Chủ Nhật, 24/11/2024, 00:18 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự
Thứ năm, ngày 22-10-2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ ba theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Tại phiên thảo luận đã có 23 đại biểu phát biểu và 7 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu phát biểu thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung cụ thể như sau:
- Về thẩm quyền xử phạt: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật về các chức danh có thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền xử phạt của các chức danh. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thẩm quyền xử phạt của một số chức danh cụ thể và bổ sung một số thẩm quyền cụ thể của một số chức danh.
- Về việc bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước”: Một số ý kiến đại biểu phát biểu đề nghị không nên bổ sung biện pháp cưỡng chế này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đại biểu cho rằng việc quy định biện pháp này là cần thiết nhưng chỉ áp dụng trong một số lĩnh vực cụ thể.
- Về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Các ý kiến đại biểu phát biểu cơ bản tán thành với quy định về đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với một số đối tượng cụ thể. Ngoài ra, về kỹ thuật lập pháp (khoản 1 Ðiều 96) quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy; đồng thời, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong Luật này.
- Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính:
i) Ðối với quy định về việc tạm giữ người (Ðiều 122): Các đại biểu Quốc hội phát biểu cơ bản tán thành với dự thảo Luật, theo đó có 5 trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính quy định tại khoản 1 Ðiều 122, bao gồm 2 trường hợp đã được Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định và 3 trường hợp mới được bổ sung.
ii) Ðối với quy định về việc quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Ðiều 131): Về cơ bản các đại biểu Quốc hội tán thành việc quản lý đối với người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, vì đây cũng là biện pháp đang được áp dụng theo Nghị quyết số 77/2014/QH13 của Quốc hội. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu cho rằng, đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không có nơi cư trú ổn định nên giao cho chính quyền cấp cơ sở quản lý sẽ phù hợp và khả thi hơn; đồng thời, cũng có ý kiến đại biểu tán thành nên giao Công an cấp huyện quản lý.
Sau thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu rất kỹ dự thảo Luật, phát biểu sôi nổi, thẳng thắn và cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung của dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp nghiên cứu thời điểm có hiệu lực của Luật để bảo đảm đủ thời gian Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến Luật sửa đổi này và tổ chức triển khai thi hành Luật. Ðối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Tại phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu; trong đó, về cơ bản ý kiến đại biểu phát biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung như: phạm vi điều chỉnh; khái niệm thỏa thuận quốc tế; về bên ký kết Việt Nam; nguyên tắc ký kết thỏa thuận quốc tế, các lĩnh vực không ký kết thỏa thuận quốc tế và các hành vi bị nghiêm cấm; ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế; cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế; rà soát, đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký; thủ tục ủy quyền thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế… Sau thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là:
- Về phạm vi điều chỉnh và khái niệm thỏa thuận quốc tế: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi điều chỉnh và khái niệm thỏa thuận quốc tế đã được tiếp thu, chỉnh lý như trong dự thảo Luật. Cũng có ý kiến đề nghị nên bổ sung thêm một số cụm từ cho phù hợp hơn với bố cục và nội dung của dự thảo Luật.
- Về bên ký kết Việt Nam: Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký thỏa thuận quốc tế về phía Việt Nam đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã. Từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý như nội dung này được thể hiện trong dự thảo Luật. Ðối với cấp xã chỉ mở rộng đến các xã, đơn vị cấp xã thuộc khu vực biên giới và với những điều kiện, phạm vi nhất định. Cũng có ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng thêm chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế như các bệnh viện, các học viện và trường đại học.
- Về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế: Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu nhất trí quy định về nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế như trong dự thảo Luật nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm một số nội dung cho chặt chẽ hơn.
- Về trình tự, thủ tục rút gọn: Ða số ý kiến đại biểu nhất trí quy định cụ thể về trình tự, thủ tục rút gọn ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức như tại dự thảo luật.
Ngoài ra, có một số ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về một số nội dung khác và kỹ thuật lập pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Ðối ngoại tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào đợt 2 của kỳ họp này.
Thứ sáu, ngày 23-10-2020: Buổi sáng, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và thảo luận trực tuyến về dự án Luật. Buổi chiều, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Nguồn: nhandan.com.vn
Thông cáo báo chí,số 3
Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia 23/11/2024
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái