Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 18/08/2011, 08:29 (GMT+7)
Nghệ thuật tạo lập căn cứ địa vững chắc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh
alt
Sự tích Lê Lợi trả gươm trong tranh hiện đại

Ngay sau khi đánh bại Hồ Quý Ly, quân Minh nhanh chóng thiết lập bộ máy thống trị hòng biến nước ta thành một quận, huyện của chúng. Chúng thực thi nhiều biện pháp vơ vét, bóc lột hết sức tàn ác đối với nhân dân ta và tăng cường đàn áp các cuộc khởi nghĩa. Nhưng, với ý chí quật cường của một dân tộc “quyết không đội trời cùng kẻ địch, thề không chung sống với quân thù”, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở khắp mọi nơi, từ “miền xuôi” đến “miền ngược”, làm cho địch khốn quẫn, ăn không ngon, ngủ chẳng yên. Đến mùa Thu năm 1421, trong khi nhiều cuộc khởi nghĩa bị địch dập tắt thì Phong trào Lam Sơn (nổ ra từ ngày 8 tháng 2 năm 1418) do Lê Lợi lãnh đạo, không những vẫn tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, lan rộng, thôi thúc nhiều người yêu nước, nhiều hào kiệt ở các địa phương nô nức tham gia, dần trở thành trung tâm của phong trào đấu tranh cả nước. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh của nhân dân ta kéo dài trong 10 năm, khởi đầu từ trận Lạc Thuỷ (Cẩm Thuỷ và Bá Thước ngày nay) năm 1418 và kết thúc bằng chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang oanh liệt năm 1427, đã ghi vào trang sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc một mốc son chói lọi. Thắng lợi vẻ vang đó có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân bao trùm, quyết định nhất lànghệ thuật tạo lập căn cứ địa vững chắc.

Trước hết, đó là nghệ thuật chọn khu vực, vị trí xây dựng căn cứ. Với tầm nhìn chiến lược, sắc sảo và tư duy chiến tranh toàn dân, toàn diện, Lê Lợi đó chọn Lam Sơn, Thanh Hoá làm địa bàn hoạt động. Một trong những cơ sở quan trọng cho quyết định đó là vì, đây là quê hương của Ông, của các tướng lĩnh và nhiều nghĩa quân. Lúc bấy giờ, Thanh Hoá là một phủ đông dân bậc thứ hai trong 21 phủ, châu và chiếm một phần bảy số “đinh” (nam giới) của cả nước, là một khu vực cư trú của nhiều dân tộc người Việt, Mường, Tày, Dao… Nhân dân Thanh Hoá lại có truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, kinh nghiệm chiến đấu, nhiệt huyết đấu tranh chống xâm lược cao độ. Do vậy, Nghĩa quân có thể động viên được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân hợp thành một khối đoàn kết vững chắc đánh quân thù. Về mặt địa lý, Lam Sơn là cửa ngõ đi vào miền núi rừng trùng điệp phía Tây đất Thanh Hoá; từ đây, Nghĩa quân có thể tung hoành hoạt động mà vẫn bảo đảm giữ được bí mật, an toàn. Hơn nữa, Lam Sơn nằm liền con đường thượng đạo (đường núi) - một huyết mạch kín đáo do thiên nhiên ban tặng - “khi nghịch”, có thể bí mật rút vào thủ hiểm; “lúc thuận”, có thể nhanh chóng xuất quân đánh vào Nam, tiến ra Bắc dễ dàng. Ngoài vị trí đắc địa tự nhiên, Lam Sơn còn nằm gần biên giới Việt Nam - Ai Lao (Lào); các dân tộc của hai nước ở đây có mối quan hệ thân tộc, láng giềng, nên Nghĩa quân có thể tranh thủ sự giúp đỡ của Bạn trong sự nghiệp kháng chiến chống quân xâm lược Minh; thậm chí, lúc nguy có thể tạm tránh sang Ai Lao để bảo toàn lực lượng… Một đòi hỏi bức thiết đặt ra lúc này với Nghĩa quân là phải có một căn cứ vững chắc để tổ chức lực lượng, phát triển phong trào cả bề rộng và chiều sâu. Dựa trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình khách quan, toàn diện, Lê Lợi quyết định lấy khu vực Chí Linh - Lam Sơn để xây dựng căn cứ địa. Vì, ngoài thuận lợi về “nhân hòa”, “thiên thời”, Lam Sơn - Chí Linh còn có “địa lợi” - những nhân tố quan trọng để tạo thành căn cứ địa vững chắc, bảo đảm vừa có thế phòng thủ, vừa có thế tiến công, địch không thể xâm phạm. Để “thu đất, giành dân, lập chính quyền ta, phá chính quyền địch” mở rộng căn cứ, Nghĩa quân quyết định tiến công thành Nghệ An, nhằm giải phóng một khu vực đồng bằng khá rộng, có nhiều dân, điền địa màu mỡ. Theo đó, Nghĩa quân chọn dãy núi Thiên Nhận để xây dựng căn cứ quân sự, làm bàn đạp, tạo thế tiến công tiêu diệt địch… Khu vực này có nhiều điểm cao thuận lợi cho triển khai, bố trí lực lượng cả trong tiến công và phòng thủ; đồng thời, vừa là nơi tập luyện của quân tướng, vừa là nơi thu thập binh lương, chế tạo vũ khí, chuẩn bị cho các hoạt động quân sự mới và cũng là trung tâm của chính quyền độc lập trong vùng giải phóng. Những căn cứ trên đó đóng góp tích cực vào sự phát triển của Phong trào. Giai đoạn đầu khởi nghĩa, căn cứ Lam Sơn đó làm tốt nhiệm vụ bổ sung quân, cung cấp lương thảo, vũ khí1 và động viên tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho cuộc khởi nghĩa. Nhờ đó, Nghĩa quân càng chiến đấu, càng anh dũng, kiên cường, mưu trí, linh hoạt, tiêu diệt hàng nghìn tên địch; nhất là đó tổ chức tiến công đánh thẳng vào đồn Nga Lạc của địch, bắt sống tướng chỉ huy (Nguyễn Sao), diệt hơn 300 tên, giành thắng lợi quan trọng, thúc đẩy Phong trào bước tới một giai đoạn phát triển mới.

Hai là, nghệ thuật xây dựng gắn liền với bảo vệ căn cứ. Sau khi phân tích đánh giá kỹ tình hình khu vực Chí Linh - Lam Sơn, Lãnh tụ Nghĩa quân nhận thấy: mặc dù có rất nhiều thuận lợi, nhưng cũng có những mặt hạn chế; đó là, Lam Sơn là nơi địa hình bằng phẳng, trống trải, lại gần thành Tây Đô (cách Tây Đô khoảng 30 km theo đường chim bay) - một căn cứ quân sự mạnh của địch, địa bàn có nhiều ngụy quân, ngụy quyền hoạt động; địch dễ dàng theo dõi, phát hiện các hoạt động của Nghĩa quân và có khả năng tập trung lực lượng trong thời gian ngắn để tiến công. Đối với Chí Linh thì khó khăn lớn nhất là việc tiếp tế lương thảo. Từ sự phân tích như vậy, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt Cuộc kháng chiến của Lãnh tụ Lê Lợi là “xây dựng để bảo vệ, bảo vệ để xây dựng”; đó là hai vấn đề mấu chốt tác động qua lại lẫn nhau. Trong giai đoạn đầu của Cuộc khởi nghĩa, do chưa có tiềm lực tạo lập căn cứ kiên cố, vững chắc, Nghĩa quân liên tục phải cơ động “xê dịch” vị trí từ Lam Sơn về Chí Linh, rồi từ Chí Linh trở lại Lam Sơn để phát triển lực lượng, phát triển sản xuất. Nhờ đó, Nghĩa quân không những bảo toàn được lực lượng, bảo vệ được nhân dân, duy trì được sản xuất, mà còn làm cho địch hoàn toàn bị động đối phó. Tích cực cơ động, vừa chiến đấu, vừa sản xuất là bước phát triển mới của nghệ thuật tạo lập căn cứ, nguyên nhân tồn tại và phát triển của Phong trào. Để thực hiện mục tiêu đưa Phong trào phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có đủ sức mạnh vật chất và tinh thần tiến công tiêu diệt địch, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động ra các vùng xung quanh, Nghĩa quân đã gấp rút chuẩn bị mọi mặt để xây dựng cả vùng núi Chí Linh - Lam Sơn thành căn cứ địa vững chắc. Nghiên cứu địa thế của từng khu vực, Nghĩa quân quyết định xây dựng Chí Linh thành trung tâm của căn cứ, nơi luyện tập quân sĩ, tích trữ lương thảo, chế tạo khí giới... Tại Lam Sơn, thiết lập các tuyến phòng thủ vòng ngoài có hệ thống công sự khép kín, liên hoàn, vững chắc; đồng thời, tiếp đón nhân tài, hào kiệt, tiếp nhận lương thảo, vũ khí và chuẩn bị tốt về mọi mặt để sẵn sàng giao chiến với địch... Từ Lam Sơn vào Chí Linh, Nghĩa quân bố trí lực lượng thành nhiều tuyến canh phòng cẩn mật, kiểm tra nghiêm ngặt việc ra vào căn cứ và tổ chức liên lạc linh hoạt bằng hình thức vận động (chạy chân, chạy ngựa)... Nhờ đó, Chí Linh - Lam Sơn đó trở thành một căn cứ địa, một hậu phương vững chắc của Nghĩa quân. Đặc biệt, ở căn cứ Thiên Nhận - được xem là một điểm nhấn về tư duy “trúc thành” vượt trước, Nghĩa quân đó thiết lập được một hệ thống thành lũy vững chắc, nối liền các núi, dãy núi, tạo thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ cả vùng rừng núi rộng lớn, rất an toàn cho việc huấn luyện, chế tạo khí giới, tích trữ lương thảo… chuẩn bị tiến công thành Nghệ An. Ngoài ra Nghĩa quân còn lợi dụng những ngọn núi cao để quan sát, phát hiện “nhất cử”, “nhất động” của địch trong địa bàn; từ đó giành thế chủ động cả trong tiến công và phòng thủ. Cùng với đó, Nghĩa quân đắp nhiều đập cao tạo thành những hồ lớn tích trữ nước trên cao phục vụ cuộc sống dân sinh, lao động sản xuất, đồng thời thiết lập nhiều cửa xả lũ sẵn sàng tạo sức mạnh “thiên nhiên” đẩy lùi các cuộc tiến công của địch. Có thể nói, cải tạo địa hình tự nhiên vừa bảo đảm phát triển dân sinh vừa bảo đảm phòng vệ lúc bấy giờ là một tư duy sáng tạo, độc đáo của Nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặt nền móng cho đường lối phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh ngày nay.

Cùng với việc xây thành, đắp lũy, luyện tập quân sĩ và rèn khí giới, Nghĩa quân chủ trương cố gắng tự túc một phần lương thực, giảm bớt khó khăn cho hậu phương bằng việc tổ chức cho quân sĩ “vừa cày ruộng, vừa đánh giặc” và tích cực thực hiện khẩu hiệu lấy của giặc làm của mình, như Nguyễn Trãi thường nói: “lương thực, khí giới, lấy của giặc làm của mình”, “phàm cung tên, giáo mộc của giặc đều là chiến khí của ta, vàng bạc, châu báu của giặc đều là quân tư của ta…”. Đây là vấn đề hậu cần quân sự hết sức quan trọng, đó được Nghĩa quân Lam Sơn vận dụng như một nhân tố bảo đảm thắng lợi của chiến tranh.

Ba là, tạo dựng niềm tin của nhân dân vào thắng lợi cuối cùng của Cuộc khởi nghĩa. Lãnh tụ Nghĩa quân sớm nhận thức được rằng: trong chiến tranh, có vũ khí và phương tiện chiến tranh tốt là điều rất cần thiết, nhưng con người mới là khâu quyết định; sức dân như nước, nhân dân là vô địch, nhân dân quyết định mọi thắng lợi của chiến tranh. Bởi vậy, để chiến thắng được quân xâm lược nhà Minh, cần phát động chiến tranh nhân dân, vũ trang dân chúng: “giơ gậy làm cờ, bốn phương dân cày tập hợp”. Với quan điểm trong sáng, vì dân, vì nước, Lãnh tụ Nghĩa quân Lam Sơn khi dấy cờ khởi nghĩa đó tập hợp được quanh mình những binh sĩ áo vải không nề gian khổ, không ngại hy sinh, đặt nghĩa lớn vì lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích riêng của bản thân. Đó là tinh thần: “Vợ con lưu lạc, quân sĩ tha phương/Trong cảnh khốn vẫn bền lũng, vững tin ở ngày hưng vượng/Lấy giáp sắt làm áo mặc, lấy rễ rau làm quân lương”2, “Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần/Lúc Khôi huyện quân không một lữ”3. Vì thế, trong suốt cuộc kháng chiến, Nghĩa quân đi đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ nhiệt tình; nhân dân sẵn sàng mang cả thóc gạo, trâu bò, gia sản,... ủng hộ và đi theo. Do đó, Phong trào đó giành thắng lợi liên tiếp, đi đâu thắng đấy, đánh trận nào thắng trận ấy, càng đánh sức càng mạnh, quân càng đông, hậu phương càng rộng, căn cứ càng vững, sự nghiệp giải phóng càng rực rỡ.

Bài học lịch sử về nghệ thuật xây dựng căn cứ địa của Nghĩa quân Lam Sơn vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Nó cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, sáng tạo trong xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc, đặc biệt là xây dựng “thế trận lòng dân” trong tình hình mới.

 Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN MINH ĐỨC

                  

1 - Có những thời điểm, lực lượng của Nghĩa quân chỉ cũn 100 người, lương thực đó hết, từ hai thỏng phải ăn rau rừng và muông thú; vậy mà, trong thời gian 5 đến 6 tháng sau, quõn, lương thảo lại đủ để Nghĩa quân chiến đấu.

2, 3 - Nguyễn Trãi - Đánh giặc cứu nước, Nxb QĐND, H. 1973, tr. 639, 649.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.