Thứ Bảy, 21/09/2024, 09:46 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Đầu năm 1967, với quyết tâm cao, thế trận vững chắc, cách đánh mưu trí, sáng tạo, quân và dân miền Đông Nam Bộ đã đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của quân Mỹ. Đây là chiến dịch diễn ra trên địa bàn rừng núi, hầu như không có dân, nhưng ta vẫn tổ chức được lực lượng “ba thứ quân” để phối hợp phản công kiên quyết, giành thắng lợi to lớn, với nhiều nét nghệ thuật sáng tạo, độc đáo.
Tượng đài Chiến thắng Gian-xơn Xi-ty ở Tân Châu (Tây Ninh). (Ảnh: baotayninh.vn)
Bước vào năm 1967, trên chiến trường miền Nam, cuộc đụng đầu lịch sử giữa quân và dân ta với quân viễn chinh Mỹ chuyển sang giai đoạn quyết liệt nhất. Mặc dù chịu nhiều tổn thất trong chiến lược tìm diệt, song với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, đế quốc Mỹ không từ bỏ ý đồ đánh phá căn cứ, tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Thực hiện ý đồ đó, ngày 22-02-1967, Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn quyết định mở cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty, tập trung lực lượng đánh vào chiến khu Dương Minh Châu - căn cứ của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, hòng giành một thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định, làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho chúng. Để đạt được mục đích, chúng đã huy động lực lượng lớn, gồm: 45.000 quân, hơn một nghìn xe tăng, xe bọc thép, hàng trăm khẩu pháo các loại cùng nhiều máy bay, hình thành thế bao vây, cô lập căn cứ Dương Minh Châu. Về phía ta, trên cơ sở nắm chắc tình hình, nhất là đánh giá đúng mạnh, yếu của ta, địch và điều kiện địa bàn, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch phản công ở khu vực Tây Ninh và giành thắng lợi lớn. Trong gần hai tháng chiến đấu, tuy lực lượng chưa bằng 1/3 địch, nhưng với quyết tâm cao, thế trận vững chắc, cách đánh mưu trí, sáng tạo, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 14.000 tên (chủ yếu là quân Mỹ), phá hủy gần một nghìn xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi và bắn hỏng 160 máy bay cùng nhiều trang bị, kỹ thuật, giữ vững vùng căn cứ kháng chiến. Đây là chiến thắng rất quan trọng, đánh bại cố gắng cao nhất của quân Mỹ trong chiến lược tìm diệt, buộc chúng phải đánh lâu dài, bị sa lầy và phải rút quân về nước. Thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng.
1. Chủ động tổ chức lực lượng đánh địch rộng khắp trên địa bàn hầu như không có dân, đẩy địch vào thế bị động, bất ngờ. Đây là nét độc đáo về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng chiến dịch. Bởi, trong chiến dịch phản công này, nếu so sánh lực lượng hai bên, địch luôn hơn ta gấp nhiều lần, lại vượt trội về xe tăng, pháo binh và không quân,… nên để thắng chúng, ta phải tổ chức ra lực lượng tổng hợp, tạo khả năng đánh địch trên các khu vực, địa bàn.
Tuy nhiên, do tác chiến ở địa bàn hầu như không có dân, nên việc tận dụng thế trận tác chiến tại chỗ, hình thành lực lượng vũ trang ba thứ quân để đánh địch rộng khắp gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền chủ trương tổ chức “khu dân cư đặc biệt”, nhằm tạo ra lực lượng đánh địch tại chỗ, rộng khắp, kết hợp chặt chẽ với tác chiến của các đơn vị chủ lực, đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn nhất của địch. Theo đó, cán bộ, công nhân viên cơ quan Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng được tổ chức thành các xã, huyện căn cứ để trên cơ sở đó tổ chức ra các đơn vị du kích, tự vệ “địa phương”. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong cơ quan Bộ Chỉ huy Miền được tổ chức thành các đơn vị bộ đội địa phương, làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu tại chỗ trên từng khu vực. Nhờ cách làm này, chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn Chiến dịch, ta đã tổ chức được 03 tiểu đoàn, 13 đại đội bộ đội địa phương và 3.200 du kích, tự vệ. Đây là nét độc đáo, sáng tạo “có một không hai” của Chiến dịch; đồng thời, cũng là bất ngờ lớn đối với địch. Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, với cách tổ chức sử dụng lực lượng đánh địch tại chỗ, rộng khắp trên toàn địa bàn đã khiến địch đi đến đâu cũng bị ta chặn đánh, cả ở phía trước, hai bên sườn và phía sau. Chúng không thể phân biệt được đâu là lực lượng chủ lực, đâu là lực lượng địa phương của đối phương; thậm chí phải để một lực lượng tương đối lớn để bảo vệ căn cứ, đường giao thông, vì thế số quân trực tiếp tiến công hạn chế, tinh thần mệt mỏi, sa sút. Chớp thời cơ, bộ đội địa phương phối hợp với du kích, tự vệ cơ quan chủ động tiêu hao nhiều sinh lực địch. Điển hình là trận chiến đấu ngày 03-3-1967 của Xưởng Thông tin S3, chỉ với 19 tay súng đã đánh một trận xuất sắc, đẩy lùi tám đợt xung phong của địch, diệt một đại đội Mỹ, đánh thiệt hại nặng một đại đội khác, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
2. Sử dụng bộ đội chủ lực tác chiến linh hoạt cả vòng trong, vòng ngoài, bên sườn và phía sau đội hình địch, thực hiện các trận tiêu diệt lớn. Nằm trong chiến lược tìm diệt của Mỹ, mục tiêu cơ bản của cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty là: tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến toàn Miền và tìm diệt lực lượng chủ lực của ta ở miền Đông Nam Bộ. Chính vì thế, ta không thể đưa lực lượng chủ lực ngăn chặn địch ngay từ đầu và càng không thể ngồi chờ địch đến để tiêu diệt. Để nâng cao hiệu quả chiến đấu của bộ đội chủ lực (trong điều kiện so sánh lực lượng có lợi cho quân Mỹ), Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương sử dụng lực lượng chủ lực phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ, cơ động tác chiến linh hoạt ở vòng ngoài và kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến vòng ngoài với vòng trong cũng như trong suốt chiều sâu Chiến dịch. Đây là nghệ thuật sử dụng lực lượng độc đáo, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của ta và tình hình địa bàn. Với cách tổ chức này, mặc dù lực lượng ít, ta vẫn có thể đánh các mục tiêu (có chọn lọc) cả ở phía trước, bên sườn, phía sau đội hình địch, nhưng vẫn bảo toàn được lực lượng. Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, trong khi quân Mỹ hùng hổ tung quân tìm diệt lực lượng ta thì bộ đội chủ lực lại bình tĩnh, chủ động tập kích vào những mục tiêu trọng yếu, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Điển hình là trận tập kích đêm 28-02-1967 của Trung đoàn 16 vào sâu vị trí xuất phát tiến công của địch, diệt một chi đội xe cơ giới (31 chiếc) và hơn 200 quân Mỹ, khiến địch không kịp trở tay. Hoặc trận tập kích quân Mỹ ở Đồng Pan, ta không chỉ đánh vào vị trí xuất phát của địch, mà còn đánh mạnh vào hậu cứ của cuộc hành quân, khiến địch hoang mang, dao động tột độ. Thậm chí, do lo sợ bị chủ lực “Việt Cộng” tấn công, một chiến đoàn của quân đội Sài Gòn đã án binh bất động, không dám tiến quân, buộc địch phải dùng trực thăng bốc về Trại Bí. Nét đặc sắc trong tổ chức, sử dụng lực lượng Chiến dịch còn được thể hiện, khi bước vào đợt 2, thay vì hùng hổ tiến quân, địch phải tổ chức thành từng cụm quân, hình thành vòng vây trên khu vực rộng 450 km2 để từ đó kết hợp với nhau vây ép, bức rút ta trong căn cứ. Trước tình hình đó, Chiến dịch chỉ đạo các đơn vị chủ lực nhanh chóng chuyển hóa thế trận, khôn khéo nhử địch vào nơi ta đã chuẩn bị trước và tập trung lực lượng lớn để tiêu diệt. Đúng như dự liệu của ta, đêm 20-3-1967, cụm quân Mỹ tiến đến Đồng Rùm. Tranh thủ thời cơ địch còn lạ nước, lạ cái, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định sử dụng hai trung đoàn bộ binh đánh trận quyết định trên khu vực ta dự kiến trước. Kết quả, ta đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn pháo, ba chi đoàn thiết giáp (72 xe), bắn rơi 10 máy bay và loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.200 tên địch. Sau trận này, cánh quân phía Nam của địch hầu như bị tê liệt, các hướng khác bị sa lầy không ứng cứu được cho nhau và dẫn đến thất bại.
3. Coi trọng tổ chức, sử dụng các tổ, đội săn cơ giới, bắn máy bay, tạo thế ngăn chặn, đánh bại các hướng, mũi tiến công của địch. Mở cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty, cùng với huy động lực lượng áp đảo, quân Mỹ còn sử dụng sức đột kích của xe tăng, thiết giáp, khả năng cơ động của máy bay trực thăng và uy lực pháo binh hơn hẳn, hòng đè bẹp và “bắt gọn” cơ quan đầu não đối phương trong thời gian ngắn. Đây thực sự là thử thách lớn, đòi hỏi Bộ Tư lệnh Chiến dịch phải có quyết tâm cao, tổ chức lực lượng tác chiến khoa học, có cách đánh mưu trí, sáng tạo, nhằm đánh bại từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân của địch. Trên cơ sở nghiên cứu, nắm chắc quy luật hoạt động, thủ đoạn đối phó của quân Mỹ, Chiến dịch đã chủ động tổ chức các đội chuyên trách săn cơ giới, bắn máy bay, tạo bước đột phá để đánh vào khâu yếu nhất của địch, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta. Đây là sự sáng tạo xuất phát từ thực tiễn chiến trường mà các chiến dịch trước không có được. Theo đó, lực lượng này gồm các đồng chí gan dạ, nhanh nhẹn, sử dụng được nhiều loại vũ khí và thông thuộc địa bàn. Cùng với đó, Chiến dịch chú trọng tăng cường vũ khí, trang bị tốt cho các tổ, đội này, nhất là các loại súng chống tăng và bắn máy bay. Số vũ khí này được cấp phát ngay cho bộ đội từ kho dự trữ của Miền và một phần từ miền Bắc mới chuyển vào. Tính đến trước ngày nổ ra Chiến dịch, mỗi đại đội quân giải phóng được biên chế 09 khẩu súng chống tăng B40, B41. Riêng lực lượng vũ trang các địa phương Bình Dương, Tây Ninh, mỗi tỉnh được trang bị 70 khẩu. Có thể nói, đó là một trong những nhân tố quan trọng giúp quân và dân ta chiến thắng địch trong cuộc càn ác liệt này. Và cũng chính nhờ đó, bộ đội địa phương cùng du kích, tự vệ cơ quan phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực tổ chức đánh nhiều trận hết sức táo bạo, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Tiêu biểu cho phong trào tìm, diệt xe cơ giới, bắn máy bay là các trận tập kích của du kích các huyện Suối Mây, Tà Đạt. Tại Suối Mây, du kích cơ quan huyện đã diệt gọn 27 xe thiết giáp Mỹ khi chúng tiến công vào địa bàn. Trên đường 13, bộ đội địa phương Lộc Ninh đã phối hợp với Trung đoàn 3 tiến công phá hủy 92 xe cơ giới địch, diệt 400 quân Mỹ. Đặc biệt, tại Rùm Đuôn, An Khắc, bộ đội địa phương cùng du kích cơ quan tổ chức phục kích bắn rơi tại chỗ 09 máy bay lên thẳng, diệt gần 160 tên địch, khiến quân Mỹ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những trận đánh liên tiếp của bộ đội chủ lực và du kích các huyện, nhất là của các tổ, đội chuyên trách trên toàn địa bàn làm cho địch bị tổn thất nặng nề cả về quân số, vũ khí trang bị và tinh thần tư tưởng. Trước thực tế này, một số nhà chiến lược Mỹ, những nhân vật chóp bu ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã phải thốt lên rằng: phải dùng bao nhiêu quân nữa, sử dụng vũ khí gì nữa để có thể làm xoay chuyển được tình thế của cuộc chiến tranh khi mà chỉ với một vùng căn cứ nhỏ hẹp như Tây Ninh, mà đã phải huy động tới 45.000 quân cùng một lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại mà vẫn không đạt được kết quả nào.
50 năm đã trôi qua nhưng giá trị và ý nghĩa to lớn của chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty năm 1967 vẫn in đậm trong ký ức của quân và dân cả nước. Thắng lợi đó đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thượng tá, ThS. NGUYỄN VĂN SỬ
Nghệ thuật tổ chức,sử dụng lực lượng,chiến dịch phản công,Gian-xơn Xi-ty
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh 22/01/2024
Nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch giải phóng Lai Châu năm 1953 14/12/2023
Nghệ thuật sử dụng pháo binh trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 13/11/2023
Nghệ thuật chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 19/10/2023