Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 23/11/2012, 14:16 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc Mông khu vực biên giới.

Xác định rõ công tác vận động quần chúng là một biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, thời gian qua, lãnh đạo, chỉ huy các cấp của Bộ đội Biên phòng đã tiến hành nhiều biện pháp vận động quần chúng, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Mông khu vực biên giới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

alt
Cán bộ, chiến sĩ  Đồn Biên phòng 449 (Sơn La)  làm công tác vận động quần chúng ở cơ sở.(Nguồn: baosonla.org.vn)
 

Khu vực biên giới nước ta có 49 dân tộc cư trú đan xen, trong đó có đồng bào dân tộc Mông, tập trung ở 36 huyện, 144 xã, 897 thôn (bản) của 10 tỉnh, chủ yếu là các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An và một số ít ở Đắk Nông và Đắk Lắk. Những năm qua, Đảng và Nhà nư­ớc ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, trong đó có đồng bào dân tộc Mông. Tuy nhiên, do tập quán cư trú quây quần theo dòng họ, sống du canh, du cư, nên đồng bào dân tộc Mông thường ở những vùng núi cao, nơi có nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược "Diễn biến hòa bình", triệt để lợi dụng những khó khăn, thiếu thốn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và nhận thức còn hạn chế của đồng bào dân tộc Mông để lôi kéo, kích động “xưng vua”, “đón vua”, hòng thành lập cái gọi là “nhà nước Mông”, điển hình là việc tụ tập đông ng­ười gây rối từ 30-4 đến 07-5-2011 ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Vụ việc trên đã được các cấp giải quyết kịp thời, song nó đã tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất, gây tâm lý tiêu cực trong nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Mông.

Nhằm tạo sự ổn định mọi mặt trong vùng đồng bào dân tộc Mông, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp vận động đồng bào dân tộc Mông khu vực biên giới.

Trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai kế hoạch nhằm giữ vững tình hình khu vực biên giới. Ngay sau khi vụ việc ở Mường Nhé được giải quyết, ngày 11-7-2011, Bộ Tư­ lệnh BĐBP có Kế hoạch số 1239/KH-BTLBP về đấu tranh phòng, chống việc lợi dụng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên. Cục Chính trị đã xây dựng Kế hoạch số 699/KH-CCT về công tác vận động quần chúng (VĐQC) trong vùng đồng bào dân tộc Mông khu vực biên giới các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên trong tình hình mới. Đồng thời, tổ chức 3 hội nghị quán triệt ở các tỉnh: Điện Biên, Hà Giang và Thanh Hóa cho các đồng chí là phó chính ủy, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm chính trị, trưởng ban, đội trưởng, trợ lý VĐQC và cán bộ tăng cường xã của 10 tỉnh có đồng bào Mông. Các hội nghị đi sâu kiểm điểm những hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, trao đổi kinh nghiệm; xác định những chủ trương, biện pháp triển khai công tác tuyên truyền, VĐQC, đấu tranh phòng, chống việc lợi dụng đồng bào Mông ở khu vực biên giới. Để có tài liệu cho các đơn vị tuyên truyền, Cục Chính trị đã biên soạn, in 3.000 cuốn tài liệu và gần 2.000 đĩa DVD phim khoa giáo “Ng­ười Mông không còn nghe theo kẻ xấu” bằng tiếng Mông, có phụ đề tiếng Việt; đồng thời, cử hàng chục lượt cán bộ trực tiếp về địa bàn phối hợp với các đơn vị, địa phương và các lực lượng để nắm tình hình, tuyên truyền vận động nhân dân không nghe theo kẻ xấu, di cư tự do, không tham gia các tổ chức phản động, vận động trẻ em đến trường, tiếp tục ổn định mọi mặt đời sống, phát triển sản xuất.

Cùng với đó, đảng uỷ, bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh đã chủ động tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch tăng cường công tác VĐQC vùng đồng bào dân tộc Mông, triển khai xuống các đơn vị cơ sở; tăng cường lực lượng cho các địa bàn trọng điểm; tập trung chỉ đạo nắm và quản lý chặt chẽ tình hình địa bàn, kiên quyết đấu tranh và xử lý các đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng và Nhà nư­ớc. Từng đơn vị đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, VĐQC và tham mư­u, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng, củng cố phong trào toàn dân tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở thôn (bản). BĐBP tỉnh Điện Biên bố trí hàng chục sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cùng với các lực lư­ợng của Tỉnh tổ chức thành 43 tổ công tác, trực tiếp cắm ở các bản trọng điểm của 7 xã biên giới huyện Mường Nhé để tuyên truyền vận động nhân dân. BĐBP Hà Giang phối hợp chặt chẽ với BĐBP các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và các l­ực lượng khác để nắm và quản lý chặt chẽ tình hình đồng bào Mông ở Hà Giang di c­ư tự do vào địa bàn Tây Nguyên. Các đồn biên phòng đã xây dựng nghị quyết chuyên đề và kế hoạch công tác VĐQC vùng đồng bào dân tộc Mông; đồng thời, tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, triển khai kế hoạch tăng cường công tác VĐQC trên địa bàn. Tổ chức khảo sát lại toàn diện tình hình địa bàn vùng đồng bào dân tộc Mông, rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ VĐQC, cán bộ tăng cường xã; bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ là ngư­ời dân tộc Mông đưa về phụ trách các địa bàn có đồng bào dân tộc Mông.

Thứ hai, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông chấp hành tốt các chủ trư­ơng, chính sách của Đảng, Nhà nư­ớc và của địa phư­ơng; nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Bằng nhiều hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, BĐBP các tỉnh đã phối hợp cùng các ngành, các lực l­ượng tổ chức tuyên truyền đ­ược 5.868 buổi cho 278.634 l­ượt quần chúng nhân dân về đ­ường lối, chủ tr­ương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nư­ớc, nhất là chính sách dân tộc và tôn giáo. Đã tổ chức tuyên truyền cá biệt cho 106 đối t­ượng có liên quan đến hoạt động tuyên truyền thành lập cái gọi là “nhà nước Mông” và tham gia kích động, lôi kéo quần chúng ở khu vực biên giới. Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, các đơn vị đã triển khai có hiệu quả 16 dự án kinh tế, xã hội1, trị giá 285 tỷ đồng. Phối hợp với các lực lượng vận động 9.139 trẻ em trong độ tuổi và học sinh bỏ học đến trư­ờng, tặng quà và dụng cụ học tập trị giá 414 triệu đồng; tổ chức 500 buổi giao lư­u văn hóa, văn nghệ, 117 buổi chiếu phim; khám và điều trị cho 21.881 người, cấp thuốc miễn phí trị giá 285,2 triệu đồng. Trong dịp Tết cổ truyền của đồng bào Mông và Tết nguyên đán Nhâm Thìn 2012, các đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thăm hỏi, tặng quà các đối tư­ợng chính sách và hộ nghèo trị giá 2,5 tỷ đồng. Cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đã trích quỹ tăng gia tặng 1.624 xuất quà, 8 tấn gạo, trị giá 485,5 triệu đồng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo ở địa bàn. Nhờ đó, đồng bào yên tâm cư trú, tích cực ổn định đời sống, sản xuất và xây dựng kinh tế.

Thứ ba, chủ động tham m­ưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Các đồn biên phòng đã tích cực tham mư­u cho cấp uỷ, chính quyền địa phư­ơng rà soát, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở các xã biên giới, nhất là ở địa bàn trọng điểm về tôn giáo, các xã, bản mới thành lập, địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc Mông cư trú hoặc những điểm đồng bào mới di cư, dịch c­ư đến. Trong đó, tập trung vào việc bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới để thành lập chi bộ, đảng bộ; củng cố, xây dựng các tổ chức đoàn thể, rà soát kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ trì, cán bộ ban, ngành, đoàn thể, nhất là cán bộ trưởng bản, công an, dân quân bản.  BĐBP các tỉnh còn tiến hành rà soát, bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ biên phòng tăng c­ường xã, bản. Đội ngũ cán bộ này phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực VĐQC tốt, đáp ứng yêu cầu làm tham mư­u giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả, BĐBP các tỉnh đã phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp được 123 đảng viên là ng­ười dân tộc Mông, xóa tình trạng “trắng” đảng viên ở 71 bản; tham m­ưu củng cố, kiện toàn 87 chi bộ, đảng bộ, 118 bản có đồng bào dân tộc Mông; đề xuất thay đổi, bổ sung 324 cán bộ trưởng, phó bản. Điển hình là BĐBP tỉnh Thanh Hoá đã tham mưu cho địa phương kết nạp 60 đảng viên người Mông, xoá tình trạng không có đảng viên ở 34 bản, củng cố 28 chi bộ bản ngư­ời Mông, rà soát kiện toàn đội ngũ cán bộ 18 thôn, bản; tăng cường 27 cán bộ cho các xã, bản phức tạp về an ninh trật tự. BĐBP tỉnh Điện Biên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã và huyện Mư­ờng Nhé khảo sát vị trí bố trí quy hoạch, giãn dân tại 11 điểm nhóm dân cư­. BĐBP tỉnh Hà Giang tiến hành rà soát, bổ sung kiện toàn 34 cán bộ biên phòng tăng c­ường cho các xã, giới thiệu 142 đảng viên các đồn biên phòng về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản trọng điểm; tham mưu cho địa phương kiện toàn, củng cố 19 chi bộ, đề xuất bổ sung, thay thế 35 trưởng, phó bản. BĐBP tỉnh Lào Cai tham mưu giúp địa phư­ơng kết nạp 39 đảng viên mới, xóa tình trạng “trắng” đảng viên ở 18 thôn, bản; củng cố 24 ban, ngành, đoàn thể; đề xuất bổ sung thay thế 26 trưởng, phó bản. BĐBP tỉnh Sơn La tham mư­u cho địa phương củng cố 120 trưởng, phó bản và tham mưu kết nạp 6 đảng viên mới... Những việc làm trên đã góp phần tăng cường, củng cố sức mạnh của hệ thống chính trị các địa phương.

Thứ tư, tổ chức tốt phong trào quần chúng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu vực biên giới. Các đơn vị BĐBP đã tham gia củng cố, kiện toàn 2.765 tổ tự quản về an ninh trật tự, huy động 14.429 lượt dân quân phối hợp với BĐBP tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự địa bàn; vận động 881 hộ /4.312 khẩu đồng bào dân tộc Mông không di c­ư tự do, trở về quê cũ, ngăn chặn 43 vụ/199 đối tượng tuyên truyền đạo trái pháp luật; tham mư­u cho chính quyền địa phương xử lý, giải quyết 338 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân. Nhằm phát huy vai trò của các già làng, trưởng dòng họ trong việc tuyên truyền, VĐQC, các đơn vị đã tham mưu cho địa phương phát hiện 683 già làng, trưởng thôn (bản), ngư­ời có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức gặp gỡ, động viên, bồi dưỡng nhận thức để các già làng, người có uy tín nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch. Từ đó, họ tích cực vận động con em, dòng họ, thôn bản mình cảnh giác, đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, giữ gìn an ninh chính trị, xây dựng cuộc sống văn hoá, giữ vững và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, vận động nhân dân xây dựng nếp sống mới và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. BĐBP tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Hà Giang đã tổ chức tốt hội nghị gặp mặt biểu dương các đại biểu già làng, trưởng bản và ng­ười có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới; tham mư­u cho địa ph­ương bảo tồn, duy trì các lễ hội văn hoá truyền thống của đồng bào Mông; đưa 94 già làng, trưởng bản, ng­ười có uy tín tiêu biểu ở khu vực biên giới Điện Biên, Hà Giang về thăm Hà Nội, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nư­ớc, thăm Bộ Tư­ lệnh BĐBP, tạo được nhiều tình cảm tốt đẹp trong đồng bào dân tộc Mông.

Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định rằng, các giải pháp công tác VĐQC của BĐBP đối với đồng bào dân tộc Mông đã trực tiếp nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà n­ước; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, giải quyết một phần khó khăn trước mắt về kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc Mông, ổn định tình hình chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Đại tá VŨ THANH SƠN

Phó trưởng phòng Vận động quần chúng

Cục Chính trị - BTL Bộ đội Biên phòng

                  

1 - 16 dự án gồm: 3 dự án cấp nư­ớc sạch, 2 dự án cấp điện cụm dân cư và đồn biên phòng, 4 dự án đư­ờng giao thông, 5 dự án sắp xếp ổn định dân cư­, 1 dự án thủy lợi và 1 dự án trồng rừng.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.