Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 03/01/2020, 07:05 (GMT+7)
Công tác huấn luyện ở Lữ đoàn 127 Hải quân

Lữ đoàn 127 là đơn vị nòng cốt của Vùng 5 Hải quân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Tây Nam của Tổ quốc. Nhận thức sâu sắc trọng trách vẻ vang đó, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn coi việc nâng cao chất lượng huấn luyện là nhân tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lữ đoàn nhận Cờ Đơn vị huấn luyện giỏi năm 2018

Thực hiện công tác huấn luyện, Lữ đoàn thường xuyên quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trên về nhiệm vụ này, trọng tâm là Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 1050-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân chủng về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo” tới cán bộ, đảng viên trong cơ quan và đơn vị thuộc quyền. Trong nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu của các cấp ủy Đảng đều xác định rõ nội dung, chỉ tiêu, biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, sát với yêu cầu, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị, đối tượng tác chiến, địa bàn hoạt động và các mặt bảo đảm có liên quan. Đồng thời, phân công cấp ủy viên, chỉ huy, quản lý, chỉ đạo từng mặt công tác, gắn với trách nhiệm cá nhân về kết quả công tác huấn luyện của đơn vị. Trên cơ sở đó, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên đưa vào chương trình, kế hoạch thực hiện; tổ chức phát động, ký kết, giao ước thi đua, tạo khí thế sôi nổi ngay từ ngày đầu, tuần đầu ra quân huấn luyện.

Trước khi bước vào huấn luyện, Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động chuẩn bị tốt mọi mặt, từ con người, cơ sở vật chất, hệ thống tài liệu, giáo án, quy tắc bảo đảm an toàn đến chương trình, kế hoạch, tiến trình biểu sát với yêu cầu, nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, địa bàn hoạt động, đúng quy định của Điều lệ công tác tham mưu huấn luyện, giáo trình huấn luyện chiến đấu và hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Nội dung kế hoạch huấn luyện thể hiện rõ việc quán triệt và thực hiện Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Vùng, bảo đảm khoa học, sát thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng và yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Các đơn vị thuộc quyền duy trì nghiêm chế độ phê duyệt kế hoạch, tiến trình biểu, giáo án, bài giảng huấn luyện; thực hiện thống nhất hệ thống sổ sách, bảng, biểu đăng ký, thống kê huấn luyện theo đúng hướng dẫn. Thực hiện công tác này, Lữ đoàn chú trọng sửa chữa, nâng cấp, xây dựng thao trường, bãi tập, chuẩn bị đầy đủ vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu theo kế hoạch; đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến mô hình, học cụ. Nổi bật là sáng kiến “Thiết bị nâng hạ cửa đổ bộ bằng điện một chiều 24V” đang được Quân chủng áp dụng cho loại tàu LCM-8.

Trong huấn luyện, Lữ đoàn xác định người dạy là khâu then chốt, quyết định đến chất lượng, nên trước mỗi giai đoạn huấn luyện đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ các cấp về chuyên môn, năng lực tổ chức, quản lý, điều hành huấn luyện, nhất là cán bộ chủ trì, trực tiếp tham gia huấn luyện và đội ngũ cán bộ trẻ. Phương châm đặt ra đối với mặt công tác này là: yếu khâu nào, bồi dưỡng khâu đó, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cơ quan bồi dưỡng đơn vị. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng chú trọng vào đổi mới tổ chức, phương pháp huấn luyện, cập nhật nội dung mới, khắc phục những mặt còn yếu của giai đoạn trước. Ngoài ra, Đơn vị còn cử người tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyên ngành, nghiệp vụ khác do cấp trên tổ chức, như: tập huấn về công tác đảng, công tác chính trị; sử dụng lượng nổ chống biệt kích, người nhái, bảo vệ khu vực neo, đậu của tàu, thuyền, căn cứ; tập huấn võ chiến đấu tay không, v.v. Nhờ vậy, trình độ, năng lực tổ chức chỉ huy, điều hành huấn luyện; tham mưu tác chiến, huấn luyện, xây dựng chính quy, quản lý bộ đội của cán bộ các cấp được nâng lên rõ rệt, 100% cán bộ tổ chức huấn luyện được theo phân cấp.

Báo động luyện tập chiến đấu đối không

Quá trình huấn luyện, Lữ đoàn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị; giáo dục, đào tạo với huấn luyện chiến đấu để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đối với đội ngũ cán bộ, Lữ đoàn tập trung nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành huấn luyện và quản lý bộ đội. Hằng năm, cơ quan, đơn vị tổ chức học tập, nghiên cứu từ 18 đến 25 nội dung. Ngoài huấn luyện, diễn tập, kiểm tra cùng đơn vị, sĩ quan phân đội còn được huấn luyện chuyên sâu về kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành, quy tắc bảo đảm an toàn; kỹ năng thực hành sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế, khi được tăng cường, hiệp đồng chiến đấu. Sĩ quan mới ra trường, ngoài nội dung huấn luyện tập trung theo Chỉ thị của Tư lệnh Quân chủng, Đơn vị còn chú trọng bồi dưỡng phương pháp, tác phong chỉ huy, quản lý, huấn luyện bộ đội để sau một năm đội ngũ này có thể đảm đương tốt chức trách. Đối với quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, Lữ đoàn huấn luyện đầy đủ các nội dung theo quy định. Với quân nhân chuyên nghiệp khối bờ, Lữ đoàn tập trung huấn luyện chiến thuật từng người, tổ chức chiến đấu bảo vệ mục tiêu, tuần tra, canh gác, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, bắn súng AK bài 1 và ném lựu đạn bài 2 ban ngày. Quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật khối tàu, đơn vị chú trọng huấn luyện thực hành thao tác, sử dụng, làm chủ các loại vũ khí, trang bị được giao, sử dụng được 1 đến 2 loại vũ khí, trang bị khác trong biên chế và thay thế được 2 đến 3 vị trí chiến đấu trong ngành, tàu. Để huấn luyện chuyên sâu, nâng cao, Lữ đoàn chia đội ngũ này thành 3 đối tượng. Trong đó, đối tượng 1 là quân nhân chuyên nghiệp trên 10 năm (huấn luyện chuyên sâu, nâng cao); đối tượng 2 là quân nhân chuyên nghiệp từ 5 đến 10 năm (huấn luyện nâng cao); đối tượng 3 là quân nhân chuyên nghiệp dưới 5 năm, được huấn luyện cùng hạ sĩ quan, binh sĩ (huấn luyện cơ bản). Việc phân chia như vậy đã giúp cho đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật từng bước nắm chắc cấu tạo, tính năng kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị và khắc phục, sửa chữa được hỏng hóc thông thường. Do vậy, 100% quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt. Trong huấn luyện, các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật theo quy định vừa để củng cố lý thuyết cho người học, vừa bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật luôn ở trạng thái tốt nhất, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Huấn luyện ngoại khóa rèn luyện thể lực cho bộ đội

Mục đích huấn luyện phân đội nhằm đáp ứng khả năng, mức độ chiến đấu độc lập trong điều kiện phức tạp, tác chiến liên tục, dài ngày, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, vũ khí hủy diệt lớn. Bởi vậy, Lữ đoàn tiếp tục thực hiện đột phá huấn luyện cơ bản, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có và vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục theo phương châm “1 giảm, 1 tăng, 3 thực chất, 2 sát, 2 nâng”1. Để giảm thời gian học lý thuyết, nội dung các bài giảng được kết cấu tạo điều kiện cho học viên xem hình ảnh trên băng, đĩa hoặc hoạt động thực tiễn tại đơn vị; tăng cường trao đổi, thảo luận giữa người dạy và người học. Do yêu cầu nhiệm vụ và trình độ của các lực lượng không đồng đều lại thường xuyên hoạt động phân tán, nên tài liệu huấn luyện được biên soạn rất linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, thời điểm cụ thể. Trong thời gian hoạt động trên biển, tài liệu còn được biên soạn rút gọn và sử dụng loại giấy không thấm nước. Các tàu, xuồng tập trung huấn luyện nguyên tắc, yêu cầu, cách đánh, cách sử dụng và bố trí lực lượng ở các hình thức, tình huống chiến thuật từ các vị trí đến toàn tàu, vận dụng linh hoạt vào xử lý các tình huống diễn tập chiến thuật, diễn tập vòng tổng hợp. Ngoài ra, Lữ đoàn còn đột phá vào “Xây dựng chính quy, hiện đại, quản lý bộ đội và đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện quy tắc an toàn”. Đồng thời, quán triệt và thực hiện tốt “3 mẫu mực”, “3 dứt điểm” gắn với duy trì nghiêm các chế độ ngày, tuần và 17 công việc trên tàu Hải quân, v.v. Qua đó, tạo sự chuyển biến, tiến bộ về nhận thức, thống nhất về hành động trong chấp hành pháp luật, kỷ luật của bộ đội.

Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình, tổ chức, biên chế và vũ khí, trang bị hiện có, Lữ đoàn thường xuyên hoàn thành 100% nội dung, chương trình, thời gian huấn luyện cho các đối tượng theo kế hoạch, quân số tham gia huấn luyện bảo đảm trên 99,1%; kết quả kiểm tra 100% các nội dung, khoa mục đều đạt yêu cầu, trong đó có 87,2% khá, giỏi, đơn vị an toàn tuyệt đối. Năm 2018 và 2019, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu trong phong trào Thi đua Quyết thắng, Đơn vị huấn luyện giỏi; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen Đơn vị huấn luyện thể lực và hoạt động thể thao giỏi. Tham gia hội thi, hội thao do Quân chủng tổ chức, Lữ đoàn đạt 01 giải Nhì, 01 giải Khuyến khích Hội thao Huấn luyện tàu mặt nước; 01 giải Ba Hội thi Tàu tốt; 01 giải Nhì Hội thi Báo cáo viên giỏi. Từ thực tiễn, Lữ đoàn rút ra một số kinh nghiệm sau:

1. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, qua đó xây dựng cho bộ đội động cơ, thái độ, trách nhiệm huấn luyện đúng đắn, ý chí quyết tâm cao. 2. Làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là về con người, thao trường, bãi tập, vũ khí, trang bị, phương tiện, mô hình, học cụ, vật chất hậu cần, kỹ thuật cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn. Đẩy mạnh phát huy các sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ, vật chất có tính ứng dụng cao trong thực tiễn để giảm chi phí, giúp người học trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu. 3. Tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết, khí tượng thủy văn phức tạp, huấn luyện thực hành khi tàu làm nhiệm vụ trên biển để rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu; nâng cao kỹ năng, kỹ xảo trong thao tác, sử dụng, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật cho bộ đội. 4. Triển khai toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả các mặt công tác phục vụ huấn luyện; trong đó, công tác đảng, công tác chính trị hướng vào xây dựng “Đơn vị huấn luyện giỏi”; làm tốt công tác thi đua khen thưởng; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng; xây dựng, nhân rộng cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo trong huấn luyện. 5. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với thực hiện nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật; tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm chặt chẽ, nghiêm túc, kịp thời, nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, phấn đấu năm sau tốt hơn năm trước.

Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc và xây dựng Lữ đoàn “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Vì vậy, những kinh nghiệm trên là bài học quý để Lữ đoàn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thượng tá NGUYỄN VĂN SINH, Lữ đoàn trưởng

______________

1 - 1 giảm: giảm thời gian lên lớp lý thuyết; 1 tăng: tăng thời gian thảo luận, hoạt động bổ trợ; 3 thực chất: dạy, học, kiểm tra thực chất; 2 sát: sát đối tượng, sát nhiệm vụ; 2 nâng: nâng cao ý thức, trách nhiệm người học, nâng cao hiệu quả giáo dục.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.