Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 16/01/2020, 08:28 (GMT+7)
Phong trào Đồng Khởi - biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thời đại Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, đoàn kết làm nên sức mạnh vô địch và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”1; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”2. Muốn giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thì chưa đủ, cách mạng muốn thành công và “thành công đến nơi” phải có lực lượng cách mạng, muốn có lực lượng cách mạng phải thực hiện đoàn kết. “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta”3. Đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng, được quán triệt trong mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoạt động thực tiễn.

Ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) có hiệu lực, Mỹ nhanh chóng thế chân Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới, thiết lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, tiến hành nhiều cuộc thảm sát đẫm máu ở Củ Chi, Mỏ Cày, Cam Lộ, v.v. Đồng thời, triệt phá, loại bỏ tư tưởng, tổ chức và những người cộng sản với chính sách “tố cộng, diệt cộng”, điển hình là “Luật 10/59”. Đầu năm 1959, với tuyên bố: “Miền Nam Việt Nam đang nằm trong tình trạng chiến tranh”4, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã thẳng tay sử dụng bạo lực, đàn áp, bắt giam và sát hại nhân dân. Những hành động đó, làm cho cách mạng miền Nam đứng trước tình thế nghiêm trọng, cấp ủy các địa phương và cán bộ, đảng viên bức xúc, khát khao, chờ đợi Đảng chỉ ra con đường, phương pháp cách mạng giúp nhân dân miền Nam đứng lên giành chính quyền.

Đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và đòi hỏi của cách mạng, tháng 01-1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (mở rộng) tiến hành kiểm điểm tình hình trong nước từ khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đề ra nhiệm vụ, đường lối cách mạng chung của cả nước và miền Nam. Tại Hội nghị, Đảng ta chỉ rõ: “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”5. Đây là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, đề ra một cách toàn diện đường lối cách mạng; đáp ứng kịp thời yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời, tạo bước nhảy vọt của phong trào cách mạng ở miền Nam.

Mặc dù Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến tháng 5-1959 mới chính thức được thông qua, song trước đó, tại chiến trường miền Nam, do tình hình cấp thiết, các cấp ủy đảng địa phương và cán bộ, đảng viên nằm vùng nắm bắt được chiều hướng phát triển của cách mạng, mạnh dạn phát động quần chúng ở một số nơi có đủ điều kiện, nổi dậy, giành lại chính quyền. Khi Nghị quyết 15 đến với các tỉnh Khu V và Nam Bộ đã mang luồng sinh khí mới, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khát vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, thổi bùng ngọn lửa cách mạng âm ỷ lâu ngày, cháy lan tỏa khắp các vùng từ đồng bằng, rừng núi, đến đô thị, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chống kẻ thù xâm lược. Một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long, khi nắm được nội dung cơ bản của Nghị quyết 15, đã đẩy mạnh hoạt động vũ trang, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đặc biệt, trận Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung (ngày 26-9-1959) là một trận đánh lớn, gây tiếng vang, cổ vũ niềm tin, khí thế đấu tranh của quần chúng và nâng cao uy thế cách mạng. Sau thắng lợi này, hoạt động vũ trang của ta ở các tỉnh miền Nam diễn ra liên tục, quyết liệt, thời cơ khởi nghĩa xuất hiện ở nhiều vùng nông thôn, nhất là Nam Bộ. Trước diễn biến thuận lợi của cách mạng, tháng 11-1959, Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập Hội nghị lần thứ tư, đề ra nhiệm vụ cơ bản, trước mắt là: giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng, lấy đấu tranh chính trị rộng rãi, mạnh mẽ của quần chúng làm chính, kết hợp hoạt động vũ trang để chống chính sách khủng bố tàn bạo; bóc lột vơ vét; cướp nước và bán nước; nô dịch dân tộc và gây chiến của Mỹ - Diệm. Ngăn chặn và đẩy lùi từng bước mọi chính sách của địch, đẩy địch vào thế bị động và cô lập hơn nữa về chính trị, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ.

Khi Nghị quyết Xứ ủy Nam Kỳ lần thứ tư và Nghị quyết Trung ương 15 được phổ biến đến các chi bộ, đảng bộ, đã thổi bùng phong trào nổi dậy đồng loạt ở Nam Bộ, tạo thành cao trào cách mạng làm chuyển biến cục diện chiến trường. Sau Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ, tháng 12-1959, Hội nghị Liên tỉnh ủy Trung Nam Kỳ (gồm các tỉnh Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, Kiến Long và An Giang) được tổ chức, với chủ trương: “Đối với các tỉnh tiếp giáp căn cứ Đồng Tháp Mười, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang hỗ trợ nhân dân nổi dậy, phá thế kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ thôn ấp, mở rộng căn cứ du kích, xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị nổi dậy khởi nghĩa đồng loạt. Đối với các tỉnh do địch kiểm soát hoàn toàn, ta có ít cơ sở, cần khẩn trương tổ chức, xây dựng lực lượng chính trị, đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang, tăng cường hoạt động diệt ác, hỗ trợ cho khởi nghĩa”6. Tháng 01-1960, Liên tỉnh ủy quyết định phát động quần chúng khởi nghĩa ở xã, ấp với phương châm: “Nổi dậy đều khắp không để nổi cộm ở từng điểm khiến địch có thể tập trung lực lượng đàn áp, ta không giữ được phong trào. Phải đưa cho được đông đảo quần chúng nhân dân vùng lên đấu tranh với địch nhưng giữ cho được thế đấu tranh hợp pháp. Hoạt động vũ trang phải khôn khéo, tránh nặng về đấu tranh vũ trang đơn thuần”7.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Liên tỉnh ủy Trung Nam Kỳ, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định phát động tuần lễ “Toàn dân đồng khởi” nhằm phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng chính quyền cách mạng. Đảng bộ và nhân dân Bến Tre nhanh chóng tiếp thu, quán triệt Nghị quyết một cách sâu sắc, đầy đủ, thấu đáo, tạo khí thế cách mạng sôi sục chưa từng có. Cuộc đồng khởi bắt đầu vào ngày 17-01-1960 từ 03 xã: Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp thuộc huyện Mỏ Cày, sau đó lan nhanh ra toàn huyện và các huyện trong tỉnh. Thắng lợi Đồng Khởi Bến Tre (năm 1960) phá vỡ bộ máy kìm kẹp của địch, mũi đột phá, mở màn cho cao trào mới của cách mạng miền Nam, chuyển từ thế phòng ngự, gìn giữ lực lượng sang thế tiến công và liên tiếp tiến công giành thắng lợi. Đồng thời khẳng định, có Nghị quyết 15 mới có phong trào Đồng Khởi và đúng với nội dung, tính chất của một cuộc Đồng Khởi. Vì trước đó, có một số cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở vài nơi, nhưng không giữ và mở rộng được địa bàn, không phá được hệ thống kìm kẹp của địch. Thắng lợi Đồng Khởi Bến Tre còn thể hiện rõ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khẳng định chân lý: kẻ thù có sức mạnh đến đâu cũng không thể thắng nổi sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cùng với Bến Tre, thực hiện chủ trương của Nghị quyết Liên tỉnh ủy Trung Nam Kỳ, các tỉnh còn lại đã phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ nông thôn. Đặc biệt, chiến thắng Tua Hai (tháng 01-1960) như “tiếng kèn hiệu lệnh” cho cuộc nổi dậy đồng loạt không chỉ ở Tây Ninh mà cả miền Đông Nam Bộ. Hầu hết các ban, tề, ấp, xã bị tan rã và tê liệt; vùng giải phóng liên hoàn hình thành, nối liền giữa các huyện, các tỉnh; trong vùng giải phóng, quyền làm chủ hoàn toàn thuộc về nhân dân, cũng từ đây chính quyền nhân dân ra đời. Theo đồng chí Lê Duẩn đánh giá: “Thực chất là cao trào khởi nghĩa của quần chúng, v.v. Những cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên như thế chỉ có thể là kết quả của phong trào đấu tranh chính trị lâu dài, quyết liệt của quần chúng, của một phong trào sâu rộng, không phải chỉ trong mấy xã mà tạo thành thế liên hoàn bao gồm nhiều huyện, nhiều tỉnh, có như thế, thành quả của khởi nghĩa mới giữ được”8.

Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc của dân tộc Việt Nam, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam - “ý Đảng” hợp với “lòng dân”. Đây chính là biểu hiện sinh động của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 15, nhân dân miền Nam đã nhất tề nổi dậy, bằng nhiều phương pháp khởi nghĩa cực kỳ phong phú, sáng tạo, làm tan rã hàng loạt bộ máy kìm kẹp của địch ở xã, ấp, thôn, bản. Phong trào Đồng Khởi đã tạo điều kiện thuận lợi để Đảng bộ miền Nam được khôi phục, lực lượng vũ trang ba thứ quân và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp được thành lập; các căn cứ địa cách mạng được phục hồi, mở rộng. Đồng thời, “giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Ai-xen-hao, làm thất bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ”9.

Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phong trào Đồng Khởi 60 năm về trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của đất nước, nhằm phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại tá, TS. TRƯƠNG MAI HƯƠNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

_____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 177.

2 - Sđd, Tập 13, tr. 119.

3 - Sđd, Tập 9, tr. 145.

4 - Phong trào Đồng Khởi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb CAND, H. 2017, tr. 21.

5 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 82.

6 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Lịch sử quân sự Việt Nam, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 112.

7 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập 2, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 269.

8 - Lê Duẩn - Thư vào Nam, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 40.

9 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 34, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 214.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.