Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 19/03/2020, 13:40 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới

Quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững an ninh địa bàn khu vực biên giới là nhiệm vụ thiêng liêng có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, chủ trì phối hợp với các lực lượng thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, nhằm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới trên phạm vi địa bàn Tỉnh đảm nhiệm1. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới luôn ổn định; nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân ngày càng được củng cố, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo,... chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hình thành các “điểm nóng” trên địa bàn khu vực biên giới.

Để có được kết quả đó, trước hết, Bộ đội Biên phòng Tỉnh thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; coi đây là nội dung quan trọng hàng đầu để chỉ đạo thực hiện. Nội dung quán triệt tập trung chủ yếu vào “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”, “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Luật Biên giới quốc gia, các nghị định của Chính phủ về biên giới, nội dung thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, v.v. Cùng với việc quán triệt các văn bản của trên, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác nắm tình hình khu vực biên giới, nâng cao chất lượng dự báo tình hình nội biên, ngoại biên và tình hình trên biển làm cơ sở tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phù hợp đặc điểm địa bàn. Điển hình như: Nghị quyết của Tỉnh ủy “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Tỉnh “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”,… và các văn bản về tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân phù hợp với đặc điểm địa bàn. Đặc biệt, ngay sau khi Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia được ban hành, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động 54-Ctr/TU, ngày 31-5-2019 về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị và xây dựng Kế hoạch 248/KH-UBND, ngày 27-9-2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện Chương trình này. Qua đó, tạo hành lang pháp lý để Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai toàn diện các mặt công tác biên phòng, chủ động đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm quy chế biên giới, hoạt động truyền đạo trái pháp luật, tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, vật liệu nổ, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán người2,… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa bàn khu vực biên giới của Tỉnh, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia và vùng biển Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Văn Hiền - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế
trao tặng quà cho gia đình giáo dân nghèo trên biên giới.

Hai là, tích cực tham gia xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, làm nền tảng vững chắc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Bằng nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phong phú, đa dạng, Bộ đội Biên Phòng Tỉnh đã kết hợp tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung với thành lập các tổ, đội công tác, trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền vận động; duy trì nền nếp các chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài truyền hình địa phương, Trung ương gắn với hệ thống pa-nô, áp phích tại các đường liên thôn, ngõ xóm và trang bị tủ sách pháp luật trên tàu đánh bắt cá xa bờ, v.v. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, ngành và nhân dân về biên giới lãnh thổ và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, thực hiện “mỗi người dân là một cột mốc sống” bảo vệ biên giới. Song song với đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tổ chức lựa chọn và cử 13 cán bộ các đồn Biên phòng về tăng cường cho các xã biên giới, giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy. Năm 2019, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã phân công 286 đảng viên phụ trách 1.268 hộ gia đình, 100% các chi bộ xã biên giới đều có đảng viên thuộc các đồn, trạm biên phòng tham gia sinh hoạt. Nhờ đó, chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ngày một nâng lên, dân chủ cơ sở được phát huy, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương được củng cố, tăng cường.

Trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh phát huy hiệu quả các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh ở các xã biên giới, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: khu kinh tế, đô thị Chân Mây - Lăng Cô, khu kinh tế Cửa Khẩu A Đớt, nâng cấp mở rộng thị trấn Thuận An, đường tuần tra biên giới Việt - Lào, đường quốc phòng ven biển, v.v. Đồng thời, tích cực chỉ đạo các đơn vị Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế - xã hội tiêu biểu: “Điểm sáng xã Nhâm”, “Chuyển đổi thâm canh lúa nước”, “Tổ tàu, thuyền đoàn kết trên biển”, “Kênh thông tin liên lạc giữa các tàu cá đánh bắt xa bờ với đài canh đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An và Hải đội 2”,… giúp địa phương khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh còn phát huy hiệu quả hoạt động của các trạm xá quân - dân y trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và các phong trào, cuộc vận động: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Nâng bước em tới trường”, “Ngày về thôn bản”, “Ngôi nhà xanh - Tiếp sức đến trường”,… góp phần tăng cường mối đoàn kết gắn bó máu thịt giữa Bộ đội Biên phòng với nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên khu vực biên giới.

Ba là, xây dựng Bộ đội Biên phòng Tỉnh vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng. Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên và bám trụ đến cùng. Thấu triệt quan điểm đó, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã ban hành Nghị quyết 1088-NQ/ĐU, ngày 24-9-2019 về lãnh đạo “xây dựng đội ngũ cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; đồng thời, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quyết định 2222/QĐ-BTL, ngày 01-6-2019 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về “Quy định tổ chức biên chế, quân số Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế”. Hằng năm, ngoài việc tổ chức giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật, huấn luyện: quân sự, nghiệp vụ, hậu cần, kỹ thuật,... đúng theo chương trình quy định, sát với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với từng đối tượng, Bộ Chỉ huy còn phối hợp với các trung tâm mở các lớp học tiếng dân tộc, ngoại ngữ cho đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Hệ thống văn kiện tác chiến được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, sát thực tế; chế độ luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu: bảo vệ đồn, trạm; phòng, chống cháy nổ; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn được duy trì chặt chẽ. Nhờ vậy, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, công tác của Bộ đội Biên phòng Tỉnh không ngừng được nâng cao, chủ động nắm chắc tình hình, xử lý, kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra.

Hội đàm thường niên lần thứ XIII giữa Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế  với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sa La Van (Lào).

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh còn tổ chức duy trì tốt hoạt động đối ngoại biên phòng, chủ động phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự và Ty An ninh 02 tỉnh Sa-la-van và Sê Kông (Lào) thực hiện nghiêm Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào, trực tiếp là thực thi hiệu quả nội dung các biên bản hội đàm thường niên về công tác quản lý, bảo vệ biên giới và công tác đảm bảo an ninh; đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và tội phạm trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Trong 10 năm (2009 - 2019), lực lượng bảo vệ biên giới hai bên đã phối hợp tổ chức tuần tra song phương được 159 lần, có 3.816 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; xử lý hiệu quả hàng nghìn vụ vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế biên giới,... giữ vững tính nguyên trạng của hệ thống đường biên giới, mốc quốc giới, phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các hoạt động xâm nhập, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng biên giới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đại tá NGUYỄN VĂN HIỀN, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
________________       

1 - Tuyến biên giới trên bộ dài hơn 89 km thuộc 12 xã (huyện A Lưới) giáp hai tỉnh Sê Kông, Sa-la-van của Lào và tuyến biên giới trên biển dài 126 km thuộc 21 xã, thị trấn của 05 huyện, thị xã ven biển.

2 - Năm 2019, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã xây dựng và triển khai 15 kế hoạch chuyên ngành về phòng, chống ma túy và tội phạm; 02 kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ. Trong 5 năm (2014 - 2019) Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, tiến hành xua đuổi 63 lượt tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.