Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Hai, 29/09/2014, 14:09 (GMT+7)
Nhất trí phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 31
của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 27-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án Nhân dân.

Khẳng định chính sách đúng đắn của Nhà nước đối với người khuyết tật
Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật là một trong những điều ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về nhân quyền. Công ước đề cập đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật cũng như nghĩa vụ của quốc gia thành viên trong việc bảo vệ và thúc đẩy thực hiện các quyền này.

Việc phê chuẩn Công ước là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, thể hiện tư tưởng về tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật đã được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, như: Luật Người khuyết tật, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giáo dục... 

Đồng thời là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật và đảm bảo thực hiện chính sách đối với người khuyết tật tại Việt Nam; tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên Công ước trong lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Với những lý do nêu trên, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Điều này, góp phần nâng cao vị thế và vai trò thành viên có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, cũng như khẳng định chính sách đúng đắn của Nhà nước ta đối với người khuyết tật.

Về tính hợp hiến và mức độ tương thích của Công ước với các văn bản quy phạm pháp luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các quy định của Công ước Quyền của người khuyết tật về cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, một số nội dung của Công ước chưa được quy định đầy đủ trong hệ thống pháp luật Việt Nam và một số nội dung quy định của Công ước không trái nhưng khác với quy định của pháp luật nước ta do hướng tiếp cận khác nhau.

Về vấn đề bảo lưu Công ước, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất là Việt Nam không bảo lưu điều khoản nào trong nội dung của Công ước vì các quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản có thể đáp ứng được các yêu cầu của Công ước. Bên cạnh đó, Công ước cũng không có quy định nào ràng buộc về thời điểm phải thực hiện được toàn bộ các cam kết cũng như kế hoạch, chính sách mà quốc gia thành viên đã đề ra.

Để triển khai thực hiện Công ước sau khi được Quốc hội phê chuẩn, các đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát sự tương thích giữa nội dung của Công ước với hệ thống pháp luật trong nước, nội luật hóa các nội dung của Công ước. Trước mắt, tập trung vào những luật có liên quan trực tiếp đến quyền của người khuyết tật, như: Luật Người khuyết tật, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giáo dục, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giao thông Đường bộ, Luật Tiếp cận thông tin... Căn cứ điều kiện Việt Nam, Chính phủ cần xây dựng lộ trình thực hiện Công ước với các yêu cầu, mục tiêu, chính sách cụ thể cho từng giai đoạn...

Bảo đảm mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án Nhân dân, các đại biểu cơ bản tán thành với việc xác định phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này là chỉ quy định về hình thức, mức xử phạt, thủ tục, thẩm quyền xử phạt hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án Nhân dân, mà không mở rộng phạm vi đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, của Viện Kiểm sát Nhân dân, cũng như của Tòa án Nhân dân trong việc giải quyết phá sản. Vì các hành vi vi phạm này được xử lý theo quy định của Luật Xử lý vi phạm Hành chính và các Nghị định của Chính phủ.

Các đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh cũng phải xác định rõ giới hạn về không gian xảy ra hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án Nhân dân, vì có các hành vi xảy ra tại Tòa án và có các hành vi xảy ra bên ngoài Tòa án bị xử phạt hành chính. 

Vì vậy, cần phải xác định rõ những hành vi cản trở nào thuộc thẩm quyền xử lý của Tòa án Nhân dân, những hành vi cản trở nào thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan nhà nước khác, bảo đảm mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, không chồng chéo về thẩm quyền xử phạt.

Về xử phạt hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, các đại biểu cho rằng, theo quy định của các luật tố tụng thì Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao có thẩm quyền ban hành Nội quy phiên tòa. Do đó, những hành vi nào là vi phạm nội quy phiên tòa sẽ do Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao quy định. 

Nếu Pháp lệnh quy định cụ thể hành vi nào là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa là không phù hợp với thẩm quyền đã được xác định trong các luật tố tụng. Theo đó, chỉ quy định trong Pháp lệnh hình thức, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nội quy phiên tòa; còn hành vi nào là vi phạm nội quy phiên tòa sẽ căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật quy định…

Nguồn: TTXVN

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.