Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 07/05/2018, 09:02 (GMT+7)
Nghệ thuật sử dụng lực lượng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Bước vào Đông - Xuân 1953 - 1954, thực hiện Kế hoạch Na-va, thực dân Pháp mở hàng loạt cuộc hành binh hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta, giành quyền chủ động trên chiến trường. Đặc biệt, với cuộc hành quân Hải Âu đánh vào Tây Nam Ninh Bình, quân Pháp cho là “đã giành thắng lợi hiệp đầu” trong cuộc đọ sức với chủ lực Việt Minh. Bộ Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương còn lạc quan cho rằng, quân Pháp đã “loại trừ” cơ bản Đại đoàn 320 ra ngoài vòng chiến, giam chân Đại đoàn 304 ở Thanh Hóa,… và trì hoãn được cuộc tiến công Thu - Đông của Việt Minh vào đồng bằng Bắc Bộ, v.v. Tuy nhiên, ngay sau khi phát hiện lực lượng chủ lực của ta di chuyển lên hướng Tây Bắc, Thượng Lào, Na-va mới nhận ra rằng, chính ông ta mới bị nhầm khi phán đoán hướng tiến công chính của Việt Minh trong chiến cuộc 1953 - 1954 là đồng bằng Bắc Bộ chứ không phải là Tây Bắc. Lo sợ bị uy hiếp và mất quyền kiểm soát khu vực quan trọng này, Na-va vội vã cho quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, nhằm xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh - một pháo đài khổng lồ không thể công phá và là nơi thu hút, giam chân, tiêu diệt bộ đội chủ lực Việt Minh. Để đạt được mục đích đó, chúng huy động lực lượng lớn, gồm: 12 tiểu đoàn, 07 đại đội bộ binh, 02 tiểu đoàn lựu pháo 105 mm, 02 tiểu đoàn súng cối 120 mm, 01 đại đội trọng pháo 155 mm, 01 tiểu đoàn công binh, 01 đại đội xe tăng, 01 đại đội xe vận tải và 01 phi đội máy bay, quân số khoảng 11.800, bố trí thành 03 phân khu, 08 trung tâm đề kháng và trang bị nhiều vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Bộ đội ta kéo pháo vào chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Về phía ta, trên cơ sở nắm chắc tình hình, đánh giá đúng, đầy đủ về địch, ta, địa hình, thời tiết, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và huy động một lực lượng lớn quân chủ lực vào Chiến dịch1. Quán triệt nguyên tắc “đánh chắc thắng” của Trung ương Đảng, Bác Hồ và căn cứ vào thực tế chiến trường, thực lực của hai bên, Bộ Chỉ huy Chiến dịch chọn phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là lựa chọn hết sức khó khăn, nhưng vô cùng đúng đắn, khoa học của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch và cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Để thực hiện kế hoạch đó, cùng với triển khai hàng loạt biện pháp tác chiến, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã chủ động tổ chức, sử dụng lực lượng một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn, đợt Chiến dịch và diễn biến chiến trường để tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch. Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, trải qua 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, ta diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, thu vũ khí, trang bị của chúng. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng, được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau.

1. Tập trung binh lực, hỏa lực giải quyết dứt điểm từng cụm mục tiêu vòng ngoài. Sau khi tăng cường lực lượng ở Điện Biên Phủ, địch ra sức củng cố hệ thống công sự, trận địa, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, với nhiều phân khu, trung tâm đề kháng dày đặc từ ngoài vào trong. Để bảo đảm chắc thắng trong từng đợt, từng trận đánh, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã tập trung ưu thế tuyệt đối về lực lượng so với từng trung tâm đề kháng của địch. Theo đó, trong Đợt 1 (từ 13-3 đến 17-3-1954), ta sử dụng 05 trung đoàn tiến công để tiêu diệt 03 tiểu đoàn chiếm đóng và đề phòng 02 tiểu đoàn cơ động của địch. Trong trận tiến công mở màn đánh chiếm trung tâm đề kháng Him Lam, Bộ Chỉ huy Chiến dịch xác định đây là cụm cứ điểm mạnh; thắng lợi của trận mở đầu sẽ tạo thế, tạo đà cho Chiến dịch phát triển. Vì thế, Bộ Chỉ huy Chiến dịch tập trung lực lượng hơn hẳn địch, cụ thể: về bộ binh ta gấp 6 lần địch; pháo, súng cối trực tiếp chi viện đánh các mục tiêu hơn 10 lần (nếu tính cả nhiệm vụ chế áp các mục tiêu khác ta cũng nhiều hơn địch 2,6 lần). Nhằm chi viện, hỗ trợ cho các đơn vị bộ binh, trong đợt này, Bộ Chỉ huy Chiến dịch huy động 234 khẩu pháo, cối các loại; bố trí thành các cụm trên các dẫy núi bao quanh lòng chảo Điện Biên. Trong đợt tập kích hỏa lực đầu tiên mang tên “Sấm rền”, ta sử dụng 11 đại đội pháo, súng cối (chiếm khoảng 70% tổng số pháo binh tham gia Chiến dịch) tập trung hỏa lực vào các mục tiêu: Him Lam, phân khu Trung tâm, sân bay, các trận địa pháo và kho tàng của địch. Điều đáng nói là, lực lượng pháo binh của ta đã bí mật triển khai trên các triền núi, bất ngờ giáng đòn sấm sét từ trên cao xuống các mục tiêu xác định; đồng thời, chế áp mạnh các trận địa pháo binh, súng cối của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh tiến công. Dưới sự chi viện kịp thời, có hiệu quả của hỏa lực pháo binh, 02 trung đoàn bộ binh ta tiến công mãnh liệt, tiêu diệt trung tâm đề kháng Độc Lập, xóa sổ 01 tiểu đoàn Bắc Phi, diệt 483 tên, bắt 200 tên, đánh bại phản kích của địch và chiếm giữ vị trí này.

Nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng lực lượng ở đây là, ta không chỉ đánh giá sát đúng tình hình địch để tập trung lực lượng đảm bảo đủ sức tiêu diệt địch nhanh gọn, khiến chúng hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp trở tay, mà còn là nghệ thuật phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa bộ binh với pháo binh, xung lực với hỏa lực và giữa hoạt động đánh chiếm trận địa với đánh bại địch phản kích. Nhờ đó, chúng ta đã tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi, mở toang cánh cửa “vòng ngoài” để đưa lực lượng vào tiến công khu vực trung tâm tập đoàn cứ điểm địch. Tuy nhiên, bước vào Đợt 2 Chiến dịch (từ 30-3 đến 30-4-1954), nguyên tắc tập trung lực lượng vẫn được các đơn vị vận dụng, nhưng chưa triệt để. Trên thực tế, mặc dù so sánh tương quan lực lượng ta - địch, về bộ binh ta gấp 3,6 lần, về pháo binh gấp 8,4 lần, nhưng trong sử dụng, một số đơn vị mới chỉ tập trung hỏa khí mà chưa tập trung được hỏa lực, nên chưa đủ sức áp đảo. Đây chính là lý do để Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định tạm dừng Đợt 2, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tổ chức một số hoạt động bổ sung, củng cố lại lực lượng, tạo thế và lực mới, chuẩn bị thật kỹ để đánh các trận tiếp theo.

2. Sử dụng lực lượng chốt điểm, vây lấn hợp lý. Sau thắng lợi hạn chế của những ngày đầu Đợt 2, Bộ Chỉ huy Chiến dịch chủ trương tổ chức các lực lượng nhỏ, hoạt động rộng rãi, thực hiện đánh vây lấn, chia cắt, cô lập từng cứ điểm, cụm cứ điểm, xiết chặt vòng vây vào khu trung tâm. Để thực hiện tốt chủ trương này, Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo các đơn vị trên từng hướng tiến công tổ chức lại lực lượng; tích cực xây dựng trận địa bao vây và trận địa tiến công, kết hợp chặt chẽ giữa vây lấn và đột phá trận địa phòng ngự địch, tạo cơ sở cho các lực lượng vừa thực hành vây lấn, vừa phòng ngự ngăn chặn, đánh bại phản kích của địch, khi có thời cơ tiến hành đột phá, lần lượt đánh chiếm từng cứ điểm, ổ đề kháng, từng bước thu hẹp dần phạm vi trận địa phòng ngự của chúng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tổ chức đào hàng trăm ki-lô-mét giao thông hào chiến đấu, cơ động, sinh hoạt cùng hàng nghìn công sự và ụ súng các loại, tạo thế liên kết chặt chẽ với nhau, có thể cơ động lực lượng và mang vác một số vũ khí, thậm chí cả pháo hạng nhẹ. Với tinh thần tích cực, vượt mọi khó khăn, gian khổ, nên chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống giao thông hào, chiến hào ngày càng vươn sâu vào phía cứ điểm, cụm cứ điểm, tạo thành sợi dây “thòng lọng” mỗi ngày lại xiết chặt thêm yết hầu quân địch. Dựa vào thế trận đó, Chiến dịch tổ chức lực lượng đánh địch rộng khắp, thực hiện triệt để việc vây, lấn, tấn diệt,… vừa khắc phục được hỏa lực địch, vừa phá hủy từng ụ đề kháng, tiêu diệt thêm các vị trí địch, làm cho sinh lực của chúng luôn hao mòn, tinh thần căng thẳng.

Với cách tổ chức và sử dụng lực lượng linh hoạt, sáng tạo, nên đến giữa trung tuần tháng 4, quân ta từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường. Theo đó, sân bay Mường Thanh bị chiến hào ta cắt đứt, không còn là nơi lên xuống của máy bay địch; pháo binh ta từ Đồi E dồn đập nã đạn diệt gọn các khẩu đội pháo ở trung tâm Mường Thanh; pháo cao xạ của ta được đưa xuống cánh đồng Mường Thanh khống chế vùng trời này, buộc địch phải thả dù ở độ cao lớn, làm cho hơn nửa số dù tiếp tế rơi vào trận địa của ta, trở thành nguồn cung cấp đạn pháo và hậu cần cho các đơn vị Chiến dịch. Thực tế chứng minh, việc sử dụng lực lượng hợp lý, tổ chức vây hãm, đẩy mạnh đánh lấn, tiêu hao rộng khắp, triệt đường tiếp tế của địch ở Điện Biên Phủ, đã đẩy chúng vào thế ngày càng khốn quẫn. Đến cuối tháng 4-1954, mặc dù quân Pháp ở Điện Biên Phủ còn hơn 01 vạn tên, nhưng chỉ có 42% quân số còn đủ sức chiến đấu, tạo thuận lợi cho bước tiến công tiếp theo của Chiến dịch.

3. Tập trung lực lượng tổng công kích giành thắng lợi quyết định. Trước những dấu hiệu phát triển đột biến của chiến trường, thời cơ tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã xuất hiện, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định huy động mọi lực lượng, thực hiện tổng công kích giành thắng lợi. Từ 14 giờ 00 ngày 07-5-1954, trên các hướng, mũi, toàn bộ lực lượng của ta đang từ thế vây lấn được lệnh nhanh chóng chuyển sang tổng công kích bằng sức mạnh áp đảo quân thù. Trên các hướng, mũi, các lực lượng tiến công hiệp đồng chặt chẽ với nhau, tạo sức mạnh tổng lực, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu và hẹn giờ hợp điểm tại trung tâm Mường Thanh. Nét sáng tạo trong sử dụng lực lượng Chiến dịch còn được thể hiện, khi thời cơ đến, Bộ Chỉ huy Chiến dịch còn táo bạo sử dụng Trung đoàn 209 (thuộc Đại đoàn 312) vượt cầu Mường Thanh, thọc sâu vào Sở chỉ huy địch, bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng toàn bộ cơ quan tham mưu của tập đoàn cứ điểm, buộc toàn bộ quân địch trên chiến trường Điện Biên Phủ phải đầu hàng vô điều kiện. Đây còn là quyết định sáng suốt nhằm phá tan kế hoạch “Chim biển” hòng tổ chức cho 2.000 tên tháo chạy sang Lào của địch. Cùng với chiến dịch Điện Biên Phủ, các lực lượng: bộ binh, pháo binh, phòng không, hậu cần ở các mặt trận phía sau, thậm chí cả lực lượng ở vùng địch chiếm đóng đã phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực tiến công địch ở khắp nơi, tạo thế kiềm chế, cô lập, không cho chúng hỗ trợ, tăng cường binh lực, hỏa lực cho quân đồn trú ở Điện Biên Phủ.

Với cách tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát huy cao khả năng của các đơn vị tham gia chiến đấu, tạo nên yếu tố quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược, đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi của Chiến dịch để lại nhiều bài học quý; trong đó, có nghệ thuật sử dụng lực lượng, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. LÊ THANH BÀI, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

______________

1 - Đại đoàn 308, 312, 316 (gồm 2 trung đoàn 98, 174); Đại đoàn 304 (Trung đoàn 57); Đại đoàn Công pháo 351 (Trung đoàn 45 lựu pháo; Trung đoàn 675 sơn pháo) và Trung đoàn 367 pháo cao xạ.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.