tác, thực hiện “nói đi đôi với làm”, nâng cao khả năng xử trí những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đối với cán bộ, giảng viên, tập trung quán triệt giáo dục mục tiêu, yêu cầu đào tạo, ý thức trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào của người thầy giáo trong lĩnh vực quân sự, v.v. Mỗi cán bộ, giảng viên phấn đấu phải thực sự mẫu mực về kiến thức, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và năng lực; là tấm gương sáng để học viên noi theo. Đối với học viên, coi trọng giáo dục xây dựng động cơ, trách nhiệm, ý thức tự học, tự rèn, tích cực nghiên cứu, vươn lên chiếm lĩnh các đỉnh cao khoa học; bồi đắp tình yêu biển, đảo, gắn bó với ngành nghề đào tạo, niềm vinh dự, tự hào của những sĩ quan Hải quân tương lai. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới và những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo các khoa giáo viên, cơ quan, đơn vị chủ động cập nhật tình hình cho cán bộ, giảng viên và học viên; giáo dục rõ về đối tác, đối tượng, định hướng giải quyết những tình huống nảy sinh,… giúp cho học viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, nền tảng kiến thức vững chắc, nhạy bén trong xử lý các tình huống trên biển sát với thực tiễn nhiệm vụ của Quân chủng, Quân đội. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đại tá, PGS,TS. Nguyễn Văn Lâm phát biểu tại Hội nghị đổi mới phương pháp dạy học
Thứ hai, tích cực đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện. Do vậy, những năm gần đây, Học viện Hải quân là cơ sở đào tạo đi tiên phong của Quân đội trong tiếp thu và phát triển phương thức đào tạo hiện đại tiếp cận CDIO - mô hình đào tạo theo chuẩn đầu ra, đảm bảo cho lượng kiến thức học viên tiếp nhận được đủ khả năng thực hiện chức vụ ban đầu và phát huy ở những bậc học cao hơn. Yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung phải bảo đảm tính cân đối giữa kiến thức cơ bản với kiến thức chuyên ngành, giữa khoa học quân sự với khoa học xã hội và nhân văn; chú trọng giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành tại các hệ thống mô phỏng, phòng học chuyên dùng và trực tiếp trên các phương tiện phục vụ huấn luyện. Những tiêu chí cụ thể của phương pháp CDIO được áp dụng cho chương trình đào tạo bậc đại học nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng toàn diện, giúp cho học viên nhanh chóng làm chủ trang thiết bị tiên tiến; đủ phẩm chất, năng lực để đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp. Đối với đào tạo theo chức vụ, ngoài lượng kiến thức chung theo chuyên ngành sẽ tăng cường bồi dưỡng phương pháp chỉ huy, hiệp đồng và xử lý các tình huống trong điều kiện tác chiến độc lập, dài ngày trên biển, nhất là chỉ huy hiệp đồng, sử dụng vũ khí, khí tài thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu tác chiến có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Cùng với chính quy hóa quy trình đào tạo, Học viện đẩy mạnh đổi mới phương pháp tổ chức thực hành, thực tập, diễn tập tổng hợp; gắn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu với giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh truyền thụ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn cho học viên,… bảo đảm sát với thực tế nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tạo môi trường thuận lợi để học viên rèn luyện nâng cao kiến thức, vận dụng lý thuyết vào giải quyết các vấn đề nảy sinh, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh, tác phong chỉ huy. Đồng thời, coi trọng trang bị kiến thức về ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga) và công nghệ thông tin cho học viên, bảo đảm học viên sau khi tốt nghiệp đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ Quốc phòng; có khả năng khai thác, sử dụng, làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại; tự tin trong đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, tập trung xây dựng và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Xác định cán bộ, giảng viên giữ vai trò trung tâm, khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo, Học viện thực hiện nhiều biện pháp để tạo nguồn, tuyển chọn đội ngũ này. Thường xuyên kiện toàn đội ngũ giảng viên, bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu hợp lý, học hàm, học vị cao, trở thành chuyên gia đầu ngành; phấn đấu đến năm 2020, 100% đội ngũ giảng viên đạt trình độ sau đại học (25% - 30% có trình độ tiến sĩ), ưu tiên đào tạo cán bộ đầu ngành về kỹ thuật đặc thù trong lĩnh vực Hải quân. Vì thế, Học viện đã triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích, động viên đội ngũ giảng viên tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt; thường xuyên rà soát quy hoạch, kế hoạch và thực hiện nghiêm quy trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng giảng viên; lựa chọn gửi đi đào tạo sau đại học ở các học viện, nhà trường trong và ngoài nước. Tích cực mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện; khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, giảng viên tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, năng lực sư phạm, kiến thức thực tiễn. Học viện đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy và hội nhập, giao lưu quốc tế, tham gia hoạt động ngoại giao quân sự Hải quân, như: tuần tra chung, hội thảo khoa học với các nước trong khu vực, phối hợp hoạt động nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn trên biển, chuẩn bị nhân lực cho các sự kiện đối ngoại quốc phòng của Quân chủng Hải quân năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, v.v. Đồng thời, chủ động đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế, đảm nhiệm chỉ huy, lãnh đạo ở các đơn vị; tham gia các đoàn công tác chuyên đề ở Trường Sa, DK1,... để tích lũy kiến thức thực tiễn; tiếp tục có những chính sách thỏa đáng để thu hút các cán bộ tâm huyết, có trình độ và kinh nghiệm của các đơn vị trong Quân chủng về công tác tại Học viện. Thực hiện tốt chế độ, chính sách về đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh nhà giáo, bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho đội ngũ giảng viên; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên tích cực học tập, nâng cao trình độ, phấn đấu đạt chuẩn theo quy định về chức danh giảng viên.
Thứ tư, nâng cao chất lượng bảo đảm cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại và khai thác có hiệu quả phục vụ công tác giảng dạy, được coi là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Cùng với việc phát huy tốt hiệu quả các hệ thống huấn luyện mô phỏng tàu 1241.8, Gepard 3.9; mô phỏng huấn luyện chiến thuật, chiến dịch, các phòng thực hành, thực nghiệm, phòng học chuyên dùng để nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện tích cực, chủ động tổ chức thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học”, đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị, phần mềm thư viện điện tử, hệ thống quản lý, điều hành huấn luyện, các phần mềm kiểm tra, đánh giá kết quả tiên tiến,… hướng đến xây dựng nhà trường thông minh, tiếp cận công nghệ 4.0. Đồng thời, chỉ đạo các khoa, đơn vị phối hợp chặt chẽ, tổ chức khai thác tối đa công năng các phòng học chuyên dùng và tổ hợp mô phỏng hiện đại vào thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, học tập; nâng cao chất lượng thực hành, thực tập tại các đơn vị; điều chỉnh thời gian thực tập của học viên cuối khóa,... bảo đảm học viên tốt nghiệp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ tại đơn vị cơ sở. Cùng với đó, Học viện đã tích cực sử dụng các tàu để học viên thực tập, đảm bảo họ có điều kiện cọ xát nhiều với các hoạt động trên biển; đưa cán bộ, học viên đi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên các vùng biển quốc tế kết hợp đối ngoại quốc phòng bằng Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học. Với mục tiêu thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ, phát triển tư duy khoa học, tính độc lập, sáng tạo trong giảng dạy, học tập và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, Học viện đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác này với nhiều giải pháp tích cực. Đồng thời, có nhiều chính sách để khuyến khích, động viên cán bộ, giảng viên và học viên tích cực nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ quá trình giảng dạy, học tập. Nội dung nghiên cứu khoa học tập trung vào những vấn đề thực tiễn đang đặt ra mà Học viện có ưu thế, nhất là khoa học và nghệ thuật quân sự Hải quân, môi trường biển, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân và Quân đội. Nổi bật là, Học viện đã tổ chức thành công cuộc thi “Sáng tạo Phần mềm - Mô hình học cụ” năm 2016, với 22 sản phẩm tham gia, trong đó 11 sản phẩm đạt giải. Kết quả công tác nghiên cứu khoa học của Học viện đã góp phần thiết thực cho sự phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật quân sự Hải quân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.
Phát huy kết quả và kinh nghiệm đã đạt được, Học viện Hải quân tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, sĩ quan Hải quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá, PGS,TS. NGUYỄN VĂN LÂM, Giám đốc Học viện
Học viện Hải quân,nghiên cứu khoa học,giáo dục,đào tạo
Sư đoàn 4 xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 26/08/2024
Lữ đoàn Thông tin 134 huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao 22/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 198 phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 15/08/2024
“Ba nhất” ở Lữ đoàn Công binh 513 15/08/2024
Sư đoàn Phòng không 365 thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời 12/08/2024
Huyện Cần Giờ tăng cường giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ 25/07/2024
Quận Nam Từ Liêm đẩy mạnh thực hiện công tác quân sự, quốc phòng 22/07/2024
Sư đoàn bộ binh 9 tập trung đẩy mạnh công tác huấn luyện chiến đấu 18/07/2024
Lữ đoàn Pháo binh 382 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 15/07/2024
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nâng cao chất lượng công tác xuất bản quân sự 08/07/2024
“Ba nhất” ở Lữ đoàn Công binh 513
Sư đoàn Phòng không 365 thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời
Lữ đoàn Đặc công 198 phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu
Lữ đoàn Thông tin 134 huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao
Sư đoàn 4 xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”