Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 20/06/2014, 16:10 (GMT+7)
Đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ ở Trường Cao đẳng nghề số 2, Bộ Quốc phòng
Hội nghị Đảng ủy ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2014

Trường Cao đẳng nghề số 2 thuộc Bộ Quốc phòng được nâng cấp trên cơ sở trường Trung cấp nghề số 2 (thành lập ngày 16-7-1994), theo Quyết định 1458/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ và thanh niên các dân tộc, đối tượng chính sách, người lao động trên địa bàn Quân khu 2, với 07 nghề trình độ cao đẳng, 09 nghề trình độ trung cấp, 13 nghề trình độ sơ cấp; trong đó, 01 nghề cấp độ ASEAN, 02 nghề cấp độ quốc gia. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội xuất ngũ lập nghiệp, ổn định cuộc sống, cung cấp lực lượng lao động qua đào tạo, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, động viên thanh niên hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, tạo nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, rộng khắp, tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đi vào cuộc sống.

Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường đã đào tạo nghề cho hơn 30.000 người, trong đó gần 20.000 là bộ đội xuất ngũ. Riêng từ năm 2010 đến nay, Trường đã tuyên truyền, tư vấn học nghề cho trên 30.000 bộ đội xuất ngũ; trong đó, đào tạo nghề được 9.529 đồng chí và tạo nguồn xuất khẩu lao động cho 350 đồng chí. Học sinh, sinh viên (HS,SV) của Trường sau khi tốt nghiệp, 80% có việc làm ngay với thu nhập ổn định, được cơ sở sản xuất sử dụng lao động đánh giá cao về trình độ, tay nghề và ý thức lao động, số còn lại tự tạo việc làm tại quê hương. Bởi vậy, Nhà trường luôn là địa chỉ tin cậy để bộ đội xuất ngũ và con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn đến học nghề trở thành những người có ích cho xã hội và gia đình sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ.

Kết quả trên là tổng hợp của nhiều yếu tố, giải pháp, sự cố gắng của các thế hệ cán bộ, giáo viên (CB,GV), HS,SV, nhưng trước hết, là sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường. Là đơn vị sự nghiệp công lập trong Quân đội, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tài chính nên Nhà trường gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động. Nhận thức rõ điều đó, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên1, vai trò, ý nghĩa của công tác đào tạo nghề đối với bộ đội xuất ngũ, Đảng ủy Nhà trường đã đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của từng năm, quý, tháng, nhiệm vụ của từng khóa học với sự đồng thuận, quyết tâm cao. Nghị quyết xác định, lấy chất lượng, hiệu quả dạy nghề là mục tiêu hàng đầu để phấn đấu, thực hiện dạy nghề gắn với dạy người, bảo đảm cho HS,SV khi tốt nghiệp ra trường có phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng nghề được xã hội thừa nhận; đồng thời, từng bước nâng cao nguồn thu, cân đối tài chính, có tích lũy để đầu tư trở lại, không ngừng nâng cao đời sống của CB,GV, nhân viên Nhà trường. Trên tinh thần đó, Ban Giám hiệu, cán bộ chủ trì các cấp mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bám sát sự chỉ đạo của trên, nhu cầu thị trường lao động, sâu sát cơ sở, từng bước giải quyết khó khăn, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, vươn lên trở thành cơ sở dạy nghề uy tín trong Quân đội và cả nước. Thực hiện Quyết định 121/2009/QĐ-TTg, ngày 09-10-2009 của Thủ tướng Chính Phủ về “Cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề” và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, Nhà trường tiến hành rà soát, đề ra các chủ trương, biện pháp đổi mới căn bản, mạnh mẽ công tác đào tạo nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Các cơ quan, khoa đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt nhiệm vụ, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu hằng năm, bảo đảm 100% bộ đội xuất ngũ được tuyên truyền, tư vấn về học nghề; trong đó, có từ 65% đến 70% được đào tạo nghề ngay sau khi xuất ngũ.

Một trong những vấn đề then chốt, quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ là, Nhà trường tập trung xây dựng đội ngũ CB,GV vững mạnh cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Để có đội ngũ giáo viên đáp ứng sự phát triển về quy mô và chất lượng dạy nghề, Nhà trường chủ trương gắn tuyển dụng với sử dụng, hướng vào những kỹ sư trẻ, sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ, khả năng sư phạm và nguyện vọng công tác tại Trường. Cùng với đó, Nhà trường có chế độ đãi ngộ thích hợp về tiền lương, chế độ làm việc nên đã thu hút được nhiều giáo viên, kỹ sư, thợ lành nghề ký hợp đồng tham gia thỉnh giảng. Hằng năm, Nhà trường cử giáo viên đi đào tạo tại các trường trong và ngoài Quân đội bằng kinh phí tự có; thông qua tập huấn, hội thi, hội thao các cấp để bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Trong các cuộc thi, Nhà trường và nhiều cá nhân đã đạt giải cao, được công nhận danh hiệu “Bàn tay vàng”, “Giáo viên dạy giỏi” cấp toàn quân, toàn quốc,… Đây là hạt nhân nòng cốt trong công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện. Đồng thời, khuyến khích giáo viên tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, vững về lý thuyết, giỏi về thực hành. Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nghề cho các đối tượng hiện nay, Nhà trường rà soát, bố trí sắp xếp đội ngũ CB,GV theo biểu biên chế của Bộ Quốc phòng, xây dựng kế hoạch bổ sung, phát triển đội ngũ CB,GV, với mục tiêu phấn đấu là: giáo viên cơ hữu chiếm 90% trở lên; có trình độ đại học trở lên từ 90% đến 95%; trong đó, sau đại học từ 15% đến 20%, thợ bậc cao từ 15% đến 20%.

Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo đáp ứng sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, nhu cầu thị trường lao động là việc làm được Nhà trường thường xuyên coi trọng. Trên cơ sở quy định về chương trình dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nhà trường chủ động khảo sát, trao đổi với các cơ sở sản xuất, trung tâm nghiên cứu, các trường bạn để bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp theo hướng bảo đảm người học được trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ đáp ứng nhu cầu thị trường, người sử dụng lao động. Hiện nay, Nhà trường đã xây dựng được 07 bộ chương trình cao đẳng, 09 bộ chương trình trung cấp, 13 chương trình sơ cấp theo dạng mô-đun tích hợp. Phương pháp dạy - học của Trường đã và đang tích cực đổi mới theo hướng gắn thực hành, thực tập với sản xuất dịch vụ tại Trường và ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trường,… Qua đó, giúp học viên nâng cao trình độ, rèn luyện tay nghề sát với thực tế ngành nghề theo học.

Học về Điện công nghiệp

Qua thực tiễn đào tạo nghề của Nhà trường 20 năm qua cho thấy, việc đảm bảo tốt cơ sở vật chất là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định đến chất lượng dạy nghề. Trong điều kiện sự đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, song với phương châm kết hợp đầu tư của trên với tự đầu tư, tự sản xuất, Nhà trường đã từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, phòng học chuyên dùng, nhà xưởng, trang thiết bị; đảm bảo tốt nguyên, nhiên, vật liệu cho thực hành, thực tập của học sinh. Trong đó, các nghề trọng điểm, như: công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, điện - điện tử, cơ khí - hàn, sửa chữa xe máy, lái xe ô tô, vận hành máy thi công nền được ưu tiên trang bị đồng bộ, hiện đại. Nơi ăn, ở, sinh hoạt, giảng đường, bãi tập,… được đầu tư xây dựng khang trang, “xanh - sạch - đẹp” tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh yên tâm học tập, nhất là đối với những học sinh ở xa sống nội trú tại Trường. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại vào dạy học - dạy nghề được CB,GV, HS,SV hưởng ứng mạnh mẽ, có hiệu quả. Nhờ vậy, giúp học viên nắm chắc kiến thức, tính năng, cấu tạo của các phương tiện, máy, công nghệ sản xuất, thi công,…; đồng thời, tạo được nguồn cơ sở vật chất cho quá trình dạy - học, tiết kiệm kinh phí cho Nhà trường hàng tỷ đồng2.

Để nâng cao chất lượng dạy nghề, Nhà trường đẩy mạnh phong trào thi đua và thực hiện các cuộc vận động, như: phong trào “học nghề để ngày mai lập nghiệp”, “dạy tốt, học tốt” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Cuộc vận động “Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục - đào tạo”,... Phát huy vai trò các tổ chức trong công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện HS,SV, xung kích đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trung tâm, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện, có môi trường văn hoá sư phạm tốt. Đồng thời, làm tốt công tác khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”. Qua đó, động viên CB,GV, HS,SV tích cực, tự giác trong học tập, công tác, gắn bó với Nhà trường, luôn yêu ngành, yêu nghề. Cùng với các hoạt động trên, Nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề, việc làm cho bộ đội xuất ngũ nói riêng, các đối tượng khác nói chung để họ có nhận thức đúng về học nghề và việc làm, nhất là trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay. Đồng thời, Nhà trường từng bước mở rộng loại hình đào tạo nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp, chủ động tham gia sàn giao dịch, giới thiệu việc làm, giúp người học tiếp cận các thông tin, tìm việc làm nên được người lao động tin tưởng, đánh giá cao.

Những năm tới, Nhà trường tập trung thực hiện chiến lược phát triển đã xác định, đó là: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho các đối tượng mà trước hết là bộ đội xuất ngũ, thanh niên các dân tộc, các đối tượng chính sách; bảo đảm cho họ được thụ hưởng tốt nhất các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành. Nhà trường phấn đấu đến năm 2020 trở thành trường đào tạo nghề uy tín, có môi trường sư phạm mẫu mực, thân thiện với người học, người sử dụng lao động, các cơ sở sản xuất, dịch vụ và người lao động; có đủ năng lực cạnh tranh và hợp tác bình đẳng với các trường, cơ sở dạy nghề trong và ngoài Quân đội. Trong đó, xây dựng một số ngành nghề trở thành mũi nhọn, thương hiệu của Nhà trường nhằm góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh CNH,HĐH trên địa bàn Tây Bắc Tổ quốc.

Đại tá, ThS. NGUYỄN NGỌC LONG, Hiệu trưởng Nhà trường
__________________________

1 - Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 630/QĐ-TTg, ngày 29-5-2012; kết luận về đổi mới, phát triển dạy nghề trong Quân đội giai đoạn 2012 - 2020, ngày 21-9-2012 của Bộ Quốc phòng.

2 - Các mô hình, sáng kiến cải tiến của Nhà trường: hệ thống đánh lửa trực tiếp, hệ thống điều hòa không khí xe ô tô, hệ thống phun xăng đánh lửa điện tử, bộ thiết bị thực hành mạch điện cơ bản, thiết bị nạp, nén ga hút chân không điều hòa không khí, dàn trải cấu trúc máy tính, ti vi LCD, điều hòa không khí, bàn thực hành kiểm tra hiệu chỉnh công tơ điện, thiết bị thực hành điện tử, bàn đa năng, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.