Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 19/06/2017, 07:59 (GMT+7)
Bước tiến mới trong cải cách thủ tục xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, cảng biển

Kiểm soát, làm thủ tục xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, cảng biển là một nội dung thuộc chức năng của Bộ đội Biên phòng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc cải cách thủ tục trên theo hướng hiện đại hóa nhằm tạo thuận lợi đối với hoạt động xuất, nhập cảnh là vấn đề cấp thiết không chỉ với Việt Nam mà với các quốc gia trên thế giới.

Trong gần 60 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, quản lý và bảo vệ đường biên, hệ thống dấu hiệu mốc giới; chuyên trách quản lý hệ thống cửa khẩu đường bộ, cảng biển1 đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ và đang phát huy hiệu quả; kiểm soát xuất, nhập cảnh. Đồng thời, chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trên đất liền, biển, đảo và các cửa khẩu; đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ biên giới, vượt biên, vượt biển, nhập cư, cư trú trái phép và những hành vi khác xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự, gây hại đến môi trường ở khu vực biên giới trong thời bình và chuẩn bị thế trận, sẵn sàng đối phó mọi tình huống có thể xảy ra.

Thực hiện Nghị quyết 84-NQ/ĐU, ngày 07-3-2011 của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về “Nâng cao năng lực công tác cửa khẩu của Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới”, những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo bước tiến mới trong hiện đại hóa thủ tục xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu, cảng biển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trước đây, hoạt động thủ tục biên phòng chủ yếu thực hiện bằng biện pháp thủ công, từ việc tra cứu, đăng ký đến theo dõi xuất, nhập cảnh đều bằng sổ sách truyền thống, dẫn đến hiệu suất công việc thấp, mất nhiều thời gian. Do vậy, tình trạng quá tải ở cửa khẩu xảy ra thường xuyên, nhất là những thời điểm lưu lượng người và phương tiện thông quan lớn. Đối với các cửa khẩu cảng biển, do có nhiều cơ quan cùng tham gia giải quyết thủ tục, nên nảy sinh những bất cập, như: chi phí đi lại tốn kém; chờ kết quả của người làm thủ tục; chi phí neo, đậu bến, bãi; hao mòn máy móc, phương tiện của chủ phương tiện và hành khách tăng cao, v.v. Mặt khác, biện pháp thủ công trên còn làm cho hoạt động thủ tục biên phòng không hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống các hoạt động tội phạm như: sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả xuất, nhập cảnh vào Việt Nam; gây nhiều khó khăn trong việc quản lý có hệ thống các hoạt động xuất, nhập cảnh, hoạt động của người, phương tiện.

Trong khi đó, hệ thống cửa khẩu, cảng biển trên toàn quốc ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng và sự gia tăng về lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa,... Do vậy, yêu cầu khách quan đặt ra đối với Bộ đội Biên phòng là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh, nhằm tạo thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới đường bộ, cảng biển. Theo đó, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã chú trọng đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh2 cho các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cảng biển trọng điểm; triển khai khép kín hệ thống máy tính cài đặt chương trình nghiệp vụ cho các cửa khẩu phụ. Đồng thời, có nhiều cải tiến về quy trình kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu, đổi mới tác phong làm việc, giảm thiểu các loại giấy tờ không cần thiết, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo trong lĩnh vực kiểm soát xuất, nhập cảnh, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch thủ tục hành chính. Do đẩy mạnh cải cách nên đã đạt kết quả nổi bật là, từ 38 thủ tục hành chính được công bố tại cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý biên giới, giảm xuống còn 28 thủ tục hành chính; tỷ lệ thủ tục biên phòng điện tử theo quy định cũ là 07% được tăng lên 11%. Đối với các cửa khẩu cảng biển, qua cải tiến quy trình, các loại giấy tờ mà người làm thủ tục đã giảm tới 45,5%. Nhờ đó, thời gian giải quyết thủ tục xuất, nhập cảnh cho người, phương tiện, hàng hóa giảm đáng kể; tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo tặng hoa cho hai vị khách đầu tiên nhập cảnh bằng thị thực điện tử. (Ảnh: bienphong.com.vn)

Thực hiện Quyết định 22/2011/QĐ-TTg, ngày 15-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đội Biên phòng đã khai báo thủ tục biên phòng điện tử cảng biển tại 07 đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng, giúp các đại lý, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện thủ tục khai báo thông tin về tàu, thuyền, thuyền viên, hành khách, hàng hóa trước khi tàu cập cảng, bảo đảm thủ tục xuất, nhập cảnh qua cảng biển được nhanh chóng, giảm thời gian đi lại cho hành khách và doanh nghiệp. Điểm mới trong công tác này là, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng đang tham gia thí điểm cơ chế hải quan một cửa quốc gia về việc kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia với tất cả các cảng biển; đồng thời, nghiên cứu mở rộng kết nối tiếp với các cửa khẩu đường bộ. Hiện nay, đã kết nối Cổng thông tin điện tử biên phòng cảng biển với Cổng thông tin một cửa quốc gia tại 07 đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng. Mặt khác, đẩy mạnh công tác trang bị phần mềm nghiệp vụ, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, phù hợp với các yêu cầu đặt ra của Cổng thông tin một cửa quốc gia và thống nhất với các bộ, ngành về bộ tiêu chuẩn khai báo và xử lý thông tin, đảm bảo tinh gọn, tránh chồng chéo, đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ, thuận lợi cho người làm thủ tục khai báo điện tử3. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các bộ, ban, ngành tham mưu, đề xuất với Chính phủ và trực tiếp xây dựng cơ chế, chính sách quản lý hệ thống chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, các hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung đường biên giới; tổ chức thực hiện Hiệp định giữa các nước tiểu vùng sông Mê - Kông mở rộng (GMS), Quy chế điều hành hoạt động hành chính tại các cửa khẩu biên giới đất liền và phối hợp với Tổng cục Du lịch trong công tác quản lý khách nước ngoài xuất, nhập cảnh vào tham quan, du lịch Việt Nam, v.v.

Những cải cách thủ tục hành chính quan trọng nêu trên đã tạo bước tiến mới thực sự trong hoạt động xuất, nhập cảnh với quy trình đơn giản, ứng dụng phần mềm dễ sử dụng với các tính năng thuận tiện. Việc khai báo thủ tục biên phòng điện tử cảng biển thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xếp, dỡ hàng hóa tại cảng biển, nhận được đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, các đại lý hàng hải trong và ngoài nước. Vì vậy, đã thu hút ngày càng nhiều hãng tàu, khách du lịch trên thế giới đến cảng biển Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác hiệu quả năng lực cảng biển, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ về công tác kiểm soát an ninh đối với người và phương tiện xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu, cảng biển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, cũng nảy sinh những khó khăn, phức tạp mới, như: biên chế, tổ chức của lực lượng cửa khẩu cả ở cơ quan Bộ Tư lệnh và Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố còn thiếu; kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, hệ thống cửa khẩu, cảng biển, khu kinh tế cửa khẩu ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như quy mô, lưu lượng người và phương tiện xuất, nhập cảnh ngày càng lớn, đa dạng về quốc tịch. Các loại tội phạm mới xuất hiện ngày càng nhiều, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển. Trong bối cảnh đó, để tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa thủ tục xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu, cảng biển, Bộ đội Biên phòng cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện Nghị quyết 84-NQ/ĐU của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về “Nâng cao năng lực công tác cửa khẩu của Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới”.

Hai là, chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ và Bộ Quốc phòng những vấn đề có liên quan đến công tác cửa khẩu nói chung và công tác kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh nói riêng; rà soát, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh, đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian làm thủ tục và nâng cao độ chính xác trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh, đảm bảo vừa chặt chẽ về an ninh, vừa tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho lưu thông biên giới.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch cơ bản, lâu dài hệ thống đồn, trạm cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu và xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và tăng cường quốc phòng, an ninh.

Năm là, phát huy có hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của Cục Cửa khẩu trong tham mưu, đề xuất và chỉ đạo, hướng dẫn tiến hành công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu, cảng biển.

Sáu là, xây dựng lực lượng chuyên trách làm công tác cửa khẩu trong Bộ đội Biên phòng có số lượng hợp lý, được tổ chức, biên chế phù hợp; có bản lĩnh chính trị vững vàng; kiến thức toàn diện về nghiệp vụ, công nghệ thông tin, ngoại ngữ,… rèn luyện phẩm chất đạo đức, văn hóa ứng xử (văn minh, lịch sự, thông thoáng, nghĩa tình); tính chuyên nghiệp ngày càng cao; trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại; phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Thiếu tướng LÊ THANH TÙNG, Cục trưởng Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh Biên phòng
________________

1 - Hiện nay, Bộ đội Biên phòng quản lý 155 cửa khẩu đường bộ, đường sắt và cảng biển trên toàn quốc. Trong đó, tuyến biên giới đất liền có 125 cửa khẩu (24 cửa khẩu quốc tế, 25 cửa khẩu chính và 70 cửa khẩu phụ) và 78 lối mở biên giới; tuyến biển có 33 đơn vị Bộ đội Biên phòng quản lý 189 cảng, cầu cảng, bến neo đậu, khu vực chuyển tải.

2 - Triển khai trung tâm xử lý dữ liệu tại các cửa khẩu quốc tế; xây dựng các đường truyền dữ liệu tốc độ cao; triển khai hộp thư điện tử đến từng đơn vị cửa khẩu; trang bị hàng nghìn thiết bị gồm hệ thống đầu đọc và kiểm tra hộ chiếu; đầu đọc hộ chiếu; đầu đọc thẻ từ, công nghệ mã vạch; cổng từ; máy in thẻ từ; bộ phương tiện kiểm soát phát hiện chất ma túy, phóng xạ; phương tiện tuần tra, kiểm soát, thông tin liên lạc.

3 - Đến nay, 07 đơn vị biên phòng cửa khẩu cảng biển tham gia kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia đã tiếp nhận và xử lý xác báo hoàn thành thủ tục cho 25.372 hồ sơ (trong đó xác báo đồng ý 25.372 yêu cầu chỉnh sửa hồ sơ, không có hồ sơ nào phải từ chối xác báo); với tổng số 25.372 luợt phương tiện, 478.231 thuyền viên, 38.553 hành khách.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.