Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Tư, 26/11/2014, 15:53 (GMT+7)
Hội thảo khoa học xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị

Ngày 26-11, tại Hà Nội, Học viện Chính trị tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị - Lý luận và thực tiễn”.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng các đại biểu cơ quan Bộ Quốc Phòng, Tổng cục Chính trị; đại biểu các đơn vị: Học viện Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự...

Nhân tố quyết định sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Minh Khải, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khẳng định: “Thực tiễn 70 năm xây dựng và phát triển cho thấy, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam là sức mạnh tổng hợp; là sự kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố con người và vũ khí, trang bị với nghệ thuật quân sự độc đáo; được tổ chức biên chế phù hợp với tình hình trong mỗi giai đoạn lịch sử. Trong đó, chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là một nội dung cơ bản, xuyên suốt; là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Minh Khải, Phó Giám đốc Học viện Chính trị
phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong báo cáo đề dẫn, Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Đình Minh, Giám đốc Học viện Chính trị một lần nữa khẳng định sự vững mạnh về chính trị là nền tảng vững chắc nâng cao chất lượng tổng hợp, bảo đảm cho quân đội luôn luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành tốt các chức năng chiến đấu, công tác và lao động sản xuất trong thời kỳ mới. Vì thế, yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị là vấn đề vừa mang tính cơ bản, lâu dài vừa có ý nghĩa cấp bách.

Với tham luận “Vững mạnh về chính trị - Nguyên tắc căn bản trong xây dựng quân đội cách mạng”, Trung tướng, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hồi, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhấn mạnh: Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, mà cốt lõi là chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân gắn liền với xây dựng tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội ta là một thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam và của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân ở một nước có nền kinh tế chậm phát triển. Xây dựng vững mạnh về chính trị là một nguyên tắc cơ bản, quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng quân đội cách mạng. Đó là một quá trình liên tục, xuyên suốt sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội cách mạng, đòi hỏi phải thực hiện tổng hợp các biện pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách… trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định rõ nguyên tắc căn bản đó và hiện nay vẫn đang tiếp tục được coi trọng làm nền tảng để xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình mới".

Toàn cảnh Hội thảo.

Với tham luận “ Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam”, Thiếu tướng, PGS, TS. Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: Đối với một quân đội, sức mạnh của nó tùy thuộc nhiều yếu tố, nhưng yếu tố hàng đầu, giữ vai trò quyết định - đó là chính trị của quân đội đó. Trong xây dựng và tổ chức lực lượng vũ trang, Đảng ta đặt lên hàng đầu vấn đề chính trị của lực lượng vũ trang, của quân đội”.

Dù tiếp cận dưới các góc độ khác nhau nhưng các tham luận tại Hội thảo đều khẳng định, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là yếu tố căn cốt quyết định sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Trung tướng Mai Quang Phấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khẳng định, tầm quan trọng trong việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, đồng thời nêu rõ: Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp đặt ra cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc những yêu cầu mới, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; trong đó, vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại (một số đơn vị tiến thẳng lên hiện đại), lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho quân đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. 

Trung tướng Mai Quang Phấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu tại Hội thảo.

Trung tướng Mai Quang Phấn cũng chỉ ra những phương hướng để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong đó nổi lên một số vấn đề: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng với quân đội; tiến hành và nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong quá trình xây dựng và chiến đấu của quân đội; quan tâm xây dựng và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần trong quá trình xây dựng và chiến đấu của quân đội; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh; thực hiện tốt công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới...

Một trong những phương hướng lớn để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị mà đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đề cập là việc nâng cao công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng và phát huy nhân tố chính trị. Để làm được điều này, không thể không kể đến tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Tại tham luận “Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới”, Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị khẳng định, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong quân đội đã được cấp uỷ, chỉ huy ở hầu hết các cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung triển khai toàn diện, có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp, kịp thời giải quyết các vấn đề tư tưởng nảy sinh. Tuy nhiên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong quân đội vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục, như: Nhận thức của một số cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên, chỉ huy về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa đầy đủ, còn có biểu hiện coi nhẹ, giao khoán cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị; chưa có nhiều chủ trương, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả; hoạt động giáo dục thường xuyên còn đơn giản, chưa đồng bộ; nội dung, phương pháp giáo dục chưa gắn chặt giữa định hướng tư tưởng và chỉ đạo hành động, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục pháp luật, kỷ luật...

Trung tướng Mai Quang Phấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng các đại biểu tham quan các ấn phẩm do Học viện Chính trị trưng bày.

Thiếu tướng Trần Hoài Trung, cũng đã chỉ ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, như: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tập trung đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao chất lượng, hiệu quả nắm, đánh giá, phân loại và giải quyết tư tưởng ở đơn vị cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.

Kết luận Hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Đình Minh, Giám đốc Học viện Chính trị khái quát, các tham luận dù tiếp cận ở các góc độ, khía cạnh khác nhau nhưng đều khẳng định xây dựng quân đội về chính trị là nguyên tắc căn bản hàng đầu, yếu tố căn cốt quyết định sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, cần thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Đây là nguyên tắc căn bản, bao trùm, xuyên suốt nhất, có ý nghĩa quyết định xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Đồng thời, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên vừa “hồng”, vừa “chuyên”; giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; tăng cường công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ; chăm lo xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa quân đội với nhân dân...

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.