Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 23/07/2012, 17:02 (GMT+7)
Ba bài học kinh nghiệm trong huấn luyện của Lữ đoàn 957

 

Để nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) Lữ đoàn 957 (Vùng 4 Hải quân) xác định vấn đề quan trọng hàng đầu là phải thực hiện tốt công tác huấn luyện. Tuy nhiên, do phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, quân số đông, biên chế, tổ chức bao gồm nhiều binh chủng, nên nội dung huấn luyện của Lữ đoàn rất đa dạng và phức tạp. Mặt khác, do phải đóng quân phân tán và hầu hết các vị trí đóng quân lại nằm ở vùng sâu, vùng xa nên việc bảo đảm điện, nước sinh hoạt, việc tổ chức huấn luyện tập trung và bảo đảm các mặt cho công tác huấn luyện gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, cường độ lao động và huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn rất lớn. Trong khi đó, khu vực đóng quân của Lữ đoàn chưa được xếp vào khu vực được hưởng chế độ ưu đãi, nên ít nhiều tác động đến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ được giao.

Do vậy, cả trước và trong suốt quá trình huấn luyện, Lữ đoàn luôn coi trọng làm tốt công tác tư tưởng cho bộ đội. Công tác này gắn với mọi hoạt động huấn luyện, được tiến hành ở mọi cấp, từ lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn đến chỉ huy từng khẩu đội, tiểu đội, kíp xe. Nội dung của công tác tư tưởng trong huấn luyện tập trung vào việc giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác huấn luyện; đồng thời, đấu tranh kiên quyết với biểu hiện đối phó, cắt xén nội dung, ngân sách bảo đảm huấn luyện, dồn ép, rút ngắn thời gian huấn luyện để làm việc khác. Một nội dung không kém phần quan trọng của công tác tư tưởng trong huấn luyện là xây dựng ý thức tự giác, tự lực, tự cường cho cán bộ, chiến sĩ. Cách làm của Lữ đoàn là, chỉ rõ những khó khăn trong công tác huấn luyện đối với Lữ đoàn là khách quan, song cũng nêu lên những tập thể, đơn vị thường xuyên thực hiện tốt công tác huấn luyện; qua đó, giáo dục cho toàn đơn vị thấy sự nỗ lực của bộ đội, nhất là vai trò của người chỉ huy trong việc chủ động khắc phục khó khăn. Không làm bộ đội nản lòng, khó khăn càng nhiều, thậm chí càng là động lực để cán bộ, chiến sĩ khẳng định mình; trưởng thành trong khó khăn mới là sự trưởng thành bền vững. Đó là những thông điệp mà đội ngũ cán bộ thường truyền đạt cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, làm cho tinh thần “Quyết tâm huấn luyện như quyết tâm chiến đấu” của lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn thành quyết tâm của mọi quân nhân trong đơn vị.

alt
Chiến sĩ mới của Lữ đoàn 957, Vùng 4 Hải quân (nguồn: SGGP)
 

Để công tác tư tưởng trong huấn luyện đạt hiệu quả thiết thực, một mặt, Lữ đoàn yêu cầu cán bộ huấn luyện chú trọng vào việc làm cho đối tượng huấn luyện hiểu rõ vì sao phải huấn luyện nghiêm túc, phải huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp; mặt khác, chỉ đạo các đơn vị khắc phục kịp thời những biểu hiện ngại khó, ngại khổ và xây dựng ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Bên cạnh đó, Lữ đoàn còn tăng cường hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nhằm mục đích chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, tìm biện pháp để trên - dưới hiểu nhau, tạo đồng thuận trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tránh áp đặt máy móc hoặc mệnh lệnh cứng nhắc. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đã tập trung công sức, trí tuệ cao nhất cho huấn luyện; đồng thời, xác định rõ huấn luyện là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và kết quả huấn luyện là thước đo quan trọng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân và từng đơn vị.

Cùng với coi trọng công tác tư tưởng trong huấn luyện, Lữ đoàn tập trung đổi mới, hoàn thiện công tác chỉ đạo, tổ chức huấn luyện cho phù hợp với đặc điểm của đơn vị. Việc đóng quân phân tán, đi lại khó khăn đã tác động rất lớn đến nhiệm vụ huấn luyện của Lữ đoàn. Nhận thức được điều đó, Lữ đoàn coi việc đổi mới công tác chỉ đạo, tổ chức huấn luyện là biện pháp quan trọng để rèn luyện tác phong công tác của cán bộ các cấp và nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị. Thực hiện biện pháp này, Lữ đoàn xác định khâu đột phá là đổi mới việc lập kế hoạch, quản lý kế hoạch, quản lý nội dung và triển khai kế hoạch. Yêu cầu đặt ra là, kế hoạch huấn luyện ở từng cấp phải bảo đảm đồng bộ, cân đối giữa huấn luyện chung với huấn luyện chuyên ngành, chuyên sâu; giữa huấn luyện tập trung với huấn luyện phân tán; tránh huấn luyện chồng chéo hoặc bỏ sót nội dung, không sát đối tượng huấn luyện. Mặt khác, kế hoạch huấn luyện trong từng chuyên ngành phải hài hòa giữa trí lực và thể lực, giữa kỹ thuật và chiến thuật, bảo đảm xoay vòng huấn luyện hợp lý để tận dụng tối đa vũ khí, khí tài, thao trường, bãi tập, xăng dầu và các loại vật chất tiêu hao khác. Trong một năm, Lữ đoàn thường phải tổ chức huấn luyện cho gần 20 nhóm đối tượng, trong mỗi nhóm đối tượng lại có nhiều đối tượng huấn luyện khác nhau. Vì vậy, trước giai đoạn huấn luyện, chỉ huy Lữ đoàn triệu tập 4 cơ quan và chỉ huy các đơn vị trực thuộc để tập huấn thống nhất triển khai nhiệm vụ huấn luyện, trong đó có việc xây dựng, phê chuẩn kế hoạch theo phân cấp. Yêu cầu đối với cán bộ chỉ huy các cấp là phải triển khai đúng kế hoạch huấn luyện của đơn vị đã được phê chuẩn; đồng thời, phải nắm rõ kế hoạch của cấp trên và đơn vị bạn để tạo sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức triển khai các nội dung huấn luyện cũng như trong việc tổ chức kiểm tra, hội thao, hội thi.

Để chỉ đạo công tác huấn luyện sát đặc điểm đóng quân phân tán của đơn vị, Lữ đoàn thống nhất chủ trương: chỉ huy Lữ đoàn luân phiên đi cơ sở; cán bộ các cấp giảm thời gian tại sở chỉ huy, cơ quan, dành nhiều thời gian cho dưới; phân đội vừa tuần tra, canh gác, vận chuyển hàng hóa vừa huấn luyện. Cán bộ xuống cơ sở cũng phải có kế hoạch, có báo cáo kết quả sau khi xuống cơ sở. Với chủ trương như vậy, lượng thời gian cán bộ bám nắm cơ sở đã tăng 30-40% so với trước, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, phân đội triển khai kế hoạch, kịp thời tháo gỡ những khó khăn nảy sinh. Lữ đoàn còn thành lập các tổ công tác cơ động vào những thời điểm cần thiết để tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ các phân đội đóng quân ở vùng sâu, vùng xa; qua đó, kịp thời quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, hoặc huấn luyện những nội dung trọng tâm. Nhờ đổi mới công tác chỉ đạo, tăng cường rèn luyện cán bộ, đội ngũ cán bộ của cơ quan, đơn vị trong toàn Lữ đoàn đã có sự trưởng thành về trình độ tổ chức, chỉ huy hiệp đồng và hình thành được tác phong tỷ mỷ, sâu sát cơ sở. Nói cách khác, chính việc đổi mới công tác kế hoạch, tổ chức huấn luyện chặt chẽ nhưng cũng rất linh hoạt, sáng tạo, nên Lữ đoàn đã đồng thời giải quyết được cả nhiệm vụ huấn luyện và các nhiệm vụ thường xuyên. Đó là một trong những biện pháp quan trọng để Lữ đoàn chẳng những tiến hành đúng, đủ các nội dung, thời gian, quân số và đối tượng huấn luyện, mà còn từng bước nâng cao chất lượng huấn luyện và trình độ SSCĐ.

Phải huấn luyện nhiều chuyên ngành, nhiều nội dung, song nhận thức được tính chất, yêu cầu nhiệm vụ và để nâng cao chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn luôn kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản, toàn diện với huấn luyện có trọng tâm, trọng điểm, sát đối tượng tác chiến, sát tổ chức, biên chế và sát nhiệm vụ được giao. Lữ đoàn luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo phương châm huấn luyện “Cơ bản - thiết thực - vững chắc”, chú trọng huấn luyện chuyên ngành, đột phá vào huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật; huấn luyện sát nhiệm vụ, sát tình huống chiến đấu; lấy địa bàn thực hiện nhiệm vụ làm thao trường, lấy bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng Lữ đoàn hiện đại làm mục tiêu huấn luyện. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Lữ đoàn tập trung vào cả 3 khâu: huấn luyện cán bộ, huấn luyện cơ bản và huấn luyện hiệp đồng giữa chỉ huy - cơ quan - phân đội. Trong huấn luyện cán bộ, các đối tượng huấn luyện được chia thành nhiều nhóm, bao gồm cả chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, cả bộ binh và binh chủng; cả nhóm cần bồi dưỡng để khắc phục khâu yếu, mặt yếu và nhóm cần nâng cao trình độ tổ chức huấn luyện, chiến đấu. Trong các nhóm đó, số cán bộ là khẩu đội trưởng, kíp trưởng, tiểu đội trưởng và cán bộ trung đội, đại đội là nhóm được quan tâm chỉ đạo, bồi dưỡng bằng hình thức phân cấp. Để việc huấn luyện cán bộ đạt hiệu quả cao, Lữ đoàn yêu cầu cán bộ chủ trì đơn vị chịu trách nhiệm kết quả huấn luyện cán bộ thuộc quyền; đồng thời, lấy kết quả huấn luyện cán bộ của cá nhân làm một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại đảng viên và đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Trong huấn luyện cơ bản, Lữ đoàn thực hiện nghiêm túc quy trình: huấn luyện kỹ thuật trước, chiến thuật sau; huấn luyện ban ngày trước, ban đêm sau; huấn luyện cơ bản trước, ứng dụng sau; từ thuần thục động tác cá nhân đến hiệp đồng phân đội; huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm. Trong huấn luyện hiệp đồng giữa chỉ huy - cơ quan - phân đội, Lữ đoàn tập trung vào huấn luyện chiến thuật phòng ngự, tiến công địch đổ bộ đường không, đường biển, huấn luyện đối kháng, trong đó chú trọng huấn luyện diễn tập chiến thuật có đối kháng theo phương án, trọng tâm là cấp tiểu đoàn, đại đội.

Việc kết hợp giữa huấn luyện cơ bản, toàn diện với huấn luyện chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, trên thực tế đã vừa đảm bảo cho Lữ đoàn huấn luyện các vấn đề chung, tạo được sự thống nhất về ý định tác chiến quy mô Lữ đoàn, vừa đảm bảo cho các đơn vị binh chủng huấn luyện thành thục về chuyên ngành, có thể độc lập tác chiến trong những trường hợp cần thiết, sát đối tượng tác chiến và theo nhiệm vụ được phân công.

Trên đây là ba bài học kinh nghiệm chủ yếu được cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn rút ra từ thực tiễn và đang tiếp tục phát huy để nâng cao trình độ SSCĐ, đảm bảo cho đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN VIẾT HOAN

Lữ đoàn trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.