Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Tư, 22/02/2012, 08:49 (GMT+7)
Thống nhất các tổ chức mặt trận thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

alt
Đại biểu dự Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VII (nguồn: vov.vn)
 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc, đi lên CNXH. Để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất 3 tổ chức mặt trận: Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam thành MTTQ Việt Nam. Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ I tổ chức (từ ngày 31-01 đến ngày 04-02-1977) tại thành phố Hồ Chí Minh là một sự kiện chính trị trọng đại, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất không thể lay chuyển của dân tộc Việt Nam; đánh dấu sự phát triển không ngừng của Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ quá độ cả nước đi lên CNXH. Việc thành lập MTTQ là chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, nhằm phát huy vai trò của tổ chức mặt trận trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, MTTQ Việt Nam đã phát huy vai trò của mình trong việc củng cố chính quyền, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Kết thúc 30 năm chiến tranh, đất nước ta có hoà bình, độc lập, tự do, nhưng còn muôn vàn khó khăn: sản xuất manh mún; cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu; các ngành công nghiệp then chốt còn thiếu và không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và bảo đảm đời sống nhân dân. Mặt khác, do mới ra khỏi chiến tranh, ở miền Nam, chính quyền các cấp đang trong quá trình củng cố, chưa đủ mạnh; sự đồng thuận chưa cao giữa các dân tộc, tôn giáo, nhất là những người đã từng làm việc cho chế độ cũ... Trước tình hình đó, MTTQ Việt Nam đã kịp thời đổi mới tổ chức, đa dạng hoá phương thức hoạt động, đề ra chương trình hành động sát hợp, tích cực tham gia xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân các cấp ở miền Nam; từng bước hoàn thiện chính quyền ở miền Bắc, đẩy mạnh vận động nhân dân phát huy vai trò “người chủ” đất nước, tham gia với tinh thần trách nhiệm cao trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất trong cả nước. Thực hiện chủ trương hoà hợp dân tộc của Đảng, MTTQ còn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, nhất là chính sách đối với các đối tượng đang cải tạo, làm cho họ thấy rõ chính sách khoan hồng của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, xây dựng niềm tin với chế độ, nhanh chóng hoà nhập vào cộng đồng. Nhờ đó, MTTQ đã tập hợp được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền dân tộc, làm thất bại kế hoạch hậu chiến và chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, tiêu diệt các tổ chức phản động chống phá chính quyền nhân dân, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng; thúc đẩy kinh tế - văn hoá - xã hội phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Bước vào thời kỳ đổi mới, MTTQ Việt Nam đã tích cực vận động nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên; nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng nước kém phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nước ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình” (DBHB) phân hoá giàu nghèo, chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, các khu vực đang doãng ra; hàng loạt các vấn đề cấp bách cần giải quyết, như: việc làm, dân trí, dân tộc, tôn giáo... Tình hình đó đòi hỏi MTTQ phải tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, tích cực đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực công tác, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân; đồng thời, mở rộng tổ chức, tăng cường hoạt động tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh dân tộc, phấn đấu vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Trung ương MTTQ đã tăng cường chỉ đạo Uỷ ban MTTQ các cấp tổ chức các hoạt động nhằm giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà cuộc sống đặt ra ở từng địa phương; tích cực, chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên phát động các phong trào thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch về kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng. Nhờ đó, nhiều phong trào, như: “Xoá đói, giảm nghèo”, làm giàu chính đáng, “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, người có công với nước và các hoạt động: từ thiện nhân đạo, tương trợ giúp đỡ nhau khắc phục thiên tai, giải quyết việc làm tại chỗ... đã được phát động, thu được kết quả quan trọng, để lại ấn tượng sâu sắc. Mặt trận các cấp còn động viên nhân dân ở cơ sở, trên địa bàn nêu cao quyền làm chủ, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, khắc phục khó khăn, tự đổi mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước. MTTQ còn tích cực chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, củng cố đoàn kết quân - dân, tôn giáo, dân tộc, chống sự chia rẽ, kích động của các thế lực thù địch, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền, thu nhỏ những “điểm nóng” không để lây lan. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, MTTQ thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình đất nước, góp phần nâng cao lòng yêu nước và trách nhiệm công dân, ý thức cộng đồng, tinh thần tự trọng, tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tôn trọng pháp luật nước sở tại và tăng cường tình hữu nghị với nhân dân các nước. MTTQ cũng đề xuất với Chính phủ nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi để kiều bào về thăm quê hương, tham gia các hoạt động văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, sản xuất, kinh doanh, góp phần thiết thực xây dựng đất nước.

Cùng với đó, MTTQ Việt Nam còn chủ động, linh hoạt đề ra nhiều chương trình hành động có ý nghĩa chiến lược, sách lược nhằm xây dựng “thế trận lòng dân”, nhất là ở các vùng trọng điểm chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; phát động Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và chỉ đạo MTTQ các cấp chủ động thực hiện tốt vai trò phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên, chính quyền và các doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ quan thông tấn, báo chí, thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Tháng cao điểm vì người nghèo”, Chương trình “Nối vòng tay lớn”. Nhờ đó, sau 11 năm hoạt động, Quỹ “Vì người nghèo” cả nước đã quyên góp được hơn 7 nghìn tỷ đồng. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ còn trực tiếp ủng hộ hơn 13 nghìn tỷ đồng cho các công trình, chương trình an sinh xã hội. Từ sự ủng hộ quý báu đó và được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự vươn lên của người nghèo; đến nay, cả nước đã xây dựng, sửa chữa được gần 1 triệu 200 nghìn Nhà đại đoàn kết, giúp đỡ hàng triệu người nghèo có vốn sản xuất, có việc làm, được học hành, chữa bệnh...; mang lại niềm vui, niềm tin không những cho người nghèo mà cho toàn xã hội.

Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế MTTQ tiếp tục mở rộng quan hệ, tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. MTTQ đã tích cực triển khai hoạt động ngoại giao nhân dân với các tổ chức phi chính phủ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới; nhất là, xây dựng mối quan hệ hữu nghị, láng giềng, đoàn kết, thân thiện giữa nhân dân ta với nhân dân các nước ở khu vực biên giới; đồng thời, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều hình thức quan hệ đa phương, đa dạng, linh hoạt và sinh động, phù hợp với tính chất ngoại giao nhân dân. MTTQ đã đề xuất với Nhà nước xây dựng quy chế ngoại giao nhân dân, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực ở ngoài nước phục vụ cho sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Thông qua các hoạt động của Uỷ ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên vận động mọi tầng lớp nhân dân xây dựng quan hệ hữu nghị, vừa giữ vững chủ quyền quốc gia và lòng tự tôn dân tộc, vừa thể hiện truyền thống văn hiến Việt Nam, gây ấn tượng tốt đẹp đối với những người nước ngoài đến kinh doanh, học tập, tham quan, du lịch và làm việc... tại Việt Nam. Qua đó, để lại những ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc về dân tộc Việt Nam anh hùng, mến khách; về đường lối ngoại giao đúng đắn, rộng mở của Đảng, Nhà nước ta, tạo môi trường hội nhập kinh tế thuận lợi và thu hút nhiều nước đầu tư vào Việt Nam.

Trước sự chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch, MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên thực hiện nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kết hợp tuyên truyền ở trong nước với tuyên truyền đối ngoại nhân dân về truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo... của Đảng và Nhà nước ta. Trên cơ sở đó, góp phần ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc về “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” của các thế lực thù địch. Do vậy, MTTQ sớm kiện toàn tổ chức mặt trận ở các cấp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhằm phát huy vai trò của Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc. MTTQ tích cực tham gia xây dựng chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chế độ hiệp thương dân chủ trong việc lựa chọn, giới thiệu những người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; chủ trì hội nghị cử tri để ứng viên thực hiện quyền vận động bầu cử; cử tri thực hiện quyền giám sát: đơn thư khiếu nại, tố cáo, trình tự, thủ tục và những công việc liên quan đến bầu cử theo đúng quy định của Luật Bầu cử và hướng dẫn của Chính phủ, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Nhờ đó, MTTQ Việt Nam đã trực tiếp góp phần vào thành công của Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Cùng với đó, MTTQ tổ chức giám sát, phản biện mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật...

Nhìn lại chặng đường 35 năm hoạt động, MTTQ Việt Nam đã trải qua 7 kỳ đại hội, với nhiều chương trình hành động đi vào cuộc sống mang lại những kỳ tích vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng với truyền thống vẻ vang của mình. Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, MTTQ Việt Nam đang tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VII. Đồng thời, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường; tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tạo thành sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; giữ vững độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

PGS, TS. PHẠM XANH và Thượng tá, ThS. ĐỖ HẢI ÂU

 

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.