Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 27/09/2013, 16:53 (GMT+7)
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh ở huyện Văn Yên

Huyện Văn Yên nằm ở phía Bắc tỉnh Yên Bái, có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội (KT-XH) và quốc phòng - an ninh (QP-AN). Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, sự hướng dẫn giúp đỡ của Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) trong Huyện đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược: phát triển KT-XH và tăng cường QP-AN. Tình hình KT-XH của Huyện tiếp tục phát triển ổn định, với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn vượt mục tiêu đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực bước đầu được khai thác có hiệu quả. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ (KVPT) Huyện được củng cố có chiều sâu, ngày càng vững chắc.  

Diễn tập KVPT Huyện năm 2012

Điểm nổi bật của Văn Yên là, trên cơ sở quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược, Huyện đã kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN phù hợp với đặc thù, tiềm năng, thế mạnh của một huyện miền núi Tây Bắc Tổ quốc. Trong quá trình thực hiện, Huyện xác định trước hết phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; coi đó vừa là nguyên tắc, vừa là giải pháp quyết định hiệu quả kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trên địa bàn. Theo đó, Huyện chỉ đạo các cấp, các ngành trong Huyện và cấp ủy, chính quyền cơ sở chủ động nắm vững định hướng chỉ đạo của Tỉnh và Quân khu 2 về kết hợp kinh tế với QP-AN, từ đó đề ra chủ trương, biện pháp thực hiện một cách đúng đắn, phù hợp. Huyện yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải chặt chẽ, sát địa bàn và không chỉ dừng lại ở việc xác định chủ trương, ra nghị quyết, mà phải cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch hành động với những tiêu chí, mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể; gắn với trách nhiệm cá nhân, tổ chức… Để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Huyện coi trọng củng cố các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng cấp ủy. Đồng thời, chú trọng gắn lãnh đạo với tăng cường kiểm tra việc thực hiện của chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội; phát huy vai trò tham mưu của cơ quan quân sự, công an; tổ chức tốt việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm… Nhờ đó, việc phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN trên địa bàn Huyện ngày càng chặt chẽ, hiệu quả đi vào chiều sâu.

Để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các tổ chức, lực lượng trong phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN, Huyện đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục QP-AN cho các đối tượng, trước hết là cán bộ, đảng viên. Huyện chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng giáo dục QP-AN; đồng thời, chỉ đạo các cấp tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm địa bàn. Về đối tượng giáo dục, chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, chức sắc, chức việc tôn giáo, học sinh phổ thông và toàn dân. Ngoài đối tượng bồi dưỡng theo phân cấp, Huyện thực hiện nghiêm túc việc cử cán bộ dự các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN do trên tổ chức. Nội dung giáo dục, bồi dưỡng về cơ bản được thực hiện theo chương trình quy định; trong đó, tập trung vào các chuyên đề về xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân và KVPT, xây dựng LLVT địa phương, kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN…, ngoài ra, còn có các chuyên đề bổ trợ sát với nhiệm vụ QP-AN của Huyện. Trong quá trình thực hiện, Huyện kết hợp nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, như: kết hợp giáo dục thường xuyên và giáo dục theo chuyên đề; giáo dục tập trung với thông qua các phương tiện truyền thông và phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo để tuyên truyền, giáo dục với nhiều tin, bài, chuyên mục về gương “người tốt, việc tốt”, các điển hình trong kết hợp KT-XH với tăng cường QP-AN. Chỉ tính riêng năm 2012, Huyện đã rà soát và gửi 7 đồng chí thuộc đối tượng 2, 3 dự các lớp bồi dưỡng tại Tỉnh, Quân khu; đồng thời, mở 8 lớp cho đối tượng 4 và 2 lớp cho đối tượng chức việc tôn giáo; chỉ đạo cấp xã mở 9 lớp cho đối tượng 5, giáo dục QP-AN cho hơn 3.000 em học sinh trung học phổ thông; đăng, phát hàng trăm tin, bài phản ánh hoạt động của LLVT địa phương và kết hợp KT-XH với tăng cường QP-AN trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân. Qua đó, làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ sự cần thiết, ý nghĩa tầm quan trọng của việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN; thấy rõ mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ; giữa tự bảo vệ và được bảo vệ, lấy tự bảo vệ là chính. Trên cơ sở đó, tạo ý thức trách nhiệm của người dân trong thực hiện định canh, định cư tích cực sản xuất, tham gia bảo vệ thôn, bản và bài trừ các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng địa bàn vững mạnh toàn diện.

Tham gia làm đường giao thông nông thôn

Việc đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN được Huyện chỉ đạo thực hiện một cách toàn diện, cả về bề rộng và chiều sâu. Theo đó, Huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững; khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, nhân lực, vừa đảm bảo phát triển KT-XH, vừa huy động được nguồn lực tại chỗ cho tăng cường QP-AN, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi có tình huống xảy ra. Về nông, lâm nghiệp, Huyện đã chỉ đạo hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, như: vùng trồng quế trên 15.000 ha, vùng sắn cao sản 5.000 ha, vùng lúa thâm canh, vùng ngô đồi hàng hóa, vùng cây nguyên liệu giấy trên 20.000 ha…; đồng thời, giữ vững và phát triển diện tích rừng tự nhiên, tạo độ che phủ phục vụ cho quy hoạch xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, thế trận quân sự KVPT và thế bố trí lực lượng khi có tình huống xảy ra. Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Huyện tập trung đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản với công nghệ mới, công nghệ sạch để tạo các sản phẩm có giá trị, như: nhà máy tinh dầu quế, tinh bột sắn Đông Cuông, nhà máy gỗ ván ép An Thịnh và các hợp tác xã chế biến gỗ rừng, sản xuất giấy để xuất khẩu… Qua đó, giải quyết được nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào của địa phương, tạo nhiều việc làm, góp phần điều chỉnh bố trí dân cư, ổn định đời sống cho nhân dân. Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế trong nước, tốc độ tăng trưởng bình quân của Huyện vẫn đạt 14%; trong đó, công nghiệp tăng 20,4%, dịch vụ tăng 20%; sản lượng lương thực đạt trên 42.000 tấn, độ che phủ rừng đạt 65%; thu nhập bình quân đạt 16,1 triệu đồng/người/năm.

Trên cơ sở sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của trên, kết hợp với huy động nguồn lực tại chỗ, Huyện đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, như: hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, bưu chính - viễn thông, điện lực, y tế, giáo dục - đào tạo, thương mại - dịch vụ... Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống giao thông đường liên thôn từng bước được bê tông hóa; 301 km kênh mương nội đồng được xây dựng kiên cố; số xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới ngày càng tăng; cụm công nghiệp Yên Hợp, Đông Cuông, Đông An được quy hoạch và từng bước đi vào hoạt động… Các công trình này đều được cơ quan chức năng (quân sự, công an…) thẩm định chặt chẽ, đạt mục đích lưỡng dụng: vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển KT-XH, vừa tạo thế trận liên hoàn, vững chắc trong KVPT, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho nhiệm vụ QP-AN khi có tình huống xảy ra.

Một vấn đề quan trọng nữa là, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Huyện thường xuyên chăm lo xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN, đồng thời tham gia phát triển KT-XH ở địa phương. Trong đó, coi trọng xây dựng cơ quan Quân sự, Công an vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; gắn việc xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có đủ năng lực làm tham mưu và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QP-AN trên địa bàn. Lực lượng dân quân tự vệ được củng cố, xây dựng theo đúng Luật Dân quân tự vệ, bảo đảm “vững mạnh, rộng khắp”, cơ cấu thành phần, lực lượng hợp lý, có số lượng phù hợp, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, nhất là chất lượng về chính trị. Đến nay, lực lượng dân quân tự vệ trong toàn Huyện đạt 1,82 % số dân, trong đó đảng viên đạt 14%; 100% Chỉ huy trưởng quân sự xã, thị trấn là đảng viên và giữ cương vị cấp ủy viên cùng cấp. Lực lượng dự bị động viên được đăng ký, sắp xếp, quản lý chặt chẽ, bảo đảm về chất lượng chính trị, tỷ lệ đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 82%, đảng viên đạt 15,8%... Hằng năm, Huyện đều phối hợp với các đơn vị nhận nguồn thực hành phúc tra, kiểm tra động viên và chi trả phụ cấp theo quy định. Tiểu đoàn dự bị động viên của Huyện có Đảng ủy, đại đội có chi bộ, trung đội có tổ đảng, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ và xử lý các tình huống. Trong thời gian qua, sự phối hợp giữa lực lượng quân sự với công an và các lực lượng theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả thiết thực, nhất là trong giải quyết một số vụ việc phức tạp ở địa phương, cơ sở. LLVT chủ động tham gia phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống bão, lũ, cháy nổ, cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng KVPT ngày càng vững chắc.

Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Văn Yên tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy sức mạnh toàn dân, xây dựng Huyện mạnh về kinh tế, vững về QP-AN; xứng với danh hiệu cao quý 2 lần “Anh hùng LLVT nhân dân” mà Nhà nước đã trao tặng.

TRẦN THẾ HÙNG

Bí thư Huyện ủy

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.