Thứ Sáu, 20/09/2024, 06:52 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Đầu năm 1972, thực hiện ý định chiến lược, ta tổ chức Chiến dịch tiến công Trị - Thiên bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Chiến dịch đã đập tan tuyến phòng ngự kiên cố, vững chắc của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, tạo ra cục diện mới của cuộc chiến tranh, với những nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến chiến dịch tấn công.
Mặc dù bị thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương, song Mỹ, ngụy vẫn ngoan cố thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, hòng tạo lợi thế để mặc cả với ta trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri. Thực hiện ý đồ đó, chúng tăng cường phòng thủ trên hướng Trị - Thiên - tuyến đầu trong hệ thống phòng thủ của Mỹ, ngụy, thành phòng tuyến kiên cố, vững chắc, liên hoàn, bất khả xâm phạm. Lực lượng địch ở khu vực này gồm: 02 sư đoàn bộ binh; 02 lữ đoàn lính thủy đánh bộ; 03 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp; 17 tiểu đoàn pháo binh,… được không quân, pháo binh (kể cả pháo hạm) chi viện, nhằm ngăn chặn, đánh bại mọi cuộc tiến công của đối phương.
Về phía ta, thực hiện chủ trương giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam; trong đó, lấy Chiến dịch Trị - Thiên làm hướng tiến công chủ yếu. Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng có quy mô lớn nhất đến thời điểm lúc bấy giờ1. Sau gần 03 tháng chiến đấu, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sắc sảo của Quân ủy Trung ương, Chiến dịch đã giành thắng lợi lớn, tiêu diệt và bắt sống trên 30 nghìn tên địch, phá hủy và thu giữ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng, giải phóng tỉnh Quảng Trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Thắng lợi đó để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch tiến công; trong đó, nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng là nét nổi bật.
1. Tạo lập thế trận ban đầu chắc, hiểm, triển khai binh khí, kỹ thuật cơ giới phù hợp, đảm bảo bí mật, bất ngờ để thực hiện đòn đánh quyết định. Chiến dịch tiến công Trị - Thiên năm 1972 diễn ra trên địa bàn gần sát với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa nên ta có điều kiện làm tốt công tác chuẩn bị chiến dịch về lực lượng và binh khí, kỹ thuật, cũng như sẵn sàng đảm bảo tốt các mặt khi cần thiết. Tuy nhiên, ta cũng có khó khăn, như: địa bàn chiến dịch rộng, địch đã thiết lập tuyến phòng ngự mạnh với nhiều tầng, lớp hệ thống công sự trận địa kiên cố, liên hoàn, vững chắc, lại có hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra kiểm soát ngày đêm. Hơn nữa, để tăng cường phòng thủ, chúng sử dụng nhiều loại vũ khí, kỹ thuật hiện đại, như: pháo binh, không quân, pháo hạm, thậm chí cả máy bay ném bom chiến lược B-52, v.v. Trong khi đó, để tạo thế trận ban đầu, Chiến dịch phải bí mật cơ động nhiều đơn vị và khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là các phương tiện cơ giới hạng nặng. Giải quyết bài toán này, một mặt, Bộ Tư lệnh Chiến dịch triệt để tận dụng thế trận chiến lược để phát triển thế trận chiến dịch vững chắc. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, nhanh chóng xây dựng hệ thống đường cơ động, đặc biệt là đường cho các loại xe cơ giới hạng nặng, như: xe tăng, pháo binh, khí tài tên lửa, v.v. Với sự chủ động, tích cực của các lực lượng, đến tháng 3-1972, ta đã làm mới và sửa chữa được 09 tuyến đường, với tổng chiều dài là 264km, bảo đảm cho các lực lượng cơ động, vận chuyển các loại binh khí, kỹ thuật và hậu cần. Nhờ hệ thống đường này, các lực lượng của ta, nhất là các đơn vị cơ giới đã bí mật cơ động chiếm lĩnh trận địa, triển khai vũ khí, khí tài nhanh, an toàn. Trong đó, các đơn vị xe tăng, pháo binh - những đơn vị nòng cốt cho tác chiến hiệp đồng binh chủng đã bí mật cơ động hàng chục ki-lô-mét vào triển khai trên các hướng theo đúng ý định tác chiến chiến dịch. Trong quá trình cơ động triển khai, cùng với sử dụng các tổ đài kỹ thuật luồn sâu bám nắm động thái của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch còn tổ chức các tổ đài nghi binh, thường xuyên phát những chỉ thị, mệnh lệnh giả. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng vũ trang các địa phương đánh địch liên tục, rộng khắp trong từng địa bàn lựa chọn để căng kéo, thu hút, đánh lừa hướng tiến công của ta và thực hiện cài thế răng lược. Điển hình là, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị đã đánh gần 400 trận lớn, nhỏ ngay trong tháng 3-1972; lực lượng vũ trang của tỉnh Thừa Thiên liên tục hoạt động trên khu vực phía Tây Đường 12, thu hút địch về khu vực này. Nhờ tích cực triển khai các biện pháp đồng bộ, ta đã cơ động, triển khai một số lượng lớn lực lượng và binh khí kỹ thuật trên cả 04 hướng tiến công, với phạm vi hàng trăm ki-lô-mét, bảo đảm bí mật, an toàn. Đây là thành công lớn nhất về tổ chức chuẩn bị chiến dịch mà các chiến dịch trước chưa làm được. Điều đáng nói là, ngay sát hàng rào “điện tử” Mắc Na-ma-na được coi là bất khả xâm phạm, các binh đoàn chủ lực của ta đã thực hành cơ động, triển khai, bổ sung vật chất và ở tư thế sẵn sàng tiến công mà địch không hề hay biết gì. Thậm chí, chúng vẫn tổ chức thay quân như thường lệ. Sau này, các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng, chính việc cơ động, triển khai thế trận ban đầu nhanh chóng, bí mật đã tạo điều kiện cho các đơn vị chuẩn bị tốt mọi mặt, bảo đảm tác chiến hiệp đồng binh chủng trên toàn địa bàn Chiến dịch, chủ động đánh địch, giành thắng lợi.
2. Kết hợp chặt chẽ giữa hỏa lực, xung lực và sức đột kích trên hướng chủ yếu, tạo sức mạnh hơn hẳn địch và thực hiện đột phá từ ngoài vào trong. Đặc điểm phòng ngự của địch ở địa bàn Trị - Thiên là “trước mạnh, sau yếu”. Vì thế, ban đầu ta có ý định chọn hướng Tây Nam Quảng Trị làm hướng tiến công chủ yếu, vì địch ở đây tương đối yếu và sơ hở, nhưng ở hướng này ta lại khó có thể triển khai được binh khí kỹ thuật để đánh lớn. Nghiên cứu, đánh giá kỹ tình hình địch, ta và địa bàn, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định đánh vào chỗ tương đối mạnh của địch, nhưng là nơi địch không ngờ tới, bởi chúng vẫn cho rằng ta chưa đủ khả năng đánh lớn ở Quảng Trị. Đây là quyết định đúng và rất táo bạo của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, nhằm vừa tạo bất ngờ cho địch, vừa chứng tỏ trình độ, khả năng tác chiến của ta có thể đánh bại quân ngụy Sài Gòn trong chiến tranh. Để thực hiện quyết tâm đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương: sử dụng pháo binh chiến dịch đánh mật tập làm “mềm” chiến trường, lực lượng pháo cao xạ sẵn sàng bắn máy bay, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng chi viện của không quân địch; kết hợp sức cơ động, đột kích của xe tăng, bộ binh lần lượt tiêu diệt các cứ điểm từ ngoài vào trong, tạo bàn đạp phát triển vào sâu tung thâm phòng ngự của địch. Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị đánh chiếm từng mục tiêu và thực hành hiệp đồng chặt chẽ giữa các cánh quân, các hướng tiến công. Đồng thời, trên từng hướng, mũi cũng đã thống nhất mọi hành động giữa bộ binh với các lực lượng binh chủng: pháo binh, phòng không, tăng - thiết giáp, v.v. Như vậy, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta tổ chức chiến dịch tiến công quy mô lớn, lấy sức mạnh hiệp đồng binh chủng đánh vào khu vực phòng ngự mạnh nhất của địch, khiến chúng bất ngờ và choáng váng. Điều đáng nói là, nghệ thuật điều hành, phối hợp các lực lượng trên các tuyến, hướng tiến công, nhất là giữa bộ binh, pháo binh và xe tăng luôn nhịp nhàng, ăn khớp, tạo sức mạnh to lớn, phá tan các ổ đề kháng kiên cố của địch. Đây là thực tiễn rất quan trọng để ta tiếp tục phát triển, vận dụng vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Diễn biến Chiến dịch cho thấy, ngay khi mở màn, lực lượng pháo binh đã bắn gần 8 nghìn viên đạn, khống chế hoàn toàn 24 căn cứ, trong đó có 13 cụm pháo binh địch, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều công trình quân sự, trung tâm thông tin địch. Chớp thời cơ, bộ binh cùng xe tăng trên bốn hướng đồng loạt tiến công, đánh chiếm các mục tiêu: Động Toàn, Ba Hồ, Điểm cao 544, v.v. Đặc biệt, Trung đoàn Đặc công 126 Hải quân, với cách đánh bí mật của lực lượng tinh nhuệ đã nhanh chóng tiến công tiêu diệt toàn bộ địch trên sông và Duyên đoàn 11 tại cảng Cửa Việt, khống chế hoàn toàn tuyến đường sông ở phía Đông. Với việc vận dụng nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng chặt chẽ, sáng tạo, nên chỉ sau 05 ngày tiến công, Chiến dịch đã phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch, phá tan hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra, giải phóng hai huyện Gio Linh và Cam Lộ, buộc chính quyền Sài Gòn phải tăng viện khẩn cấp cho mặt trận Quảng Trị và hô hào tử thủ, bảo vệ những khu vực còn lại.
3. Sử dụng sức mạnh hiệp đồng binh chủng một cách linh hoạt, sáng tạo, đánh bại thủ đoạn phòng ngự mới của địch. Mất tuyến phòng ngự vòng ngoài và bị thiệt hại nặng, địch vội vàng tăng cường lực lượng, điều chỉnh lại thế bố trí phòng ngự thành ba cụm quân mạnh ở Đông Hà, Ái Tử và La Vang (Quảng Trị) để ngăn chặn bước tiến của quân ta. Theo đó, chúng tổ chức các cụm phòng ngự cấp tiểu đoàn, trung đoàn, được liên kết chặt chẽ với nhau, có lực lượng xe tăng, xe bọc thép mạnh làm nòng cốt, dưới sự chi viện của pháo hạm, không quân, tạo thành khu vực “co cụm cứng”, kết hợp với di động linh hoạt trên các kháng tuyến chính và phụ để đối phó với ta. Đây là thủ đoạn mới của chúng. Trong khi, ta chưa có kinh nghiệm tiến công vào các cụm linh hoạt này nên gặp nhiều khó khăn. Để tìm ra cách đánh phù hợp, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tổ chức bước hoạt động tác chiến đệm, trên cơ sở đó, tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc, chặt chẽ, tìm ra phương thức tác chiến mới. Theo đó, ta không thể dùng lối đánh ồ ạt, chớp nhoáng để đập tan các cụm cứ điểm “di động” của địch bằng một đòn, mà phải thực hiện bằng nhiều đòn, liên tục, nhằm đập vỡ từng đoạn, tiến tới thực hiện đòn đánh quyết định, tiêu diệt lớn lực lượng địch. Thực hiện phương pháp tác chiến mới, Chiến dịch tập trung phát huy sức mạnh của binh khí, kỹ thuật hiện đại, tiến hành đột phá liên tục, tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép, làm vỡ “vỏ cứng” phòng ngự, vừa bắn phá những mục tiêu chủ yếu trên toàn tuyến, vừa tập trung diệt từng điểm, cụm; kiên quyết bao vây chia cắt chiến dịch, đánh vỡ từng mảng, tiến tới tiêu diệt toàn bộ địch co cụm. Thực tế đợt 2 Chiến dịch đã chứng minh, dưới sự chi viện mạnh của hỏa lực, các đơn vị thực hành tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép, làm mất chỗ dựa của bộ binh địch, từ đó đánh chiếm từng mục tiêu lần lượt từ ngoài vào trong, theo cách “bóc vỏ”, tạo điều kiện cho bộ binh, xe tăng, thiết giáp của ta nhanh chóng thọc sâu, đánh chiếm các mục tiêu bên trong, trên cả ba cụm phòng ngự chủ yếu của địch, làm chủ trận địa. Điển hình là, trên hướng tiến công chủ yếu của Chiến dịch đánh vào cụm Đông Hà, Sư đoàn 308, được sự chi viện của pháo binh, xe tăng đã nhanh chóng đánh chiếm các điểm cao 30, 28,… ở ngoài, cô lập hoàn toàn Đông Hà; đồng thời, tổ chức Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn Đặc công 33 tạo thành mũi thọc sâu đánh chiếm sân bay Đông Hà, dồn địch vào thế hỗn loạn, buộc chúng phải bỏ cả vũ khí, trang bị, kỹ thuật hạng nặng rút chạy, ta hoàn toàn làm chủ Đông Hà. Ở đây, thành công của nghệ thuật tác chiến được thể hiện khi kết hợp chặt chẽ giữa đột phá liên tục (đánh đến đâu, bám chắc đến đó) với thọc sâu, chia cắt, phá tan từng mảng phòng ngự, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, tạo cục diện mới cho cuộc chiến tranh.
Chiến dịch tiến công Trị - Thiên năm 1972 giành thắng lợi lớn, có ý nghĩa chiến lược, tác động tích cực đến Cuộc tiến công chiến lược 1972 trên toàn chiến trường miền Nam. Thắng lợi của Chiến dịch đã thể hiện bước phát triển mới về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng. Đây là bài học quý, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, ThS. PHẠM ĐỨC TRƯỜNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam _________________________
1 - Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: 03 sư đoàn và 02 trung đoàn bộ binh; 09 trung đoàn pháo binh; 08 trung đoàn pháo cao xạ; 02 tiểu đoàn tên lửa; 02 trung đoàn tăng thiết giáp; 02 trung đoàn công binh; 16 tiểu đoàn đặc công.
Nghệ thuật tác chiến,chiến dịch tiến công,Trị Thiên năm 1972
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh 22/01/2024
Nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch giải phóng Lai Châu năm 1953 14/12/2023
Nghệ thuật sử dụng pháo binh trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 13/11/2023
Nghệ thuật chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 19/10/2023