Thứ Sáu, 13/09/2024, 15:45 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Ý thức rõ “Mở cửa phải đi đôi với gác cửa”, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị triển khai quyết liệt, đồng bộ biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý cửa khẩu, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và chủ quyền, an ninh biên giới.
Bộ đội Biên phòng Quảng Trị được giao nhiệm vụ quản lý tuyến biên giới đất liền dài 179,6 km, tiếp giáp với nước bạn Lào và tuyến biên giới biển; trong đó, có 02 cửa khẩu quốc tế, 04 cửa khẩu phụ và 01 cửa khẩu cảng biển. Đây là những địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại. Đặc biệt, cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo nằm trên quốc lộ 9, trục đường xuyên Á nối liền giữa Việt Nam với các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Cửa khẩu Quốc tế La Lay nằm trên quốc lộ 15D nối với các tỉnh miền Trung của Lào và Đông Bắc Thái Lan, là cửa ngõ giao thông, giao thương, kết nối với các nước tiểu vùng sông Mê Công để mở rộng và hội nhập kinh tế quốc tế. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây, hệ thống các cửa khẩu, nhất là 02 cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và La Lay đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng và từng bước hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác kiểm soát xuất nhập cảnh. Thực hiện Hiệp định GMS1, từ ngày 06-02-2015, tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Đen-sa-van (Lào) đã chính thức triển khai kiểm tra, kiểm soát theo mô hình “một cửa, một lần dừng”, tạo bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý cửa khẩu.
Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tặng hoa cho hai vị khách đầu tiên nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực điện tử, ngày 09-02-2017. (Ảnh: bienphong.com.vn)
Bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý cửa khẩu của Bộ đội Biên phòng Tỉnh gặp không ít khó khăn do lưu lượng người, phương tiện quá cảnh, hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới, cửa khẩu hằng ngày rất lớn. Cửa khẩu cũng là nơi các thế lực thù địch lợi dụng qua lại công khai để hoạt động chống phá, đưa tài liệu phản động, móc nối với các đối tượng trong nước; các loại tội phạm ma túy, mua bán người, vật liệu nổ, buôn lậu,… hoạt động xâm nhập, vượt biên với những thủ đoạn tinh vi. Trong khi đó, nhận thức của một số cán bộ, nhân viên ở các đồn biên phòng cửa khẩu về nhiệm vụ quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh chưa đầy đủ, cá biệt còn có nhận thức cho rằng kiểm tra, kiểm soát, giám sát biên phòng là công việc hành chính đơn thuần tại cửa khẩu. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin của cán bộ, nhân viên làm việc tại cửa khẩu có mặt còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ. Việc nắm, xử lý tình hình vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh có thời điểm chưa kịp thời, còn nặng về xử lý vi phạm hành chính, chưa chú trọng công tác nắm tình hình, điều tra, khám phá, xử lý hoạt động vi phạm pháp luật và xây dựng mạng lưới mật. Công tác phối hợp của Bộ đội Biên phòng với các lực lượng tại cửa khẩu trong quản lý, xử lý một số vụ việc còn thiếu đồng bộ, chất lượng, hiệu quả công tác chưa cao, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp trong quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh.
Để Đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, cùng với đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ trên toàn tuyến biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý cửa khẩu. Trên cơ sở Nghị quyết 84-NQ/ĐU của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cửa khẩu của Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới”, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã xây dựng Nghị quyết 03-NQ/ĐU về “Nâng cao chất lượng công tác quản lý cửa khẩu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị trong tình hình mới”; chỉ đạo các đơn vị, đồn cửa khẩu xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy, người chỉ huy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn; trong đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, phương pháp tiến hành, nâng cao chất lượng công tác quản lý cửa khẩu, cảng biển để tổ chức thực hiện. Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tuyên tuyền, phổ biến về công tác cửa khẩu cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu. Trọng tâm là, quán triệt làm rõ vị trí quan trọng của công tác quản lý cửa khẩu, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh; Luật Cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định 136/2007/NĐ-CP quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; Nghị định 50/2008/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển,... để cán bộ, chiến sĩ nắm vững, thực hiện có hiệu quả. Bằng các biện pháp phù hợp, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tỉnh đều nhận thức rõ quản lý cửa khẩu là nội dung quan trọng của công tác biên phòng, trực tiếp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, thúc đẩy quan hệ đối ngoại, xây dựng đường biên giới hữu nghị, hợp tác, phát triển. Đồng thời, nắm vững quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo, phương pháp tiến hành,… tạo chuyển biến về tư tưởng, hành động trong thực hiện nhiệm vụ.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý cửa khẩu trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các cửa khẩu, cảng biển đủ số lượng, chất lượng cao, xem đây là khâu then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu. Trên cơ sở nghị quyết, chủ trương, sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tỉnh thường xuyên kiện toàn tổ chức, biên chế các đồn, trạm biên phòng cửa khẩu; trong đó, coi trọng lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ, nhân viên có năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất, đạo đức tốt làm nhiệm vụ tại các đơn vị cửa khẩu trọng điểm. Đáng chú ý là, thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tích cực nghiên cứu, đề xuất với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hoàn thiện tổ chức biên chế đối với Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, cửa khẩu Quốc tế La Lay, cảng Cửa Việt và các trạm kiểm soát cửa khẩu phụ theo hướng cơ bản, phù hợp, lâu dài; thực hiện chức nghiệp hóa nhân viên trinh sát tại các cửa khẩu quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác nắm, xử lý tình hình trong và ngoài biên giới, cửa khẩu. Cùng với đó, để nâng cao trình độ, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác cửa khẩu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chỉ đạo duy trì nền nếp chế độ công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng đi sâu vào những mặt còn hạn chế, vấn đề khó, mới nảy sinh, như: hướng dẫn việc kiểm tra, kiểm soát khi thực hiện mô hình “một cửa, một lần dừng”; tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát hộ chiếu, giấy tờ chuyên sâu, nguyên tắc, quy trình thủ tục về công tác xuất nhập cảnh, tác phong, lề lối trong ứng xử, làm việc. Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, khai thác trang bị, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cửa khẩu, v.v. Để đạt hiệu quả cao, Bộ đội Biên phòng Tỉnh còn thực hiện luân chuyển cán bộ, nhân viên ở các đơn vị cửa khẩu, đảm bảo khách quan, dân chủ, qua đó trực tiếp bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tế cho cán bộ, chiến sĩ. Đến nay, 100% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp làm việc tại các cửa khẩu của Tỉnh được đào tạo đúng chuyên ngành, sử dụng thành thạo các loại khí tài, phương tiện hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh; trong đó, tỷ lệ biết ngoại ngữ trên 40% (chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Lào).
Công tác quản lý cửa khẩu liên quan đến nhiều thành phần lực lượng. Vì vậy, để tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và cửa khẩu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động phối hợp với Cục Hải quan, Phòng PA72 - Công an Tỉnh và các đồn biên phòng cửa khẩu đối diện của Bạn xây dựng Kế hoạch phối hợp hoạt động; thường xuyên rà soát, điều chỉnh nội dung, chương trình, kế hoạch thực hiện công tác quản lý cửa khẩu cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng; duy trì nền nếp chế độ giao ban định kỳ, sơ kết, tổng kết, trao đổi rút kinh nghiệm giữa các lực lượng làm việc tại cửa khẩu, tránh sơ hở, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, khi các văn bản liên quan đến hoạt động của Bộ đội Biên phòng thực hiện mô hình kiểm tra, kiểm soát “một cửa, một lần dừng” chưa đồng bộ, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chỉ đạo Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo xây dựng và thực hiện tốt Quy chế phối hợp với Đồn Công an Đen-sa-van (Lào), nâng cao hiệu quả mô hình kiểm tra, kiểm soát này.
Cùng với các nội dung, biện pháp trên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát biên phòng tại các cửa khẩu, bảo đảm đúng quy trình, quy định; gắn công tác quản lý cửa khẩu với các công tác, nghiệp vụ biên phòng khác, nhất là về phòng chống tội phạm, đối ngoại biên phòng…; duy trì nghiêm chế độ thông tin, báo cáo công tác cửa khẩu. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ chính trị nội bộ, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong công tác quản lý, kiểm soát tại cửa khẩu, xử lý nghiêm những cán bộ, nhân viên vi phạm kỷ luật, pháp luật, đưa công tác quản lý kiểm soát cửa khẩu vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và hội nhập quốc tế.
Bằng các biện pháp tích cực, đồng bộ, chất lượng công tác quản lý cửa khẩu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị được nâng lên rõ rệt, bảo đảm thuận tiện, thông thoáng, chặt chẽ trong kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh. Thông qua kiểm soát xuất nhập cảnh, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã phát hiện, xử lý hàng trăm vụ việc vi phạm liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, như: đối tượng lưu vong xâm nhập về nước phá hoại, đối tượng phạm tội có lệnh truy nã, đối tượng thuộc diện chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tổ chức đưa người trái phép ra nước ngoài, v.v. Đáng chú ý là, năm 2016 và 06 tháng đầu năm 2017, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện và xử lý vi phạm thể lệ xuất nhập cảnh 341 trường hợp; cấm xuất cảnh 58 trường hợp; truy nã 02 đối tượng; phát hiện, xử lý 39 vụ (47 đối tượng) vận chuyển pháo nổ; 03 vụ (03 đối tượng) vận chuyển đồ chơi nguy hiểm; 104 vụ buôn lậu; 40 vụ (71 đối tượng) vận chuyển chất ma túy; thu giữ: 16.733 viên ma túy tổng hợp, 14,01kg cần sa, 7,5g ma túy tổng hợp, 4,7g ma túy đá,… góp phần đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh biên giới.
Công tác quản lý cửa khẩu là một trong những chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Bộ đội Biên phòng, góp phần đảm bảo an ninh biên giới, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục và nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức qua lại biên giới, cửa khẩu. Phát huy kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, thực hiện tốt công tác quan trọng này, khai thác thế mạnh, tiềm năng lợi thế vùng biên giới, cảng biển, ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Đại tá, TS. HOÀNG HỮU CHIẾN, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Tỉnh
____________
1 - Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa và người qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, gồm 06 nước: Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Bộ đội Biên phòng,tỉnh Quảng Trị,quản lý cửa khẩu
Sư đoàn 312 tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 12/09/2024
Sư đoàn 4 xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 26/08/2024
Lữ đoàn Thông tin 134 huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao 22/08/2024
Lữ đoàn Đặc công 198 phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 15/08/2024
“Ba nhất” ở Lữ đoàn Công binh 513 15/08/2024
Sư đoàn Phòng không 365 thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời 12/08/2024
Huyện Cần Giờ tăng cường giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ 25/07/2024
Quận Nam Từ Liêm đẩy mạnh thực hiện công tác quân sự, quốc phòng 22/07/2024
Sư đoàn bộ binh 9 tập trung đẩy mạnh công tác huấn luyện chiến đấu 18/07/2024
Lữ đoàn Pháo binh 382 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 15/07/2024
“Ba nhất” ở Lữ đoàn Công binh 513
Lữ đoàn Đặc công 198 phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu
Lữ đoàn Thông tin 134 huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao
Sư đoàn 4 xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”
Sư đoàn 312 tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu