Thứ Bảy, 23/11/2024, 22:08 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Đầu năm 1968, sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, Mỹ - ngụy lâm vào thế bị động, buộc phải thay đổi chiến lược từ “tìm diệt” sang “quét và giữ”, hòng đẩy lực lượng chủ lực ta ra xa, bảo vệ các đô thị, nhất là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, v.v. Thực hiện chiến lược đó, Mỹ, ngụy tổ chức điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên từng khu vực; trong đó, xung quanh đô thành Sài Gòn chúng tổ chức thành ba tuyến phòng thủ kiên cố, với chiều sâu lên tới gần 100km. Trong mỗi tuyến, chúng thiết lập nhiều cụm cứ điểm, bố trí lực lượng dày đặc từ trong ra ngoài, có hỏa lực mạnh để yểm trợ. Đặc biệt, trên tuyến ngoài cùng, chúng sử dụng một lực lượng lớn quân chiến đấu Mỹ và tổ chức hệ thống hỏa lực hỗn hợp, cả không quân, pháo binh,… của các cấp chi viện, hòng giữ vững bàn đạp, ngăn chặn ta triển khai lực lượng tiến công từ xa.
Về phía ta, căn cứ vào tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, Trung ương Cục và Quân ủy Miền chủ trương: chuyển hướng hoạt động của lực lượng chủ lực, mở chiến dịch tiến công vào tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tập trung trên hướng Tây Bắc và Bắc Sài Gòn, thuộc địa bàn hai tỉnh Tây Ninh và Bình Long, nhằm phối hợp với các chiến trường tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, buộc chúng phải điều quân ở tuyến giữa và trong ra, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của quần chúng, phát triển, mở rộng vùng giải phóng. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong bối cảnh thực hiện đợt 3 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, nhằm đánh vào một trong những khâu yếu nhất trên toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nghiên cứu kỹ tình hình mọi mặt, chuẩn bị chu đáo, chỉ huy thực hành tác chiến chặt chẽ, sáng tạo theo phương châm “đánh điểm, diệt viện”. Đặc biệt, đã vận dụng linh hoạt các biện pháp tác chiến, hình thức chiến thuật, chủ yếu vận dụng hình thức tập kích kết hợp với phương pháp cường tập, đánh các trận nhỏ, vừa, thậm chí là cả các trận lớn để tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Thực tiễn chiến dịch cho thấy, sau hơn một tháng tiến công, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 18.400 tên địch, phá hủy hơn 1.500 xe quân sự, 112 máy bay, 107 khẩu pháo và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại,... góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Thắng lợi của Chiến dịch đã để lại nhiều bài học quý; trong đó, bài học bao trùm nhất là nghệ thuật tập kích tiêu diệt một số cụm quân dã ngoại của địch, được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, nắm chắc tình hình, xác định mục tiêu tập kích chính xác, nhanh chóng phá vỡ thế phòng ngự của địch. Trong thế phòng thủ tuyến ngoài tại Tây Ninh, Bình Long, mục tiêu của địch là thiết lập những căn cứ bảo vệ sườn cho các đô thị lớn; đồng thời, lấy đó làm bàn đạp để mở các cuộc càn quét, đẩy chủ lực của ta ra xa hơn. Vì thế, chúng đã lựa chọn và gấp rút xây dựng các cụm phòng ngự dã ngoại dự phòng tương đối vững chắc, được các đơn vị hỏa lực mạnh bảo vệ, chi viện. Trong khi đó, lực lượng, phương tiện chiến đấu của ta, nhất là của bộ đội chủ lực còn nhiều hạn chế so với địch, mặc dù đã được củng cố, bổ sung sau Đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Vì thế, việc lựa chọn mục tiêu tập kích, vừa đảm bảo đủ sức tiêu diệt gọn quân địch, nhưng phải buộc chúng điều quân ứng cứu, giải tỏa, tạo điều kiện cho các lực lượng khác đánh địch ngoài công sự là vấn đề rất quan trọng. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định chọn một loạt mục tiêu, như: Chà Phí, Núi Bà Đen, Chà Là,… để tổ chức tập kích. Đây là những căn cứ chỉ do 01 tiểu đoàn đến 01 tiểu đoàn địch tăng cường chiếm đóng, lại ở vào thế hiểm yếu,… nên ta vừa có khả năng tiêu diệt gọn, vừa có điều kiện thuận lợi đánh địch cơ động trên Đường số 4 và Đường 22. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, ta đã nhanh chóng tiêu diệt địch trong các căn cứ này và khiến chúng hoàn toàn bất ngờ; đồng thời, còn tổ chức phục kích đánh địch ứng cứu, giải tỏa, hòng đánh chiếm lại các mục tiêu vừa bị mất.
Nghệ thuật nắm tình hình, xác định mục tiêu tập kích phù hợp còn được thể hiện rõ nét khi ta tổ chức đánh trận then chốt mở màn chiến dịch vào căn cứ Chà Phí giành thắng lợi. Lần đầu tiên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong khuôn khổ tác chiến chiến dịch, ta đã thực hiện thành công trận then chốt mở màn bằng hình thức tập kích và sử dụng phương pháp cường tập. Đây là kết quả của sự đánh giá, phân tích và lựa chọn mục tiêu tập kích đúng đắn, khoa học của Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Căn cứ Chà Phí có vị trí rất quan trọng trong thế phòng thủ chung của địch ở khu vực Tây Ninh, với lực lượng tương đối lớn (01 tiểu đoàn), trực tiếp bảo vệ thị xã Tây Ninh về phía Đông theo Đường số 4. Nếu tiêu diệt được mục tiêu này thì toàn bộ hệ thống phòng thủ của chúng ở đây sẽ bị chia cắt, ta có thế thuận lợi để đánh chiếm các mục tiêu khác, phá tan tuyến bảo vệ Sài Gòn vòng ngoài từ hướng này. Vì thế, khi ta tiến công Chà Phí, buộc chúng phải cơ động lực lượng ra chi viện hoặc lấy lại trận địa đã mất. Đây là cơ hội thuận lợi có một không hai để ta tiêu diệt địch ngoài công sự. Thực tiễn đã chứng minh, trong đêm 17-8, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9) chỉ mất 2 giờ 30 phút đã đánh bại hoàn toàn 01 tiểu đoàn, diệt hơn 400 tên, phá hủy 33 xe tăng, xe bọc thép, 09 khẩu pháo 105mm, 02 khẩu cối 106,7mm của địch; ta làm chủ trận địa và nhanh chóng thu dọn chiến trường, rời khỏi trận địa an toàn. Mất một vị trí quan trọng trong tuyến phòng thủ, buộc địch phải cơ động lực lượng đến ứng cứu, giải tỏa. Để chặn đánh lực lượng này, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng Trung đoàn 33 (Sư đoàn 5) phục kích trên Đường 22, tiêu diệt hàng trăm tên, phá hủy nhiều xe bọc thép của địch. Đến ngày hôm sau, chúng mới tổ chức lực lượng lấy lại trận địa.
Hai là, lựa chọn thời điểm, thời cơ tập kích phù hợp, tạo bất ngờ lớn cho địch. Trong tác chiến nói chung, tác chiến chiến dịch nói riêng, vấn đề thời cơ là lực lượng, nên việc lựa chọn thời cơ, thời điểm đánh địch có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến thành, bại của trận đánh. Trong chiến dịch Tây Ninh - Bình Long 1968, qua nghiên cứu nắm chắc tình hình địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã lựa chọn thời điểm tập kích các mục tiêu rất phù hợp, đó là khi địch mới chuyển vào phòng ngự, đứng chân chưa vững, hệ thống công sự, trận địa chưa hoàn chỉnh, công tác chỉ huy còn nhiều sơ hở. Để chớp thời cơ đánh địch, các đơn vị đã nhanh chóng hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng bí mật cơ động áp sát trận địa địch, hình thành nhiều mũi, hướng, đồng loạt nổ súng, nhanh chóng thọc sâu, chia cắt, đánh chiếm mục tiêu, làm cho địch bị động hoàn toàn, rối loạn chỉ huy, chống cự yếu ớt, tạo điều kiện cho ta diệt gọn từng bộ phận, tiến đến tiêu diệt toàn bộ quân địch. Nét đặc sắc trong nghệ thuật lựa chọn thời cơ tập kích của Chiến dịch còn được thể hiện, sau khi ta tập kích lần 1 vào Chà Phí, địch phản ứng tức thì, đổ quân chiếm đóng lại ngay ngày hôm sau (18-8-1968). Trước tình thế đó, ngày 21-8, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tổ chức tập kích lần 2 vào chính căn cứ này và giành thắng lợi lớn. Đây là quyết định chính xác, sáng tạo và đầy táo bạo, bởi địch không thể ngờ rằng, quân ta lại đủ sức đánh bồi vào chính nơi mà chúng vừa chiếm lại nên bộc lộ nhiều chủ quan, sơ hở. Vì thế, với lực lượng không lớn và chỉ sau hơn 03 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt hơn 600 tên, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng. Đặc biệt, trong Đợt 2 của Chiến dịch, chỉ trong 03 ngày chiến đấu (từ ngày 16 đến 18-9), ta sử dụng Trung đoàn 5 tập kích căn cứ Bến Cát ba lần liên tục; thậm chí, Trung đoàn 33 của quân giải phóng tổ chức tập kích địch trên Đường 22 bốn trận kế tiếp, đánh thiệt hại 04 tiểu đoàn cơ động của Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên, phá hủy 250 xe cơ giới các loại cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của chúng.
Như vậy, trên cơ sở lựa chọn thời điểm, thời cơ tập kích sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể, Chiến dịch đã tổ chức nhiều trận tập kích liên tục vào một địa điểm, tạo bất ngờ đối với địch, đem lại hiệu suất chiến đấu cao. Đây là nét độc đáo, sáng tạo trong nghệ thuật tập kích, vừa đáp ứng được phương châm: “đánh điểm, diệt viện”, vừa đảm bảo đánh liên tục, đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, gây cho địch nhiều thiệt hại, làm đảo lộn kế hoạch phòng ngự tuyến ngoài của chúng.
Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các thủ đoạn chiến đấu, tiêu diệt lớn sinh lực địch, giành thắng lợi. Trong Chiến dịch Tây Ninh - Bình Long, các mục tiêu ta lựa chọn tiến công mặc dù chưa được địch xây dựng kiên cố, vững chắc, nhưng bù lại, chúng được nhiều lớp hàng rào, thép gai kết hợp với các bãi mìn xen kẽ bảo vệ,... nên việc tập kích vào các căn cứ này là hết sức khó khăn. Không những thế, các mục tiêu trên còn nằm trong vành đai địch có thể khống chế, kiểm soát bằng cả hỏa lực và xung lực. Vì thế, việc vận dụng các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu trong từng trận đánh và giai đoạn của Chiến dịch là vấn đề rất quan trọng. Theo đó, căn cứ vào tính chất mục tiêu, khả năng tác chiến của từng đơn vị, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo các đơn vị, nhất là các bộ phận trực tiếp tiến công vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến đấu, bảo đảm đánh chắc thắng, hiệu suất chiến đấu cao. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, các trận tập kích đều diễn ra đúng ý định và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần quyết định giành thắng lợi. Thực tế đã chứng minh, với tính chất địch ở các căn cứ: Chà Phí, suối Ông Hùng, Bến Cát, Cà Tum,… chủ yếu mới chuyển sang phòng ngự dự phòng, còn nhiều sơ hở, ta đã vận dụng chiến thuật tập kích bằng phương pháp cường tập, vừa phát huy được sức mạnh hiện có kết hợp với yếu tố bất ngờ, kiên quyết, táo bạo, thọc sâu đánh vào mục tiêu chủ yếu ngay từ đầu, nên giành thắng lợi lớn. Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chỉ đạo các đơn vị phát huy sở trường đánh đêm, đánh bất ngờ khi địch không ngờ tới; đồng thời, kết hợp đánh cả phía trước, bên sườn và phía sau lưng địch. Điển hình là trận đánh lần 2 vào căn cứ Chà Phí, khi hướng chủ yếu bị chặn lại ngoài hàng rào, ta đã nhanh chóng chuyển hướng thứ yếu thành chủ yếu, táo bạo, thọc sâu đánh thẳng vào tung thâm địch nên đã giành thắng lợi cho trận then chốt. Với trận Núi Bà Đen, ta đã phát huy đúng thế mạnh, sở trường của các đơn vị đặc công, sử dụng phương pháp mật tập, bí mật cơ động, triển khai đội hình chiến đấu ngay trong trận địa địch, đồng loạt nổ súng tiêu diệt các mục tiêu, nên đã giành thắng lợi nhanh chóng.
Chiến dịch Tây Ninh - Bình Long 1968 cách đây tròn 50 năm, nhưng những bài học về nghệ thuật tập kích vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Thiếu tá PHẠM CAO CƯỜNG
chiến dịch Tây Ninh,nghệ thuật tập kích
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966