Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Hai, 21/08/2017, 09:32 (GMT+7)
Bế mạc Phiên họp thứ 13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Sau 07 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, chiều 18-8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã kết thúc chương trình làm việc Phiên họp thứ 13.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp thứ 13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đối với các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 đến nay cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cao; đề nghị các Ủy ban chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan tổ chức hữu quan để tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh các báo cáo và dự thảo luật để gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, sau đó tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội, nếu thấy cần thiết thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một lần cuối trước khi trình ra Quốc hội. 

Đối với các dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, cơ bản đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, các cơ quan chủ trì thẩm tra đối với từng dự án luật tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan để tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh các tờ trình, các báo cáo và dự thảo luật để gửi cho các đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Đối với 3 dự án luật đang còn nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, Ủy ban chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh các tờ trình, báo cáo, Dự thảo luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sắp tới. 

Đối với Dự thảo Luật Hành chính công, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Chính phủ để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại phiên họp tháng 9, nếu xét thấy đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. 

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý, sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoach phát triển gắn với giao thông đô thị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội thông báo kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung đã hứa và báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, góp phần tháo gỡ những vấn đề nảy sinh để đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước. 

Đối với chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện Báo cáo giám sát, Dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Đối với chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT)”, đề nghị đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn thiện Báo cáo giám sát, Dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 5 nghị quyết, gồm: về điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2016; điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2017; việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của thẩm phán tòa án nhân dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phối hợp với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo các Nghị quyết để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành. 

Về Đề án vị trí việc làm của Viện kiểm sát nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện Đề án, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo. 

Cùng với kết luận về Đề án tiếp nhận Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp kết quả, kết luận các nội dung cụ thể thành thông báo kết luận chung của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi tới các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, nghiên cứu, triển khai thực hiện. 

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn bị các nội dung cho chương trình phiên họp thứ 14 của dự Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 18-9. 

* Điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên 

Trước đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem xét, quyết định việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. 

Báo cáo thẩm tra Đề án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập mới 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, ngày 14-8-2017, Ủy ban Pháp luật đã họp phiên toàn thể để thẩm tra Đề án số 340/ĐA-CP của Chính phủ về điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập mới 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên (gọi tắt là Đề án) theo Tờ trình số 339/TTr-CP ngày 14-8-2017 của Chính phủ. 

Theo Đề án của Chính phủ, tính đến ngày 31-12-2016, tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 2 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện) và 180 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 30 phường, 10 thị trấn và 140 xã). Trong đó, diện tích tự nhiên thành phố Thái Nguyên có 170,53 km2, dân số là 317.580 người với 27 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 19 phường và 8 xã). 

Chính phủ đề nghị điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 5 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: xã Sơn Cẩm thuộc huyện Phú Lương; xã Linh Sơn, xã Huống Thượng, thị trấn Chùa Hang thuộc huyện Đồng Hỷ; xã Đồng Liên thuộc huyện Phú Bình) với 52,4 km2 diện tích tự nhiên, dân số 45.341 người về thành phố Thái Nguyên quản lý; đồng thời, đề nghị thành lập 2 phường trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Đồng Bẩm (thành phố Thái Nguyên) và thị trấn Chùa Hang (sau khi điều chỉnh từ huyện Đồng Hỷ về thành phố Thái Nguyên). 

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Thái Nguyên là tỉnh có vị trí địa chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh của vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô, là tỉnh có bề dày lịch sử văn hóa và cách mạng. Ngày nay, Thái Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tiềm năng, lợi thế là địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng trung du và miền núi phía Bắc. 

Việc điều chỉnh mở rộng địa giới thành phố Thái Nguyên và thành lập mới 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên là yêu cầu phát triển khách quan, phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn; nhằm tiếp tục cải thiện môi trường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của thành phố Thái Nguyên đối với sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên nói riêng, vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung, xứng đáng là đô thị hạt nhân thuộc cực phát triển phía Bắc của Thủ đô Hà Nội. 

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết điều chỉnh mở rộng địa giới thành phố Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc Thành phố như được nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ. 

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, theo Đề án của Chính phủ, việc điều chỉnh toàn bộ diện tích và dân số của 5 xã, thị trấn thuộc 3 huyện về thành phố Thái Nguyên không làm tăng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thái Nguyên, do đó không làm tăng tổ chức, biên chế cán bộ, công chức các cấp, mà chỉ bố trí lại một số chức danh cho phù hợp chức năng đơn vị hành chính đô thị đối với hai phường mới được thành lập. 

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại phiên họp, phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên như đã được nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ để xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội và đô thị động động lực của khu vực phía Bắc. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu rõ, các tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên cũng như việc mở rộng thành phố Thái Nguyên đều đạt các yêu cầu, quy định đề ra. Hồ sơ, trình tự, thủ tục làm Đề án này bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật và việc điều chỉnh này đạt sự đồng thuận cao của cử tri và nhân dân trong vùng. 

“Tôi tin tưởng sau khi điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên sẽ tạo cho Thái Nguyên một khí thế mới, một động lực mới để phát triển tốt hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu.

Nguồn: TTXVN

Ý kiến bạn đọc (0)

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo
Trong hơn 94 năm lãnh đạo Cách mạng, Đảng ta không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.