Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:10 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự
Ngày 06-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tập trung tại Hội trường để thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Đại đa số các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành hai đạo luật nói trên, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVT) vững mạnh toàn diện.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Tính phát biểu ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh do Văn phòng Quốc hội cung cấp).
Quân đội và công an không nhất thiết phải như nhau
Mở đầu phiên họp sáng 06-11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và cử tri đề nghị quy định tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội và công an tương đương nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội lý giải: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) hiện hành quy định độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cơ bản là phù hợp với thực tế và thực hiện ổn định. Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN đã nâng trần quân hàm đối với trung đội trưởng, đại đội trưởng và tiểu đoàn trưởng lên một cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tiết kiệm nguồn nhân lực, theo đó hạn tuổi phục vụ tại ngũ của các sĩ quan đảm nhiệm các chức vụ này đã tăng lên. Đối với sĩ quan QĐNDVN và Công an nhân dân (CAND), tuy cùng lực lượng vũ trang nhưng tính chất hoạt động, yêu cầu nhiệm vụ khác nhau, do đó quy định về hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội và công an không nhất thiết phải như nhau.
Về cấp bậc hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh thành Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định cấp Trung tướng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội lại không đồng ý với việc trần quân hàm cao nhất của Tư lệnh và Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh là Trung tướng. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 7. Nếu đề nghị quân hàm cao nhất là Trung tướng thì lại tương đương với Tư lệnh và Chính ủy Quân khu 7, điều này không phù hợp với quy định là quân hàm cấp trên phải cao hơn quân hàm cấp dưới.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng giải thích, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và bên dưới Bộ tư lệnh có đơn vị cấp sư đoàn. Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị hợp nhất của 3 tổ chức trước đây là Quân khu Thủ đô (đã có trần quân hàm Trung tướng từ lâu), Bộ CHQS thành phố Hà Nội, Bộ CHQS tỉnh Hà Tây, do đó đề nghị quân hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng là hợp lý.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng cho rằng, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh có trần quân hàm Trung tướng là hợp lý vì Công an thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị trực thuộc Bộ Công an chứ không trực thuộc quân khu như quân đội.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng tình với quan điểm của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam (đại biểu quốc hội đoàn Sơn La), cho rằng: “Không nhất thiết quân đội có tổ chức nào có sĩ quan cấp tướng thì công an cũng có tổ chức tương ứng, có sĩ quan cấp tướng và ngược lại. Cần xem lại tính chất nhiệm vụ của hai tổ chức này để có quyết định đúng đắn”.
Quy định vị trí có trần quân hàm Đại tướng là hợp lý
Có ý kiến đề nghị cân nhắc trần quân hàm Đại tướng của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong mối tương quan với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Tổng Tham mưu trưởng vì về mặt nhà nước, Tổng Tham mưu trưởng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN quy định: Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng bằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là kế thừa Luật Sĩ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật Sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của QĐNDVN. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo QĐNDVN, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo luật.
Đại biểu Quốc hội Phùng Khắc Đăng (đoàn Sơn La) phát biểu ý kiến tại Hội trường sáng 6-11. Ảnh do Văn phòng Quốc hội cung cấp
Cần quy định cụ thể chính sách về nhà ở của sĩ quan trong luật
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định chính sách cụ thể về nhà ở đối với sĩ quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN để đảm bảo tính khả thi. Theo đó việc thực hiện quy định sĩ quan “được bảo đảm nhà ở” theo luật hiện hành là khó khả thi, mặc dù những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội và chính quyền các địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện bố trí nhà ở, đất ở cho một số sĩ quan giúp ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Tuy nhiên, chính sách này chủ yếu chỉ áp dụng được đối với số lượng rất nhỏ sĩ quan tập trung ở thành phố, trong khi đa số sĩ quan, nhất là ở đơn vị cơ sở không được hưởng chính sách này đã gây tâm tư trong cán bộ. Mặt khác, Luật Nhà ở và các văn bản pháp luật liên quan đã có quy định mới và mở rộng đối tượng được hưởng chính sách xã hội về nhà ở. Để chính sách về nhà ở đối với sĩ quan được khả thi, bảo đảm sự công bằng xã hội, dự thảo luật quy định: “Sĩ quan được hưởng phụ cấp nhà ở, được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật”. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị điều chỉnh quy định này như sau: “Sĩ quan quân đội được luân chuyển, được điều động đến công tác những địa bàn khó khăn, địa bàn chiến lược quan trọng, tham gia chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo theo yêu cầu nhiệm vụ thì được xét phụ cấp hỗ trợ về nhà ở”. Theo đại biểu, quy định như thế này để ưu tiên cho những đối tượng thực sự khó khăn, thực sự theo yêu cầu công việc.
Theo chương trình của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, ngày 27-11-2014, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Hôm nay (7-11), các đại biểu Quốc hội làm việc ở tổ. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Buổi chiều thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội
Chiều 06-11, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự án luật nhằm bảo đảm hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ trong dự thảo nội dung Công an nhân dân phải tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân bởi đây là vấn đề mang tính cốt lõi, chi phối toàn bộ hoạt động của Công an nhân dân. Các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị, bên cạnh việc quy định phong, thăng quân hàm, chức vụ Công an nhân dân thì cũng cần đưa vào dự thảo quy định về quy trình, thủ tục giáng cấp, giáng chức nếu cán bộ, chiến sĩ CAND vi phạm kỷ luật.
Liên quan đến đề xuất thành lập các đồn, trạm công an tại các địa bàn biên giới đường bộ, đường biển, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, tại những khu vực này hiện nay đều do lực lượng Bộ đội Biên phòng quản lý cả về an ninh, quốc phòng, xuất nhập cảnh. Nếu thành lập mới các đồn, trạm Công an như vậy sẽ gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách, đồng thời dễ dẫn đến việc chồng chéo giữa hoạt động của lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng.
Nguồn: qdnd.vn
Luật Sĩ quan,Công an,sửa đổi
Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã – Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” 22/11/2024
ADMM+ là hình mẫu hợp tác quốc phòng đa phương tiêu biểu 21/11/2024
Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21/11/2024
Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện 21/11/2024
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Cộng hoà Dominicana chủ trì họp báo chung 21/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia 21/11/2024
Thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam - Armenia 20/11/2024
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng 20/11/2024
Hội nghị ADMM-18: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường 20/11/2024
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội sửa Luật Sĩ quan: Tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan
Giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Binh đoàn 15 khai mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng lần thứ XIII - năm 2024
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn
Tổng kết và trao giải Cuộc thi Video clip toàn quốc “Người lính tôi yêu” và Cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội”
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Chuẩn bị chu đáo, đúng tầm vóc các hoạt động kỷ niệm
Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái